19 – Lời buộc án của triều Minh Mạng

Trong khi đem quân kinh lược trấn Thanh Hoa, Duyệt có dụ được một người tướng giặc là Hà Văn Khôi (1).

Khôi vốn là người vùng Cao Bằng, nhân lúc loạn, nổi lên làm giặc, vì bị quan quân đuổi đánh, phải chạy vào miền Thanh Hóa. Nghe Duyệt có lệnh chiêu dụ những người khởi nghịch ở vùng đó, khôi mới ra thú.

Thấy Khôi tuổi trẻ lại có tài lực can đảm, Duyệt tha tội cho Khôi, rồi nhận Khôi làm con nuôi mình và đổi tên hắn làm Lê Văn Khôi.

Người ta nói rằng: Duyệt ở trong quân, thường vẫn nuôi một chuồng cọp. Người nào bị tội xử từ, thì Duyệt thả vào trong chuồng cho cọp ăn thịt.

Khôi mới ra đầu thú cũng bị thứ hình phạt ấy.

Vào chuồng cọp, hắn chỉ nắm tay đánh nhau với cọp, cọp thua, sợ hắn không dám động đến. Duyệt thấy vậy, cgo Khôi là một người lạ, nên mới dùng Khôi. Nhưng đó là chuyện truyền văn, không chắc có đúng hay không?

Đến hồi Duyệt làm Tổng trấn thành Gia Định, thì Khôi được thăng lên chức Vệ úy.

Sau khi Duyệt mất, vua Minh Mạng chia trấn Gia Định ra làm nhiều tỉnh, mỗi tỉnh có đặt những chức Tổng đốc Tuần phủ, Bố Chánh, Án sát, coi việc cai trị như ngoài Bắc, chứ không đặt chức Tổng trấn như trước.

Mấy huyện gần Gia Định đặt làm một tỉnh gọi là tỉnh Phan An, do Nguyễn Văn Quế làm Tổng đốc, Bạch Xuân Nguyên làm Bố Chánh, Nguyễn Chương Đạt làm Án sát.

Trong ba người đó, Bạch Xuân Nguyên là kẻ tham lam tàn ác khó chịu. Với Duyệt, Nguyên thù riêng, vì khi quân ra Bắc thành Duyệt đã hạch tội cha Nguyên và bắt đem chém. Muốn trả thù ấy, Nguyên nói phao rằng: mình vâng mệnh mật chỉ của vua Minh Mạng, vào đó tra xét việc riêng của Duyệt. Rồi Nguyên đòi hỏi chứng cớ, chừng trị hoài bọn đầy tớ cũ của người thù mới qua đời.

Khôi lấy việc ấy làm tức.

Lúc ấy ngoài thành Phan An (tức thành Gia Định) có nhiều gỗ mục không dùng đến. Khôi cho quân sỹ bổ làm củi đun. Nguyên mượn cớ đó mắng Khôi đừng ỷ thế như hồi còn Lê Văn Duyệt.

Những ngày Duyệt sống, ai nói đến Duyệt, đều phải kêu bằng “quan thượng”, không dám gọi tên, nên bấy giờ Khôi thấy Nguyên nói thách mé như vậy hắn nổi xung lên, cãi lại thậm tệ. Nguyên được dịp, sai luôn thủ hạ cùm Khôi bỏ khám.

Bị ức hiếp một cách vô lý như vậy, cố nhiên Khôi càng tức giận và phải tìm cách xổ cũi tháo lồng mà ra.

Bấy giờ ở Gia Định có nhiều người Bắc bị tội phải đầy vào đó, hoặc cho làm ăn với dân, hoặc bắt phải vào làm lính, gọi là lính Hồi lương, bọn đó cũng đều cay Bạch Xuân Nguyên chỉ chực làm loạn.

Đêm hôm 27 tháng 5 năm quí tỵ (1833), sau khi đã rủ được 27 người lính Hồi lương vào bè với mình, Khôi cùng họ bẻ xiềng sắt, phá khám tháo cho tù ra, rồi ùa đến vây dinh Bố Chánh. Nguyên cùng vợ con chạy thoát, nhưng đến Xóm Gà bị Khôi duổi kịp, chém hết cả nhà.

Rồi Khôi trở lại dinh Tổng đốc, toan vào thú tội. Chẳng dè Nguyễn Văn Quê thấy tù phá ngục, chừng như sợ quá,tự tử mất rồi, còn Án sát Nguyễn Chương Đạt và rất nhiều quan nhỏ đều bị giết trong đám loạn quân.

