Chương 04

Dân hai huyện Thạch và Cẩm được yên ổn trong khoảng ngót mười năm, kể từ ngày họ Đèo bị tuyệt diệt. Thần hổ biệt hai xứ ấy, không biết đi về phương nào. Nhưng bỗng một ngày kia – không hiểu vì sao, có lẽ tại lắm người nói xấu hay nguyền rủa nó, nó đường đột trở về, bắt của nhà cai tổng cựu một con lợn, rồi ngày đêm cứ quanh quẩn hoặc nằm phục mé ngoài nhà, dáng chừng muốn rình mò một vật gì ở trong nhà ấy. Ông cai tổng thấy thế lấy làm sợ hãi quá, nhưng cố giữ vẻ khẳng khái điềm đạm, không lộ cho ai biết rằng ông lo ngại, ưu phiền. Ông cho gọi con nuôi là Đèo Thắng Hổ bắt nó phải chui vào trốn tránh trong một cái hầm, trốn tạm ít lâu để khỏi bị Hổ thần hãm hại. Thắng Hổ là cháu nội ông Bỉnh, con thứ hai Đèo Thắng Mãnh, em Đèo Thắng Long. Trước khi bỏ nhà trốn lên Cẩm Thủy, ông Bỉnh có đem cháu phó thác cho bạn chí thiết của ông là cai tổng cựu. Thấm thoát mười mấy năm trời, Thắng Hổ đã hai mươi hai tuổi.

Ngờ đâu mối thù của hổ lại dai dẳng làm vậy mà loài quái vật kia nhớ mãi không quên! Ai dundu3i cho nó dò biết được tông tích họ Đèo để theo dõi tới kỳ cùng, cái đó là một sự bí hiểm sau này ta sẽ giải. Hiện thời ta chỉ biết rằng Thần hổ sau khoảng mười năm, biết được chỗ ở của Thắng Hổ, rồi trở về huyện Thạch Thành rình bắt kẻ thù. Ông cai tổng cựu không biết làm thế nào cho con nuôi thoát nạn, không biết làm thế nào để giữ cho họ Đèo tránh khỏi vạ diệt môn. Ông luống cuống suy nghĩ ba bốn ngày đêm, mãi sau cùng ông mới tìm ra được một phương mà ông cho là tuyệt diệu. Ông bèn sai đặt một bàn thờ rất nguy nga long trọng ở trước ngõ, trên hương án bày bài vị của Thần hổ và các đồ lễ phân minh. Trên bài vị có hai chiếc lọng xanh, xung quanh hương án thì có các sinh vật buộc vào cột hay trói bỏ ngổn ngang trên mặt đất. Thôi đủ cả trâu, dê, bò, lợn, lại kèm theo một con hươu sao non hơ hờ và một con nai con vừa mới lớn lên. Tối đến, ông sai thắp đèn đuộc sáng chưng, sai mở cờ gióng trống chiêng inh ỏi, rồi ông mặc áo thụng xanh, thành kính ra lễ một tuần. Khi hành lễ, ông khấn khứa rất lâu, đại khái nói rằng: “”Thắng Hộ (ông kiêng tên Chúa sơn lâm) là giọt máu rớt của họ Đèo, nó là một đứa trẻ vô tội, không can dự gì đến việc làm của ông cha nó; vậy xin Ngài sinh phúc tha số mệnh cho nó. Gọi là lòng thành lễ bạc có chút quà mọn, xin Ngài nhận cho và để nó được sống sót, ơn ấy sẽ ghi sâu trong đáy dạ, chẳng bao giờ dám quên … vân vân …” Ông cai tổng cựu khấn xong lại cho đốt một lá sớ, rồi cả nhà ông cùng lần lượt ra quỳ lạy trước bàn thờ. Lễ bái đâu đấy, chiêng trống bèn nổi lên một hồi, rồi thiên hạ kéo nhau vào trong nhà, để lễ vật lại cho Ngài đến nhận.

Làm tròn phận sự, ông cai tổng cựu tưởng như thế sẽ được vừa lòng Thần hổ và chắc mười mươi ngài sẽ tha chết cho đứa con nuôi vô tội của mình. Vì thế nên cúng vái xong xuôi, ông yên lòng đi nghỉ, sau khi dặn người nhà đóng cửa trong, cửa ngõ, cho kỹ càng. Độ quá canh một, người nhà ông cai tổng cựu đều yên nghỉ cả. Trên chốn đồng vắng vẻ, quang cảnh đêm khuya rất âm u, tĩnh mịch, khiến người xa lạ đến ngụ không tài nào không kính sợ rùng mình. Một vẻ im lặng nặng nề, đầy những âm khí, đầy những bóng ma thiêng thú dữ chập chùng, tựa hồ bao la khắp vũ trụ. Thỉnh thoảng tiếng chim từ quy buồn bã, lại xé tan màn lặng lẽ của canh trường. Trong một đêm lạnh lẽo, hãi hùng như những đêm ấy, người phu Mường ngồi trên chòi, cạnh nhà ông cai tổng cựu, được thấy một sự làm cho anh ta mỗi khi kể đến, lại thấy tóc muốn dựng đứng lên và lạnh buốt cả xương sườn.

