Chúng tôi lấy tàu điện đi Ochanomizu. Khi đổi tàu ở Shinjuku, tôi mua một cái bánh kẹp mỏng ở quầy nhà ga để ăn thay bữa sáng. Cà-phê bán kèm với cái bánh có mùi vị như mực in đun sôi. Sau sáng Chủ nhật đầy những cặp vợ chồng và gia đình con cái đi dã ngoại. Một bọn trẻ trai mặc đồng phục bóng chày chạy rầm rập trong toa. Nhiều cô gái trên tàu mặc váy ngắn, nhưng không có cái nào ngắn bằng cái của Midori. Thỉnh thoảng cô lại phải kéo nó xuống một tí. Một vài ông cứ dán mắt vào đùi cô khiến tôi thấy rất lúng túng, nhưng Midori có vẻ chẳng thèm để ý.
“Có biết tớ đang thích làm gì bây giờ không?” cô thầm thì khi chúng tôi đã đi được một lúc.
“Chịu chết,” tôi nói. “Nhưng xin cậu đừng có nói chuyện ấy ở đây nhé. Người ta nghe thấy đấy.”
“Chán thật. Chuyện này mới thật là hoang dại,”
Midori nói với một vẻ thất vọng rõ ràng.
“Thôi nào, tại sao mình đi Ochanimizu?”
“Cứ đi rồi cậu sẽ thấy.”
Xung quanh ga Ochanomizu có rất nhiều trường học, và Chủ nhật thì khu vực này đông nghẹt trẻ em đi học luyện thi. Midori đi ào ào qua đám trẻ ấy, một tay túm chặt quai túi khoác, tay kia túm chặt tay tôi.
Rồi tự nhiên cô hỏi:
“Watanabe này, cậu có phân biệt được thể giả định hiện tại với giả định quá khứ của động từ tiếng Anh không?”
“Có lẽ được,” tôi nói.
“Vậy tớ xin hỏi cậu, những cái như thế thì có ích quái gì trong cuộc sống hàng ngày”
“Chả có gì cả,” tôi nói. “Nó chẳng phục vụ được một mục đích cụ thể nào, nhưng nó cũng cho cậu chút gì đó để giúp cậu nắm được mọi thứ nói chung một cách có hệ thống hơn.”
Midori bỏ ra chừng một khoảnh khắc để suy nghĩ nghiêm túc về chuyện đó.
“Cậu tuyệt vời thật,” cô nói.
“Tớ chưa bao giờ nghĩ được như thế. Tớ luôn cho những cái như gia định thức động từ hoặc toán vi phân tích phân hoặc các kí hiệu hoá học là toàn toàn vô bổ. Một thứ phiền toái khó chịu. Và bấy lâu nay tớ vẫn phớt lờ chúng. Bây giờ thì tớ không biết là đời mình đã là cả một sai lầm hay chưa đây.”
“Cậu phớt lờ chúng?”
“Ờ, Kiểu là, với tớ, chúng hoàn toàn không tồn tại. Tớ không biết tí gì về “sin” hoặc “côsin” là ra làm sao nữa.”
“Không thể tin được? Làm sao mà cậu đỗ được phổ thông? Làm sao cậu vào được đại học?”
“Đừng giả bộ ngốc thế,” Midori nói. “Không biết hết mọi thứ thì cậu cũng vẫn thi đỗ được như thường! Cậu chỉ cần có một chút trực cảm – mà trực cảm của tớ thì khối. “Hãy chọn câu trả lời đúng trong ba câu dưới đây” Thế là lập tức tớ biết ngay câu nào là đúng.”
“Trực cảm của tớ không tốt như của cậu, nên tớ phải có khả năng hệ thống hoá đến một mức nào đó. Giống như con sáo thu nhặt những mảnh thuỷ tinh vào một cái hốc cây vậy.”
“Nó có tác dụng gì không?”
“Tớ cũng chưa biết. Có thể nó giúp mình làm một vài thứ gì đó dễ dàng hơn.”
