06 – Ba năm ở Xiêm

Cái cảnh nước mây trời biển lại giam Duyệt hết ba tháng ròng. Công việc lần này cũng như mọi lần trước, ngày ngày theo chân Chúa Nguyễn, quanh quẩn trên đảo Thổ Châu.

Trong thời kỳ ấy, tướng tá thủa xưa lần lần tìm ra Thổ Châu ở với Chúa Nguyễn, họ lại cắt nhau lén vào những xứ Hà Tiên, Rạch Giá mộ thêm quân sỹ đưa ra.

Bấy giờ bộ hạ Chúa Nguyễn ở đảo Thổ Châu, tham mưu, chiến tướng có đến gần ba chục xuất, binh lính đội hơn ba trăm người.

Chúa Nguyễn vẫn luôn luôn sai người vào cùng Gia Định dọ thám, và lăm le kéo quân vào đánh quân Tây.

Tháng ba năm Ất Tỵ (1785) trong mạn cửa biển hiện thấy có bóng thuyền phấp phớ chèo ra. Chúa Nguyễn đoán là quân Tây hay mình ở đó, nên họ kéo ra vây bắt. Liệu chừng binh lực của mình không thể chống cự với họ. Ngài đưa Vương mẫu và Vương phi trốn vào một nhà thổ dân, giao cho Ngô Công Quý và mấy viên Thái giám ở đó trông coi. Rồi Ngài đem hết quân sỹ, tướng tá xuống thuyền chạy luôn sang đảo Cổ Cốt.

Cố nhiên Duyệt phải theo đi hộ vệ, lâu nay Chúa Nguyễn có rời xa Duyệt mấy khi?

Vừa lên khỏi bến, chỗ ở chưa thu xếp xong, lại có tin nói đám thuyền đó đích thực quân Tây, họ vây quanh đảo Thổ Châu, lùng không thấy gì, đương sắp kéo sang Cổ Cốt. Chúa Nguyễn hạ lệnh tướng tá quân sy64 lập tức kéo hết xuống thuyền, đi tìm nơi khác ẩn trú.

Giữa lúc đó, Cai cơ Trung – một viên thiên tướng, hồi cuối năm ngoái, theo lệnh Chúa Nguyễn sang Xiêm khai báo việc quân vừa dẫn mấy chiếc binh thuyền tới nơi. Vua Xiêm nghe tin Chúa Nguyễn thua trận, có ý phàn nàn, nên mới sai va đem thuyền về đón. Trung nói với Chúa Nguyễn nhu7va6y5.

Một dịp rất may, tuồng như trời đã định sẵn.

Tức thì Chúa Nguyễn sai năm chiếc Phượng thuyền, Bằng thuyền, Chi thuyền, Chánh nghi thuyền và Ô thuyền theo Trung đưa ngài sang Xiêm với hơn trăm quân sỹ và gần ba chục tướng tá. Duyệt cũng ở trong số đó.

Sau khi đã vào yết kiến vua Xiêm. Chúa Nguyễn đem hết những kẻ tùy tòng ra ngụ ở xứ Long Khâu, một cánh đồng hoang tiếng Xiêm kêu là “đồng dê” ở liền ngoài thành Băng Cốc.

Chức trách của Duyệt lúc này càng nhàn, ngoài việc sai bảo vài chục tên quân Thuộc nội, chỉ còn hấu tiếp Chúa Nguyễn trong những câu chuyện nói dóc.

Trước tình cảnh ấy, Chúa Nguyễn không thể quên được Vương phi và Vương mẫu, người liền sai người về đón.

Mấy bữa sau, Ngô Công Quí và mấy viên Thái giám đưa cung quyến sang đến Long Khâu. Mẹ có con, vợ có chồng, gia đình Đức Chúa lại đàon viên trên miếng đất ăn nhờ ở đậu trong khi bôn ba.

Thì giờ của Duyệt đã hơi bận rộn hơn trước, vì đã thêm ra hai người nữa phải cầu đến Duyệt săn sóc trông coi.

Qua tháng sau, Lê Văn Quân và Nguyễn Văn Thành lần lượt tìm đến yết kiến Chúa Nguyễn. Theo Quân có tới hơn sáu trăm quân, theo Thành cũng đến gần hai trăm người đóng hết trong bãi Long Khâu.

