Rừng Na Uy – Chương 11-2

Bốn ngày sau khi về lại Tokyo, tôi nhận được thư của Reiko. Phát chuyển đặc biệt.

Chỉ là một thông báo ngắn:

“Đã nhiều tuần lễ tôi không thể liên lạc được với cậu, và tôi đang lo lắng đây. Làm ơn gọi cho tôi. Lúc chín giờ sáng hoặc chín giờ tối. Tôi sẽ đợi máy.”

Tôi gọi chị lúc chín giờ tối hôm đó. Reiko nhấc máy ngay lập tức.

“Cậu có sao không thế?” Chị hỏi.

“Cũng không có gì,” tôi nói.

“Tôi đến thăm cậu vào ngày kia có được không?”

“Thăm tôi? Ở Tokyo này ư?”

“Đúng thế đấy. Tôi muốn được nói chuyện thật thoả thích với cậu.”

“Chị sẽ ra khỏi khu an dưỡng chứ?”

“Chỉ như thế tôi mới có thể đến thăm cậu, đúng không nào? Dù sao, cũng đã đến lúc tôi phải rời khỏi nơi này. Ở đây cũng đã tám năm rồi còn gì. Nếu họ giữ tôi nữa, tôi sẽ bắt đầu thối rữa mất.”

Tôi thấy rất khó nói. Sau một lúc im lặng, Reiko tiếp tục: “Tôi sẽ đi tàu siêu tốc chuyến ba giờ hai mươi ngày kia. Cậu đón tôi ở ga được không? Cậu còn nhớ mặt mũi tôi không đấy? Hay Naoko chết rồi thì cậu chẳng còn nghĩ gì đến tôi nữa?”

“Làm gì có chuyện ấy,” tôi nói. “Hẹn gặp chị ở ga Tokyo ngày kia lúc ba giờ hai mươi.”

“Cậu sẽ nhận ra tôi dễ thôi. Một bà già có hộp đàn ghi-ta. Chẳng có mấy người như vậy đâu.”

Và quả thực là tôi nhận ngay ra Reiko trong đám đông.

Chị mặc áo tây đàn ông vải tuýt, quần dài trắng, và giày thể thao màu đỏ. Tóc chị vẫn ngắn như thế, vẫn từng chỏm nhọn lởm chởm như thế. Chị nở một nụ cười sảng khoái đầy nếp nhăn lúc nhìn thấy tôi, và tôi thấy mình mỉm cười đáp lại. Tôi đỡ chiếc vali cho chị và đi bên cạnh chị ra của đi tàu về vùng ngoại ô phía Tây.

“Này Watanabe, cậu đeo cái vẻ mặt kinh khủng này từ hao giờ thế hả? Hay bây giờ ở Tokyo đang có mốt như vậy?”

“Tôi vừa đi đây đi kia một thời gian, ăn uống linh tinh quá,” tôi nói. “Chị thấy tàu siêu tốc thế nào?”

“Chán chết được? Chị nói. “Không mở được cửa sổ. Tôi chỉ muốn mua một suất ăn trưa trong hộp ở một nhà ga nào đó mà không được.”

“Họ có bán thức ăn trên tàu mà.”

“Có, nhưng toàn bánh kẹp trong gói nilông đắt chết người. Đến ngựa đói cũng không muốn đụng đến cái thứ đó. Tôi thường thích ăn cơm suất trong hộp ở nhà ga Gotenba.”

“Ngày xửa ngày xưa, trước khi có tàu siêu tốc.”

“Thì tôi chính là một kẻ từ ngày xửa ngày xưa trước khi có tàu siêu tốc mà!”

Ngồi trên tàu đi Kichioji, Reiko ngắm phong cảnh vùng Musashino trôi qua ngoài cửa sổ với tất cả vẻ tò mò của một khách du lịch.

“Tám năm có thay đổi nhiều không chị?” Tôi hỏi.

“Cậu không biết tôi đang cảm thấy những gì bây giờ, đúng không, Watanabe”

“Đúng, tôi không biết.”