“Thứ gì?” Cho tớ một ví dụ xem nào?”
“Như tư duy siêu hình chẳng hạn. Hay học nhiều thứ ngôn ngữ một lúc.”
“Thế thì có ích dụng gì?”
“Cũng còn tuỳ người. Nó có thể ích dụng với người này, nhưng lại không ích dụng với người khác. Nhưng chủ yếu nó là chuyện đào luyện. Còn ích dụng gì hay không lại là chuyện khác. Như tớ đã nói.”
“Hừmmm,” Midori có vẻ rất ấn tượng. Cô dắt tay tôi đi xuống đồi. “Cậu biết không, Watanabe, cậu rất giỏi giảng giải mọi chuyện cho người khác hiểu đấy.”
“Tớ cũng không biết,” tôi nói.
“Thực đấy. Tớ đã hỏi hàng trăm người về chuyện ích dụng của giả định thức trong tiếng Anh, nhưng không ai trả lời tớ rõ ràng và hay như cậu. Ngay cả mấy thầy dạy tiếng Anh cũng vậy thôi. Hoặc là họ lúng túng, nổi cáu, hoặc cười trừ. Chẳng ai trả lời tớ cho đàng hoàng cả. Giá có ai như cậu đã ở gần tớ lúc tớ có thắc mắc, và giảng giải cho tớ hẳn hoi, có lẽ tớ cũng đã có thể biết quan tâm đến cái giả định thức ấy rồi. Rõ khốn nạn!”
“Hừmmm,” tôi nói.
“Cậu đã bao giờ đọc Tư bản luận chưa?”
“Rồi. Không đọc hết đâu, tất nhiên, mà chỉ từng phần thôi, như hầu hết mọi người.”
“Cậu có hiểu không?”
“Tớ cũng hiểu được chỗ này chỗ kia, nhưng không hết. Cũng phải có đầu óc thế nào đó mới đọc được một cuốn như Tư bản luận. Nhưng tớ nghĩ tớ cũng hiểu được cái tư tưởng chung của chủ nghĩa Mác.
“Theo cậu, một sinh viên năm thứ nhất vốn ít đọc sách thì có hiểu được Tư bản luận không nếu chỉ đọc nó mà không có ai hướng dẫn?”
“Có lẽ khó tớ có thể nói vậy.”
“Cậu biết không, lúc mới vào đại học tớ tham gia một câu lạc bộ nhạc dân gian. Tớ chỉ muốn hát. Nhưng tụi thành viên lại là một lũ bịp bợm. Chỉ nghĩ đến chúng nó là tớ đã nổi da gà. Điều đầu tiên chúng nói với cậu khi cậu gia nhập câu lạc bộ là cậu phải đọc Mác. “Nhớ đọc trang này với trang này cho lần họp mặt sau nhé”. Có đứa lên lớp hẳn một bài về chuyện dân ca phải gắn liền với xã hội và phong trào cấp tiến như thế nào. Được rồi, tớ nghĩ bụng, đọc thì đọc sợ chó gì, và hăng hái về nhà làm liền, nhưng chẳng hiểu một tí gì cả. Còn tệ hơn cả giả định thức nữa. Được ba trang thì tớ đầu hàng. Như một hướng đạo sinh “thật thà”, tớ đến cuộc họp tuần sau đó và nói tớ đã đọc nhưng không thể hiểu được. Từ đó trở đi chúng nó coi tớ như một con ngốc. Chúng bảo tớ không có ý thức phê phán về đấu tranh giai cấp, rằng tớ là một kẻ tàn tật về mặt xã hội. Nghĩa là nghiêm trọng thật chứ chẳng chơi. Mà tất cả chỉ vì tớ nói tớ không hiểu được một cuốn sách. Cậu thấy chúng có kinh khủng không?”
“Ờ,” tôi nói.