Số người mỗi ngày mỗi đông, mà lương thực đem theo không có mấy nỗi, vua Xiêm trợ cấp cũng không được là bao, sự chi dụng dần dần thiếu thốn, tướng tá cũng như quân lính, một số đông mỗi ngày chỉ ăn một bữa, Chúa Nguyễn rất lấy làm lo.

Nhân thấy dân Xiêm dùng nhiều thuyền độc mộc để đi lại trên sông Cửu Long, Duyệt và Tiền quân Dũng bèn nói với Chúa Nguyễn xin dẫn một toán quân sĩ vào rừng chặt cây, đem về đục thành thuyền độc mộc, bán cho người Xiêm để lấy thêm tiền độ nhật (1).

Cai đội Thuộc nội khi ấy đã nghiễm nhiên thành “cai độ thợ mộc”, ngày ngày cùng tụi quân sĩ cặm cụi kỳ cách với những thứ cưa, đục, búa, rìu.

Vậy mà Duyệt rất lấy làm vui thú, vì đi làm những công việc ấy, tức là một cách thoát khỏi cái vòng chầu trực chúa ông, chúa bà, thoát khỏi một cái chức vụ mà Duyệt chỉ thấy những buồn cùng chán.

Những thuyền độc mộc của Duyệt và Dũng chế ra, vừa lẹ vừa không hay chành, khéo hơn thuyền độc mộc của người Xiêm nhiều lắm. Thành thử mỗi lần quân sĩ củ Duyệt và Dũng có thuyền đem bán, người Xiêm tranh nhau mà mua. Số tiền thu được khá nhiều. Nhờ vậy, sự tiêu dùng của Chúa Nguyễn đã được dễ chịu một chút.

Dần dần thuyền chế càng nhiều, người Xiêm không thể mua hết, vì họ đã đủ dùng rồi. Cái nghề đục thuyền của hai người lại phải đình bãi.

Trong khi đưa những quân sĩ vào rừng chặt cây, Duyệt thấy rất nhiều khu đất có thể cầy cấy, mà người Xiêm vẫn còn bỏ hoang. Đến ngay, thôi việc đục thuyền, Duyệt lại nói với Chúa Nguyễn, nên xin vua Xiêm cho phép quân lính của mình đi khai khẩn những đất hoang ấy.

Sau khi đã được vua Xiêm ưng ý, Lê Văn Quân, Nguyễn Văn Khiêm, Nguyễn Đức Xuyên, Nguyễn Văn Bình, vv theo lệnh Chúa Nguyễn, mỗi người dẫn một toán đi mở đồn điền ở các nơi, để lấy lương cho quân ăn. (2) Còn ở Long Khâu chỉ có bọn Tôn Thất Huy, Tôn Thất Hội, Trần Phúc Giai, Nguyễn Văn Thành, Ngô Công Quí, tất cả gần hai chục người, và hơn trăm quân ở lại hộ vệ Chúa Nguyễn và cung quyến.

Muốn tránh cái việc hầu hạ nội đình, Duyệt cũng xin đi mở đồn điền với những người kia.

Lấy ấy cung quyến và Chúa Nguyễn tuy vẫn ăn nhờ ở đậu nhưng cũng tạm gọi là thái bình vô sự, việc trông coi săn sóc không cần phải dùng nhiều người, Chúa Nguyễn ưng cho lời xin của Duyệt.

Trong bọn đi mở đồn, Lê Văn Quân coi nhiều quân nhất má ít nhất là toán quân của Duyệt, cái đó cũng vì quân sĩ sang Xiêm hồi ấy, hầu hết là bộ hạ của Quân, Duyệt chỉ được coi ít quân Thuộc nội mà thôi. Tướng ở đâu thì quân ở đấy, một sự rất thường là vậy.

Bắt đầu từ cuối tháng sáu, Duyệt và bọn Quân, mỗi người đem quân đi chiếm mỗi chỗ. Các chỗ của Duyệt đã chiếm, cách xứ Long Khâu chỉ độ vài dặm.

Tiếng gọi rằng mở đồn điền, mà trâu bò không có con nào vì không có tiền mà mua, nông cụ chỉ có cào và cuốc. Sau khi đã đốt hết cây cỏ hoang rậm, Duyệt đốc quân sĩ dùng cuốc thay cho cầy, dùng cào thay cho bừa, lấy sức người thế sức trâu bò, sự làm lụng cực kỳ vất cả, Duyệt không nề hà chi hết, chính mình Duyệt vẫn thường cào đất cuốc đất với tụi quân sĩ.

