Rừng Na Uy – Chương 07-3

Trở lại phòng bệnh, Midori lại tuôn ra một tràng với bố cô, và ông ta lại ậm ừ đáp hoặc nằm lặng thinh. Quãng mười một giờ, bà vợ ông béo đến thay quần áo cho ông ta, bóc quả cho ông ta ăn và những thứ linh tinh khác. Bà có bộ mặt tròn trịa trông có vẻ rát tốt bụng. Bà và Midori rì rầm to nhỏ với nhau đủ thứ chuyện. Một hộ lí đem một lọ truyền ven mới vào và trao đổi chút ít với Midori và bà vợ trước khi rời khỏi phòng. Tôi để mắt mình thơ thẩn nhìn quanh phòng rồi ra ngoài cửa sổ về phía cái cột điện. Thỉnh thoảng lại có chim sẻ bay đến đậu trên dây điện. Midori nói chuyện với bố, lau mồ hôi trán cho ông, giúp ông khạc đờm vào khăn giấy tán dóc với bà vợ ông bệnh nhân cùng phòng và chị hộ lí, thỉnh thoảng lại nói với tôi mấy câu, và để mắt đến cái van truyền ven.

Bác sĩ đến kiểm tra tình trạng bệnh nhân lúc mười một rưỡi. Tôi với Midori ra đợi ngoài hành lang. Khi ông bác sĩ ra khỏi phòng, Midori hỏi ông về tình trạng của bố.

“À, ông cụ vừa mổ xong, lại phải dùng thuốc giảm đau, nên phải nói thật là cụ hơi kiệt sức,” ông bác sĩ nói. “Phải hai ba ngày nữa tôi mới đánh giá được kết quả của ca mổ này. Nếu tốt thì cụ sẽ ôkê, còn không thì lúc đó chúng tôi sẽ phải có quyết định khác.”

“Bác sĩ sẽ không mổ đầu bố tôi ra nữa chứ ạ?”

“Bây giờ thì tôi chưa thể nói được,” ông bác sĩ nói.

“Trời đất, cái váy cô đang mặc kia mới thật là váy!”

“Hay chứ, phải không ạ?”

“Thế trên cầu thang thì cô làm gì?” ông bác sĩ hỏi.

“Chẳng có gì đặc biệt. Cháu cứ phơi cả ra thế thôi,”

Midori nói. Chị hộ lí cười khẩy một tiếng sau lưng ông bác sĩ

“Lạ thật. Cô phải đến để chúng tôi mổ đầu cô ra xem đang có gì ở trong mới được. Hãy làm ơn giúp tôi một việc: cô hay dùng thang máy khi còn ở bệnh viện này. Tôi không thể có thêm bệnh nhân nữa được. Tôi đã bận lắm rồi.”

Sau chuyến đi tua của bác sĩ một lúc thì đến giờ ăn trưa. Một hộ lí đi đến từng phòng, đẩy theo một chiếc xe xếp đầy các suất ăn. Bố Midori được một suất có cháo, hoa quả, cá luộc rút xương, và rau nghiền thành một món như tương thạch. Midori lật cho ông nằm ngửa ra rồi dựng ông lên bằng cách quay một cái tay quay ở phía chân giường. Cô cho ông ăn cháo bằng thìa. Được năm sáu thìa thì ông quay mặt đi và nói “thôi.”

“Bố phải ăn ít nhất cho hết chỗ này,” Midori nói.

“Để sau,” ông bảo.

“Bố này! Nếu bố không ăn hẳn hoi thì làm sao lại sức được” cô nói. “Bố đã muốn đi đái chưa?”

“Chưa,” ông nói.

“Ê Watanabe, mình xuống nhà ăn đi.”

Tôi đồng ý, nhưng thực tình không thấy muốn ăn tí nào. Nhà ăn đông nghẹt những bác sĩ hộ lí và khách đến thăm. Những dãy bàn ghế kéo dài chật hết cả gian hầm ngầm khổng lồ không cửa sổ và tất cả những cái miệng kia đều như đang mải ăn mải nói, tất nhiên là toàn chuyện bệnh tật, giọng người vang vang như trong một con đường hầm. Thỉnh thoảng loa phóng thanh lại phá tan bầu không khí ấy bằng mấy lời gọi bác sĩ hoặc hộ lí đi có việc. Trong lúc tôi đi tìm và giữ chỗ ngồi, Midori đi mua hai suất ăn và đem tới trên một chiếc khay nhôm. Chả cá với nước xốt kem, rau trộn khoai tây, bắp cải thái chỉ, rau luộc, cơm trắng và súp đậu tương: những món này xếp trên khay trong những cái đĩa nhựa trắng hệt như suất cơm của bệnh nhân. Tôi ăn khoảng nữa suất thì bỏ. Midori có vẻ rất ngon miệng cho đến tận miếng cuối cùng.