Lỡ việc, Khôi phải chiếm thành Gia Định, tự xưng làm Đại nguyên soái, phong quan, ban chức cho bọn đồng đảng, nghiễm nhiên riêng một triều đình.

Quân các tỉnh khác đến đánh đều bị thua hết. Đại binh ở Phú Xuân phải vào tiếp ứng.

Tháng chạp năm ấy, Khôi bị bệnh chết, dư đảng vẫn giữ thành Gia Định, chống lại với quân triều.

Quân triều vây thành Gia Định ròng rã ba năm, trong thành hết lương, không giữ được nữa. Khi thành bị hạ, dư đảng của Khôi hãy còn gần hai ngàn người, quan triều chém chết và chôn chung vào một hố kêu là Mả Ngụy.

Đảng Khôi tan, bấy giờ người ta mới kiếm cớ buộc tội cho Duyệt.

Vua Minh Mạng hồi xưa tuy có sợ Duyệt, nhưng vẫn không quên được sự thù ghét.

Nguyên nhân vì việc tranh ngôi Thái tử.

Từ khi Đông cung CẢnh và Hoàng tử Hy kế tiếp tạ thế, vua Gia Long vẫn phân vân chưa biết lập ai làm Hoàng thái tử: con Đông cung Cảnh là cah1u trưởng mà tuổi còn nhỏ, vua Minh Mạng (hồi ấy là Hoàng tử Đởm) tuổi thì lớn nhưng là con thứ. Việc ấy, vua Gia Long vẫn bàn bạc với Duyệt và Nguyễn Văn Thành cùng vợ Ngài.

Hoàng hậu muốn lập vua Minh Mạng, để cho mai sau nước có vua lớn, mới là phúc của xã tắc.

Duyệt và Thành thì muốn ngôi thái tử để dành cho con trai Đông cung Cảnh. Vì Cảnh khi mới bốn tuổi đã phải theo Bá Đa Lộc sang Tây cầu cứu, rồi lúc về nước lại từng cầm quân đánh dẹp nhiều nơi, công lao không phải là nhỏ.

Vua Minh Mạng biết ý Thành, Duyệt như vậy. Ngài luôn luôn tự mình đến nhà hai người nói lót, hứa những thế này thế kia.

Có khi Ngài còn đến thăm phòng riêng của Võ Chinh, gia sư nhà Thành, nhờ ông đó nói với Thành giùm.

Lúc đầu ông ta còn khất lần, sau vì Ngài đi lại hoài, ông đó mới nói thật rằng: “ông Tướng (2) là người cương trực, tôi không nói nổi. Xin đức ông cứ chờ mạng trời”.

Với Duyệt cũng vậy, Ngài cũng cậy người thân tín nói giúp. Nhưng Duyệt cũng như Thành, hai người khăng khăng không chịu.

Sau đó, Thành bị tội, Duyệt vì Hoàng hậu năn nỉ nhiều quá, cự chẳng đã cũng phải cuôi lòng.

Năm Gia Long thứ mười lăm, Duyệt ở Quảng Ngãi bị đòi về kinh dự lễ dựng Hoàng thái tử.

Việc xong, vua Minh Mạng ra cửa trào, gặp Duyệt, chỉ vào Duyệt và nói:

– Anh coi mặt ta có đáng làm vua hay không?

Người ta truyền rằng: Khi ấy Duyệt nghe ông Hoàng nói vậy, lấy làm tức, đã toan sinh sự, vua Gia Long biết chuyện, bắt Hoàng thái tử phải đến nhà Duyệt tạ lỗi, Duyệt mới chịu thôi.

Từ đó hai người sinh ra bất hòa.

Bởi vậy, khi lên nối ngôi, vua Minh Mạng đối với Duyệt, cái ý báo thù vẫn nấp kín trong cái thái độ ôn tồn kính nể.

Duyệt chết, vua Minh Mạng đã hết sợ. Khi Khôi làm loạn, Ngài luôn luôn trách Duyệt che chở đảng giặc, gây ra vạ ấy.

Bấy giờ những kẻ thủa trước ghét Duyệt mới thi nhau tìm cớ buộc tội cho Duyệt để lấy lòng vua.