“Và những cái gọi là thảo luận của chúng cũng kinh khủng luôn. Ai cũng đao to búa lớn và giả vờ như thông thạo tình hình lắm. Nhưng tớ thì hễ không hiểu cái gì là tớ hỏi luôn. “Tình trạng bóc lột đế quốc mà các cậu đang nói đến ấy là cái gì vậy” Nó có dính dáng gì đến Công ty Đông Ấn không?” “Có phải tiêu diệt tập đoàn công nghiệp-giáo dục có nghĩa là chúng ta sẽ không được làm việc cho một công ty sau khi tốt nghiệp không?” Đại loại những chuyện như thế. Nhưng không đứa nào muốn giai thích gì cho tớ cả. Tệ hơn nữa, chúng lại còn nổi giận nữa chứ. Cậu có tin được không?”
“Có tớ tin được,” tôi nói.
“Một thằng quát vào mặt tớ, “Đồ chó cái ngu xuẩn, làm sao mày sống được với một bộ óc rỗng tuếch như thế?” Mẹ kiếp, thế là xong. Tớ không chịu nổi nữa. Ôkê, cứ cho là tớ không thông minh đi. Tớ thuộc giai cấp lao động. Nhưng chính giai cấp lao động làm cho thế giới này tiến lên, và chính giai cấp lao động là người bị bóc lột. Cách mạng kiểu gì mà chỉ biết đao to búa lớn những lời lẽ mà người lao động không thể hiểu được thế? Thứ cách mạng xã hội chó gì vậy? Nghĩa là, tớ cũng thích làm cho thế giới này tốt đẹp hơn chứ. Nếu có ai đó thực sự bị bóc lột, mình sẽ ra tay chấm dứt chuyện đó chứ. Tớ tin chuyện ấy, và vì thế mà tớ mới thắc mắc. Tớ đúng hay sai nào?”
“Cậu đúng.”
“Chính thế mà tớ vỡ nhẽ ngay. Lũ khốn kia là rởm hết. Chúng chỉ nhăm nhăm phách lối với tụi con gái mới gặp bằng những từ hoa mỹ trong khi thò tay tốc váy bọn này mà thôi. Và khi tốt nghiệp, chúng sẽ cắt tóc ngắn và xếp hàng đi làm cho Mitsubishi hoặc IBM hoặc Ngân hàng Fuji. Chúng sẽ cưới những cô vợ xinh xắn không bao giờ đọc Mác và đẻ ra những đứa con với những cái tên hoa mỹ nghe phát lộn mửa. Tiêu diệt tập đoàn công nghiệp-giáo dục như vậy ư? Đừng có làm trò cười với tôi! Mà bọn thành viên mới cũng tệ chẳng kém. Chúng cũng chẳng hiểu cái mẹ gì, nhưng cứ giả vờ thế và cười vào mặt tớ. Sau buổi họp, chúng bảo “Đừng có ngốc thế! Cậu không hiểu thì đã làm sao?” Cứ việc đồng ý với mọi người là xong”. Mà này, Watanabe, tớ còn có chuyện muốn phát điên hơn thế nữa. Muốn nghe không?”
“Có chứ, sao lại không.”
“Ôkê, một lần chúng triệu tập một cuộc họp chính trị vào tối khuya, và bảo mỗi đứa con gái phải làm hai mươi cái bánh bột gạo để ăn đêm hôm đó. Mẹ kiếp, còn nói phân biệt nam nữ chó gì nữa? Nhưng tớ quyết định cứ im mồm một lần ấy xem sao, và đến họp như một con ngoan ngoãn với đủ hai mươi cái bánh, đầy đủ cả nhân trong lẫn ruốc ngoài. Và cậu biết tớ được gì không?” Sau đó chúng nó chê là nhân bánh của tớ không đủ vị, và tớ không mang thêm cái gì để ăn kèm với bánh cả! Bọn con gái khác thì nhồi vào bánh của chúng cả cá hồi với cá tuyết, và chúng đem theo cả những miếng trứng rán dày cộp. Tớ nổi giận đến mức không nói được! Bọn cách mạng cuồng này tưởng chúng là ai mà dám chê bai như vậy chứ? Nhẽ ra chúng phải biết ơn vì đã có bánh mà ăn. Cứ nghĩ đến bọn trẻ con đang chết đói ở Ấn Độ mà xem!”