Trước hết, khi các đèn đuốc trên bàn thờ Thần hổ lần lượt tàn cả, khi bóng tối đến vây bọc lấy bàn thờ ấy, anh ta thấy, từ đường xa, chiếu thẳng lại nhà ông cai tổng cựu một tia lửa sáng, khi đỏ hồng, khi đỏ dịu, ẩn hiện trong đám lá cây rậm rạp, đen xì. Tia lửa ấy dần dầu tiến lại. Khi gần đến bàn thờ, anh ta nhận biết là một con mắt hổ, con mắt của Thần hổ chột. Thấp thoáng trong bóng tối, một thân hình dài đi dọc đi ngang. Làm quen với đêm mù mịt đã lâu ngày. Anh phu Mường nhận rõ được hết những cử động của hổ. Anh ta lấy làm lạ lúc thấy loài mãnh thú kia tiến đến mé bàn thờ, hất cái bài vị xuống đất, rồi quay đi. Hắn không hề đụng đến những lễ vật bày xung quanh hương án. Hắn đi vòng hàng rào, ra phía sau nhà, tới một chỗ bụi thấp, nhảy thẳng vào sân trong, vụt như một cái bóng lẹ làng, mềm dẻo. Một tiếng huỵch. Phút chốc hổ đã đứng thẳng dậy, rồi lại phục xuống mé trước nhà ông cai tổng, điềm nhiên ngồi đó. Từ lúc ấy nó ngồi yên không nhúc nhích, con mắt đăm đăm trông thẳng vào phía nhà hầm. Con mắt ấy, lạ thay bỗng sáng rực lên như hòn ngọc quí, làm cho kẻ đứng cách xa độ chục thước có thể nhờ tia sáng trong con mắt ấy chiếu ra mà nhận thấy sự vật bề ngoài. Thần hổ giương mắt nhìn vào nhà không chớp, chăm chăm chú chú tỏa ra những ánh lửa đỏ ngầu, sáng chói, trong lúc đêm sương mù mịt, trông rất ghê sợ, lạnh lùng. Hổ ngồi như thế không biết trong bao lâu … Nó không hề cựa quậy, không hề nhìn đi chỗ khác. Nếu con mắt nó không tia ra hào quang chói lọi, tỏ rằng nó vẫn còn sống, thì anh phu Mường phải ngờ rằng nó hóa ra tượng đá mất rồi. vẻ im lặng của nó càng khiến anh ta thêm sợ hãi.

Đến khi trống điểm canh ba vừa dứt, anh phu Mường lại thấy một sự nữa làm cho anh ta bị một phen kinh khủng đến cực điểm. Người nhà ông cai tổng đương ngủ yên lặng cả thì bỗng đâu cánh cửa nhà dưới mở toang ra, một cái bóng vòng mé ngoài nhà trên, thất thểu chạy lên sân trước. Cái bóng chạy cứ giơ hai tay lên; khi chạy đến gần con mắt sáng thì như hốt hoảng, luống cuống, quì gục xuống. Lúc ấy, con mắt hổ bỗng thấy mờ đi, không sáng rực lên nữa. Hổ từ từ đứng dậy, giẫm lên cái bóng quì rạp trên mặt đất. Một tiếng hét tha thiết, đau đớn, một tiếng kêu thê thảm, bi ai, xé quãng không trung phẳng lặng. Đáp lại tiếng kêu ấy, hổ gầm lên một tiếng vang trời …

Bấy giờ mới bắt đầu một cuộc diễn trò hiếm có. Con mãnh thú cắn cái bóng đen kia tha đi vài bước, rồi nhẩy chồm lên, hất cái bóng ấy lên trên không. Sáng sao lờ mờ, anh phu Mường nhận rõ cái bóng kia là thân hình một người đàn ông to lớn. Hổ vờn xác người hồi lâu, tung xác ấy lên rồi lại đỡ, tựa như một con sư tử hí cầu. Chơi chán rồi, hổ bỏ xác lại, nhảy qua bờ rào, đi mất.