Năm ất vị (1835) Phan Bá Đạt, một viên quan trong viện Đô sát, dưng vua Minh Mạng tờ sớ bới móc tội Duyệt đại khái như vầy.

“Lê Văn Duyệt trước ở Gia Định, dùng bọn Nghịch Khôi, Nghịch Nhã làm vuốt nanh, lấy quân Bắc Thuận (3) Hồi lương làm mê ruột. Bọn đó là phường hung tợn, không phải loài lương thiện cho nên Duyệt chết chưa bao lâu mà bọn Nghịch Khôi, Nghịch Nhã đã đem quân Hồi lương Bắc Thau65n cùng tụi thủ hạ chiếm thành làm phản, khiến cho lòng người bối rối, các tỉnh Nam Kỳ phải vạ lây, đại đội quan quân phải tiến đánh khó nhọc. Năm tỉnh nay đã thu lại được rồi, nhưng thành Phan An vẫn bị giặc giữ, quân quan tiến đánh bao người bị chết bị thương! Cái vạ ấy kể sao cho xiết!

Nay Duyệt mất rồi, sự trạng thế nào, tuy không có thể xét cho rành rọt. Nhưng cứ xem con nuôi Duyệt là Lê Văn Hán trước đây vào thành nhập đảng với Nghịch Khôi và đem Bạch Xuân Nguyên đốt làm đuốc tế nah2 thờ, thì tâm tích của Duyệt tưởng không xét cũng rõ. Nếu không bắt tội, e không đủ làm gương răn bảo đời sau.

Vậy xin truy đọat quan chức của Duyệt, còn vợ con Duyệt thì giao về bộ Hình, tra cho rõ và xử cho nghiêm, để tỏ phép nước.”

Sau khi coi tờ sớ ấy, vua Minh Mạng có ban xuống Nội các một đạo chỉ dụ như sau:

“ Lê Văn Duyệt xuất tah6n từ hàng Yêm hoạn, vốn là một tên đầy tớ trong nhà. Tình cờ được hội trung hưng, rồng mây gặp gỡ, đánh dẹp Tây Sơn cũng dự có phần công lao. Đức Hoàng Khảo nghĩ va thủa nhỏ là kẻ hầu hạ trong cung, đem lòng tin cậy, nhiều lần cho va cầm quyền tiết việt.

Không ngờ bọn đó phần nhiều là quân bất lương, mỗi ngày mỗi sinh kiêu căng, ăn nói lào hỗn. Vì va còn sợ đức Hoàng Khảo là bực thánh minh, cho nên tuy có lòng gian mà chưa dám lộ. Mấy năm về sau, đức Hoàng Khảo cũng đã biết rõ như thế. Nhưng Ngài tại nghĩ va tuy có lòng an, mà thiên hạ yên rồi, thần dân ai còn theo chi kẻ thị hoạn đó, Ngài chắc va không làm chi được.

Kịp đến khi ta lên ngôi, cựu thần không còn mấy người và, ta cũng nghĩ va tuổi già, cho nên cũng tạm khoan dong, hoặc giả va biết hối lại mà chừa đi … Không ngờ va vẫn lòng như rắn rết, tánh như sài lang, càng ngày càng thêm kiêu ngạo, đến nỗi dám nói xấu trào đình trước mặt đám đông người, để khoe tài riêng của mình.

Năm trước, những kẻ tù phạm Thanh, Nghệ đều là quan hung ác, va đều khuyên dỗ ra thú, tâu xin ghép vào dưới trướng dùng làm vuốt nanh. Lê Văn Khôi là đứa vô lại, va tiến cử cho đến chức Vệ úy, theo dưới cột cờ của va, làm người mê ruột cho va. Thổ hào như bọn Dương Văn Nhã, Đặng Vĩnh Hưng va dám giấu lén vời dùng. Họ mạc như tụi Võ Vĩnh Tiền, Võ Vĩnh Lộc va cũng ngấm ngầm kết đảng. Những đứa tù phạm Bắc kỳ phải đầy vào đó, va cho chúng ở trong thành, không bắt làm lính. Va lại kén những voi khỏe đưa ra đồn quân, vét nhiều thuyền bè, khí giới trong 6 tỉnh Nam kỳ chứa vào trong thành Phan An, rồi va lại nghe theo tên Trần Nhật Vĩnh hút hết máu mủ của dân Nam kỳ. va đắp thành, Phan An dám tiếm bằng thánh kinh sư, mà hào ở ngoài thành va còn đào sâu hơn nữa. Nếu bảo phải thành cao, hào sâu để phòng giặc Xiêm La, thì mặt thủy phải phòng ở Hà Tiên, mặt bộ phải phòng ở Chân Lạp, lẽ nào bỏ bốn tỉnh An, Hà, Long, Tường không giữ chỉ giữ ở Phan An được sao? Coi đó đủ rõ va chỉ phòng triều đình, không phải va phòng ngoại hoạn.