“Không đói à?” Cô hỏi, miệng nhấp trà nóng.

“Không đói thật,” tôi nói.

“Bệnh viện đấy mà,” cô nói, mắt nhìn khắp xung quanh. “Ai chưa quen cũng đều thế cả. Mùi mẽ, âm thanh, không khí tù đọng, mặt mũi bệnh nhân, lo âu, cáu bẳn, thất vọng, đau đớn, mệt mỏi – đó là nguyên nhân. Chúng thắt lấy bụng và làm mất hết dịch vị. Nhưng khi đã quen thì không có vấn đề gì. Với lại, cậu không thể chăm người ốm nếu không ăn uống tử tế. Thật đấy! Tớ biết tớ đang nói gì vì tớ đã phải chăm ông tớ, bà tớ, mẹ tớ, và bây giờ là bố tớ. Không thể biết lúc nào mình sẽ không kịp ăn nữa, nên hễ ăn được là phải ăn cho hẳn hoi.”

“Tớ hiểu điều cậu nói,” tôi bảo.

“Họ hàng đến thăm và họ đều ăn với tớ ở đây, và họ luôn bỏ mứa đến nữa suất, hệt như cậu. Và họ luôn mồm bảo “Ôi chao, Midori, thật tuyệt là cháu ăn ngon miệng được thế. Bác buồn quá không thể ăn được”. Nhưng đừng có vớ vẩn thế nghe chưa, tớ mới là người thực sự phải chăm sóc bệnh nhân! Họ chỉ ghé qua để bày tỏ chút cảm tình mà thôi. Tớ mới là đứa chùi đít, lấy đờm và lau trán. Nếu tình cảm có thể chùi đít được thì tớ còn tình cảm gấp năm mươi lần mấy người kia! Ấy thế mà khi họ thấy tớ ăn hết suất thì họ nhìn tớ bằng con mắt như thế và nói “Ôi chao, Midori, cháu ăn uống khỏe thật đấy!” Họ tưởng tớ là cái gì hả? Một con lừa kéo xe chăng? Họ đều đủ già để hiểu đời là thế nào, mà sao còn ngu đến thế? Đao to búa lớn thì dễ lắm, nhưng quan trọng là có dọn cứt được không kia. Tớ có thể bị tổn thương, cậu biết không? Tớ cũng kiệt sức như bất kì ai. Và tớ cũng buồn đến mức phát khóc nữa. Cậu hiểu không? Cậu hãy thử nhìn một lu bác sĩ xúm vào mổ đầu người ta ra khi chẳng còn hy vọng gì cứu được người ấy nữa, rồi chọc chọc ngoáy ngoáy ở trong đó, rồi làm đi làm lại, và lần nào cũng chỉ làm cho người ta tồi tệ hơn và điên rồ hơn, thì cậu mới hiểu tâm trạng của tớ! Và chưa hết, cậu còn phải thấy tiền dành dụm của cậu cứ hao đi tửng ngày. Tớ không biết mình có đủ sức học thêm ba năm rưỡi đại học nữa không đây còn chị tớ thì chắc chắn là không thể làm đám cưới trong cảnh này được nữa rồi.”

“Mỗi tuần cậu đến đây mấy ngày?” tôi hỏi.

“Thường là bốn,” Midori nói. “Chỗ này vẫn nói là họ có dịch vụ hộ lí toàn phần, và hộ lí của họ cũng tốt, nhưng họ có quá nhiều bệnh nhân. Gia đình phải có người vào lo những việc họ không làm xuể mới được. Chị tớ thì phải trông cửa hàng, tớ thì phải học. Thế mà chị ấy vẫn đến đây được ba ngày một tuần, còn tớ thì bốn. Rồi thì bọn tớ cũng tranh thủ vào thêm lúc này lúc khác nữa. Cứ tin tớ đi, lịch bọn tớ kín mít hết cả!”

“Cậu bận như thế mà sao vẫn đi chơi được với tớ?”

“Vì tớ thích đi chơi với cậu,” Midori nói, tay nghịch cái cốc nhựa.

“Cậu ra ngoài đi dạo lấy một hai tiếng đi,” tôi nói. “Tớ sẽ trông ông cụ cho cậu.”