“Tôi đang sợ,” chị nói. “Sợ đến mức tôi có thể cứ thế phát điên lên. Tôi không biết mình sẽ phải làm gì, tự nhiên lại ném mình ra ngoài như thế này.” Chị ngừng một chút. “Nhưng cái câu “Cứ thế phát điên lên nghe cũng hay đấy chứ cậu?”

Tôi mỉm cười và cầm lấy tay chị. “Đừng lo,” tôi nói. “Chị sẽ ổn mà. Chị đã đến được tận đây nhờ sức mạnh của chính mình.”

“Chẳng phải vì sức mạnh của chính mình mà tôi ra khỏi được đó đâu” Reiko nói. “Chính là vì Naoko và cậu đấy. Thiếu Naoko tôi không thể chịu đựng nổi ở đó nữa, và tôi phải đến Tokyo để nói chuyện với cậu. Có thế thôi. Nếu không có chuyện gì, có lẽ tôi sẽ ở lại đó suốt đời mất.”

Tôi gật đầu.

“Từ giờ thì chị tính sẽ làm gì?” tôi hỏi Reiko.

“Tôi sẽ đi Asahikawa,” chị nói. “Mãi tận trên Hokkaido hoang đã! Một người bạn hồi đại học có một cái trường nhạc ở đó. Cô ấy đã đề nghị tôi đến giúp một tay hai ba năm nay rồi. Tôi bảo cô ấy ở đó quá lạnh đối với tôi Mà thật thế, chẳng nhẽ mãi mới lấy lại được tự do thì tôi lại phải lên tận Asahikawa sao? Rất khó phấn chấn vì một nơi khỉ ho cò gáy như thế?”

“Không đến nỗi chán thế đâu,” tôi nói và bật cười. “Tôi đã đến đấy rồi. Thị trấn ấy làm gì đến nỗi nào. Nó có một không khí riêng rất đặc biệt.”

“Cậu chắc không?”

“Tuyệt đối chắc mà. Còn hay hơn Tokyo nhiều.”

“Ôi chao,” chị nói. “Tôi cũng chẳng biết đi đâu nữa, và cũng đã gửi hết đồ đoàn lên đấy rồi. Này Watanabe, cậu phải hứa sẽ đến thăm tôi ở Asahikawa đấy nhé.”

“Tất nhiên rồi. Nhưng chị có phải đi lên đó ngay không? Chị có ở lại Tokyo được ít ngày không?”

“Tôi cũng thích quanh quẩn ở đây vài ngày nếu có thể được. Cậu cho tôi tá túc được không? Tôi sẽ không làm phiền cậu chứ?”

“Không có vấn đề gì,” tôi nói. “Tôi có một cái khoang để đồ rộng lắm, tôi sẽ ngủ bằng chăn túi ở trong đó.”

“Tôi không thể làm thế với cậu được.”

“Có gì đâu mà, thật đấy. Cái khoang để đồ ấy rộng lắm.

Reiko gõ gõ ngón tay theo nhịp lên mặt cái hộp đàn kẹp giữa hai đầu gối. “Có lẽ tôi phải làm quen một tí trước khi lên Asahikawa. Tôi quên hết nếp sống bên ngoài rồi. Tôi thiếu thốn nhiều thứ lắm, và tôi lại lo sợ nữa. Cậu nghĩ có giúp được tôi một tí không? Tôi chỉ có mỗi cậu để hỏi thế thôi đấy.”

“Làm được gì là tôi sẽ làm hết để giúp chị,” tôi nói.

“Hy vọng là tôi không làm vướng đường cậu.”

“Tôi chẳng có đường nào để cho chị làm vướng cả.”

Chị nhìn tôi và nhếch cả hai mép lên trong một nụ cười, nhưng không nói gì cả.