Anh phu Mường lấy làm lạ, không hiểu vì sao kẻ thiệt thân kia lại tự mình đến hiến da thịt cho hổ cấu xé. Anh cò đương hoảng hốt sợ hãi, sau khi được mục kích một tấn tuồng gớm ghê vừa mới diễn, anh còn đương đờ mắt há miệng, chân tay cứng đờ không cựa được, cũng không kêu được, thì, ngoảnh đi ngoảnh lại, Thần hổ đã biến từ lúc nào rồi. Hồi lâu anh mới định thần, bèn đánh bạo xuống chòi, vào đánh thức cả nhà ông cai tổng dậy, và lấy đèn đuốc ra soi xem người bị hổ cắn chết là ai.

Thiên hạ đều lấy làm kinh ngạc đến tột cùng khi nhận rõ người ấy là Đèo Thắng Hổ. Cũng như mọi kẻ chết dưới vuốt Thần hổ xám, đứa con nuôi vô phúc của ông cai tổng đeo cái dấu hiệu của Ngài: anh ta bị móc mắt bên trái và cắn mất hạ bộ. Lòng đau như cắt, ông cai tổng cúi xuống xác con nuôi, khóc một hồi thảm thiết, tưởng chừng Thắng Hổ là một giọt máu rơi của ông. Thực tình ông vừa thương Thắng Hổ, vừa đau xót cho nòi giống bạn chí thân của ông nay đã khuất, nhà thiện xạ Đèo Văn Bỉnh. Thắng Hổ đeo một cái tên cường tráng; ông cha anh ta những mong sau này anh sẽ thắng nổi loài ác thú để trả thù cho gia tộc; ai ngờ, trái lại, anh ta đã không thắng nổi hổ, lại bị hổ vật cho tan thịt nát xương. Đau đớn thay! Ông cai tổng bùi ngùi cho đem xác Thắng Hổ vào nhà, khâm liệm tử tế, rồi ngày hôm sau mời thầy Ma về làm lễ thu hồn và bỏ xác vào một cây gỗ đục rỗng, dựng ở một góc nhà, Thắng Hổ phút đã nhanh ra ma xó.

Vì cớ gì anh ta tự đem mình hiến cho Thần hổ? Cái đó là một sự lạ nữa. Sau này ta sẽ hiểu rõ anh ta bị lạc mất linh hồn, bị một thứ ma rừng ám ảnh, một thứ ma mà dân Mường thường gọi là ”ma trành”. Câu chuyện ”ma trành” rồi đây các bạn sẽ dần dần được biết. Bây giờ hãy để ý đến giọt máu cuối cùng của dòng máu họ Đèo; Đèo Lầm Khẳng.

Đèo Lầm Khẳng là con trai cà Đèo Lầm Phá. Theo lời tổ phụ anh ta nói, thì Khẳng là đứa trẻ thông minh lanh lợi nhất trong nhà, khi ông Bỉnh đem Khẳng phó thác cho quan huyện Thạch, Khẳng mới lên mười một. Thấm thoát tới bây giờ, Khẳng vừa đúng hai mươi mốt tuổi. Quả như lời ông Bỉnh đã bảo trước, Khẳng càng lớn càng tinh khôn: láu lỉnh vô cùng. Ông huyện thương chàng như con, cho cùng học với các cậu cong tử. Khẳng học giỏi và mau tấn tới hơn con quan nhiều, quan huyện vì thế, lại càng quí như hòn ngọc. Trong lời ký thác của ông bạn thân thiết đã bất hạnh trong một trường hợp đau đớn, thảm thương, quan huyện hết sức chăm nom săn sóc đến Khẳng. Quan không dám cho Khẳng đi lạc ra ngoài nửa bước; dẫu rằng Khẳng đã lớn tuổi, không bao giờ chàng được đi ra khỏi nhà một phút nào. Khẳng cứ phải lẩn quất trong thư viện hoặc trong tư thất, cùng lắm là được ra đến ngoài vườn mé trước công đường; hễ hơi trái phép một chút ắt bị quan huyện quở mắng cho thậm tệ. Quan lại phó cho hai người lính có tuổi, đứng đắn, vừa khỏa mạnh, vừa có kinh nghiệm, ngày đêm phải đi kèm bên mình Khẳng để trông nom và che chở cho chàng. Tuy đã hai mươi mốt tuổi đầu, đi đâu một tí Khẳng cũng có hai bõ đi theo; tối đến thì chảng nằm giữa, hai bõ nằm hai bên canh gác. Khẳng thực như một thằng tù bị giam lỏng, nhưng một thằng tù được nâng niu chìu chuộng, quí bái vô cùng. Quan huyện coi Khẳng và ya6u Khẳng có lẽ hơn cả các con ruột của ngài; ai cũng mừng cho Khẳng được sa vào một cửa sung sướng.

