Tôi đã hầu như không ăn sáng và đã chỉ ăn nửa suất cơm trưa. Bây giờ thì tôi hối hận đã không ăn nhiều hơn, nhưng hối cũng chẳng được gì. Tôi ngó vào tủ xem có gì ăn được không, nhưng chỉ thấy một hộp rong biển, vài viên thuốc ho Vicks và xì-dầu. Cái túi giấy vẫn ở đó với mấy củ dưa chuột và quả bưởi.
“Cháu ăn một ít dưa chuột có được không ạ?” tôi nói với bố Midori. Ông cụ không đáp. Tôi rửa ba củ dưa chuột trong bồn nước và rót một ít xì-dầu ra một cái đĩa. Rồi tôi cuốn ít rong biển quanh một củ dưa chuột, chấm nó vào xì-dầu và nhồm nhoàm ăn.
“Ừ ừ, ngon tuyệt!” tôi nói với bố Midori. “Tươi, đơn giản, sực nức mùi đời. Dưa ngon thật ông ạ. Có lí hơn quả kiwi nhiều.”
Tôi ăn nhẵn một củ và đánh tiếp củ nữa. Tiếng tôi nhai rau ráu vang khắp cả gian phòng. Ăn xong củ thứ hai tôi mới chịu nghỉ nhai. Tôi ra đun ít nước sôi chỗ cái bếp gas ngoài hành lang để pha trà.
“Ông có muốn uống gì không ạ? Nước nhé? Hay là nước quả?” Tôi hỏi bố Midori.
“Dưa chuột”, ông nói.
“Tuyệt!” Tôi mỉm cười. “Với rong biển chứ ạ?”
Ông hơi gật đầu. Tôi lại quay đầu giường lên. Rồi tôi cắt một miếng dưa chuột vừa miệng, cuốn một rẻo rong biển lên nó, cắm một cái tăm, chấm vào xì-dầu, rồi đưa lên miệng bệnh nhân đang chờ. Vẻ mặt hoàn toàn không đổi, bố Midori nhai miếng dưa từng nhát một và cuối cùng nuốt được nó.
“Sao ạ?” Ngon chứ ạ?”
“Ngon”, ông nói.
“Ăn thấy ngon là tốt lắm đấy,” tôi nói. “Chứng tỏ là mình vẫn còn sống đấy.”
Cuối cùng ông cụ ăn hết cả một củ dưa chuột. Ăn xong, ông muốn uống nước, và tôi lại cho ông uống từ cái chai ấy. Mấy phút sau, ông nói ông cần đi đái, thế là tôi lấy cái bô nước giải ở dưới gầm giường ra và hứng cho ông đi. Sau đó tôi đổ bô vào chuồng xí và rửa nó sạch sẽ. Rồi tôi trở lại phòng bệnh và uống nốt chỗ trà.
“Ông thấy trong người thế nào?” tôi hỏi.
“Đầu tôi,” ông nói.
“Đau hả ông?”
“Một chút” ông nói và nhăn mặt một tí.
“Không sao đâu ông ạ, ông vừa mổ xong mà. Tất nhiên là cháu không biết được, cháu chưa bị mổ bao giờ.”
“Vé” ông nói.
“Vé hả ông?” Vé gì ạ?”
“Midori”, ông nói. “Vé.”
Không thể hiểu ông định nói gì, tôi chỉ biết im lặng.
Ông cũng nằm yên một lúc. Rồi ông có vẻ như đang muốn nói “Làm ơn”. Ông mở to mắt và nhìn tôi rất chăm chú. Tôi đoán ông đang cố nói với tôi điều gì đó mà chịu không thể tưởng tượng ra được. “Ueno” ông nói. “Midori”
“Ga Ueno ấy ạ?”
Ông hơi gật đầu.
Tôi cố tóm lại những cái ông đang cố nói ra: “Vé, Midori, làm ơn, ga Ueno,” nhưng vẫn không hiểu ý nghĩa của chúng là gì. Tôi đồ chừng đầu óc ông còn lẫn lộn, nhưng so với trước thì mắt ông bây giờ trông tinh khủng khiếp ông giơ cánh tay không bị tiêm truyền lên và với về phía tôi. Chắc ông phải cố sức lắm, bàn tay ông run lẩy bẩy trong không trung. Tôi đứng lên và nắm lấy bàn tay nhăn nheo yếu ớt ấy. Ông đáp lại bằng một cái nắm tay mà chắc ông đã phải dồn hết sức bình sinh và lại nói “Làm ơn.”