Chúng tôi hầu như không nói gì nữa trong suốt quãng đường đến ga Kichijoji và từ đó về chỗ tôi bằng xe buýt. Chúng tôi chỉ trao đổi bâng quơ vài câu về những thay đổi ở Tokyo, về thời gian Reiko còn ở đại học âm nhạc, và chuyến đi của tôi đến Asahikawa, nhưng không ai đả động đến Naoko. Mười tháng đã trôi qua kể từ lần trước tôi gặp Reiko, nhưng tôi thấy bình tĩnh và thoải mái lạ lùng khi sánh bước bên chị. Đây là một cảm giác quen thuộc, tôi nghĩ thầm, và chợt nhận ra đó chính là cảm giác tôi vẫn thường có khi đi bộ khắp phố phường Tokyo cùng với Naoko. Và cũng như Naoko với tôi đã chia nhau cái chết của Kizuki, Reiko và tôi nay lại đang chia nhau cái chết của Naoko. Ý nghĩ đó khiến tôi không thể nói năng gì được nữa. Reiko tiếp tục nói một lúc, nhưng khi thấy tôi cứ nín thinh, chị cũng im lặng luôn. Chúng tôi chẳng ai mở mồm trên xe buýt.

Đó là một trong những chiều đầu thu khi mọi vật đều sáng sủa rõ ràng, hệt như một năm trước khi tôi đến Kyoto thăm Naoko. Những đám mây trắng và dài như những lóng xương, bầu trời cao thăm thẳm. Hương thơm trong gió, sắc độ của ánh sáng, những bông hoa li ti trong cỏ, âm vang tinh tế của mọi thứ tiếng động: tất cả những cái đó nhắc nhở tôi rằng một mùa thu nữa lại đã về, và mỗi kì luân chuyển của trời đất lại khiến khoảng cách giữa tôi và những người đã chết xa thêm nữa. Kizuki thì vẫn mười bảy và Naoko hai mốt. Mãi mãi như vậy.

“Ôi chao, đến được một chỗ như thế này thật nhẹ nhõm biết bao!” Reiko nói trong lúc nhìn khắp xung quanh khi vừa từ xe buýt bước xuống.

“Bởi vì ở đây chẳng có gì hết,” tôi nói.

Tôi đưa Reiko vàn qua cổng sau, đi xuyên qua vườn để vào căn nhà nhỏ của mình.

Cái gì cũng làm cho chị thích thú.

“Thật tuyệt vời!” Chị nói. “Chính cậu làm những cái giá đỡ kia với cả cái bàn này đấy à?”

“Vâng,” tôi vừa nói vừa rót trà ra cốc.

“Cậu rõ khéo tay thật đấy” Mà cậu còn giữ nhà cửa rất sạch sẽ nữa chứ!”

“Ảnh hưởng của Quốc-xã đấy,” tôi nói. “Hắn đã biến tôi thành một kẻ sạch sẽ bệnh hoạn. Chứ không phải vì chủ nhà phàn nàn gì đâu.”

“Ô còn ông chủ nhà của cậu nữa! Tôi phải tự giới thiệu mình với ông ấy. Nhà ông ấy ở phía bên kia vườn đúng không?”

“Tự giới thiệu chị với ông ấy? Để làm gì?”

“Để làm gì nghĩa là sao? Một bà già lạ lẫm tự nhiên xuất hiện ở chỗ cậu rồi bắt đầu chơi ghi-ta, ông ấy sẽ thắc mắc cho mà xem. Đi trước một bước là hơn. Tôi đã mua cả một hộp kẹo uống trà cho ông ấy đây.”

“Chị khéo thật đấy,” tôi nói.

“Già quá hoá khôn thôi. Tôi sẽ bảo ông ấy rằng tôi là bà cô về đằng mẹ của cậu, từ Kyoto đến chơi, cậu đừng có nói khác đấy nhé. Những lúc như thế này thì chênh lệch tuổi tác lại hoá hay. Sẽ không ai nghi ngờ đâu.”

Reiko lấy hộp kẹo trong túi ra rồi đi làm bổn phận chào hỏi. Tôi ngồi lại dưới hiên nhà, uống thêm một cốc trà nữa và chơi với con mèo. Hai mươi phút trôi qua, và khi Reiko trở về, chị lấy một hộp bánh qui gạo ra và bảo đấy là quà cho tôi.

“Chị nói chuyện gì với họ mà lâu thế?” tôi hỏi, miệng gặm bánh qui.