Thấm thoát mười năm, từ ngày ông Bỉnh đem cháu phó thác cho bạn bè để di cư sang Cẩm Thủy.

Từ ngày ấy, sau khi trị nhậm tại Thạch Thành năm năm, quan huyện đổi sang Cẩm Thủy, Quảng Xương, rồi quan được thăng hàm tri phủ, nhưng vì đã già nên ngài phải về hưu. Quan phủ vốn người Kim Sơn; nhân khi ở huyện Thạch, ngài có mua nhiều ruộng vườn và lập một trại lớn ở vùng đó, nên khi về trí sĩ, ngài đem cả gia đình trở lại huyện Thạch Thành. Về tới đất Thạch Thành, ngài bí mật dặn hai tên bõ già phải săn sóc trông nom cậu Khẳng cẩn thận hơn xưa, đừng sao nhãng chút nào ma2co1 sự nguy hiểm xảy ra, thì không thể gỡ được nữa. Hai bõ già có biết chuyện họ Đèo, nên hết sức che chở cho giọt máu rớt cuối cùng của dòng họ ấy. Muốn tránh sự lộ tông tích của Khẳng, quan phủ bắt chàng cải họ là họ Trịnh. Từ thuở mười một tuổi Khẳng vẫn mang họ Trịnh, hóa nên lúc lớn lên, vẫn tưởng mình họ Trịnh. Chuyện gia đình của Khẳng, quan huyện cũng giấu kín không nói, chỉ nói với Khẳng là ông nội chàng đem chàng bán cho quan để làm con nuôi, và ông nội chàng nay đã thác. Lầm Khẳng được rõ có thế, chàng lấy làm lạ, không hiểu vì sao dưỡng phụ lại bắt chàng cấm cung mãi thế này. Nhưng mà chàng cũng không bị cấm cung quá hai mươi mốt tuổi đâu! Một việc hiển nhiên sắp sửa bắt quan phủ phải kể rõ lai lịch họ Đèo cho chàng được biết. Việc hiển nhiên ấy, tức là sự Thần hổ xám rình nhà ông cai tổng cựu. Ông cai tổng và quan phủ đã có lời hẹn nhau từ trước: khi nào có sự biến động, thì phải báo nhau ngay, và khi báo xong, một bên phải hết sức úp mở và trùng trình rất lâu để giúp bên kia có thì giờ đánh tháo. Vì thế, khi Thần hổ đến rình nhà ông, ông cai tổng vội vã cho người sang phi báo để quan phủ biết. Rồi một mặt đêm thì bắt Thắng Hổ vào hầm, ngày lại vẫn cho ra vào để dử hổ đợi chờ trong non nửa tháng. Thựa ra, ông cai tổng đã biết không trước thì sau, thế nào con nuôi ông cũng chết; nhưng ông cứ làm hết phận, cho khỏi hổ thẹn với người bạn dưới suối vàng.

Trong lúc bên kia ông cai tổng đang lo ngại cho số mệnh Thắng Hổ, thì bên này, quan phủ cuống quýt, sợ cho thân pân con nuôi ngài. Quan bèn gọi Lầm Khẳng và cả hai người bõ vào phòng kín mít, rồi ngài bắt Khẳng ngồi yên, nghe ngài kể rõ lại căn nguyên bắt ngài phải giam hãm Khẳng như giam hãm một người có tội. Ngài lại thuật cho Khẳng biết lai lịch của chàng, Ngài nói:

