Đất Gia Định 10 Thế kỷ đầu Công Nguyên – 10

Bài viết được Sưu tầm từ tài liệu Điện tử của Thư viện Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh. Do sơ suất, tôi không tìm ra được tên Tác giả bài viết, cuối bài chỉ ghi “Tháng 11.1985 – Tháng 8.1997”. Tôi đoán là thời gian tác giả biên soạn và sưu tầm tài liệu.

Nội dung Bài viết rất chi tiết và dựa trên nguồn tài liệu phong phú, đáng tin cậy. Đây là nguồn thông tin quí giá nên tôi xin phép được chia sẽ trên website này, mặc dù chưa thể đề tên tác giả. Chân thành cảm ơn tác giả đã dày công tra cứu và biên soạn.


Phần III: Văn hóa Khảo cổ và tiến trình lịch sử ở đất Gia Định

Khái quát

Trên đây chúng tôi đã điểm lại một cách khái lược những phát hiện khảo cổ học ở đất Gia Định và vùng ven trong khoảng 10 thế kỷ đầu Công nguyên. Những nghiên cứu về tiền sử và Văn hóa Óc Eo là tiền đề cho những tìm hiểu về sự diễn tiến của các khảo cổ trên địa bàn này vào thời kỳ ta nghiên cứu. Ở đây ta thử tìm hiểu những di chỉ và di vật khảo cổ học đó, trong những biểu hiện cụ thể của chúng, có những tương quan nào với tiến trình lịch sử của vùng đất nay.

Lấy Sài Gòn làm tâm, thử vạch một vòng tròn có đường kính 100km: tất cả hơn 60 di tích đã điểm trên đây đều nằm gọn trong vòng tròn đó. Sự kiện này cho thấy đất Gia Định xưa đã là một địa bàn phát triển kinh tế và văn hóa liên tục từ thời tiền sử và đã đạt đến một nền văn minh đô thị cao vào thời cổ đại.

Khọng phải do một sự ngẫu nhiên mà có sự tồn tại của những công cụ đá cũ ở ngay ngưỡng cửa phía Đông của Sài Gòn (Xuân Lộc, Dốc Mơ), cũng không phải do một sự ngẫu nhiên mà vùng hạ lưu sông Đồng Nai và sông Sài Gòn đã đem lại cho ta những truyền thống gốm khác nhau và những loại hình công cụ đá mài đa dạng: rìu hình thang, rìu vai xuôi, rìu vai ngang, rìu vai nhọn và cả loại rìu làm bằng mai rùa … Rồi những di chỉ thành tròn, cự thạch, đồng thau, thời kỳ cổ đại … Cả một bức tranh giao lưu văn hóa và hội tụ văn hóa sinh động đã được phác họa trên vùng đất Gia Định từ thời tiền sử, kéo dài cho đến thời kỳ cận đại.

Di chỉ đồ đồng Dốc Chùa nổi tiếng chỉ cách Sài Gòn khoảng 45km về phía Bắc: thời đại đồ sắt với những di chỉ Suối Chồn muộn, Suối Đá, Hang Gòn, Dầu Giây, Phú Hòa v.v… đều không xa thành phố. Những dữ kiện trên đây cho thấy sự diễn biến của thời kỳ tiền sử – sơ sử đã đưa đến sự hình thành của các cộng đồng xã hội sớm ở đất Gia Định và vùng ven, tạo thành một cơ tầng bản địa của các văn hóa khảo cổ ở thời kỳ tiếp theo.

Các văn hóa khảo cổ tiền sử và sơ sử ở đồng bằng Nam Bộ hiển nhiên đã chuẩn bị cho sự hình thành và phát triển của văn hóa Óc Eo từ đầu Công nguyên trên cùng một địa bàn.

Sự đóng góp này được nhận thấy trước hết, qua những dụng cụ sinh hoạt, chủ yếu là gốm. Ngoài loại gốm mịn điển hình Óc Eo ta có thể tìm thấy trên các di chỉ Óc Eo hầu hết các truyền thống gốm sớm của Nam Đông Dương với những loại hình, hoa văn và chất liệu đặc trưng của chúng, cũng như thói quen dùng cà ràng để nấu ăn trong điều kiện sinh hoạt ở vùng sông rạch và sình lầy, đã phổ biến ở An Sơn, Rạch Núi, Cái Vạn, Bình Đa, Dốc Chùa v.v… Những công cụ chế tác gốm như bàn xoa, bàn dập, các loại bàn mài, khuôn đúc kim loại của Óc Eo cũng đã được tìm thấy ở các di chỉ sớm hơn trong vùng.

Loại hình cư trú nhà sàn phát hiện năm 1977 ở di chỉ ND 11 ở khu kinh tế mới Lê Minh Xuân, tại ấp 4, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, Tp. HCM (cùng nhiều hiện vật đá mài, bàn mài, gốm đen xám, hiện vật gỗ v.v…) và gần đây ở Bưng Bạc (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã được duy trì và phát triển trên qui mô lớn vào thời đại Óc Eo trong loại hình di chỉ cư trú đặc trưng của nó, mà cho đến nay, đã được xác định ở Nền Chùa, Cạnh Đền, Đá Nổi, Giồng Đa, Móp Văn (Kiên Giang); Định Mỹ, Tráp Đá, Lò Mò, Núi Sam, Óc Eo (An Giang); Phú Hòa, Gò Tháp (Đồng Tháp) v.v…

Những phát hiện mới và những nghiên cứu khảo cổ học ở Nam Bộ trong hai thập kỷ qua đã đem lại nhiều kết quả cụ thể trong việc tìm hiểu Văn hóa Óc Eo và Hậu Óc Eo, đồng thời đã cung cấp nhiều chứng cứ vật chất có thể dùng kiểm chứng một số tài liệu văn bản của các bộ sử cổ, từ đó, hình ảnh đời sống xã hội, kinh tế và văn hóa của các cư dân ở vùng Nam Bộ trong 10 thế kỷ đầu Công nguyên đã có thế phác họa bằng những nét lớn trong các nội dung tiếp theo.


Còn tiếp

Viết một bình luận

error: Content is protected !!