“Ông đừng lo,” tôi nói. “Cháu sẽ thu xếp cái vé, và cả Midori nữa.”
Ông để bàn tay rơi phịch xuống giường rồi nhắm mắt. Sau đó, ông trút một hơi thở nghe như một tiếng kêu to rồi bặt đi vào giấc ngủ. Tôi vội kiểm tra để biết chắc là ông vẫn sống, rồi ra ngoài đun thêm nước pha trà. Trong khi nhấp nháp trà nóng, tôi bỗng thấy lòng mình vừa nảy sinh một tình cảm gần như yêu mến với ông già bé nhỏ đang cận kề cái chết này.
Ít phút sau thì bà vợ ông bệnh nhân kia trở về và hỏi mọi việc có ổn cả không. Tôi nói ổn cả. Chồng bà cũng đang ngủ say với những nhịp thở sâu.
Sau ba giờ thì Midori về.
“Tớ ở ngoài công viên, nằm thượt suốt,” cô nói. “Tớ theo lời cậu, không nói chuyện với ai, chỉ để đầu óc trống rỗng đi thôi.”
“Cậu thấy thế nào?”
“Cám ơn, tớ thấy khá hơn nhiều. Vẫn còn cảm giác mệt mỏi trì trệ, nhưng tớ thấy người nhẹ nhõm hơn trước nhiều. Có lẽ tớ mệt lắm mà không biết.”
Ông cụ còn đang ngủ say, chúng tôi cũng chẳng có việc gì, nên hai đứa mua cà-phê ở một máy bán tự động và đem vào phòng TV ngồi uống. Tôi báo cáo tình hình lúc Midori đi vắng, rằng bố cô đã ngủ tốt, rồi thức dậy và ăn một ít đồ còn lại của bữa trưa, sau đó thấy tôi ăn dưa chuột và đòi ăn một củ, rồi ăn hết một củ và đi đái.
“Watanabe, cậu thật tuyệt vời,” Midori nói. “Bọn tớ đến phát điên lên mà không thể cho ông ấy ăn được gì, thế mà cậu cho cụ ăn hết cả một quả dưa chuột! Không thể tin được!”
“Tớ không biết, có lẽ vì cụ thấy tớ ăn ngon lành quá”
“Hoặc có lẽ cậu có tài làm người khác thấy thoai mái.”
“Không có đâu,” tôi cười. “Sẽ có nhiều người nói với cậu ngược lại về tớ đấy.”
“Cậu thấy bố tớ thế nào?”
“Tớ thích ông ấy. Chẳng phải vì người cháu nói gì nhiều với nhau. Nhưng, tớ không biết nữa, ông cụ có vẻ hay lắm.”
“Cụ cứ im thin thít phải không?”
“Cậu phải thấy ông ấy tuần trước cơ. Khủng khiếp”. Midori lắc đầu. “Như hoàn toàn mất trí và phát cuồng lên. Ném cả một cái cốc vào tớ và gào lên nhưng câu ghê gớm như “Sao mày không chết đi hả con ngu xuẩn kia!” Cái bệnh này nó làm người ta ra như vậy. Họ không biết tại sao, nhưng đùng một cái nó có thể làm người ta thành xấu xa đểu cáng. Mẹ tớ cũng thế! Cậu có biết bà ấy nói gì với tớ không? “Mày không phải con tao! Tao căm thù cái bụng dạ mày!” Cả thế giới đen ngòm mất một giây khi bà ấy nói thế với tớ. Nhưng những chuyện như thế là một đặc điểm của căn bệnh đặc biệt này. Một chỗ nào đó trên não bộ bị chèn ép và khiến người ta mở mồm nói đủ mọi thứ xấu xa. Biết là bệnh thật, nhưng vẫn thấy đau. Biết làm sao được! Như tớ đây này, hầu hạ họ đến lòi cả xương ra mà vẫn phải nghe họ mắng chửi thậm tệ đủ thứ.”
“Tớ hiểu,” tôi nói. Rồi chợt nhớ những từ kì lạ mà bố Midori đã lẩm nhẩm với tôi.
“Vé” Ga Ueno” “Midori nói. “Là cái gì thế nhỉ?”
“Và cụ còn nói Làm ơn, và “Midori.”
“Làm ơn chăm sóc Midori ư?”
“Hoặc cụ muốn cậu đến ga Ueno mua vé chăng?”