Tôi phì cười. “Rồi cái câu lạc bộ ấy của cậu ra làm sao?”
“Tháng Sáu thì tớ bỏ, tớ tức quá,” Midori nói. “Hầu hết những loại sinh viên ấy đều hoàn toàn rởm hết. Chúng sợ nhất là có ai phát hiện chúng chẳng biết cái mẹ gì cả. Tất cả bọn chúng đều chỉ đọc một loại sách và nỏ mồm một loại khẩu hiệu, và chúng thích nghe nhạc John Coltrane với xem phim Pasolini. Cậu gọi thế là “cách mạng” ư?”
“Ê đừng hỏi tớ, tớ chưa thấy một cuộc cách mạng nào bao giờ.”
“Mẹ khỉ, nếu đó là cách mạng thì vứt mẹ nó đi. Chúng có thể sẽ bắn tớ vì đã làm nhân bánh không đủ vị. Chúng cũng có thể bắn cậu vì hiểu được giả định thức.”
“Có thể lắm.”
“Tin tớ đi, tớ biết tớ đang nói gì. Tớ là giai cấp lao động. Kiểu gì thì giai cấp lao động vẫn cứ sống cơ hàn trong những hố cứt cú mà thôi. Mà cách mạng là cái gì chứ? Chắc chắn là nó không phải chỉ thay cái tên của toà thị chính đâu. Nhưng bọn khốn kia không hiểu chuyện đó bọn khốn to mồm ấy! Nói tớ nghe, Watanabe, đã bao giờ cậu thấy một thằng phòng thuế chưa?”
“Chưa bao giờ.”
“Còn tớ thì rồi. Biết bao nhiêu lần rồi. Chúng xông thẳng vào nhà và phách lối om sòm. “Cuốn sổ cái này là gì đây?” “Tôi muốn xem tất cả hoá đơn của ông ngay bây giờ”. Trong khi đó thì gia đình tớ chúi ở một xó, và đến bữa tối thì phải đãi chúng sushi hảo hạng – mang đến tận nhà. Nhưng tớ cũng phải nói với cậu rằng bố tớ không bao giờ gian lận thuế. Ông ấy là vậy đấy, một người cổ lỗ ngay thẳng như một mũi tên. Nhưng đừng có hòng nói điều đó với bọn phòng thuế. Chúng chỉ có một việc là đào bới, đào bới, đào bới. “Thu nhập chỗ này hơi thấp đấy, có phải không?” Mẹ kiếp, không kiếm ra tiền thì thu nhập phải thấp thế chứ làm sao! Tớ những muốn gào lên: “Đi chỗ khác mà kiếm chác đi!” Cậu nghĩ nếu có cách mạng rồi thì thái độ bọn phòng thuế có khác đi không?”
“Tớ nghi lắm, rất nghi.”
“Thế là xong. Tớ sẽ không tin bất kì một thứ cách mạng khốn kiếp nào nữa. Tớ sẽ chỉ tin tưởng vào tình yêu thôi.”
“Hoà bình,” tôi nói.
“Vì Hoà bình,” Midori phụ hoạ.
“Mà này, chúng mình đang đi đâu vậy?” tôi hỏi.
“Đến bệnh viện,” cô nói. “Bố tớ ở đó. Hôm nay là phiên tớ ở với ông ấy cả ngày.”
“Bố cậu? Tớ tưởng ông ấy ở Uruguay?”
“Tớ nói phét đấy,” Midori nói bằng một giọng tỉnh khô “Bố tớ suốt đời kêu gào đi Uruguay, nhưng chẳng bao giờ đi được. Đi khỏi Tokyo cũng còn khó với ông ấy nữa là.”
