(Đăng ngày 04 – 07 – 1929)
Tàu ở Colombo chạy ra tới đây là được ba ngày rồi, biển tuy có sóng mặc lòng, nhửng chỉ thấy nôn nao chút đỉnh thôi, chớ không sao hết. Thình lình chiều bữa đó, ăn cơm tối vừa xong thì thấy quan tư trong tàu, dán yết thị rằng hành khách nên coi chừng đóng cửa hublot lại, bẻo ba giờ khuya nầy có bão lớn. Hublot tức là những cái cửa tròn ở bên hông tàu để thông hơi.
Em nghe nói có bão, thì đã giựt mình, vì thường nghe người ta nói những lúc đi biển mà gặp bão, có khi sóng đánh lên qua cả chiếc tàu; em nghĩ tới đó mà sợ.
Tôi bữa đó đi ngủ sớm, mong ngủ thẳng một giấc tới sáng, nếu khuya hoặc có gió bão, mình cũng đừng hay đừng biết gì hết. Té ra nửa đêm có một câu chuyện nó cũng dựng đầu mình dậy.
Bên cạnh phòng em và cô Cúc Tử nằm, có một bà Âu châu đi về với ba đứa con nhỏ, trương chín mười tuổi cả, và một người bồi là con gái Annam đi theo để giữ con. Khuya lại vào lối 2 giờ, tự nhiên thằng nhỏ con của bà ấy bị cảm, người bồi gái tỉnh dậy, hô hoán lên, làm cho hành khách ở đó dậy hết; người thì săn sóc đứa nhỏ, kẻ thì bấm chuông kêu bồi gác ở tàu đi mời thầy thuốc lại chữa.
Thầy thuốc lại thăm rồi cho thuốc, một lát đứanhỏ hồi lại, không có sao hết. Trong khi ấy có bà Âu châu khác nói với chị bồi kia rằng:
– Chạy kêu má nó đi.
Thấy chị bồi nhăn mặt lại mà nói:
– Biết bả ở đâu mà kiếm …
Bà kia cũng châu mày lại mà nói lầm bầm trong miệng:
– Cái thứ đàn bà khốn nạn, đêm hôm bỏ con đó mà đi với ..
Mọi người thấy thằng nhỏ yên rồi không hề chi, thì ai về phòng nấy, chỉ còn bà kia cùng tôi và cô Cúc Tử đứng ngó lại và thăm chừng thằng nhỏ. Bà kia còn lầm bầm chì chiết gì ai trong miệng, chúng tôi không nghe rõ, mà nét mặt bà quạu quọ lắm. Còn chị bồi thì nói với em là:
– Đêm nào bà chủ tôi cũng như vậy, để mặc mấy đứa nhỏ cho tay tôi, trông nom ăn ngủ. Mà mấy bữa rày toi cũng đau muốn chết. Thân tôi thì chẳng có ai trông nom săn sóc cho tôi cả.
CÁch một hồi khá lâu, thì má thằng nhỏ kia về, coi bộ mặt nhừ lắm, hình như mụ không biết mới rồi con mình bị cảm, chỉ thấy có mấy người đứng xúm xít trong phòng, thì hỏi cái gì, cái gì. Mà giọng hỏi nghe ra thật là vô giáo dục. Chị bồi học chuyện lại vân vân. Trông sắc mặt của mụ đã chẳng thấy có chút nào kinh hoàng về sự con mình đau, lại còn rầy chị bồi nầy kia, giống như có ý trách chị nầy rằng: tiệc vui gãy khúc đoạn trường ấy chi vậy. Bà kia đưa mắt cho chúng tôi, thở dài một tiếng, rồi chúng tôi đều về phòng ngủ.
Té ra có gì ở đâu, bà lớn mê trai, cho nên mới bỏ con bù lăn bù lóc như vậy, ăn uống cũng chẳng trông nom, yếu đau cũng chẳng cần tới. Bà lớn trên ba chục tuổi, say mê một người thiếu niên chưa đầy hai mươi, tối ngày bỏ đàn con cho chị bồi, đem chàng kia đi tình tự ở đâu không biết. Chuyện ấy cả mọi người hạng nhì ai cũng biết và ai cũng tỏ ra đáng khinh bỉ. Thế mới biết những sự vô hạnh như vậy, xã hội nào cũng có, mà xã hội nào cũng khinh.
Than ôi! Vô hạnh đâu đến nỗi đã mấy con cùng chồng mà còn làm chuyện vô sĩ đến thế. Thương cho người chồng ở đâu có biết đâu rằng vợ như vậy hay không? Lại nghĩ tội nghiệp cho chị bồi, mỗi tháng được bao nhiêu tiền công chẳng biết, mà một mình trông nom săn sóc mấy đứa con từ miếng ăn từ giấc ngủ, thật là chí tình. Mà chị ta cũng đau khật khừ, bà chủ đã chẳng đoái hoài, lại còn mắng nhiếc luôn luôn là khác.
Bà đầm R… tức là bà đầm dậy săn sóc đứa nhỏ kia với chúng tôi, gọi tên cho dễ nhớ – tử tế quá. Bà thấy chị bồi mà thương tâm, mỗi khi đi ăn về thì bả lấy cho mấy trái chuối, hoặc trái bôm đưa cho; và bả hỏi thăm tới luôn, hình như có quen biết và cảm tình đâu lâu ngày lắm vậy. Em thấy như vậy; cũng lấy làm cảm động. Bả biết em là người Annam, cho nên bà đối đãi một cách rất tử tế.