“Thứ tự bốn từ ấy loạn xì ngậu cả, ai mà biết cụ muốn nói gì? Ga Ueno có ý nghĩa gì đặc biệt với cậu không?”
“Hừmm, Ga Ueno.” Midori nghĩ ngợi một lúc. “Tớ chỉ có thể nghĩ đến hai lần tớ bỏ nhà đi, lần lên tám và lần lên mười. Lần nào tớ cũng đi tàu từ Ueno đi Fukushima. Mua vé bằng tiền tớ lấy ở quầy thu ngân. Có người ở nhà làm tớ rất tức, và tớ bỏ đi để trả thù. Tớ có bà bác ở Fukushima, tớ cũng thích bà ấy, và thế là tớ tìm đến nhà bà. Bố tớ là người đã đi tìm và đưa tớ về. Đi đến tận Fukushima để tìm tớ – hàng trăm dặm chứ ít đâu! Hai bố con ăn cơm hộp trên chuyến tàu về Ueno. Bố tớ kể đủ thứ chuyện trong lúc đi đường, từng mẩu ngắn một và rất rời rạc. Ví dụ chuyện động đất lớn hồi 1923, chuyện hồi chiến tranh, hoặc hồi tớ mới đẻ, những chuyện mà rất ít khi ông ấy nói đến. Nghĩ cũng lạ, đó là những lần bố và tớ nói chuyện tử tế được với nhau, chỉ có hai bố con. Này, cậu có tin được không? – bố tớ ở ngay giữa Tokyo khi xảy ra một trong những trận động đất lớn nhất trong lịch sử mà ông ấy không biết gì cả!”
“Làm gì có chuyện ấy?”
“Thật mà! Ông ấy đang đạp xe qua khu Koishikawa, đèo một cái xe đẩy ở đằng sau, và ông ấy không cảm thấy gì hết. Khi về đến nhà, tất cả ngói trên mái nhà trong khu phố đều đã rơi đầy đường và mọi người trong nhà đang ôm cột run lẩy bẩy hết cả. Thế mà ông ấy vẫn không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Theo lời bố tớ thì ông ấy còn hỏi “ở đây có chuyện quái gì thế này” Đó là “hồi ức âu yếm của bố tớ về trận động đất Kanto vĩ đại!” Midori cười. “Tất cả những câu chuyện ngày xưa của ông ấy đều như thế cả. Không có một tí kịch tính nào. Tất cả chúng đều có vẻ lệch trọng tâm. Tớ không biết, khi ông ấy kể những chuyện ấy, người nghe có cảm giác như nước Nhật trong năm mươi hoặc sáu mươi năm vừa qua đã chẳng có chuyện quái gì quan trọng. Vụ nổi dậy của các sĩ quan trẻ năm 1936, cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương, tất cả đều chỉ là kiểu “ồ phải rồi, đúng thế đấy, có lẽ có chuyện đại loại thế đã xảy ra thật”. Buồn cười thế đấy!”
“Bây giờ quay lại chuyện hai bố con trên tàu hoả nhé, ông ấy cứ kể từng mẩu rời rạc những chuyện như thế trong lúc đi từ Fukushima về Ueno. Cuối cùng thì bao giờ ông ấy cũng bảo, “Con đã thấy chưa, Midori, con đi đâu thì cũng thế thôi à”. Còn bé tí thế mà tớ cũng đã có ấn tượng về những chuyện như vậy rồi.”
“Đó là “hồi ức âu yếm của cậu về Ga Ueno đấy à?” tôi hỏi.
“Ờ” Midori nói. Watanabe, cậu đã bao giờ bỏ nhà đi chưa?”
“Chưa bao giờ.”
“Tại sao?”
“Thiếu trí tưởng tượng. Tớ chưa bao giờ có ý định bỏ nhà.”
“Cậu lạ thật!” Midori nói, nghếch đầu lên như thể ngạc nhiên thật sự.
“Tớ cũng không biết nữa,” tôi nói.
“Thôi được rồi, mà này, tớ nghĩ bố tớ định nói ông ấy muốn cậu chăm sóc tớ thì phải.”
“Thật ư?”
“Thật chứ! Tớ hiểu những chuyện như vậy. Trực cảm mà. Vậy nói tớ nghe, cậu đã trả lời ông ấy thế nào?”