“Tình hình ông ấy có tệ lắm không?” Tôi hỏi.
“Chỉ còn là vấn đề thời gian nữa thôi,” Midori nói.
Chúng tôi im lặng bước.
“Tớ biết tớ đang nói gì. Mẹ tớ cũng bị như vậy. U não. Cậu có tin được không, mẹ tớ chết mới có hai năm, và bây giờ thì bố tớ cũng bị như vậy.”
Hành lang Bệnh viện Đại học ầm ĩ và đầy những người vào thăm cuối tuần cùng những bệnh nhân nhẹ, và chỗ nào cũng thoang thoảng cái mùi đặc biệt của bệnh viện, một hỗn hợp của mùi thuốc khử trùng, mùi hoa của khách vào thăm, mùi nước tiểu và chăn nệm, trong lúc đám hộ lí chạy đi chạy lại với tiếng gót giày khua lóc cóc.
Bố Midori nằm gần phía cửa trong một phòng hai giường. Nằm dán trên giường, trông ông như một con vật nhỏ bé bị tử thương. Ông nằm nghiêng, đờ đẫn, cánh tay trái bỏ thõng bất động và có cắm kim truyền ven. Ông nhỏ và gày gò, và có về chỉ có thể teo tóp nữa mà thôi. Đầu ông cuốn băng trắng, và hai cánh tay nhợt nhạt lỗ chỗ những vết tiêm thuốc hoặc truyền ven. Đôi mắt hé mở của ông dán vào một điểm cố định trong không gian, hai con ngươi đầy những tia máu ấy dịch về phía chúng tôi khi hai đứa bước vào phòng. Chúng tập trung vào chúng tôi chừng mươi giây, rồi lại dịch về chỗ cũ.
Nhìn đôi mắt ấy ta có thể biết ông sắp chết. Da thịt ông không còn dấu hiệu gì của sự sống, chỉ vương lại chút dư âm của nó mà thôi. Thân thể ông như một ngôi nhà cũ ọp ẹp mà đồ đạc bên trong đã dọn hết đi rồi để chờ ngày bị dỡ bỏ hoàn toàn. Xung quanh cặp môi khô nẻ, những đám râu đâm lên tua tủa như cỏ dại. Vậy là, tôi thầm nghĩ, ngay cả sau khi ngần ấy sinh lực của một người đàn ông đã tiêu tan, râu người ấy vẫn cứ mọc.
Midori chào một ông béo nằm trên giường gần cửa sổ ông ta gật đầu và mỉm cười, có vẻ không nói được. Ông ta húng hắng ho, rồi sau khi nhấp mấy ngụm nước trong một cái cốc thuỷ tinh để cạnh gối, ông dịch người nằm nghiêng quay mặt ra cửa sổ. Bên ngoài chiếc cửa sổ ấy có thể nhìn thấy một cái cột điện với mấy đường dây mắc qua, không còn gì khác, ngay cả mây trên trời cũng không có.
“Bố ơi, bố thấy thế nào ạ?” Midori nói, ghé sát vào tai bố như đang thử micro. “Hôm nay bố thấy thế nào ạ?”
Ông bố máp máy môi. “Không tốt”, ông nói, nhưng không phát âm thành chữ mà chỉ như ọ ẹ trong cổ họng.
“Đầu” ông nói.
“Bố đau đầu ạ?” Midori hỏi.
“Ờ” ông đáp, rõ ràng không thể phát âm quá hai chớ mỗi lần.
“Cũng phải thôi ạ,” Midori nói, “Bố vừa mới mổ cả đầu ra mà. Tất nhiên là phải đau rồi. Khổ thật, nhưng phải ráng thôi bố ạ. Đây là bạn con, Watanabe.”
“Cháu chào bác ạ,” tôi nói. Bố Midori hé môi rồi lại ngậm miệng lại.