Cái nghề làm ruộng là nghề gia truyền của nhà Duyệt ngày xưa. Duyệt đã từng được ngó thấy từ thủa nhỏ đến ngày lớn. Vì vậy, những việc lựa đất, lựa giống, giữ nước, tháo nước. Duyệt cũng tính thạo như một người lão nông vậy.

Thao cách cắt đặt của Duyệt, chỉ trong mấy tháng khu đất hoang đã trở nên một khu đất thuộc. Đồn điền của Duyệt, cũng như đồn điền của những người kia, ngoài các thứ lúa lại có nhiều thứ hoa mầu khác.

Từ đó, những người đi theo Chúa Nguyễn mới không khỏi đói.

Một năm qua.

Trong lúc Duyệt đi làm ruộng, những người trông nôm nội đình đều không vừa ý cung quyến bằng Duyệt. Vì vậy, Vương mẫu và Vương phi thường nhắc đến Duyệt luôn luôn.

Sang năm bính ngọ (1786) mùa màng của Duyệt đã xong, nhân ở Long Khâu, tướng sĩ nhiều người xin đi đồn điền làm ruộng, Chúa Nguyễn bèn sai người khác ra thay, bắt Duyệt trở về Long Khâu.

Cái miệng ra hiệu ra lệnh của một tay đạo tướng chưa gặp thì, mới lại bắt đầu ôn lại những tiếng thưa, trình, vâng, dạ.

Tah1ng hai năm ấy, nước Xiêm bị ba cánh quân Diến Điện kéo sang lấn xứ Sài Nặc, thanh thế rất hăng tợn.

Vua Xiêm tiếp được tin báo, quả quyết tự mình đi đánh. Trước khi cử binh, vua Xiêm cho đòi Chúa Nguyễn vào triều, hỏi thử có mưu gì không?

Muốn gây thêm cảm tình với người Xiêm, Chúa Nguyễn tình nguyện góp quân đánh giúp, và khuyên vua Xiêm nên đi đánh ngay. Vì theo ý Chúa Nguyễn, quân Diến ở xa kéo đến họ phải vận tải lương thực kể hàng ngàn dặm, tướng sĩ chắc đều mệt nhọc, nên đánh ngay thế nào cũng thắng.

Những ý kiến ấy đều được vua Xiêm theo dùng.

Chúa Nguyễn liền phái người Lê Văn Quân đem quân ở đồn điền về. Sai Quân và Nguyễn Văn Thành thống lãnh tiền quân đi trước. Ngài và mấy viên khác đốc dẫn hậu quân tiếp theo.

Đáng lẽ Duyệt phải ở lại hầu hạ cung quyến. Nhưng vì muốn nhân dịp chiến trận để rõ tài, Duyệt xin Chúa Nguyễn cho mình đi theo.

Đại binh đến Sài Nặc, trời gần tối. Quân và Thành tức thì đốc quân vào đánh.

Theo kế hoạch của Quân và Thành đã dự bị, quân sĩ dùng những ống đồng dài và nhồi thuốc súng, châm lửa chĩa sang quân địch.

Mấy trăm luồng lửa phun xùy xùy, đụng phải ai, thì nấy bị bỏng bị cháy. Quân Diến không hiểu nó là vật gì, kinh hoảng tìm đường chạy trốn.

Duyệt theo Chúa Nguyễn thúc quân xông lên đâm chém, giết được quân Diến rất nhiều, bắt sống hơn năm trăm người và vô số khí giới.

Giặc Diến tan. Vua Xiêm cho đòi Chúa Nguyễn vào triều, tỏ lời khen phục, và tặng Ngài một số vàng, lụa.

Còn những khí giới mà quân Nam bắt được tại trận, thì khi đại quân rút về, đều bị quân Xiêm đón đường khám xét, lột lấy mất cả.

Từ đó Chúa Nguyễn vào hầu vua Xiêm đã mời ngồi, không phải quỳ gối như trước (3).

Kế đó lại có quân nước Đồ Bà sang đánh nước Xiêm. Vua Xiêm lại nhờ Chúa Nguyễn cho quân đánh giúp.

Lần này Chúa Nguyễn bảo Lê Văn Quân dẫn quân đi giúp vua Xiêm, Ngài không đi.

Quân đem thủy binh của mình hợp với quân Xiêm, đánh luôn mấy trận, lại dẹp yên giặc Đồ Bà.