“Chuyện cậu chứ còn chuyện gì nữa,” Reiko nói, ôm nựng con mèo và cọ má vào nó. “Ông ấy nói cậu là một thanh niên rất đứng đắn, một sinh viên nghiêm túc.”

“Chị có chắc là ông ấy nói về tôi không đấy?”

“Chắc chắn rồi, và tôi không nghi ngờ một li một leo nào hết,” chị nói rồi phì cười. Sau đó, thấy cái ghi-ta của tôi, chị nhặt nó lên, chỉnh dây, và chơi bài “Desafinado” của Antonio Carlos Jobim. Bao nhiêu tháng rồi tôi mới được nghe lại tiếng ghi-ta của

Reiko, và nó khiến tôi nhớ lại cảm giác ấm áp của lần trước.

“Cậu tập ghi-ta đấy à?” Chị hỏi.

“Nó lăn lóc trong kho của ông chủ nhà nên tôi mượn và bập bùng thi thoảng thôi, tập tành gì đâu chị.”

“Rồi tôi sẽ dạy cậu một buổi. Hoàn toàn không lấy tiền.” Reiko để cái đàn xuống và cởi chiếc áo tây ra. Ngồi dựa lưng vào cột hiên nhà, chị hút một điếu thuốc lá. Chị mặc một cái sơ-mi cộc tay carô vải madras.

“Sơ mi đẹp đấy chứ, phải không cậu” Chị hỏi.

“Đẹp,” tôi nói. Mà quả thực nó đẹp thật, kiểu carô rất hay.

“Của Naoko đấy,” Reiko nói. “Tôi cuộc là cậu không biết hai đứa chúng tôi cùng một cỡ. Nhất là hồi cô ấy mới vào khu an dưỡng. Sau này cô ấy có hơi đẫy ra một chút, nhưng chúng tôi vẫn mặc chung được: áo, quần, giày, mũ. Chỉ có xu-chiêng là không chung được thôi. Tôi thì chẳng có tí ngực nào. Vậy là chúng tôi luôn mặc đổi quần áo nhau. Thật ra là gần như chung nhau vậy.”

Nghe chị nói xong tự nhiên tôi mới để ý thấy người Reiko gần giống hệt Naoko. Vì gương mặt khác, và chân tay mảnh dẻ, nên chị đã luôn gây cho tôi có cảm giác là chị nhỏ hơn và mảnh dẻ hơn Naoko, nhưng thực tế là chị rất rắn chắc.

“Cái áo tây và cái quần củng là của cô ấy,” Reiko nói. “Tất cả là của cô ấy. Cậu có phiền khi thấy tôi mặc đồ của cô ấy không?”

“Hoàn toàn không,” tôi nói. “Nhất định Naoko sẽ vui khi thấy có ai đó đang mặc quần áo của mình, nhất là chị.”

“Cũng lạ,” Reiko nói và búng nhẹ ngón tay một cái.

“Naoko không để lại di chúc hay gì cả mà chỉ nhắc đến quần áo của cô ấy thôi. Cô ấy viết vội một dòng vào tập giấy vở để trên bàn rằng “Xin hãy để hết quần áo của tôi cho Reiko.” Cô ấy lạ thế đấy, phải không cậu” Tại sao lại chỉ quan tâm đến quần áo khi mình sắp chết? Ai còn thèm để ý gì đến quần áo cơ chứ? Chắc cô ấy phải có hàng tấn những chuyện khác muốn nói chứ?”

“Chưa chắc,” tôi nói.

Ngồi rít thuốc, Reiko có vẻ chìm đắm trong dòng suy nghĩ của riêng mình. Rồi chị nói, “Cậu muốn nghe toàn bộ câu chuyện, từ đầu đến cuối, đúng không nào?”

“Vâng,” tôi nói. “Xin chị kể lại hết cho.”

“Những xét nghiệm của bệnh viện Osaka cho thấy tình trạng của Naoko có tiến triển tốt lúc ấy, nhưng cô ấy nên ở lại đó để có thể tiếp tục được điều trị thì mới có tác dụng lâu dài. Tôi đã nói với cậu chuyện này trong thư -cái thư tôi gửi cậu vào ngày mười tháng Tám gì đó.”

