Phần 07

(Đăng ngày 27 – 06 – 1929)

Từ Colombo đi qua Djibouti, hết bảy ngày bảy đêm trường. Đường từ Saigon sang Marseille, có khúc nầy là xa hơn hết: bảy ngày bảy đêm ở giữa biễn trời, thật là chán ngán. Vậy mà chưa lâu gì đâu; nghe anh em làm tàu nói chuyện đi những đường sang Bắc Mỹ hay là Úc châu, có khi 22 ngày hay là trót một tháng trời ở trên mặt biển, chỉ trông thấy mây và nước mà thôi.

Quảng nầy là giữa Ấn Độ Dương đây. Sóng đã có tiếng, vì hay có gió mùa, mỗi chiều mỗi mưa; biển làm chiếc tàu nghiêng bên nầy, ngả bên kia, đội đằng sau, dìm đằng trước, thành ra hành khách trong tàu, không có đờn địch trống kèn gì, mà ai nấy cũng múa chưn như là nhảy đầm hết thảy, coi ngộ lắm.

Lạ lùng quá, đến quãng biển nầy em lại không say gì hết, tuy là đầu có hơi nặng chút đỉnh, nhưng mà vẫn ăn uống đi lại như thường, chớ không bỏ ăn nằm bết như mấy ngày trước. Có lẽ đã quen sóng rồi. Kệ biển động, kệ gió lay, em vẫn xăng xái như thường, khiến cho cô Cúc Tử cũng lấy làm lạ.

Có khi cô cười mà nói rằng:

– Gái Việt Nam giỏi thiệt! Quen sóng rồi à?

Trong bảy ngày ròng rã nầy, chỉ có ăn rồi coi sách, và nói chuyện với người bạn lữ hành là cô Cúc Tử, nhờ đó mà em rộng kiến văn ra được nhiều. Cái bổn tâm của em định rằng: bước giang hồ đã để cho mình gặp một người Nhựt, thì chỉ nên hỏi đến chuyện Nhựt. Phương chi cái gương của nước ấy tiến bộ văn minh, có thể làm bài học cho mình, ấy là chưa nói tới cái nghĩa chủng tộc và văn hóa của hai đàng cũng có chỗ quan hệ với nhau. Bởi vậy em cứ hỏi riết cô về những chuyện bên Nhựt. Cô lại là người điềm đạm, dịu dàng và có tánh chất rất vui vẻ, hình như không muốn làm cho ai mất lòng. Chắc cô cũng biết em là người ít học thức, nhưng mà sự ít học thức đó là tại sao, chớ không phải là tại em không có tư chất.

Một đôi khi nói chuyện, em không sao dấu được chỗ khờ khạo của mình; cô nói:

– … Nếu như …. phát siễn sức thông minh ra, thì cô cũng là người giỏi lắm.

Bởi vậy, cô đối với em, không những là một người bạn đi đường, mà lại là một cô giáo giảng bài học nữa. Mỗi người mỗi cảnh, tuy không hề nói cho nhau biết, nhưng mà hình như tâm sự cũng soi thấu cho nhau.

Có lần em hỏi cô:

– Cô nói chuyện về đàn bà Nhựt cho tôi nghe.

Cô nói:

– Cô muốn nghe chuyện về đàn bà Nhựt mà là đàn bà Nhựt thế nào?

– Tôi muốn biết sơ về trình độ tiến hóa của người đàn bà Nhựt gần đây ra làm sao, và rồi đây cái khuynh hướng sẽ ra thế nào, có giống như đàn bà Âu Mỹ không?

Cô vỗ vai em rồi vừa cười vừa nói:

– Cô hỏi tôi như vậy, tức là bảo tôi viết một cuốn sách mấy trăm chương cũng chưa hết. Song tôi có thể nói sơ lược cho cô nghe được. Cái trình độ tiến hóa của phụ nữ chúng tôi ư? Hễ cái trình độ tiến hóa của chị em Âu Mỹ ngày nay tới đâu thì chúng tôi cũng tới đó. Chị em Âu Mỹ có người làm trạng sư, làm bác sĩ, làm phi tướng, làm nghị viên, thì chúng tôi cũng có đủ cả. Cho tới cuộc chơi thể tháo (Jeux Olymbiques) ở Âu châu mỗi năm, có đàn bà Âu Mỹ tỉ thí món nào, thì chị em chúng tôi cũng có người ra dự để tranh phong với họ. Nói tóm lại chúng tôi muốn chứng tỏ ra rằng bên phương Đông ta cũng có cái dân tộc ngang hàng với họ được, chớ không kém gì.