“Tại sao?”

“Cậu cần ra khỏi bệnh viện và thư giãn một mình – đừng nói gì với ai cả, để đầu óc sảng khoái ra thôi.”

Midori nghĩ một lúc rồi gật đầu. “Hừmm, có lẽ cậu nói phải. Nhưng cậu có biết làm không? Chăm bố tớ ấy?”

“Tớ đã quan sát rồi. Tớ đã hiểu kha khá công việc ấy. Kiểm tra van truyền này, cho cụ uống nước này, lau mồ hôi này, và để cho cụ khạc đờm ra nữa. Cái bô thì ở dưới gầm giường, và nếu cụ đói thì tớ sẽ cho cụ ăn nốt suất cơm trưa. Còn có cái gì tớ không biết thì tớ sẽ hỏi hộ lí.”

“Tớ nghĩ thế là được rồi,” Midori nói với một nụ cười “Còn có một thứ nữa thôi. Ông cụ bắt đầu lẩn thẩn rồi, nên thỉnh thoảng sẽ nói linh tinh những thứ không ai hiểu được. Cậu đừng phiền nếu cụ làm vậy.”

“Tớ không sao mà,” tôi nói.

Trở lại phòng, Midori bảo bố rằng cô phải lo mấy việc và rằng tôi sẽ trông cụ trong lúc cô đi vắng. Ông cụ có vẻ chẳng có gì để nói về việc này. Cũng có thể nó chẳng có nghĩa gì với ông. Ông chỉ nằm ngửa ở đó, mắt dán lên trần nhà. Nếu thỉnh thoảng mắt ông không chớp thì người ta có thể nghĩ là ông đã chết. Mắt ông đỏ ngầu như thể vừa uống rượu say, và mỗi lần ông hít một hơi dài thì hai cánh mũi lại nở ra một chút. Ngoài ra thì ông không động cựa tí gì hết, và cũng chẳng cố sức đáp lại Midori lời nào. Tôi không thể đoán biết ông đang nghĩ gì hoặc cảm thấy gì trong những tầng sâu thẳm của cõi thức.

Sau khi Midori đã đi, tôi tưởng mình có thể thử chuyện trò với bố cô, nhưng tôi không biết nói gì và nói như thế nào, nên đành giữ im lặng. Chẳng mấy chốc, ông cụ nhắm mắt lại và ngủ thiếp đi. Tôi ngồi trên chiếc ghế đẩu cạnh đầu giường và theo dõi những động đậy thi thoảng cửa cánh mũi ông, hy vọng miên man rằng ông sẽ không chết lúc bấy giờ. Sẽ lạ lùng biết bao, tôi nghĩ bụng, nếu người đàn ông này thở hơi cuối cùng khi có tôi bên cạnh. Dù sao thì tôi cũng mới gặp ông lần đầu tiên trong đời và cái duy nhất đem chúng tôi lại với nhau là Midori, một cô gái tôi tình cờ gặp gỡ trong lớp Lịch sử sân khấu.

Nhưng ông cụ không chết, chỉ ngủ yên ở đó. Ghé sát tai vào mặt cụ, tôi có thể nghe tiếng thở yếu ớt của cụ.

Tôi không căng thẳng nữa và quay sang hỏi chuyện bà vợ ông giường bên cạnh. Bà ta chỉ nói về Midori, cho rằng tôi là bạn trai của cô.

“Cô ấy là một cô gái thực sự tuyệt vời,” bà nói. “Cô ấy chăm sóc bố rất chu đáo; cô ấy tốt bụng, dịu dàng, nhạy cảm và chắc chắn, và cô ấy lại xinh đẹp nữa. Cậu hãy đối xử với cô ấy cho đúng đắn. Đừng bao giờ để mất cô ấy. Cậu không thể tìm thấy ai như cô ấy nữa đâu.”

“Cháu sẽ đối xử tốt với cô ấy,” tôi nói, không muốn đi sâu hơn.

“Tôi có một con trai và một con gái ở nhà. Thằng con trai mười bảy, con gái hai mốt, thế mà không đứa nào nghĩ đến chuyện đến bệnh viện thăm bố bao giờ. Hễ tan học là chúng nó tếch đi lướt ván hoặc bồ bịch hoặc gì gì đó ai biết được. Chán thế đấy. Chúng chỉ biết moi tiền mẹ rồi biến.”