Có hôm bả nói chuyện với em rằng:
– Chắc hẳn cô sang Âu châu chúng tôi, thì xin cô chớ nên thấy những hạng đàn bà như vậy mà tưởng là ai cũng thế hết cả. Chúng tôi, ai là con nhà có học, có giáo dục, thì cũng biết trọng danh tiết lắm chớ. Rồi cô qua đó cô coi.
Rồi nói tới chuyện chị bồi kia thì bả nói:
– Tôi thương hại cho con nhỏ đó hết sức, là vì tôi có tánh thương người, chớ không có ý chủng tộc gì hết. Tôi thấy người nuôi nó, bỏ nó bơ vơ, cho nên tôi lấy tình mà trông nom cho nó chút đỉnh. Có lần tôi nói với bả kia, sao bả đem con nhà người ta đi, hất hủi nó quá tệ vậy, thỉ bả nói “Cái thứ bồi Annam, kệ thây nó!” Thứ người có thể mở miệng ra nói câu ấy được, cho nên tôi ngán ngẫm quá, không muốn nói nữa. Tôi thú thiệt cùng cô rằng tôi thấy con nhỏ kia như vậy, tôi càng nghĩ mà thương người bồi con gái của tôi hồi đó lắm. Để tôi nói chuyện cho cô nghe. Hồi đó tôi còn ở Saigon với chồng, vì chồng tôi bất nghĩa, cho nên tôi xin li dị. Trong khi thưa kiện ấy, tôi mướn nhà ở riêng. Con bồi ở với vợ chồng tôi hồi trước, bây giờ nó về ở với tôi. Vì tiếng là chủ nhà con ở mặc lòng, mà chúng tôi yêu mến nhau lắm. Trong ba năm trời, nó ở với tôi lúc nào cũng làm hết phận sự, không bao giờ tôi phải nói đến một tiếng nặng, và bao giờ tôi cũng đối đãi có tình có nghĩa, cô ạ. Trong khi tôi ở riêng như thế, trong túi tôi không còn được bao nhiêu tiền bạc; kế tôi bị đau nặng. Nếu con ở khác, gặp chủ suy vi như thế, thì đã bỏ chủ đi từ đời nào rồi. Song con nầy không, thủy chung hết lòng hết dạ với tôi! Ngày thì trông nom cơm nước, tối thì nằm ngay bên giường tôi, để nâng giấc thuốc thang. Tội nghiệp, nó thấy bịnh tôi trầm trọng quá, thì nó đi mua nhang đèn cầu khẩn ở chùa miễu nào đ1o cho tôi không biết, vì nó tin như vậy. Có khi biết tôi hết tiền thì nó cầm bán vay mượn ở đâu không hay, để cho tôi tiêu. Tới khi tôi mạnh, có tiền của cha mẹ gởi qua cho tôi về, thì nó khóc như mưa như gió, làm cho tôi cũng khóc thảm thiết. Tôi cho nó một trăm đồng bạc mà nó không lấy, nó nói rằng nó biết tôi nghèo, chỉ lấy một nửa thôi, còn một nửa để cho tôi làm hành phí, miễn là lúc nào tôi cũng nhớ đến nó là đủ mà thôi …
Bả nói đến đấy, thì hình như cảm động quá, nói không ra tiếng, mà thấy hai con mắt có mấy hàng châu muốn nhỏ .. Rồi bả nói tiếp:
– Thật là trong khi tôi hoạn nạn, ai cũng vô tình, mà chỉ có con ở của tôi, nó cứu tôi. Bởi vậy từ bữa tôi xuống tàu đến bây giờ, có khi nhớ nó mà thương, ngơ ngẩn cả người, mà hễ tôi thấy ạ bạc đại với đầy tớ, lại còn nói là đầy tớ Annam thì cần gì, là tôi tức mình, tôi khinh bỉ lắm.
Luôn dịp em muốn hỏi bả, chắc hẳn có cái lợi gì, cho nên người Pháp ở Annam về hay đem bồi Annam đi theo. Bả nói:
– Có nhiều người vì mến bồi mà đem về, họ đãi rất tử tế, theo như cách thức của con ăn đứa ở bên Pháp. Song còn nhiều thì chỉ vì ch1ut lợi. Thứ nhứt là rẻ công và sai khiến dễ. Một người bồi theo chủ về, bất quá chỉ có ba trăm quan một tháng, về trông nom đủ mọi việc, đi chợ, giặt đồ, dọn phòng, giữ em, ngày làm cả ngày, mà chúa nhựt chỉ được nghỉ có một buổi. Còn bồi bếp bên Pháp, mỗi tháng ít nào cũng bốn năm trăm quan, ngày làm có giờ có khắc, chúa nhựt có lệ nghỉ cả ngày. Chủ nhà ăn sao, thì bồi bếp cũng ăn như vậy, vả lại ai làm việc gì, thì làm việc nấy, thí dụ như bồi chỉ dọn bàn, bếp chỉ đi chợ, chớ không bắt kiêm hai việc được. Nói tóm lại bên Pháp chúng tôi, nhà nước nhiều lệ luật binh vực cho bọn làm thuê làm mướn, chớ chủ nhà không có thể ỷ mình là người nuôi chúng, mà ức hiếp được chúng đâu.