Nằm trong chùm thơ: Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh
Bản chữ Nho và phiên âm
Đông Hồ dịch nghĩa
Mặt nước xa bát ngát, ngậm bóng chiều quái nắng,
Xóm Lư Khê, trong đám khói, hiện ra ánh đèn ngư.
Chiếc thuyền con lướt ngang làn sóng nhấp nhánh, ghé về đỗ ở bến,
Bóng chài lưới nổi sâm si dưới trăng.
Một tấm áo tơi, hơi sương thấm lạnh,
Vài tiếng chèo tre, khua ánh nước sáng ngưng động.
Phiêu linh ở ngoài cõi mênh mông mà tự cười mình,
Muốn giúp cho con cá rồng mà chưa thể được.
Đông Hồ dịch thơ
Bóng chiều nắng ngã dòng xanh thẳm,
Rạch Vược đèn ngư khói chập chừng.
Bến cũ nhấp nhô thuyền đỗ sóng,
Bờ xa san sát lưới phơi trăng.
Cánh tơi áo thấm sương pha buốt,
Mái trúc chèo khua nước sáng trưng.
Lồng lộng vời trông cười thử hỏi:
Cá rồng vùng vẫy chốn này chăng?
Bài vịnh họa thơ Nôm
Lại nghe hãy có cảnh thanh,
Nhà ngư Rạch Vược sánh in nguồn Đào.
Nỗi âm hao bây giờ mới tỉnh,
Kẻo gió truyền bán tín bán nghi.
Lao xao lời chúng thị phi,
Thế non thế nước thanh kỳ hóa hai.
Dẫu có bài địa linh nhơn kiệt,
Hội ý đây mới biết chẳng vu.
Bên sông có mấy nhà ngư,
Xa xem bóng ngỡ bức đồ đan thanh.(10)
Sánh thị thành lấy làm nhân mã,
Cũng nợ thần cũng trả ơn vua.
Trối ai lợi chuốc danh mua,
Vui nghề chày lưới tôm cua tháng ngày.
Khi ra tay một nghề một khác,
Ai ai đều mặc sức hoan ngu.
Đây đà bao buộc năm hồ,
Một mùi đồ sử bốn mùa thảnh thơi.
Câu lộng khơi thích tình khơi lộng,
Bút linh ngao nước động kiền khôn.(20)
Đăng nò hai loại một môn,
Lừa kình nhử ngạc sóng cồn lao xao.
Thiếp ba đào kia người đóng đáy,
Tóm trăm loài một đãy lược thao.
Chia nhau lớn bé thấp cao.
Cá rồng mệt mắt, kình ngao lẫn tròng.
Đã càn sông lại càn tới rạch,
Chờ cạn cồn mỗi cách mỗi hay.
Khi về hiệp mặt dang tay,
Rước xuân rượu cúc lại vầy tiệc vui.(30)
Biết phân ngôi, biết phân chủ khách,
Tuy giang thôn nào khác Trường An.
Trong ca nghe có tiếng vang,
Cũng lời mặc khách cũng trang cao bằng.
Thơ rằng:
Bến Vược nhà ngư chật mấy từng,
Trong nhàn riêng có việc lăng xăng.
Lưới chài phơi trải đầy trời hạ,
Gỏi rượu say sưa toại nghiệp hằng.
Nghề Thuấn hãy truyền bền trác trác,
Dân Nghiêu còn thấy đủ rằng răng.
So đây mười cảnh thanh hòa lạ,
Họa cảnh Đào Nguyên mới sánh chăng.
(Bản dịch của Thi sĩ Đông Hồ)