“Đúng thế. Tôi đọc thư ấy rồi.”

“Vậy là, ngày hai mươi tư tháng Tám tôi nhận được một cú điện thoại của mẹ Naoko, hỏi liệu Naoko có về thăm tôi ở khu an dưỡng được không. Naoko muốn thu xếp những đồ vẫn còn để ở chỗ tôi, và vì có thể cô ấy sẽ phải xa tôi một thời gian lâu nên muốn được trò chuyện cho thoả thích và có thể sẽ ngủ lại với tôi một đêm. Tôi nói việc ấy hoàn toàn không có vấn đề gì. Tôi cũng rất muốn được gặp và chuyện trò với cô ấy. Thế là hôm sau, ngày hai mươi nhăm, hai mẹ con Naoko đi taxi tới. Ba chúng tôi cùng nhau thu xếp đồ đoàn của Naoko và trò chuyện suốt ngày. Đến chiều muộn thì Naoko nói mẹ cô có thể về nhà, cô sẽ ổn cả thôi, và họ gọi một cái taxi cho bà ấy về. Không ai lo lắng gì hết vì Naoko có vẻ rất phấn chấn. Mà quả thực trước đó tôi đã rất lo lắng. Tôi đã tưởng cô ấy sẽ rất buồn chán, hốc hác và mệt mỏi. Tôi đã biết những xét nghiệm và kiểu điều trị cấp tập ở nhưng bệnh viện kia sẽ làm người ta mệt nhọc tàn hại thế nào rồi, nên đã rất ngờ vực về chuyến viếng thăm này. Nhưng chỉ vừa nhìn thấy cô ấy một cái là tôi đã bị thuyết phục rằng cô ấy sẽ ôkê. Cô ấy trông khỏe mạnh hơn tôi tưởng nhiều, và cô ấy cười nói và đùa bỡn bình thường hơn trước rất nhiều. Cô ấy đã đến tiệm làm đầu và khoe kiểu tóc mới với tôi rất vui vẻ. Cho nên tôi nghĩ chẳng có gì đáng phải lo ngay cả khi mẹ cô ấy ra về. Naoko bảo tôi rằng lần này thì cô ấy sẽ để cho mấy ông bác sĩ bệnh viện kia chữa dứt bệnh cho cô ấy một lần cho xong, và tôi nói có lẽ như thế là hay nhất. Rồi hai chúng tôi ra ngoài đi dạo, chuyện trò suốt đọc đường, chủ yếu là về tương lai. Naoko bảo tôi rằng cô ấy thích nhát là hai đứa chúng tôi cùng ra khỏi khu an dưởng và sống với nhau ở đâu đó.”

“Cùng sống với nhau? Chị với Naoko?”

“Đúng thế,” Reiko nhún vai. “Và tôi bảo chuyện ấy nghe được đấy nhưng còn Watanabe thì sao? Cô ấy bảo “Chị đừng lo, em sẽ giải quyết mọi chuyện với cậu ấy.” Chỉ vậy thôi. Rồi chúng tôi lại bàn nhau sẽ sống ở đâu và sẽ làm gì, kiểu thế. Sau đó chúng tôi về chỗ nhà nuôi chim chơi với bọn chim một lúc.”

Tôi lấy một hộp bia trong tủ lạnh ra và bật nắp. Reiko châm một điếu thuốc nữa, con mèo ngủ li bì trên lòng chị.

