(Đăng ngày 13 – 06 – 1929)
Cứ đứng trong cái cảnh thiên đàng ấy, bên tai chim hót véo von, trước mắt cỏ hoa man mát, khiến cho mình dùng dằng chẳng nỡ dời chưn. Em đã nói rằng cái chỗ nầy làm cho thần trí của mình thanh cao thoát tục một cách lạ thường, thì có thiệt như vậy, mình đã chường mặt chán tai với những tiếng ồn ào rộn rịp của mấy nơi thành thị mà vào tới đây, thấy cái vẻ tự nhiên tạo hóa nó êm đềm trong sạch, cao thượng, hèn chi tâm hồn của mình chẳng thấy nhẹ nhàng. Nhà thi sĩ Ấn Độ là Tagore tiên sanh cho những chỗ như vầy là trường thiên nhiên của tạo vật đây,…
Em đương đứng ở dưới bóng cây, suy nghĩ vơ vẩn một mình, cô Cúc Tử ở đầu kia đi lại, vỗ vai em một cái, nói rằng:
– Thôi, đi chớ!
Lúc bấy giờ, em đứng lặng lẽ êm đềm, đương nghĩ đến đời mà cho là chán ngán đắng cay, thành ra trong óc đã thấy vẩn vơ, rắp toan những sự vào núi đi tu, lìa trần thoát tục,.. Chợt có người động đến mình, làm hình như cái dây tư tưởng ấy của mình, nó phải đứt đi; ban đầu còn có ý trách thầm trong bụng rằng: “Sao con quái gở nầy lại phá tan cái thanh hứng của người ta đi” .
Nhưng nghĩ lại thì tiếng động ấy làm cho mình phải sực nhớ cái tình ảnh cái thân thế của những người như mình, còn phải lăn lóc với đời, phấn đấu với đời, chớ bỏ lơ đi sao được? Bỏ như vậy thì những quân ăn cướp cạn, lột hết áo chủa chúng mình còn chi!
Rồi chúng tôi ra xe hơi, đi tới Kandy, đúng 12 giờ trưa mới tới nơi. Xe vừa đậu lại, thì có một lũ người Ấn Độ chạy tới xúm quanh xe, để xin chỉ đường dẫn lối cho mình đi viếng cảnh. Họ biết mình là người ngoại quốc du lịch, cho nên muốn đưa đường để kiếm tiền, song họ không biết rằng trong bọn nầy cũng có người thông thạo đường đất lắm, có cần gì phải ai đưa. Thôi, cám ơn mấy anh, mấy anh định ăn tiền của chúng tôi không xong đâu.
Kandy tuy là một thành phố nhỏ, nhưng mà hình thế và cảnh trí của nó coi đẹp lắm, hình như là xây ở trên mặt nước. Có cái hồ lớn, giữa hồ có cái đảo nhỏ, còn chung quanh hồ thì đầy những đình, đài, lang, tạ, cùng là những biệt thự của người ta lập ra để ở, quy mô lộng lẫy, hoa cỏ tốt tươi, coi thiệt không mỏi mắt.
Trong thành phố cũng chia ra khu nầy là phố người Âu châu ở, chỉ có hai ba cái nhà hàng; còn khi kia là khu người bản xứ ở, thôi nó đông đảo lạ thường, những người đi lại nói cười, nghe rất ồn ào náo nhiệt. Mình đi giữa thành phố, thấy người ta cỡi voi đi nghinh ngang ngoài đường, hình như nơi khác cỡi ngựa vậy. Mà thấy nhiều lắm, té ra họ nuôi, thành ra voi cũng đã thuần tánh rồi.
Cái hồ ở đây, tuy là người ta đào ra, song cũng là một thứ kiệt tạc về mỹ thuật của loài người. Xung quanh hồ đều xây đá chạm trổ rất đẹp. Em thấy lối chạm trổ của những miếng đá nầy và lối kiến trúc của ngôi chùa kia, khiến cho em tưởng nhớ tới Đế Thiên Đế Thích ở bên Cao Mên. Mấy nước nầy cùng do một nền văn hóa mà ra, cho nên kỹ thuật của họ giống nhau như đúc vậy.
