Hà Tiên phong cảnh thi:
Hà Tiên non nước cảnh vui tình,
Thập vịnh hiền xưa đã tạc danh.
Đảnh pháo đài, đăng quang chiếu diên,
Mạc tiên công, miễu rõ anh linh.
Am chùa hang động nhiều nơi cổ,
Thơ phú rượu đờn lắm kẻ thanh.
Nhớ thuở Cao hoàng hưng đế nghiệp,
Bầy xà cứu giá giữa dòng xanh.
Hà Tiên phong cảnh lịch thanh,
Nguyên xưa Mạc Cửu riêng mình phụ dung.
Tục kêu là Mạc tiên công,
Gốc vì để tóc môt lòng thờ Minh.
Cam bề chẳng ở đất Thanh,
Huề gia thiết quyến tách mình trùng dương.
Qua Hà Tiên, lập phong cương,
Câu liên trước cửa người thường đọc vang.
Hiếu vương chúa Nguyễn sắc ban,
Phong Tông binh chức một phương chuyên quyền. (10)
Hiệu Vĩnh Thạnh Ất vì niên,
Giặc Mên đánh phá Hà Tiên không dè.
Tiên công thoàn chạy Vũng Kè,
Phu nhơn Bùi thị tư bề hoảng kinh.
Giữa sông chuyển bụng thình lình,
Đẻ ông Thiên Tích lòa mình hào quan.
Lồi lên một vị Phật vàng,
Lớn cao đồ sộ thấy càng sợ ghê.
Sáng ra xem xét tư bề,
Sai quân dìu đỡ khiêng xê vô bờ. (20)
Công bèn tướng địa khai cơ,
Lập chùa mé nước phụng thờ đến nay.
Tưởng ra điềm cũng lạ thay,
Đặt tên Thiên Tích nghĩa rày trời cho.
Dần dần sắp đặt qui mô,
Làm nên sự nghiệp cơ đồ bền lâu.
Bính Thìn Vĩnh Hựu năm sau,
Cho ông Thiên Tích tước hầu tập phong.
Mạc hầu ăn học lắm công,
Hà Tiên thập vịnh tả trong cảnh mình. (30)
Mên thường cưu dạ bất bình,
Giận vị Mạc thị chiếm tranh biên thùy.
Tìm mưu tranh đoạt nhiều khi,
Ghe phen tích oán vậy thì sanh tâm.
Nắc-Vồn binh mã lai xăm,
Mạc hầu đánh phá giải dầm tuyết sương.
Đánh Mên duổi đã xa đường,
Rượt theo bố trận đêm trường với nhau.
Phu nhơn Nguyễn thị kế sâu,
Đem binh phụ nữ cơm âu sẵn sàng. (40)
Cho quân thay đổi bảo sang,
Ăn no đủ sức phá tan Nắc-Vồn.
Quan Mên mất vía kinh hồn,
Tự tư dĩ hậu tiếng đồn oai linh.
Đắc tiền hiệu chữ thái bình,
Nơi Vũng Thơm xứ đẹp tình nhơn dân.
Cao hoàng đại mạng chơn quân,
Trời xui gặp gỡ hiền thần cũng duyên.
Tây Sơn binh tướng đầy miền,
Mạc hầu cô thế ngài liền sang Xiêm. (50)
May nhờ lân hảo một niềm,
Thỉnh binh cứu viện cơ tìm ngày sau.
Bị Mên xàm nịnh gian tâu,
Rằng Gia Định có Mạc hầu mật thơ.
Mưu thâu Vọng Các cõi bờ,
Vua Xiêm bắt hết bây giờ tra minh.
Ỷ khôn đôi chối sự tình,
Mạc hầu Thiên Tích liều mình chết oan.
Người ngay hồn xuống suối vàng,
Một vùng chánh khí nhẩy tràng thương minh. (60)
Nay còn miễu võ hiển linh,
Mộ bi sắc tặng đành rành của vua.
Thơm tho huyết thực bốn mùa,
Người ta đều gọi rằng chùa Lịnh công.
Trời xanh chẳng phụ hiếu trung,
Dấu roi cháu chắt còn sung mối giềng.
Mạc Tử Khâm là chắt hiền,
Rừng ong phần thực bạc tiền lửa hương.
Chùa thêm tráng lệ cột rường,
Bởi vì công cộng các phương của người. (70)
Câu liên trước cửa rạng ngời,
Một nhà trung nghĩa bảy đời phân ly.
Tại làng Mỹ Đức oai nghi,
Hậu tiền tả hữu nguy nguy miễu tòa.