Vua Xiêm thấy vậy, rất trọng Quân là bực tướng tài, đối đãi rất hậu.

Đã có những công lao ấy với nước Xiêm, Chúa Nguyễn tin rằng thế nào vua Xiêm cũng giúp mình một lần thứ hai. Bấy giờ Ngài mới ngấm ngầm tính việc kéo quân về nước.

Bọn Hoàng Tân Cảnh, Võ Di Nguy đem quân ra núi Giăng Khảm chặt cây, xẻ ván đóng chiếc “ghe mười” và bọn Phạm Văn Châu, Nguyễn Văn Định lén về Hà Tiên mộ quân, đều do mệnh lệnh bí mật của Ngài sai khiến.

Lại hết một năm nữa.

Sang năm Đinh Tị (1787), hoản cảnh của Duyệt vẫn không thay đổi.

Ngày xuân trên cánh “đồng dê” đã nắng gắt lại dài đàng đẵng. Nó rất khó chịu cho người như Duyệt, những người ưa động cựa không thích ngồi yên.

Nhưng mà cứ phải ngồi yên.

Bởi vậy, suốt một tháng giêng, Duyệt chỉ mong được giải buồn bằng những tin mới mẻ ở nước nhà, nhất là tin về thời cục. Song vẫn không sao cho có.

Tới đầu tháng hai, Tống Phúc Đạm và mấy viên tướng cũ ở Phú Xuân sang tìm Chúa Nguyễn, họ mới đem theo cho Duyệt cái món quà ấy.

Thì ra sau khi Chúa Nguyễn chạy sang Xiêm, Phụ chánh Huệ cũng rút quân về Qui Nhơn giao Đô úy Đặng Văn Quân ở lại giữ đất Gia Định.

Tháng năm năm sau, Huệ kéo quân đánh Thành Phú Xuân và lấy được thành ấy của quân Trịnh.

Muốn tỏ ý tôn phù nhà Lê, Huệ xin vua Cảnh Hưng cố ra coi trào, Huệ đem bộ hạ vào chầu.

Sau khi Huệ đã dưng nộp sổ sách, bản đồ trong nước, vua Lê gả con gái mình là công chúa Ngọc Hân cho Huệ. Huệ lại dẫn quân về Nam, trả lại đất cát họ Lê.

Tháng sau, vua Cảnh Hưng tạ thế, vua Chiêu Thống lên ngôi, Nguyễn Nhạc cũng tự xưng là Trung ương Hoàng đế, phong Lũ làm Đông Định Vương đóng ở Gia Định, Huệ làm Bắc Bình Vương, đóng ở Phú Xuân.

Kế đó, Nhạc và Huệ có sự xích mích. Huệ đã đem quân vây thành Qui Nhơn, Nhạc phải gọi Đô úy Dinh về cứu. Nhưng gần đây anh em họ đã giảng hòa với nhau, và đều bãi binh hết cả.

Nghe những chuyện ấy, Duyệt rất vui vẻ cho là một cơ hội tốt không nên bỏ lỡ.

Tống Phúc Đạm cũng đồng ý như Duyệt và nói thêm:

– Từ khi Đặng Văn Chấn đem quân về cứu Qui Nhơn, binh lực của giặc ở Gia Định không còn bao nhiêu, có thể thừa cơ mà đánh lấy được.

Rồi Đạm khuyên Chúa Nguyễn mau mau về nước lo sự khôi phục.

Chúa Nguyễn cũng lấy làm phải. Ngài bèn một mặt sai Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Khiêm về miền Hà Tiên dò thám, một mặt sai Phạm Văn Nhân về Hòn Trúc sắp sửa thuyền bè chờ đón.

Mấy tháng sau khi đã tiếp được tin của Võ Di Nguy ở Giăng Khảm gửi về, đợi Chúa Nguyễn biết rằng đã có thuyền bè đợi sẵn ở cửa Bắc Nồm. Ngài cho quân mua rất nhiều mạ phao rằng sẽ chở sang cấy ở bên Hòn Trúc. Chờ đến đêm tối, Ngài sai Duyệt cùng các tướng đưa cung quyến và đốc hết quân sĩ ra cửa Bắc Nồm, giương buồm chạy thẳng về mặt Hòn Trúc.


(1): Theo Thế tổ Cao hoàng đế Long Hưng sự tích.

(2): Đại Nam thực lục chánh biên.

(3): Theo Thế tổ Cao hoàng đế Long Hưng sự tích.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!