“Cô gái ấy đã thu xếp xong hết mọi chuyện của mình rồi. Chắc thế nên cô ấy mới phấn chấn tươi cười và trông khỏe khoắn như vậy. Chắc chắn là cô ấy phải thấy như cất hẳn đi được một gánh nặng khi đã biết rõ mình sẽ phải làm gì. Chúng tôi dọn dẹp hết những thứ của cô ấy và ném những cái không cần nữa vào cái thùng sắt ngoài vườn để đốt, kể cả cuốn vở nhật kí của cô ấy và tất cả thư từ. Kể cả thư của cậu. Tôi thấy chuyện ấy hơi lạ nên mới hỏi tại sao cô ấy lại đốt cả những thứ như thế. Nghĩa là, tôi vẫn thấy cô ấy cất thư của cậu rất cẩn thận vào một chỗ và hay đọc đi đọc lại chúng. Cô ấy nói, “Em đang dọn sạch mọi thứ của quá khứ để có thể tái sinh vào tương lai.” Có lẽ tôi đã tin lời cô ấy lúc bấy giờ. Nó có lô-gic riêng của nó, đại loại thế. Tôi nhớ ra là mình đã từng mong cho cô ấy được khỏe mạnh và hạnh phúc biết bao nhiêu. Và hôm đó cô ấy chực sự đáng yêu và ngọt ngào đến thế. Giá mà cậu được thấy cô ấy lúc ấy!”

“Xong việc ấy, chúng tôi đến nhà ăn dùng bữa tối như vẫn thường làm với nhau. Sau đó chúng tôi cùng tắm rồi mở một chai vang ngon mà tôi vẫn để dành cho những dịp đặc biệt như thế. Chúng tôi uống và tôi chơi ghi-ta. Vẫn như mọi lần, lại nhạc Beatles, “Rừng Na-uy”, “Michelle”, hai bài ưa thích nhất của cô ấy. Cả hai chúng tôi đều thấy vui. Chúng tôi tắt hết đèn, cởi hết quần áo và lên giường nằm. Đó là một đêm nóng nhễ nhại. Chúng tôi mở toang hết các cửa sổ mà vẫn không thấy có tí gió nào. Bên ngoài tối đen như mực, tiếng châu chấu râm ran, và mùi cỏ mùa hè nồng nàn cả vào phòng đến mức khó thở. Rồi đột nhiên cô ấy nói đến cậu – về cái đêm cô ấy làm tình với cậu. Chi tiết không thể tưởng được Cậu cởi quần áo cô ấy thế nào, động chạm đến cô ấy ra làm sao, cô ấy thấy mình ướt thế nào, cậu luồn vào cô ấy ra sao, cảm giác tuyệt vời thế nào, cô ấy kể với tôi tất cả những chuyện ấy với những chi tiết sống động. Và tôi hỏi: tại sao tự nhiên bây giờ em lại kể cho chị nghe chuyện này? Nghĩa là, cho đến lúc ấy, cô ấy chưa bao giờ nói chuyện cởi mở với tôi về tình dục. Tất nhiên, chúng tôi có nói đến tình dục trong các buổi điều trị nhóm, nhưng cô ấy lúc nào cũng ngượng không đi vào chi tiết. Còn bấy giờ thì tôi lại không ngăn cô ấy lại được. Tôi thấy choáng thật sự.”

“Thế là cô ấy bảo “Em không biết, tự nhiên em thích nói thế thôi. Nếu chị không muốn nghe thì em sẽ thôi vậy.” “Đừng,” tôi bảo không sao đâu. “Nếu có chuyện gì em muốn nói ra thì tốt nhất là em cứ nói hết ra. Chị sẽ nghe em, bất kì là chuyện gì.”

“Thế là cô ấy kể tiếp: “Khi cậu ấy luồn vào trong em, em không thể tin được là lại đau đến thế. Nhưng mà đó cũng là lần đầu tiên của em. Em ướt đẫm cả, cậu ấy vào được ngay, thế mà đầu óc em mù mịt hết cả. Đau ghê lắm. Em tưởng cậu ấy đã vào đến hết cỡ rồi, nhưng sau đó cậu ấy lại nhấc cả hai chân em lên và dấn vào sâu hơn nữa. Cả người em bỗng lạnh cóng lên từng đợt, như thể em đang chìm ngập trong nước đá vậy. Tay chân em tê dại, và một cơn lạnh nữa rần rật xuyên qua khắp người em. Em không biết chuyện gì đang diễn ra nữa. Em tưởng mình sẽ chết ngay lúc ấy, và em cũng chẳng cần. Nhưng cậu ấy nhận ra là em đang đau, và liền ngưng lại, vẫn ở rất sâu trong em, và bắt đầu hôn em khắp nơi – tóc em, cổ em, vú em – trong một lúc lâu, thật lâu. Dần dần, từng tí một, thân thể em ấm áp trở lại, và thế là cậu ấy bắt đầu, rất chậm, cậu ấy lại bắt đầu chuyền động. Ôi, chị Reiko, thật tuyệt vời làm sao! Bấy giờ em tưởng như đầu óc mình sắp tan thành nước đến nơi. Em đã muốn cứ như thế mãi mãi, nằm trong vòng tay của cậu ấy cho đến hết đời. Nó tuyệt đến thế đấy chị ạ.”