“À tớ không hiểu ông cụ nói gì, nên chỉ bảo ôkê, đừng lo, tớ sẽ thu xếp ổn thoả cả cậu lẫn cái vé.”
“Cậu hứa với bố tớ thế à?” Cậu bảo cậu sẽ chăm sóc tớ thật à?” Cô nhìn thẳng vào mắt tôi với vẻ mặt nghiêm chỉnh chết người.
“Không phải thế,” tôi vội chữa. “Thực là tớ không hiểu ông cụ nói gì, nên…”
“Đừng lo, tớ chỉ đùa thôi mà,” cô nói và mỉm cười. “Tớ thích cái tính ấy của cậu.”
Midori và tôi uống nốt chỗ cà-phê rồi trở lại phòng bệnh. Bố cô vẫn ngủ say. Nếu ghé sát lại, có thể nghe tiếng ông thở đều. Càng về chiều, ánh sáng ngoài cửa sổ càng đượm vẻ thu nhẹ nhàng dịu ngọt. Một bày chim đậu trên dây điện ở ngoài đó một lúc rồi lại bay đi.
Midori và tôi ngồi trong góc phòng rì rầm trò chuyện. Cô bói tay cho tôi và tiên đoán tôi sẽ sống đến một trăm linh năm tuổi, lấy vợ ba lần, và chết vì tai nạn xe cộ.
“Không đến nỗi tệ,” tôi nói.
Khi ông bố tỉnh giấc vào lúc sau bốn giờ, Midori đến ngồi cạnh gối ông, lau trán cho ông, cho ông uống nước và hỏi ông còn đau đầu nữa không. Một cô hộ lí đến cặp nhiệt độ cho ông, ghi lại số lần ông đi giải, kiểm tra thiết bị tiêm truyền. Tôi sang phòng TV và xem một ít chương trình bóng đá.
Năm giờ thì tôi bảo Midori là tôi phải đi. Tôi phân bua với ông cụ rằng mình phải đi làm. “Cháu bán đĩa hát ở Shinjuku từ sáu đến mười rưỡi.”
Ông đưa mắt nhìn tôi và hơi gật đầu.
“Watanabe này, tớ không biết phải nói thế nào, nhưng tớ thực lòng cám ơn cậu về ngày hôm nay,” Midori nói khi chia tay với tôi dưới sảnh tiếp tân.
“Tớ chẳng làm gì được mấy,” tôi nói. “Nhưng nếu tớ có thể giúp cậu thì tuần sau tớ lại đến. Tớ muốn gặp lại ông cụ.”
“Thật ư?”
“Thì ở học xá tớ cũng có làm gì đâu, mà đến đây thì lại còn được ăn dưa chuột.”
Midori khoanh tay và giậm giậm gót chân xuống sàn nhà trải vải nhựa.
“Tớ thích đi uống rượu nữa với cậu,” cô nói, hơi nghếch đầu.
“Thế còn phim con heo thì sao?”
“Mình sẽ xem phim trước rồi mới đi uống rượu. Và mình sẽ nói đủ mọi chuyện kinh tởm thông thường.”
“Tớ không phải là người nói những chuyện kinh tởm,” tôi phản đối. “Mà là cậu.”
“Thôi được rồi, mình sẽ nói những chuyện như thế và đều máu lên rồi rủ nhau lên giường.”
“Rồi cậu có biết chuyện gì sau đó không,” tôi nói với một tiếng thở dài. “Tớ sẽ định làm chuyện ấy nhưng cậu nhất định không cho. Đúng không nào?”
Cô cười qua giọng mũi.
“Nhưng không sao,” tôi nói, “đến đón tớ sáng Chủ nhật tới nhé. Mình sẽ cùng đến đây.”
“Tớ sẽ mặc váy dài hơn một tí nhé?”
“Nhất định phải thế đấy,” tôi nói.
Nhưng tôi không đến bệnh viện Chủ nhật sau đó. Bố Midori mất vào sáng thứ Sáu.
Cô gọi cho tôi lúc sáu rưỡi sáng để báo tin ấy.
Tiếng chuông cửa báo cho tôi biết có người gọi cho tôi và tôi chạy ù xuống sảnh đợi, chỉ kịp khoác một cái áo len ra ngoài bộ quần áo ngủ. Trời đang mưa âm thầm và rất lạnh.
“Bố tớ vừa đi được mấy phút,” Midori nói với một giọng rất lặng lẽ và khẽ khàng. Tôi hỏi tôi có thể giúp gì được không. “Cám ơn,” cô nói. “Thực chẳng có việc gì đâu. Bọn mình đã qucn việc tang ma rồi. Tớ chỉ muốn báo tin để cậu biết.”