Midori chỉ về phía một cái ghế nhựa dưới chân giường và bảo tôi ngồi. Tôi làm theo. Midori cho bố uống nước rồi hỏi ông có muốn ăn một tí hoa quả hoặc mứt không. “Không” ông nói, và khi Midori nài ông phải ăn cái gì đó thì ông nói “ăn rồi.”
Trên cái bàn đêm cạnh đầu giường có một cái chai, một cái cốc, một cái đĩa và một cái đồng hồ nhỏ. Midori lấy từ trong một túi giấy to dưới gầm bàn ra mấy bộ quần áo ngủ, đồ lót và vài thứ khác, vuốt phẳng chúng và cất vào cái tủ ở cạnh cửa. Dưới đáy túi là thức ăn cho bệnh nhân: hai quả bưởi, thạch hoa quả, và ba củ dưa chuột.
“Dưa chuột! Sao lại có dưa chuột ở đây nhỉ?” Midori hỏi. “Không biết chị tớ nghĩ gì nữa. Tớ đã dặn trên điện thoại là phải mua những gì, và chắc chắn tớ không nói đến dưa chuột! Đáng nhẽ chị ấy phải mua kiwi kia.”
“Có thể chị cậu nghe nhầm,” tôi nói.
“Ờ có thể, nhưng nếu bà ấy suy nghĩ một tí thì biết ngay là không nên mua dưa chuột. Bệnh nhân mà ngôi trên giường gặm dưa chuột sống ư?” Bố ơi, bố có ăn dưa chuột không?”
“Không,” bố Midori nói.
Midori ngồi cạnh đầu giường kể cho bố nghe những mẩu tin tức ở nhà. Cái màn ảnh TV bị nhiễu và cô đã gọi thợ đến chữa; bà cô ở Takaido mấy hôm nữa sẽ đến thăm; ông nha sĩ Miyawaki bị ngã xe đạp; những chuyện như vậy ông bố ậm ừ nghe.
“Bố không muốn ăn gì thật à?”
“Không?”, ông đáp.
“Thế cậu thì sao, Watanabe, ăn mấy múi bưởi nhé”
“Không?”, tôi nói.
Mấy phút sau, Midori dẫn tôi ra phòng TV và ngồi trên sô-pha hút thuốc. Ba bệnh nhân mặc quần áo ngủ cũng đang hút thuốc ở đó và xem một chương trình đàm luận chính trị gì đó.
“Này,” Midori thì thầm với một cái nháy mắt. “Lão già có cặp nạng kia đã nhìn chân tớ suốt từ lúc mình mới vào. Cái lão đeo kính mặc bộ đồ màu xanh nước biển ấy.”
“Cậu mặc cái váy như thế thì còn mong gì nữa nào?”
“Nhưng mà thế mới thích. Tớ cuộc là bọn họ đều đang chán chường cả. Thế này có khi lại tốt cho họ. Biết đâu bị kích thích lại giúp họ nhanh khá hơn.”
“Với điều kiện nó không có tác dụng ngược lại.”
Midori dán mắt vào làn khói bốc lên từ điếu thuốc của mình.
“Cậu biết không,” cô nói, “bố tớ không phải là người xấu như thế đâu. Nhiều khi tớ cáu với ông ấy vì ông ấy nói những điều thật kinh khủng, nhưng tận đáy lòng thì ông ấy rất trung thực và rất yêu mẹ tớ. Theo lối riêng của mình, ông ấy sống với tất cả nhiệt tình và sức lực của ông ấy. Có thể là ông ấy hơi yếu đuối, và không hề có tí đầu óc làm ăn nào, và mọi người cũng không ưa ông ấy lắm, nhưng ông ấy còn tốt bằng vạn những kẻ lừa đảo và dối trá chỉ biết đi quanh mơn trớn mọi thứ bởi vì chúng cứ trơn như lươn thế thôi. Cũng như ông ấy, tớ có tật đã nói cái gì thì không chịu nuốt lời, nên hai bố con cãi nhau nhiều lắm, nhưng quả thật ông ấy không phải là người xấu.”