“Rồi thì tôi hỏi, “Nếu nó tuyệt đến thế, sao em không ở với Watanabe và ngày nào cũng làm chuyện ấy?”

Nhưng cô ấy nói “Không được chị ơi, em biết nó sẽ không bao giờ được như vậy nữa. Em biết chuyện đó chỉ đến với em một lần thôi và sẽ ra đi không bao giờ trở lại. Đó phải là cái gì đó chỉ có được một lần trong đời. Trước đó em đã chưa bao giờ cảm thấy cái gì như vậy, và từ đó đến nay cũng thế. Em đã không bao giờ cảm thấy muốn làm chuyện đó nữa, và cũng không bao giờ ướt được như thế nữa.”

“Tất nhiên, tôi giải thích cho cô ấy rằng chuyện như vậy thường xảy ra với những thiếu nữ và trong hầu hết mọi trường hợp nó sẽ tự qua đi với tuổi tác. Mà dù sao thì ta cũng đã có được một lần tuyệt diệu như vậy, sao lại lo là nó sẽ không lặp lại nữa. Bản thân tôi cũng đã có đủ mọi rắc rối lúc mới lấy chồng.”

“Nhưng cô ấy nói, “Không, không phải thế, chị Reiko. Em không lo chuyện ấy tí nào. Em chỉ không muốn ai vào trong em như vậy nữa. Em chỉ không muốn bị xâm phạm như vậy nữa – với bất kì ai.”

Tôi uống chỗ bia của mình, và Reiko hút nốt điếu thuốc. Con mèo duỗi người trên lòng Reiko, tìm một tư thế mới rồi lại ngủ. Reiko có vẻ không biết tiếp tục câu chuyện ra sao cho đến khi chị châm điếu thuốc thứ ba.

“Sau đó, Naoko bắt đầu khóc thút thít. Tôi ngồi bên mép gíường và vuốt tóc cô ấy. “Đừng lo lắng nữa em,” tôi nói, “mọi chuyện rồi sẽ ổn cả mà. Một cô gái trẻ đẹp như em rồi sẽ phải có một người đàn ông ôm ấp và làm cho em được hạnh phúc.” Naoko đầm đìa cả mồ hôi và nước mắt. Tôi lấy một cái khăn tắm và lau mặt lau người cho cô ấy. Ngay cả quần lót cô ấy cũng sũng sĩnh cả, nên tôi giúp cô ấy cởi nó ra – nào nào, cậu chớ có nghĩ bậy bạ gì ở đây nhé, không có chuyện vớ vẩn ấy đâu. Chúng tôi vẫn thường tắm chung với nhau. Cô ấy như em gái của tôi mà.”

“Tôi biết, tôi biết,” tôi nói.

“Thế rồi cô ấy bảo muốn tôi ôm cô ấy. Tôi nói nóng bức thế này ôm ấp làm sao, nhưng cô ấy nói đây là lần gặp nhau cuối cùng của chúng tôi, và thế là tôi ôm lấy cô ấy. Chỉ một lúc thôi. Với cái khăn tắm ngăn cho hai tấm thân nhễ nhại khỏi dính nhớp nháp vào nhau. Và khi cô ấy đã bình tĩnh lại, tôi lau khô người cho cô ấy lần nữa, mặc bộ áo ngủ vào cho cô ấy và đặt cô ấy lên giường. Cô ấy thiếp đi và ngủ say ngay. Hoặc có thể chỉ giả vờ như vậy. Gì thì gì, đêm hôm đó trông cô ấy thật dễ thương. Cô ấy có vẻ mặt của một cô gái mười ba hoặc mười bốn tuổi chưa từng bị ai làm hại bao giờ. Tôi thấy vẻ mặt ấy của cô, và tôi biết tôi có thể yên lòng đi ngủ.”

