(Đăng ngày 18 – 07 – 1929)
Port-Said cũng là một cái cửa biển lớn. Trông thấy quy mô tốt đẹp to lớn, thì đủ biết sự nghiệp người Hồng Mao. Từ Saigon qua Singapour, Colombo, cho tới đây, đều là có công phu mở mang của người Hồng Mao, cho nên chỗ nào ta cũng thấy đồ sộ, đạp đẽ, to lớn và sạch sẽ lắm. Hải cảng Port-Said cũng là người Hồng Mao mở mang ra, nhưng ngày nay thuộc về quyền người Ai Cập cai trị, là vì đó là đất của Ai Cập.
Em và cô Cúc Tử có mướn xe đi dạo khắp các phố, thấy từ khu người Âu châu cho đến khu của người bản xứ, chỗ nào cũng thấy có vẻ buôn bán sầm uất, sanh tụ vui vẻ lắm. Hôm ấy không biết học sanh Ai Cập làm cuộc biểu tình gì, mà coi thấy lính cảnh sát chạy ngược chạy xuôi, và có cả lính Hồng Mao đem súng ra đàn áp.
Cô Cúc Tử nói tiếng Hồng Mao, hỏi một vài người thiếu niên Ai Cập đứng đó, té ra mới biết rằng họ biểu tình về chánh trị. Nước Hồng Mao tuy là phải công nhận cho Ai Cập được độc lập rồi, song họ vẫn còn đóng binh ở một vài nơi hiểm yếu, và còn đặt ở kinh thành Caire một ông quan ủy viên, người Hồng Mao, để kiềm chế việc hành chánh của người Ai Cập. Ví dụ như khi Nghị viện Ai Cập có bàn tính việc gì có hại đến quyền lợi của người Hồng Mao, thì là người Hồng Mao sẵn có tàu có súng đó, đem ra dọa nạt. Như vậy thì ra Ai Cập mới được tự trị (Autonomie) mà thôi chớ chưa phải là được hoàn toàn độc lập (indépendance). Người Ai Cập bất thuận với cái chánh sách đó, cho nên họ thường phản đối luôn.
Hôm nay, bọn hoạc sanh và bọn thợ cầm cờ cầm biển đi biểu tình ở các phố; cờ biển của họ viết những chữ gì mình không biết, nhưng mà biết rằng họ phản đối vì những lẽ trên đó.
Trong khi đó, cô Cúc Tử có mua một tờ nhựt trình của người Ai Cập viết bằng tiếng Hồng Mao, để coi những việc chánh biến trong nước Ai Cập gần đây ra sao. Cô coi rồi nói với em:
– Tôi chắc rằng người AI Cập đạt tới mục đích hoàn toàn độc lập,
Xong đó rồi chúng tôi lật đật xuống tàu, kẻo tàu chạy.
Đây là ra Địa Trung Hải rồi. Khí hậu thấy khác liền, bây giờ đã thấy tiết trời hơi lạnh, chớ không bực bội như mấy hôm trước.
Đêm hôm ấy, em và cô Cúc Tử ăn cơm rồi về phòng nói chuyện. Cô Cúc Tử nói:
– Chỉ còn bốn ngày bốn đêm nữa, là đến đất nước Pháp. Đến nơi rồi cô định đi đâu?
Em nói:
– Chắc thế nào thân phụ tôi cũng đưa anh tôi vào học ở Aix-en Provence, vì ý anh tôi muốn ở đó cho thanh tịnh và rẻ tiền hơn. Rồi thì chúng tôi lên Paris ở chừng vài ba tháng. Chúng tôi không quen ai ở Paris hết, chắc sao cũng phải mướn khách sạn ở. Song ý của tôi không muốn, tôi muốn làm sao ở ngụ được trong một cái gai đình nào người Pháp thì tốt hơn. Còn cô thì đi đâu?
– Tới Marseille, tôi chưa muốn đi Paris vội, tôi ra Nice nghỉ ít bữa và thăm chị em quen, sau một tháng tôi mới lên Paris. Ở đó chỉ có độ vài ba tuần, rồi tôi còn sang Đức, sang Anh, qua Huê Kỳ mà về nước. Tôi sẽ cho cô chỗ ở của tôi ở Nice, cô đến Paris trước, ở yên chỗ nào, viết thơ cho tôi, tôi lên tôi đi kiếm, rồi chị em ta lại gặp gỡ và đi chơi với nhau.
