Cách một hồi thầy ấy mở mắt ra và nói rằng: “Xin thầy ghé tai lại mà nghe.
Thầy ôi! Tôi là người Bà Rịa, quê quán tôi ở tại Đất Đỏ. Ông già tôi là người có đạo dòng tử tế, vốn là người Quảng Bình, mà vô ở Đất Đỏ đã lâu; còn bà già tôi là người Gia Định. Tôi sanh ra là năm 1847 nhằm năm Tự Đức tức vị. Tôi là con thứ năm mà khi ấy tôi còn có một mình, vì mấy người trước đã chết khi còn nhỏ?
Khi ấy đạo ta phải chịu nhiều đều khốn cực lắm, vì chỉ vua dạy bắt những kẻ có đạo cho nhặt, cho nên kẻ ngoại kiếm thế mà làm hại cho những kẻ ấy luôn.
Vậy khi tôi đã nên ba tuổi thì tôi đã biết chịu cực khổ rồi. Khi ấy bà già tôi được bốn mươi tuổi rồi mắc dịch tả năm 1850 mà chết để tôi lại với ông già tôi một mình, khi ấy ông già tôi hơn bốn mươi sáu tuổi, mà bà con không còn ai cả, cho nên khi cha tôi đi đâu thì tôi cũng đi theo luôn: như khi cha tôi đến nhà nào có cha làm lễ, thì tôi cũng đi theo. Khi kẻ ngoại hay được, có kẻ đạo hiệp nhau lại, thì báo với quan đến bắt. Nên ai nấy đều kiếm phương mà ẩn mình, cho khỏi chúng nó bắt: nên nhiều lần cha tôi phải đem tôi lên rừng mà trốn cho đến ba ngày mới về được, thì trong ba ngày ấy phải ăn những trái cây và rễ cây cho khỏi chết đói mà thôi.
Từ khi tôi mới sanh ra cho đến hai mươi tuổi, thì tôi thấy những sự bắt bớ kẻ có đạo luôn. Lại ông già tôi là trùm họ nên lại càng phải sợ hơn nữa. Ngày chúa nhựt mà muốn xem lễ cho được, thì phải chịu nhiều đều rất cam khổ là quá chừng. Ông cha ở nơi Đất Đỏ thì phải trốn lánh luôn. Khi thì làm lễ nhà này khi làm lễ nhà kia; có khi kẻ ngoại hay đặng thì lại phải đi xa cách vài ba làng; cho nên bổn đạo phải chịu muôn vàn sự khốn khó mới tìm đặng cha sở mình.”
Tới đây thầy ấy nín một hồi mà nghĩ cùng nhớ các sự cho đặng tiếp theo truyện mới nói.
Tôi thấy thầy ấy gác tay trên trán cùng nhắm mắt lại dường như muốn đọc truyện mình ở trong trí khôn, như một người kia đọc trong một cuốn sách đang khi rồi sẽ thuật truyện lại, cho nên tôi làm thinh.