Sự kết quả về công cuộc văn minh, họ làm mấy thế kỷ mà chúng tôi làm có năm chục năm cũng được như thế, là do ở chúng tôi cũng có sự giáo dục và cái tinh thần bổn sắc riêng, cho nên tiếng rằng học cái văn minh khôn khéo của họ mà chúng tôi tiến hóa, chớ không đồng hóa. Sự vật chất ở nước Nhựt thì là Âu châu, nhưng tinh thần vẫn là tinh thần Nhựt. Đến như cái khuynh hướng của chị em chúng tôi, thì có thể nói rằng cũng giống như đàn bà Âu Mỹ, mà cũng có thể nói rằng không.

Chỗ khác nhau đó, là vì chúng tôi không ham về đường chánh trị, mà chúng tôi có tư tưởng xác định rằng đem cái thân đào thơ liễu yếu ra gánh việc xã hội, thì có nhiều đường làm ích cho xã hội chớ không phải chỉ chuyên về chánh trị mới có ích mà thôi. Nói tóm lại, chúng tôi vẫn chuyên tâm về việc gia đình, nghĩ rằng gia đình là gốc cho xã hội, mà cái thiên chức của đàn bà là ở đó, nếu biết lo lắng, xếp đặt, mở mang cho phải đường, thì có phải là vô ích cho đời cho nước đâu.

Em nghe câu chuyện nầy mà suy nghĩ có biết bao nhiêu câu triết lý có ích cho chị em mình.

Luôn dịp em hỏi tiếp cô, sao người Nhựt lại hay có tánh tự vận, mà người ngoại quốc đều cho là cái tánh rất kỳ.

Cô nói:

– Cô chưa kịp hỏi mà tôi cũng định nói cho cô nghe. Phàm một cái dân tộc nào mạnh được, là phải nhờ có dân phong sĩ khí, nghĩa là dân phải có tinh thần cho mạnh mẽ, và những người cắp sách đi học, phải là người có khí phách cho hùng hồn khẳng khái mới đặng. Dân phong sĩ khí là một cái đặc tánh của dân tộc chúng tôi, có từ mấy ngàn năm nay, nhờ vậy mà chúng tôi có văn minh, có mỹ thuật, có nghị lực, có khí tượng để tự tôn mình lên và theo kịp người. Hồi thế kỷ thứ 17 và 18, những người Âu châu như Hồng Mao, Y Pha Nho và Hà Lan cũng định nuốt sống chúng tôi lắm, nhưng vì chúng tôi có dân phong sĩ khí mạnh lắm, cho nên họ không thiệt hành được cái dã tâm của họ. Dân tâm sĩ khí của chúng tôi chung đúc vào một bọn người hơn hết gọi là võ sĩ đạo. Con trai lớn lên là đeo gươm. Lưỡi gươm ấu để làm việc đời hay là để tự xử lấy mình. Ra chốn sa trường thì lưỡi gươm ấy để chém giặc, còn gặp việc gì bị nhục cho mình, thì lưỡi gươm ấy là quan tòa. Chắc cô coi sách cũng thấy nói nước tôi có cái lối hara kiri, ấy đó.

Phải, chúng tôi hay tự vận thiệt, vì chúng tôi nghĩ như vầy: sống thì vẻ vang, hay là chết đi cho rảnh. Những lúc đòi cải cách duy tân, hằng ngày có mấy trăm người tự vận, những lúc sắp đánh nhau với Nga, cũng là hằng ngày, có mấy trăm người tự vận, ấy đều là biểu hiện của dân bày tỏ cái quyết tâm của mình ra tới bực nào. Nhờ đó mà từ hồi nào tới giờ, có lẽ chúng tôi chưa biết việc gì là thất bại.

Có một lối, bọn học sanh nước tôi ham tự vận quá. Thi hỏng là họ tự vận liền. Cho tới đàn bà con gái, hoặc vì tình duyên trắc trở, hoặc vì nhà cửa lôi thôi, thế là cũng đâm đầu xuống giếng tự vận. Đến nỗi ở tđất Thần hộ, có cái giếng chỉ trong mấy tháng, họ nhảy xuống đó mà đầy. Đó là lúc mà sự thất ý của người ta lên tới cực độ; hồi ấy bên nước chúng tôi, đã có nhiều hội lập ra kêu là hội “Phụ nữ đồng tình”, tuyên bố khắp mọi nơi, nói rằng hễ chị em ai có việc gì bất như ý, hãy tới nhà hội nói chuyện đã, chớ nên liều mạng vội. Làm như vậy cũng cứu được vô số người. Sự tự vận quá đến như vậy, vẫn không hay gì, nhưng nó cũng là căn nguyên ở dân phong sĩ khí của chúng tôi mà ra,…

Viết một bình luận

error: Content is protected !!