Tôi có thể nghe thấy tiếng thở dài bật ra ở đầu dây bên cô.
“Đừng đến đám ma nhé, ôkê! Tớ ghét thế lắm. Tớ không muốn thấy cậu ở đó.”
“Tớ hiểu rồi, tôi nói.
“Cậu sẽ đưa tớ đi xem phim con heo thật chứ?”
“Tất nhiên rồi.”
“Một phim thật kinh tởm chứ?”
“Tớ sẽ nghiên cứu vấn đề này thật kĩ”
“Tốt. Tớ sẽ gọi cho cậu,” cô nói rồi gác máy.
Một tuần trôi qua và Midori vẫn biệt tăm. Không có cú điện thoại nào, cũng không thấy bóng dáng cô ở giảng đường. Lần nào trở về học xá tôi cũng mong có tin cô, mà chẳng có gì. Một đêm, tôi đã định giữ lời hứa sẽ nghĩ đến cô trong lúc thủ dâm, nhưng không ăn thua. Tôi cố chuyển sang nghĩ đến Naoko, nhưng ngay cả hình ảnh của Naoko cũng chẳng giúp gì được tôi lần ấy. Tôi cảm thấy nực cười và đành bỏ cuộc. Tôi nốc một ngụm whisky, đánh răng, rồi đi ngủ.
Sáng Chủ nhật tôi viết thư cho Naoko. Một chuyện tôi kể cho nàng nghe là chuyện ông bố của Midori. Mình đến bệnh viện thăm bố của một cô gái học cùng một lớp và ăn mấy quả dưa chuột trong phòng ông ấy. Lúc nghe tiếng mình nhai dưa, ông cụ cũng muốn ăn, và ăn quả dưa của ông ấy cũng rau ráu như thế. Nhưng năm ngày sau thì ông ấy chết. Mình vẫn nhớ như in cái tiếng rau ráu nho nhỏ của ông ấy lúc nhai dưa. Sau khi chết, người ta để lại những kí ức nho nhỏ lạ lùng về họ như thế đấy. Rồi tôi viết tiếp:
Mình nghĩ đến cậu và Reiko và nhà nuôi chim trong lúc vừa tỉnh dậy trên giường vào buổi sáng. Mình nghĩ đến con công, bầy bồ câu, lũ vẹt và mấy con gà tây – và cả bầy thỏ nữa. Mình nhớ những cái áo mưa vàng mà cậu và Reiko mặc có mũ chùm đầu buổi sáng trời mưa ấy. Thật dễ chịu khi nghĩ đến cậu lúc nằm ấm áp trên giường. Mình cảm thấy như cậu đang cuộn tròn bên cạnh và ngủ rất say. Và mình nghĩ giá được thế thì hay biết mấy.
Có đôi khi mình nhớ cậu kinh khủng, nhưng nói chung mình vẫn tiếp tục sống với tất cả sức lực có được của mình. Cũng như sáng nào cậu cũng chăm bầy chim và làm ruộng, sáng nào mình cũng lên bộ dây cót của mình. Hễ dậy một cái là mình vặn nó đủ ba mươi sáu vòng, nào đánh răng, cạo mặt, ăn sáng, thay quần áo, rồi ra khỏi khu học xá để đến trường. Mình tự nhủ, “Ôkê, hãy cứ làm cho ngày hôm nay thành một ngày tốt lành nữa đã nào.” Trước đây mình không để ý, nhưng mọi người bảo với mình là dạn này mình rất hay nói một mình. Có lẽ đó là lúc mình đang lên dây cót chăng.
Không được gặp cậu thật khổ, nhưng cuộc sống của mình ở Tokyo sẽ còn khổ sở hơn nhiều nếu không có cậu. Chính vì nghĩ đến cậu mỗi sáng trên giường mà mình mới có thể lên dây cót cho mình và tự nhủ hãy sống thêm một ngày tốt lành nữa. Mình biết rằng mình phải cố gắng hết sức ở đây, cũng như cậu đang cố gắng ở nơi ấy.