Midori cầm lấy tay tôi như nhặt cái gì đó ai đánh rơi ngoài phố và đặt nó vào lòng cô. Nửa bàn tay tôi nằm trên váy, nửa còn lại chạm lên đùi cô. Cô nhìn vào mắt tôi một lúc lâu.
“Xin lỗi đã đem cậu đến một chỗ như thế này,” cô nói, “nhưng cậu có thể ở lại đây với tớ một lúc nữa không?”
“Tớ sẽ ở với cậu cả ngày nếu cậu muốn,” tôi nói.
“Cho đến năm giờ. Tớ thích có cậu ở cạnh, va lại tớ cũng chẳng có việc gì khác.”
“Chủ nhật cậu thường làm những gì?”
“Giặt giũ,” tôi nói, “và là quần áo.”
“Tớ chắc cậu không muốn kể cho tớ nhiều về cô ấy, bạn gái của cậu ấy.”
“Ờ có lẽ vậy. Rắc rối lắm, với lại, có lẽ tớ cũng chẳng giải thích được đâu.”
“Ôkê mà. Cậu không phải giải thích gì cả,” Midori nói. “Nhưng cậu có cho phép tớ nói ra những điều tớ tưởng tượng về chuyện của cậu không?”
“Có sao đâu, cậu nói đi. Tớ nghĩ cậu tưởng tượng chuyện gì cũng hay cả.”
“Tớ nghĩ đó là một bà đã có chồng.”
“Thế à?”
“Ừ, bà ấy băm hai băm ba gì đó, giàu có, đẹp đẽ, mặc áo lông, đi giày hiệu Charles Jourdan, đồ lót lụa, thèm khát tình dục và thích làm đủ những trò lạ lẫm. Hai người các cậu gặp nhau các buổi chiều trong tuần và nuốt chửng thân xác nhau. Nhưng chồng bà ấy lại ở nhà Chủ nhật nên cậu không thể gặp được nàng. Có đúng không nào?”
“Hay! Rất thú vị đấy.”
“Bà ấy bắt cậu phải trói và bịt mắt bà ấy lại rồi liếm hết từng xăng-ti-mét vuông trên thân thể bà ấy. Rồi bà ấy còn bảo cậu đút cả những thứ kì lạ vào bà ấy nữa và bà ấy làm đủ những tư thế kì dị không khác gì một diễn viên uốn dẻo rồi cậu thì chụp ảnh bà ấy bằng một cái máy Polaroid lấy ảnh ngay.”
“Nghe vui nhỉ.”
“Bà ấy thèm khát chuyện ấy suốt ngày đêm, và nghĩ ra trò gì là phải làm cho bằng được. Và ngày nào bà ấy cũng chỉ nghĩ có thế. Bà ấy rỗi việc, nên lúc nào cũng dự tính: Hừmm, lần sau Watanabe đến, mình sẽ làm thế này, làm thế nọ. Cậu lên giường và thế là bà ấy phát cuồng lên, thử đủ mọi tư thế và mỗi tư thế phải sướng đến ba lần. Và bà ấy nói với cậu, “Chẳng phải là tôi có một tấm thân tuyệt cú đó hay sao?” Cậu không thể thoả mãn với bọn gái trẻ được nữa đâu. Gái trẻ không làm thế này với cậu, đúng không?” Hoặc thế này nữa. Sướng chưa nào” Nhưng mà cậu vẫn chưa ra!”
Tôi phì cười: “Cậu xem phim con heo nhiều quá rồi!”
“Cậu biết tớ thích nhất cái gì khi xem phim con heo không?”
“Không dám đoán đâu.”
“Mỗi lần bắt đầu một cảnh làm tình, cậu có thể nghe thấy tiếng “Uạp!” một cái khi tất cả mọi người trong rạp đều nhất loạt nuốt nước bọt,” Midori nói. “Tớ yêu cái tiếng “Uạp!” ấy! Nghe nó thật ngọt ngào!”