Suy một điều đó, thì ruột gan của va dẫu kẻ đi đường cũng biết, ai không căm tức? Giận vì không ai nói rõ cho triều đình sớm hay, thành ra, ngày nay giống như nuôi cái nhọt bọc trong mình, mầm vạ mỗi ngày mỗi lớn, cho nên kẻ quyền yếm tuy đã chịu tội dưới âm ty, mà đàn lắt nhắt vẫn dám chiếm thành làm loạn. Giả sử thú mục Phan An không hèn đốn như Nguyễn Văn Quê, tham tàn như Bạch Xuân Nguyên mà bọn tiễn hạ của va, giặc phường hùng đồ quen làm việc bất thiện, chúng nó và đã quen thấy va rẻ chúa, lấn bề trên.

Va dám nói với người ta rằng: mình vào Gia Định vốn là phong vương để giữ lấy đất không phải như các Tổng trấn thường, rồi mả của cha em va, cũng đều gọi tiếm là lăng, hoặc khi nói chuyện, va dám đốivới người ta tự xưng là “cô” – tập lâu thành thói, thì chúng nó cũng chỉ biết có Lê Văn Duyệt mà không có triều đình nữa.

Thầy Hữu tử có nói: Không ưa xâm phạm người trên mà ưa làm loạn, chưa có người nào như thế. Vậy thì ưa xâm phạm người trên mà không ưa làm loạn, cũng không có người nào như thế.

Mối vạ đã gây nên, muốn cho bọn tiêu hạ không làm loạn, có thể được chăng?

Vì vậy, mà va chết chưa mấy ngày, bọn Lê Văn Khôi đã nổi lên làm ngụy, rồi cháu va cũng đồng tình làm phản, và cả tụi bộ khúc của va cũng đều theo giặc, không có tên nào trốn đi ..

Chúng nó cậy có thành cao, hào sâu, lương thực như núi, khí giới sắc nhọn, đồ đảng đông nhiều, chống lại với quân nhà vua, ròng rã tới ba năm trời. Nhiều lần triều đình đã mở con đường sống cho chúng nó mà chúng nó vẫn không chịu hối tội đầu hàng, làm cho quân và dân óc gan lầm đất, nói ra đau lòng.

Xét đến gốc nguồn, tội va nhiều như nhổ từng cái tóc mà đếm, không thể nào xuể. Nay đem những việc rõ rệt ở trước tai mắt mọi người của va đã làm ra để gây nên họa hoạn, hiển thị cho ai nấy đều biết.

Còn như Lê Văn Duyệt và con cháu va nên xử thế nào, giao cho đình thần cùng bàn.”

Vua Minh Mạng đã vậy thì lời của đình thần sẽ ra sao, tưởng chẳng nói cũng biết chắc rằng họ sẽ đối với Duyệt một cách tàn nhẫn.

Thật vậy, vài bữa sau, Hà Quyền, Nguyễn Trí Phương, Hoàng Quýnh … một bọn nội các đệ lên cho vua Minh Mạng một bản nghĩ án nói rằng:

“Duyệt che chở quân “phỉ” gây nên việc biến, cái “thai vạ” kết lại đã lâu. Nay xét giấy má của y ngày xưa, có sáu điều này rõ ra hình tích bộ nghịch:

Năm Minh Mạng thứ 4, tự tiện sai người riêng của mình là bọn Phan Đạt, mượn tiếng đi thám, chèo thuyền sang nước Diến Điện. Trong thư chắc có giao thông. Cứ lấy nghĩa “kẻ làm tôi không được giao thông riêng với nước ngoài” thì tâm sự của y thế nào đã rõ. Đó là một tội.