“Khi tôi thức giấc lúc sáu giờ sáng hôm sau thì cô ấy đã đi rồi. Bộ áo ngủ còn ở đó, chỗ cô ấy tụt nó ra dưới đất, nhưng quần áo và đôi giày với cái đèn pin tôi luôn để bên cạnh giường thì không còn nữa. Tôi biết ngay là có chuyện rồi. Nguyên chuyện cô ấy lấy cái đèn pin chứng tỏ là cô ấy đã bỏ đi từ trong đêm. Tôi cứ hú hoạ kiểm tra chỗ bàn viết của cô ấy, và thấy mấy chữ: Xin hãy để tất cả quần áo của tôi cho Reiko. Tôi lập tức đánh thức mọi người và tất cả chia nhau đi tìm cô ấy. Chúng tôi không bỏ sót một phân vuông nào ở đó, từ bên trong các khu nhà ở cho đến những cánh rừng xung quanh. Năm tiếng sau chúng tôi mới tìm thấy cô ấy. Thậm chí cô ấy đã đem theo cả sợi dây thừng riêng của mình.”

Reiko thở dài và vỗ về con mèo.

“Chị uống tí trà không?” tôi hỏi.

“Có cám ơn cậu,” Reiko nói.

Tôi đun nước và mang bình trà ra ngoài hiên. Mặt trời sắp lặn. Ánh sáng ban ngày đã yếu đi, và bóng cây cối đổ dài đến tận chân chúng tôi. Tôi nhấm nháp nước trà và nhìn khu vườn ngâu hứng lạ lẫm với sự pha trộn buồn cười của những bụi hoa cầu vàng, những đám đô quyên hồng và những khóm trúc cao màu xanh.

“Rồi xe cứu thương đến đem Naoko đi và cảnh sát bắt đầu hỏi chuyện tôi. Họ cũng chẳng nghi ngờ gì nhiều. Đã có một thứ như bức thư tuyệt mệnh, và rõ ràng đó là một vụ tự tử, và họ vẫn cho rằng tự tử chỉ là một trong những việc mà các bệnh nhân tâm thần vẫn thường làm. Nên mọi việc chỉ là thủ tục mà thôi. Họ đi một cái là tôi đánh điện cho cậu ngay.”

“Buổi tang lễ mới gọi là buồn,” tôi nói. “Gia đình cô ấy rõ ràng khó chịu vì thấy tôi biết Nanko chết. Chắc họ không muốn ai biết là Naoko đã tự vẫn. Nhẽ ra tôi đã không nên đến đó. Dự rồi lại càng buồn hơn. Về đến nhà một cái là tôi lên đường ngay.”

“Này Watanabe, mình đi dạo một tí đi. Ta có thể mua cái gì đó làm cơm tối, biết đâu đấy. Tôi đói lắm rồi.”

“Nhất định rồi. Chị có muốn ăn món gì đặc biệt không?”

“Sukiyaki,” chị nói. “Tôi đã không ăn món nào như vậy hàng bao nhiêu năm rồi. Tôi thường nằm mơ thấy món sukiyaki – cứ việc tọng thật kễnh bụng thịt bò với hành hoa và mì sợi với đậu phụ nướng và đỗ xanh.”

“Rồi, mình có thể làm món đó, nhưng tôi không có loại chảo làm sukiyaki.”

“Cứ để tôi. Tôi sẽ lên mượn ông chủ nhà.”

Chị chạy ù lên nhà trên và trở về với một cái chảo lớn vừa vặn cùng với bếp ga và ống nối.

“Không tệ lắm, hả?”

“Không tệ tí nào!”

Viết một bình luận

error: Content is protected !!