Hai mươi hai hạt người ta,
Biết chùa Ông Lịnh từ xa đến gần.
Hà Tiên phong tục tế thần,
Giới trai thành kính lòng cần thỉ chung.
Cỗ bàn tinh khiết bề trong,
Lễ văn phép tắc ngoài không kiểu tình. (80)
Cảnh chùa Thạch Động rất xinh,
Cao tăng lớp trước có danh nhơn hiền.
Mấy thầy nho học Hà Tiên,
Năng khi tới đó cầu tiên thường thường.
Lâm Ân phù chú cao cường,
Bùa hay trấn quỉ mở trường Kỳ Tiên.
Học trò có thú vui riêng,
Thỉnh tiên giáng hạ đàng tiền khất thi.
Hội đồng Hiến, Phụng Lai Nghi,
Đều là xảo biết cầm kỳ văn chương. (90)
Châu thành phong thổ hiền lương,
Cây dương trồng khắp nẻo đường gần xa.
Quan quân dinh dãy các tòa,
Cất trên nổng núi xem đà đẹp xinh.
Pháo đài nghiêm chỉnh quang minh,
Vọng đăng cao vọi nơi gành Mũi Nai.
Thinh thinh nhà chợ rộng dài,
Phố phường sạch sẽ trong ngoài làm ăn.
Thói dân nhựt dụng kiệm cần,
Gốc xưa lễ nghĩa nho văn lưu tồn. (100)
Tô Châu, Kim Dự, tiếng đồn,
Xanh quanh chơn núi hương thôn ở đầy.
Trồng tiêu làm rẫy tháng ngày,
Dân nhờ huê lợi sum vầy đủ tiêu.
Hòn Chông tiêu biết bao nhiêu,
Kẻ lui người tới dập dìu người ta.
Nhơn dân trù mật cửa nhà,
Sanh phương nghệ nghiệp trẻ già đều siêng.
Các làng chùa miễu khuôn viên,
Tang hôn thù tạc theo miền thú quê. (110)
Tàu đi Xiêm thổi xúp-lê,
Bộ hành chực sẵn đề huề xuống đi.
Cao hoàng thuở ấy lắm khi,
Hòn Chông Phúc Quấc lưu ly ra vào.
Có hồi quân sĩ khát khao,
Ăn rau đỡ đói miệng nào biết ngon.
Thị Huyễn có lòng tôi con,
Chở đầy ghe gạo ra hòn hiến công.
Ngày nay Phú Quốc thạnh sung,
Cù lao giữa biển dân đông vô hồi. (120)
Huyền tinh lại với đầu mồi,
Sắm ghe đi biển mắt lồi lái cao.
Long Giêng hương với Yến sào,
Mực tươi mắm ruốt vẹm ngao thiếu gì.
Tục hay ăn ở phải nghì,
Vãng lai thù tạc nhiều khi hết lòng.
Cây dương chẳng có ai trồng,
Mọc khơi mé biển điệp trùng dinh dư.
Hòn Phú Quấc chỗ kheo khư,
Xứ không trộm cướp dân cư thái bình. (130)
Nhớ xưa đương cuộc chiến chinh,
Ông Nguyễn Trung Trực tung hoành đã lâu.
Trước nơi Nhựt Tảo đốt tàu,
Sau nơi Rạch Giá đánh nhầu hoảng kinh.
Thương thay mấy lúc tan tành,
Rồi ra Phú Quốc ẩn danh tiềm tàng.
Lâm cơ túng thế phải hàng,
Phép công xử tại Kiên Giang bất chầy.
Bại thành nào kể dở hay,
Đã liều một chết rủi may cho rồi. (140)
Cửa Dương sóng bổ dập dìu,
Cám người nghĩa khí gặp hồi điệu linh.
Cổ Công, Cổ Cúc, xanh quanh,
Hòn Tràm giáp giái chỗ ranh Xiêm Là.
Đặt làm Thương chánh một tòa,
Quan quân dinh dãy cửa nhà phân minh.
Ghe buôn đến đó tạm đình,
Ghé vào đóng thuế công bình rồi đi.
Tàu đò tháng đặng vài kỳ,
Hải Tân một chỗ phải thì thạnh sung. (150)
Hà Tiên ít ruộng nhiều giống,
Người xài lúa gạo phải dùng các nơi.
Non nhơn nước trí thảnh thơi,
Thơ bài ngâm vịnh thú chơi thanh nhàn.
Hải Nam tàu cũng năng sang,
Bán qua mua lại hóa hàng thường xuyên.
Trường quan qui củ khuôn viên,
Chữ nhu cũng có trường riêng của mình. (158)