(Đăng ngày 6 – 6 – 1929)
Anh em đồng hao ta làm ở dưới tàu, công việc hình như nặng nhọc, và nhiều giờ lắm. Có lẽ mỗi ngày làm tới 10 giờ đồng hồ. Sáng ngày chừng 4 giờ rưỡi hay 5 giờ đã tha61h họ dậy đi lau chùi quét dọn nầy kia, còn tối thì tới 8, 9 giờ mới được nghỉ. Làm khó nhọc như vậy mà bao nhiêu lương, mỗi tháng chỉ có 18 đồng bạc mà thôi, tội nghiệp quá. Nghe đâu đã có nhiều lần họ yêu cầu với hãng Messageries Maritimes (ta gọi là hãng Nhà Rồng) cho thêm lương, những mà hãng nầy làm thinh, không đếm xỉa gì tới.
Tuy vậy hình như anh em ta cũng yên tâm với công việc nặng nhọc ấy, số lương ít ỏi ấy, mà không nói gì là vì có nhiều lẽ. Trừ những người óc không có chữ, tay không có nghề, mà chui xuống tàu làm để kiếm miếng cơm ăn, thì có lẽ mỗi tháng 18 đồng cũng đủ cho họ. Còn thì nhiều người chỉ vì sự buôn bán mà đi. Thật vậy, họ cứ đi từ Tây sang Nhựt, rồi đi từ Nhựt về Tây, mua đồ xứ nầy đem bán xứ kia, cũng kiếm lời khá lắm.
Ở Nhựt qua thì họ mua chén, dĩa, tượng, lộc bình để bán tại Saigon, và mua những chuỗi hột trai giả (perles artificielles) để … bán cho mấy cô … nghèo mua đeo, cũng lên mặt và làm mập mờ như các bà triệu phú đeo chuỗi hột trai đáng giá hằng triệu vậy.
Còn một số người, cũng biết là hãng Nhà Rồng bạc đãi, nhưng họ cũng đi, là kiếm đường sang Pháp, mà khỏi trả tiền tầu, rồi tới Marseille, họ kiếm tầu chạy những đường Bắc Mỹ, Ai Cập, Madagascar mà làm, cũng được lương bổng và đối đãi như người Tây vậy, chớ không kém một chút nào. Có nhiều người mình làm tàu những đường ấy, mà được làm đầu bếp (Chef cuisinier), làm maitre-d’hôtel, thì té ra lại có quyền cai quản người Tây nữa. Thế cũng là một cách vẻ vang.
Trong lúc ăn cơm, nhơn dịp chúng tôi hỏi rằng những đồ ăn nầy là của tàu phát cho hay sao? Người nấu bếp nói rằng:
– Ở tàu họ chỉ phát cho cá mắm và thịt bò xấu, ăn không đủ và ăn không được. Bởi vậy mỗi chuyến tàu chúng tôi phải mua dự trữ đồ ăn ở Saigon đi mà ăn với nhau.
* * *
Hôm ấy là ngày 29 Mars, vào hồi 8 giờ sáng, thì tàu tới cảng Colombo. Từ Singapour đi qua đây, tàu chạy hết năm ngày và sáu bảy giờ đồng hồ. Colombo là một hải cảng của người Hồng Mao trông ngay ra biển, tàu vào cũng đậu ở biển, cách bờ chừng 500 thước, chớ không cặp cầu; tuy vậy người Hồng Mao có xây một cái đê vùng ra ngoài biển dài đến hơn hai ngàn thước, để có hai cửa cho tàu vào; làm vậy là để cho tàu vào đậu được bình yên không có sóng gió. Cái đê ấy làm kiên cố như bức thành, công trình của họ xem ra to lớn lắm, làm sao xây được từ dưới biển xây lên, cao như thế, dài như thế.
Trong cái vòng đó, tàu lớn thuyền con kể có cả ngàn, coi vui vẻ và rộn rịp lắm, ..
Trước khi tàu sắp tới Colombo, thì em đã nói với cô Cúc Tử có lên bờ xem phong cảnh thì cho em đi theo với, vì em nghe ở đây phong cảnh đẹp và có nhiều di tích của Phật, nên coi cho biết.
Cô Cúc Tử nói đường lối và danh thắng ở Colombo, cổ cũng không quen lăm, song không lo gì, tàu đến nơi đã có mấy người đồng bào với cổ buông bán ở đây ra đón rước, rồi chị em mình biểu họ dắt đi chơi. Cổ đã có viết thơ báo tin cho người ta rồi.
Tàu vừa bỏ neo xong, trong đám người lên tàu có hai vợ chồng người Nhựt và một đứa con nhỏ. Đó là người lên đón cô Cúc Tử. Đôi bên gặp nhau, coi bộ mừng rỡ lắm. Em cũng đứng đó, cô Cúc Tử giới thiệu em cho mấy người kia:
– Tôi giới thiệu cô nầy là người bạn Annam của tôi.
Mấy người cúi đầu chào rất lễ phép, và nói tiếng Nhựt những gì, em nghe đâu có hiểu, chỉ thấy cô Cúc Tử biểu em:
– Thôi cô vào sửa soạn lên bờ.