 – Ngày nay con đã rõ vì cớ gì ông cha và bác con đều bị nạn diệt vong, cha phải tìm cách, tìm hết cách, để bảo tồn lấy con, vì con tức là giọt máu rớt cuối cùng, – cuối cùng, con nghe không? – của họ Đèo gần tuyệt diệt. Anh con ở bên nhà ông cai tổng cựu này đương bị nạn, mà chưa chắc đã cứu nỗi. Vậy nhân lúc này kẻ thù của con (quan phủ không dám phạm húy) chưa để ý đến con, thì con nên đi ngay, đi ngay đi, lên tỉnh mà lánh nạn. Cùng lắm, con nên ra hẳn một tỉnhtha2nht náo nhiệt, như Hà Nội chả hạn mà ẩn thân. Con có ở một chỗ đông đúc như Hà thành cha mới khỏi lo cho số mạng của con được. Nhưng cốt nhất là con phải nghe cha: đừng bao giờ nên lẩn quất trở về rừng, về núi. Dù ở mé nào cũng vậy, con chớ nên đi săn bắn làm gì. Cứ an cư dưới chợ mới ra, có lẽ con còn bỡ ngỡ, nhưng dần dà rổi cũng quen. Con cứ đi đi. Mỗi tháng cha gửi cho con dăm bảy chục để con chi tiêu, rồi sau này, cha liệu gửi gắm cho con, tìm cho con một việc làm: cha lại sẽ chọn nơi xứng đáng, lấy vợ cho con tử tế. Muốn bảo tồn lấy dòng họ, con cần phải có vợ. Sự ấy cha hiện đương lo, nhưng vì còn công việc bề bộn, hóa lên chưa làm xong được. Song lẽ con không ngại: bây giờ bởi chưng tình thế bó buộc, cho con được toàn quyền tự do, trong khi ngụ ở Hà thành muốn lấy ai thì lấy, miễn làm sao có nhiều con trai thì thôi. Nhưng, mấy người con gái dưới chợ mà con sẽ lấy sau này, thế tất đều phải làm hầu cả. Còn như vợ chính thức của con, cha mẹ sẽ cố gắng để ý tìm tòi, khi nào tìm được chỗ môn đăng hộ đối, lúc ấy sẽ làm lễ linh đình cưới cho con. Cưới vợ, ta sẽ cưới theo lối Tàu, nghĩa là không cần chàng rể. COn cứ ở Hà Nội, cha mẹ sẽ đưa vợ con đến tận nơi. Con đừng lo ngại điều gì, cha xin quyết, xin đoan với con rằng: vợ con sau này sẽ đẹp lắm, đẹp lắm!

”Nhưng ta hãy tạm gác chuyện đó. Con nên đi ngay, sáng sớm mai phải đi sớm. Trước hết, sang phủ Quảng Hóa; từ phủ Quảng con sẽ đi ô tô lên tỉnh, rồi từ tỉnh con sẽ đi tàu hỏa ra Hà Nội. Đường đi nguy hiểm nhất chỉ có từ đây sang phủ Quảng Hóa, vì con phải theo đường rừng … nhưng mà không, đường ấy không đi được! Chết nỗi, cha quên không đi được, con ạ, không đi được! Nếu đi đường ấy, con sẽ qua nhà cai tổng, không nên, không nên! Vậy con phải đi thẳng đường Phố Cát, ra Bỉm Sơn, rồi con đi tuột tàu ra Hà Nội. Quãng ấy tuy toàn đường rừng cả, nhưng lúc này thì con phải can đảm xông pha trên con đường ấy. Tuy là đường khó đi, song trên khúc đường đó tính mệnh sẽ không bị nguy hiểm.

”Đây, cha hãy tạm cho con hai trăm bạc này làm lộ phí, đi xa con chớ nên đem nhiều của cải; dần dần sau này cha sẽ gửi cho. Đi theo con, cha sai hai bõ già của con và tám tên lính Mường mang đủ súng ống. Ngựa đã sẵn sàng cả rồi, mười một thầy trò con sáng sớm mai mờ mờ trời đất đã phải khởi hành, để đến trưa ngày kịp tới Bỉm Sơn kẻo lỡ tầu thì lắm điều đáng ngại. Con nên cẩn thận nhé! Chớ nên cậy sức mình trai trẻ, … cường tráng, mà có khi thiệt hại cả một đời.

”Thôi, cha nói thế đủ rồi. Bây giờ con nên vào lạy từ mẫu thân con và hôn các em con, rồi con chong chóng đi ngủ sớm để sáng mai mà dậy sơm!”

Ngày hôm sau trên con đường gập ghền ven sườn núi, chạy từ Thạch Thành sang Phố Cát, ngòng ngoèo xuyên đám rừng rậm, một đoàn kỵ mã làm cho cát bay sỏi bắn mù trời. Trong đoàn kỵ mã đó, Đèo Lầm Khẳng, tâm hồn lo mong, hồi hộp, bỏ chốn đã chôn nhau cho chàng, đi tìm hạnh phúc ở một vùng khác, đi tìm sự sinh hoạt êm đều lặng lẽ, xa lánh mặt kẻ thù tàn ác, ngõ hầu bảo tồn lấy giọt máu cuối cùng của một dòng họ quí pho2ngbi5 kẻ thù sắp làm cho tuyệt diệt suy vong.

Kết phần THẦN HỔ

Xem tiếp MA TRÀNH

Viết một bình luận

error: Content is protected !!