Cô vừa nói vừa biên lại cho em cái chỗ ở của cô vào trong cái danh thiếp. Ấy vì cái danh thiếp đó mà cách mấy tháng sau, em ở Pháo trở về tới Nhà Bè, có người .. xét rương, lại hỏi vì sao em quen với người Nhựt. Em lấy làm lạ, mà trả lời rằng: “Vậy chú biểu rằng người Annam thì không được quen với ai nữa chăng?”
Năm ngày ở Địa Trung Hải, hình như là mau lắm, chưa sáng đã thấy tối, mới ngày đã tới đêm, tàu đã đi qua bờ biển nước Ý, trông xa thấy nhà cửa đỏ lói, thấy cả núi lửa đương phun khói; tới đây nghĩa là đã gần tới nước Pháp rồi.
Còn một đêm nữa, tới Marseille, thì thân phụ em biểu em sửa soạn hành lý, đặng mai lên bờ.
Cũng còn một đêm nữa, thì em và người bạn bèo nước gặp nhau, chia tay cách mặt, cho nên chúng tôi nói chuyện với nhau càng đầm thấm. Trong câu chuyện biết bao nhiêu là tình tự, mà ai nấy đều nói một cách vội vàng, hình như sợ rằng nói dài dòng, thì giờ phút hết đi, không kéo lại được nữa.
Cô Cúc Tử nói đến câu coi em như em, mà em khóc. Cổ nói rằng:
– Đôi ta tuy là chuyến đò nên quen, mà tình ý tương đầu, giống như đã hẹn nhau đâu từ kiếp trước. Tôi thương cô như là em ruột thịt của tôi. Bao nhiêu chuyện mà chị – tới đây cổ kêu tôi bằng em – nói với em từ hồi đó tới giờ, em nên ngẫm nghĩ ..
Nói tới đây, đụng nhằm cái bịnh ở trong can trường của em, khiến cho em phải mủi lòng mà khóc, thì cô khuyên nhũ:
– Chớ có khóc, mà phải nên cười luôn, cười như cái cười của nước Nhựt, em à. Cười mà trong cái cười có gan có mật đó!
Cô lại lấy mấy cuốn sách đưa cho em làm kỷ niệm, cổ có ký tên vào đó. Mấy cuốn sách đó, là 1 – Nhựt Bổn tự cường sử, 2 – Nhựt Bổn Liệt nữ truyện, và 3 – Đông Á nhị thập niên chi hậu, em chỉ biết mấy cái tên sách mà thôi, chớ còn trong đều là chữ Nhựt, em có đọc được ở đâu. Sau đem về cất kỹ lưỡng ở nhà, coi như đồ châu báu, chờ ngày nào học được chữ Nhựt mới coi, hay là có ai dịch ra cho mình coi nhờ với.
Khó lòng quá. Có lẽ nào mình không có vật chi kỷ niệm lại để báo đáp cái ơn của người ta. Em lấy ngay cuốn tuồng Trưng Nữ Vương của ông Hoàng Tăng Bí đã sọan, mà tặng lại cho cô; và nói:
– Đây là kịch bản thuật sự tích của một vị nữ anh hùng nước em, hai ngàn ăm trước, đã đánh đuổi quân Tàu, gây nền độc lập cho nước.
Cuốn sách tuy đã cũ, nhưng em cũng viết ngoài bìa mấy hàng nhừ vầy: “Tặng cho chị Cúc Tử yêu dấu của tôi; để kỷ niệm sự gặp gỡ trong khi lũ hành từ Việt Nam sang Pháp.”
Cô coi mấy câu ấy, tỏ ra ý vui mừng lắm.
Rồi chúng tôi ngủ quên đi lúc nào không biết, khi giựt mình thức dậy thì tàu đã tới Marseille, cặp cầu xong đâu đó rồi. Chúng tôi lật đật dậy rửa mặt bận đồ. Khi ấy vừa có một người đàn bà Nhựt và một cô thiếu nữ Pháp xuống đón cô Cúc Tử. Cô phải lên trước, nhưng tỏ ra ý bịn rịn, nắm tay em mà nói:
– Thôi, chị em ta cách biệt đây nghe. Can đảm lên, em!
Em hình như nghẹn lời, một phút đồng hồ mới nói được câu:
– Chị đi bình yên, em mong lại được gặp chị ở Paris.
Nói ra mà trong tiếng nói có chỗ cao chỗ thấp, thổn thức bàng hoàng. Đời em mười mấy năm nay, mới có lần nầy biết sự thương tâm là một.
Có mấy người học sanh đồng học với anh của em ngày trước ra đón. Còn phải chờ lính thương chánh xét rương xét valise đã, rồi mới được đem đồ hành lý đi.