Hôm nay Chủ nhật, và là ngày mình không lên dây cót. Mình vừa giặt giũ xong, và bây giở thì đang ngồi trong phòng viết thư cho cậu. Viết xong mình sẽ dán tem và đi bỏ nó vào thùng thư, và sẽ chẳng có gì phải làm nữa cho đến lúc mặt trời lặn xuống. Mình không học bài vào Chủ nhật. Trong tuần mình đã học trong thư viện giữa những giờ lên lớp đủ rồi và đến Chủ nhật thì chẳng còn gì phải làm nữa. Chiều Chủ nhật thật im ắng, yên bình, và với mình thì cũng thật cô liêu. Mình đọc sách hoặc nghe nhạc. Đôi khi mình nhớ lại những con đường khác nhau mà bọn mình thường lang thang trong những ngày Chủ nhật ở khắp chốn Tokyo. Mình có thể nhớ lại tương đối ro cả những bộ quần áo cậu đã mặc trong những chuyến đi ấy. Chiều Chủ nhật là lúc mình nhớ lại đủ thứ chuyện.
Cho mình gửi lời thăm Reiko. Mình thực sự nhớ tiếng ghi-ta của chị ấy vào ban đêm.
Viết xong lá thư, tôi đi bộ mấy đoạn phố đến một thùng thư, rồi vào cửa hàng bánh gần đó mua một chiếc bánh kẹp trứng và một hộp coca ăn thay bữa trưa trong lúc ngồi trên một chiếc ghế băng nhìn mấy đứa trẻ chơi bóng chày ở sân chơi bên cạnh. Mùa thu đang chín đã khiến bầu trời xanh hơn và thăm thẳm hơn. Tôi ngẩng lên và thấy hai dải khói máy bay trắng phau đang song song vạch ngang trời về phía Tây như một cặp ray tàu hoả. Một trái bóng đi chệch lăn đến chỗ tôi, và khi tôi ném nó lại cho bọn trẻ, chúng đều nhấc mũ và lễ phép nói “Cám ơn ông.” Như hầu hết những trận bóng chày thiếu niên, tôi thấy bọn trẻ chạy qua chạy lại và để lỡ cơ hội rất nhiều.
Qua giờ trưa thì tôi trở về phòng đọc sách nhưng không thể tập trung nổi. Và tôi thấy mình chỉ dán mắt lên trần nhà và nghĩ đến Midori. Không biết bố cô có thực sự xin tôi hãy chăm sóc cô sau khi ông mất hay không. Tôi không có cách nào đoán được những ý nghĩ của ông. Có thể ông đã tưởng tôi là ai đó khác. Dù sao thì ông cũng đã ra đi vào một sáng thứ Sáu khi trời đang mưa lạnh, và bây giờ thì không thể biết được nữa rồi. Tôi tưởng tượng khi chết ông còn teo tóp đi nhiều nữa, và rồi họ đã thiêu ông trong lò cho đến lúc chẳng còn gì nữa ngoài mấy nhúm tro. Ông đã để lại những gì? Một hiệu sách tầm tầm trong một khu phố tầm tầm với hai cô con gái mà ít nhất là tôi biết có một cô còn hơn cả hơi là lạ một chút. Một cuộc đời kiểu gì vậy? Tôi tự hỏi. Khi nằm trên giường bệnh với cái đầu đã bị mổ toang và bộ óc mờ mịt, ông đã nghĩ gì khi nhìn tôi?
Nghĩ mãi những ý nghĩ như thế về bố Midori khiến tôi lâm vào tâm trạng khổ sở đến nỗi chưa tối tôi đã lên nóc nhà cất hết quần áo còn chưa khô xuống rồi đến Shinjuku lang thang đi bộ giết thời giờ. Những đám đông ngày Chủ nhật khiến tôi thấy nhẹ nhõm được một chút. Hiệu sách Kinokuniya đông nghẹt như một đoàn tàu giờ cao điểm. Tôi mua một cuốn Ánh sáng tháng Tám của Faulkner và tìm đến một tiệm cà-phê ồn ào nhất mà tôi biết, vừa đọc cuốn sách mới mua vừa nghe nhạc Ornette Coleman và Bud Powell và uống cà-phê nóng đặc quánh với mùi vị chẳng ra gì. Đến năm rưỡi thì tôi gập sách lại, ra ngoài ăn một bữa tối nhẹ. Còn bao nhiêu Chủ nhật, bao nhiêu trăm Chủ nhật nữa như thế này ở trước mặt tôi? “Im ắng, yên bình, và cô liêu,” tôi nói to lên với chính mình. Tôi không lên dây cót vào những ngày Chủ nhật.