Một giờ rưỡi thì bà ta ra ngoài đi mua sắm vài thứ. Cả hai người đàn ông đều ngủ say. Nắng chiều dìu dịu tràn ngập gian phòng, và tôi cảm thấy như mình có thể bập bềnh trôi đi bất kì lúc nào khi ngồi vắt vẻo trên chiếc ghế đẩu ấy. Những bông cúc vàng và trắng trong chiếc bình trên bàn cạnh cửa sổ nhắc nhở rằng trời đã sang thu. Trong không khí có mùi thơm của món cá luộc còn lại từ bữa trưa. Đám hộ lí vẫn lóc cóc lên xuống ngoài hành lang, nói chuyện với nhau bằng những giọng khúc triết dễ nghe. Thỉnh thoảng họ lại ngó vào phòng rồi nở với tôi một nụ cười khi thấy cả hai bệnh nhân đều đang ngủ. Tôi ước có cái gì để đọc, nhưng trong phòng không có sách báo tạp chí gì, chỉ có mỗi một tờ lịch treo trên tường.

Tôi nghĩ đến Naoko. Tôi tưởng đến lúc nàng trần trụi, chỉ có dải buộc tóc trên đầu. Tôi nhớ đến đường cong chỗ thắt lưng nàng và bóng tối chỗ lông mu nàng. Tại sao nàng lại phô bày cho tôi xem như thế? Nàng mộng du chăng? Hay đó chỉ là ảo mộng của tôi? Thời gian cứ trôi đi và cái thế giới nhỏ bé ấy lại lùi xa dần ra, và tôi càng không chắc chuyện đêm ấy có thực diễn ra hay không. Nếu tôi tự nhủ nó là thực thì tôi tin là nó có thực. Nếu tôi tự nhủ đó chỉ ảo mộng, nó lại có vẻ là ảo mộng thật. Nó quá rõ và quá chi tiết để có thể ảo mộng, mà lại quá hoàn chỉnh và đẹp đẽ để có thể là thực: Tấm thân của Naoko và ánh trăng ấy.

Bố Midori bỗng nhiên thức dậy và bắt đầu ho, khiến giấc mộng ngày của tôi chấm dứt. Tôi giúp ông khạc đờm vào một miếng giấy lau mặt, và lấy khăn lau trán cho ông.

“Ông có muốn uống nước không ạ?” Tôi hỏi, và được đáp lại bằng một cái gật đầu chừng bốn mi-li-mét.

Tôi giữ cái chai nước thuỷ tinh nhỏ để ông có thể nhấp từng tí một, cặp môi khô run run, cổ họng lẩy bẩy. Ông uống hết sạch chỗ nước âm ấm trong chai.

“Ông uống thêm tí nữa không ạ?” Tôi hỏi. Ông có vẻ muốn nói, nên tôi ghé tai lại gần hơn.

“Đủ rồi,” giọng ông nhỏ và khô, còn nhỏ và khô hơn trước.”

“Ông ăn chút gì nhé? Chắc ông đói rồi.” Ông đáp bằng một thoáng gật đầu. Như Midori đã làm, tôi xoay cái cần dựng đầu giường lên rồi bón cho ông từng thìa rau nghiền và cá luộc thay đổi nhau. Rất lâu mới cho ông ăn hết được độ nửa phần thức ăn, và đến đó thì ông hơi lắc đầu ra hiệu thôi không ăn nữa. Động tác của ông gần như không nhìn thấy được, rõ ràng cử động mạnh vẫn còn làm ông đau.

“Còn hoa quả thì sao ạ?” Tôi hỏi ông.

“Thôi”, ông nói. Tôi lau hai bên mép cho ông bằng khăn và hạ đầu giường xuống như cũ rồi dọn chỗ bát đĩa ra ngoài hành lang.

“Có ngon không ông?” tôi hỏi.

“Kinh lắm”, ông đáp.

“Vâng,” tôi mỉm cười với ông. “Trông cũng chán thật.” Bố Midori có vẻ không biết nên mở mắt ra thêm hay nhắm lại khi ông nằm đó và nhìn tôi chằm chằm. Không biết ông có biết tôi là ai không. Ông có vẻ thoải mái với tôi một mình thế này hơn lúc có Midori. Có thể ông tưởng tôi là ai đó. Hoặc giả đấy là tôi thích nghĩ vậy.