Em vào phòng lật đật rửa mặt thay áo, chạy kiếm thân phụ em, xin phép đi bờ chơi với cô Nhựt Bổn, rồi tất tả tới chỗ cầu lên xuống, thì đã thấy bọn cô Cúc Tử đứng chờ ở đó. Em đưa giấy thông hành cho người lính Ấn Độ đóng cho một con dấu, rồi chúng tôi đều xuống đò mà lên bờ. Mỗi người phải trả 25 xu theo tiền roupie của Ấn Độ.
Mới bước chưn lên bờ tuy chưa đi được tới đâu, nhưng mà để mắt ngó xa, đã thấy cái vẻ to lớn tốt đẹp của thành phố nầy. Sự nghiệp của người Hồng Mao mở mang, thôi khỏi phải nói. Bọn sốp-phơ thấy bóng mấy người ngoại quốc là xúm nhau lại, mời chào lôi kéo, cũng như mấy anh lơ ở đường Bonard và chợ cũ của mình vậy, có điều là bọn sốp-phơ Ấn Độ có phép tắc hơn.
Nội những danh thắng ở quanh Colombo thì chỉ có ở Kandy có nhiều cổ tích, có núi cao, có chùa cổ, ai đi qua đây cũng phải tới coi. Kandy ở ngay giữa đảo Tích Lan (Ceylan), cách Colombo tới 72 anh lý nghĩa là 130 cây số, đi xe hơi phải mất ba giờ đồng hồ mới tới. Chúng tôi mướn một cái xe hôi để đi, trả 30 roupie có đi có lại.
Mới trèo lên xe là anh sốp-phơ thả máy liền, phố xá đông đảo như vậy, mà xe cứ chạy như biến, chẳng coi mạng người vào đâu, vậy mà không ai chạm vào bánh xe hết, thật là tài tình. Xe chạy qua phố tây, qua phố người bổn xứ, rồi ra ngoài thành phố, thì xe chạy càng mau, mấy anh sốp-phơ bên nầy chắc cũng như bên mình, chạy hết ga cho đỡ tốn xăng, chết ai thây kệ.
Đường nầy đi quanh co khuất khúc lắm, khi thì lên dốc, khi thì xuống đèo, chỗ qua rừng cây, chỗ qua bãi cát, khiến cho con mắt mình được đổi phong cảnh luôn luôn. Đi nửa đường ngó xa xa thấy một trái núi cao chót vót, gọi là Pic Adam, tương truyền là thuở xưa Phật đã thuyết pháp ở trên đỉnh núi ấy. Trên đỉnh núi lại có hình một cái bàn chưn thiệt lớn. Người theo đạo Phật thì nói đó là chưn của Phật; còn người theo đạo Hồi thì nói rằng hồi xưa ông Adam ở Thiên đình xuống đó chịu tội, chưn của ổng ấn xuống đá thành ra cái hồ nước; bây giờ mỗi năm người theo đạo Hồi vẫn vịn cây trèo đó, lên đó viếng cảnh và lấy nước uống, coi như là nước thánh vậy.
Khi đi đường, trông thoáng hai bên có nhiều dấu tích cổ, mà mình không biết lai lịch thế nào; thỉnh thoảng thấy có năm ba cái nhà máy, thấy cả ga xe lửa, vì từ Colombo tới Kandy, có thể đi xe lửa được, nhưng mà chậm hơn xe hơi.
Trước khi tới Kandy còn cách chừng 8 cây số, chúng tôi có ngừng xe lại, vào coi một cái hoa viên, kêu là Pera donya Garden, có tiếng lừng lẫy khắp toàn cầu, chẳng những là vì có di tích lạ, mà ở trỏng có nhiều cây quý bông thơm, không đâu sánh kịp. Người ta nói chỗ đó là chỗ ngày xưa ông Adam và bà Eva ăn trái cấm, mà làm cho nhơn loại bị đày đọa từ xưa đến giờ; chỗ đó là chỗ tổ tích của loài người.
Những chuyện huyễn hoặc, biết đâu mà tin được, chỉ biết là trong vườn ấy có lẽ gom góp hầu đủ hết các thứ cây cỏ, các thứ bông trái, ở khắp dưới mặt đất. Có từng khóm trúc lớn lạ lùng, mỗi khóm đến năm sáu chục cậy. Họ nói giống trúc ấy tới mùa mưa, thì nó mọc lên mau lắm, có khi mình chăm chỉ đứng đó mà nhìn, có thể thấy nói mỗi ngày cao lên được hai ba tất.
Đi trong vườn ấy, khiến cho mình tưởng tượng Bồng lai tiên đảo cũng đâu thế nầy; thiệt vậy, mắt trông cây lạ, tai nghe chim hót véo von, mũi hửi hoa thơm sực nức, làm cho thần trí của mình thấy thanh cao thoát tục một cách lạ thường. Hèn chi họ kêu là một cái cảnh Thiêng đàng cũng phải.