Ở giữa hồ có một cái cù lao nhỏ, tương truyền ngày xưa các bà hoàng hậu bị biếm thì ra ở đó, tức là một chốn lãnh cung. Còn ngôi chùa có danh tiếng hơn hết là chùa Maligawa thì xây ngay ở bên bờ hồ, đỉnh tháp nguy nga, chiếu rọi xuống mặt nước dưới hồ; nước trong đến đỗi mình trông cuống không khác gì soi vào trong kiếng, thấy ngôi chùa đủ cả từng nét chạm lớp xây.
Qui mô và mỹ thuật của ngôi chùa nầy thế nào, em thú thiệt là em không thế nào tả ra được, chỉ có ai đã đi xem Đế Thiên Đế Thích thì hình dung nó ra được tương tợ như vậy mà thôi. Cái đẹp của tạo hóa, cùng là cái đẹp của người ta làm ra, có lẽ tiếng của loài người còn thiếu, không bày tỏ ra hết được chăng?
Chùa nầy cũng có tên kêu là chùa Răng Phật (The lekephe of the Holy Tooth), vì ở trong có thờ một cái răng tương truyền là răng của Phật còn di tích lại, bao nhiêu tín đồ đạo Phật đều sùng bái cái di tích ấy, coi như là một thứ thần khí rất thiêng liêng quý báu. Chỉ nghe nói vậy, chớ thiệt tình thì em chưa được thấy cái răng đó ra thế nào. Mỗi năm chỉ vào hồi tháng tám, là mùa trăng thì người ta dưng cộ một lần, khi đó người ngoài xin được chiêm ngưỡng cái thần vật ấy mà thôi. Bây giờ mới là tháng ba, tiếc rằng mình đi không gặp dịp.
Đi hoài từ hồi sáng tới giờ, ai nấy đã thấy đói bụng và mỏi mệt cả rồi. Chúng tôi bèn dắt nhau ra một hàng cơm lớn của người Hồng Mao tại đó để ăn. Nhà hàng nầy sang trọng lắm, có đủ mọi sự cần dùng theo cách kim thời, mà hầu sáng toàn là người bổn xứ, hầu hạ rất là lễ phép, mình đi đâu một bước là chúng đi theo đuôi, để phục dịch cho mình. Ví dụ như mình đi rửa mặt, là chúng đi theo đưa khăn tay và xà bông, coi bộ chăm nom săn sóc lắm.
Mỗi cái đó là mỗi tiền, mỗi việc là mình phải cho anh chàng một vài cắc hút thuốc chơi. Cái tục ăn của người Hồng Mao hơi khác của người Pháp, họ hay ăn khoai để thay cho bánh mì, còn muỗng nĩa thì mỗi món ăn xong, họ lại thay muỗng nĩa khác, chớ không như người Pháp, ăn trọn bữa chỉ có muỗng nĩa ấy mà thôi.
Hồi đầu em thấy vậy, tỏ ra ý ngạc nhiên, cô Cúc Tử hiểu ý, liền bảo em rằng:
– Lối ăn của người Hồng Mao như vậy đó.
Ăn uống xong đã 1 giờ rưỡi, chúng tôi phải lật đật lên xe trở về Colombo cho kịp tàu chạy 4 giờ. Lúc về, bị thò giờ gấp quá, sợ đi thong thả thì trật tàu, cho nên anh sốp phơ càng thả ga cho xe chạy tung bụi lên gấp hai lúc đi. Gặp đường cong, thấy có biển đề chữ Slowe nghĩa là chạy thong thả chớ, thì xe cũng phóng lên chạy đường thẳng vậy. Em ngồi trên xe có lúc giựt mình … sợ chết.
Đi thẳng về tới tàu, thì tàu đã rung chuông lần thứ hai sửa soạn kéo neo chạy. May chưa! Nếu lúc đi giữa đường mà rủi bị xe hư máy một chút, thì mình phải bơ vơ ở tại Colombo rồi còn gì.
Đúng bốn giờ tàu quay mũi đi ra, thế là từ giã hai người bạn Nhựt Bổn gặp nhau chỉ như là bèo hiệp mây tan; từ giã quê hương của đức Phật và thánh Gandhi; từ giã luôn anh em Ấn Độ.