“Ngoài kia trời đẹp lắm ạ,” tôi nói, ngồi bắt chéo chân trên chiếc ghế đẩu. “Mùa thu rồi, Chủ nhật, thời tiết tuyệt vời, đi đâu cũng thấy đông người ông ạ. Những hôm như hôm nay thì cứ nghỉ ngơi ở trong nhà thế này là tốt nhất. Ra đám đông mệt người lắm. Mà không khí cũng không tốt. Chủ nhật cháu chủ yếu chỉ giặt giũ thôi sáng thì đi giặt, mang lên nóc nhà học xá phơi, chiều thì lại cất hết xuống trước khi trời tối, rồi là chúng thật kĩ. Cháu chẳng ngại là quần áo tí nào. Là cho mọi thứ nhàu nhĩ phẳng ra cho ta một cảm giác thoả mãn đặc biệt. Và cháu làm việc đó khá giỏi. Tất nhiên lúc đầu thì lung tung lắm. Cháu còn làm quần áo bị nhầu thêm nữa. Nhưng sau một tháng thì cháu biết phải làm gì. Cho nên Chủ nhật là ngày cháu giặt giũ và là quần áo. Hôm nay thì cháu không làm được, tất nhiên rồi. Chán thật: mất một ngày giặt là lí tưởng. “Nhưng không sao ông ạ. Mai cháu sẽ dậy sớm và làm bù những việc ấy. Ông đừng lo. Cháu cũng chẳng có việc gì khác vào Chủ nhật.

“Sáng mai, sau khi đã giặt và phơi quần áo, cháu sẽ đến lớp lúc mười giờ. Đấy là lớp cháu cùng học với Midori: Lịch sử sân khấu. Cháu đang học về Euripides. Ông có biết Euripides không ạ? Đó là một người Hy Lạp cổ đại, một trong “Tam Hùng” của bi kịch Hy Lạp, cùng với Aeschylus và Sophocles. Hình như ông ta chết vì bị một con chó cắn ở Macedonia, nhưng không phải ai cũng tin chuyện đó. Đại khái đó là Euripides. Cháu thích Sophoaes hơn, nhưng chắc đó chỉ là vấn đề thị hiếu thôi. Thực sự là cháu không biết ông nào hay hơn ông nào.

“Điều làm cho kịch của ông ta được mọi người chú ý là cái cách ông ấy làm rối tinh sự việc lên và khiến cho các nhân vật bị mắc kẹt trong hoàn canh. Ông có nghe thủng không ạ?” Rất nhiều nhân vật khác nhau xuất hiện, và tất cả đều có hoàn cảnh riêng, lí do riêng và lí lẽ riêng, và người nào cũng đang theo đuổi lí tưởng công bằng hoặc hạnh phúc của mình. Kết quả là chẳng ai làm được gì hết. Rõ ràng rồi. Cháu muốn nói là về cơ bản thì không thể nào có chuyện công lí của ai cũng thắng thế hoặc hạnh phúc của ai cũng thắng thế, và thế là xảy ra hỗn loạn. Rồi thì ông có biết chuyện gì xảy ra sau đó không?” Rất đơn giản – một vị thần xuất hiện vào cuối vở kịch và bắt đầu điều khiển xe cộ trên đường. “Anh này đi ra kia, còn chị này đi ra đây, và cậu thì về với cô ấy, còn cô này thì hãy ngồi yên ở đấy đã”. Như vậy đấy. Kiểu như một người đến để giải quyết mọi chuyện, và cuối cùng thì hoàn hảo đâu vào đấy cả. Họ gọi thế là thủ pháp “deus ex machina” . Trong kịch của Euripides hầu như lúc nào cũng dùng thủ pháp, và chính vì thế mà giới phê bình có những ý kiến khác hẳn nhau về ông ta.

“Nhưng thử nghĩ mà xem, giá có được một cái “deus ex machina” ở ngoài đời thực thì ra sao?” Mọi chuyện sẽ dễ dàng biết mấy! Nếu ta thấy bế tắc và mắc kẹt, một vị thần nào đó sẽ từ trên kia lượn xuống và giải quyết mọi vấn đề cho ta. Còn gì dễ hơn thế nữa. Đấy, đại khái Lịch sử sân khấu là như vậy ông ạ. Những cái bọn cháu học ở đại học đại loại cũng như vậy cả.”

Bố Midori không nói gì, nhưng ông hướng cặp mắt trống rỗng về phía tôi trong suốt lúc tôi nói. Tất nhiên tôi không thể đoán từ đó xem ông có hiểu tí gì những điều tôi nói.

“Vì Hoà bình,” tôi nói.

Sau câu chuyện dông dài ấy, tôi thấy đói cồn cào.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!