Kịp khi sứ thần Diến Điện tới thành, y mới tâu vào trào đình. Đã có chỉ dụ nói “việc đó quan hệ đến nghĩa cả, không nên lẹ dạ nghe lời người ngoài mà bỏ tình hòa hảo, gây việc thù hằn”. Vậy mà y vẫn cố xin dong nạp. May mà triều đình trả cống, vật, cho sứ thần Diến Điện về nước, thì

Cái danh nghĩa của “đại bang” ta mới tỏ giải với gậm trời (!). Vậy là y chẳng những y lo toan việc không phải đường, mà còn cố giữ ý riêng để che sự làm cho trót sự tội lỗi nữa. Đó là hai tội.

Năm Minh Mạng thứ 7, tầu thủy nước Anh Cát Lợi bạt gió vào cửa Bình Thuận, đã có chỉ sai sở tại hộ tống cho đi, và y cố xin đưa vào Gia Định mà nói rằng: “Quan trấn kiềm thúc, không bằng tôi có quyền”. Hai chữ “có quyền” thủa nay vẫn lấy làm răn, mà y dám nghênh ngang tự nhận, kiêu căng, dông dỡ biết dường nào! Đó là ba tội.

Năm Minh Mạng thứ tư, thị vệ là Trần Văn Tình đi việc công ở Gia Định về, có tâu Trần Nhật Vĩnh làm riêng phố ngói, mua trộm các vật. Y nghe chuyện ấy, năm sau vào chầu cố tình xin bắt Trần Văn Vĩnh giao cho y để y chém đầu, nếu không, y sẽ trả chức Tổng trấn, rồi mà y từ chức thực. Cố ý bắt ép nhà vua như vậy, chẳng còn tội nào lớn hơn. Vả, y xin giết một Trần Văn Vĩnh, tức là bắt hết thảy người khác đều phải khóa lưỡi không dám nói đến chuyện y. Dụng tâm như vậy thật làm hiểm độc. Đó là bốn tội.

Trần Nhật Vĩnh đã có chỉ bổ làm thư ký Vĩnh Thanh, y vẫn nèo xin để lại trong thành. Lê Đại Cương đã có chỉ đòi vào trong triều, y vẫn nèo xin để lại làm việc ở phủ Lạc Hóa, hai việc đó đều là cố ý trái lời chiếu chỉ. Trong tập tờ tâu về việc này y nói rằng: “Chuẩn cho tôi cầu xin việc ấy, ngõ hầu có ích lợi cho chốn biên cương, lại trong tập tâu về việc xin chi bổng cho bọn thơ lại, cai đội các vệ, y có câu: “lão thần ở ngoài biên khổn, chỉ e triều đình tin dùng không bền”. Những lời lẽ ấy đều là bất kính (!). Đó là năm tội.

Năm Minh Mạng thứ 6, y tâu xin tăng thọ cho Lê Chất, có nói: “Ấy là một vị thuốc thánh có sức khởi tử hồi sinh, tiếc gì mà không làm”. Y là người coi cả một trấn biên thùy, mà dám kết đảng tư tình như vậy, rất trái với đạo làm tôi. Đó là sáu tội.

VẢ lại, nghe nói ngày thường y vẫn khoe với người ta rằng mình phụ tiên xin được bốn câu thơ rằng:

Giúp Hán tranh đầu phường tướng Hán,

Phò Châu há kém bọn tôi châu?

Trần kiều (4) việc ấy rồi khi gặp,

Mảnh áo bào vàng (5) vẫn đợi nhau.

Giả sử y không là kẻ sẵn lòng bất trung, thì không khi nào lại khoe bài thơ ấy với ai. Bởi vậy, bọn tiểu hạ của y học quen thành thói, cho nên thấy y chết còn chưa lạnh, đã có việc này.

Vậy xin giao cả tờ tâu này cho đình thần kết án để định tội y một cách chính đáng.”

Vua Minh Mạng ưng lời.

Nghị án xong, người ta bảo trong những lời nói việc làm của Duyệt có 7 tội nên trảm.

  1. Sai người riêng của mình sang nước Diến Điện, giấu lén giao kết với nước ngoài.
  2. Xin giao tầu thủy Anh Cát Lợi đến thành của mình, để tỏ rằng mình có quyền.
  3. Xin giết Trần Văn Vĩnh để khóa miệng người khác.
  4. Kháng sớ xin lưu lại quan viên đã bổ đi nơi khác.
  5. Kết lập bè đảng, xin tăng cho Lê Chất.
  6. Chứa ngầm giấy của ngự nảo.
  7. Mộ cha gọi tiếm là lăng, nói với người ta tự xưng là “cô”.

Hai tội nên giảo (thắt cổ).

  1. Xin dung nạp sứ thần Diến Điện hòng làm cho trót cái việc tội lỗi của mình.
  2. Nói với người rằng: mình đã xin được tiên cho bài thơ, trong đó có câu “áo bào vàng”

Và một tội nên phát lưu:

Tự tiện sai biện binh đóng riêng tầu thuyền.

Bản án ấy còn nói kết rằng:

“Trong việc biến loạn ở Phan An. Duyệt là người thủ xướng, theo luật “mưu phản” nên khép vào tội tùng xẻo. Song y nay đã chịu tội ở dưới âm ty (!), vậy xin đoạt lại cáo sắc, bỏ hòm, chém thây, để làm gương cho kẻ khác. Còn như ông cố, ông nội và cha của y, đã được cáo, sắc truy tặng, cũng xin đạot lại. Phần mộ tiên nhân chỗ nào tiếm lễ, trái phép xin hủy đi. Con, cháu, vợ cả, vợ lẽ đều xin chia từng hạng mà định tội. Tài sản tịch biên làm của quan.

Coi hai tờ tâu và một bài dụ, nhất là những chỗ đa in chữ chéo, của một bọn vua quan đã buộc tội cho một người chết rồi, ai không nhận là lời vô lý. Vô lý đến nỗi vớ một bài thơ phụ tiên làm cớ kết án một vị nguyên huân, thật là không còn chỗ nói.

Thế mà sau khi bản án đưa đi các nơi, quan lại không ai dám có nửa lời bênh vực, trái lại, họ còn hùa theo rầm rầm.

Kết cục, vua Minh Mạng sai phá thành Gia Định là cái hoành công của Duyệt dựng lên và kết án Duyệt như sau này:

  1. Lột hết quan tước của Duyệt và thân thuộc.
  2. Sam mả Duyệt làm đất bằng, dựng lên đó một tấm bia đá có khắc 8 chữ “Quyền Yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ” (chỗ tên hoạn quan lộng quyền là Lê Văn Duyệt cúi đầu chịu hình), và đeo vào đó một cái xiềng sắt có khóa khóa lại.
  3. Con nuôi Duyệt là Lê Văn Hán giao thông với giặc, đã xử cực hình rồi, còn thân thuộc của hắn cũng đều phải tội.
  4. Những họ hàng khác của Duyệt khép án trảm giam hậu.

Trong lời tuyên án, vua Minh Mạng lại nói thêm rằng: “Lời dụ này cho phép sao ra nhiều bản, phát cho mỗi tỉnh một bản, để cho ai nấy biết trào đình xử rất công (!) và rõ rằng cái cân ba thước, nghiêm như rìu búa nghìn thu”.

Nhưng mà mới được năm thu, thì chánh con Ngài là vua Thiệu Trị, tự nhiên khôi phục quan tước cho Duyệt, sai quan Gia Định bỏ xiềng và bia của Ngài ở chỗ mộ Duyệt, bắt sợ tại xuất tiền kho sửa lại nấm mộ, lập lại miếu thờ, cấp 10 mẫu ruộng ở Bình Hòa để lấy hoa lợi hằng năm chi về việc tế Duyệt.

Rồi độ sáu, bẩy thu nữa, cháu Ngài là vua Tự Đức cũng sai quan Gia Định xây cao mộ Duyệt, và sửa lại miếu thờ Duyệt.

Hiện nay người ta vẫn sùng bái Duyệt như lúc sanh thời. Mỗi năm, cứ đến mo65tng một tah1ng 8, khách đến khấn lễ miếu thờ rất đông.


(1): Có người nói tên là Nguyễn Hựu Khôi.

(2): Hồi ấy người ta kêu Thành là Ông Tướng.

(3): Cũng là những người Bắc có tội, bị đầy vào đó làm lính.

(4), (5): Tống sử: Triệu Khuông dận tức Tống Thái Tổ, vâng mạng Châu Thế Tôn đem quân đi đánh giặc. Khi ra đến Trần kiều, tướng sỹ lấy áo bào vàng là áo của vua mặc, khoác vào cho Dận, ép Dận quay binh về kinh thành. Châu Thế Tôn phải nhường vua cho Dận. Hai câu này lấy điển ở đó. Ý nói có ngày sẽ được làm vua.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!