Bài viết được Sưu tầm từ tài liệu Điện tử của Thư viện Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh. Do sơ suất, tôi không tìm ra được tên Tác giả bài viết, cuối bài chỉ ghi “Tháng 11.1985 – Tháng 8.1997”. Tôi đoán là thời gian tác giả biên soạn và sưu tầm tài liệu.
Nội dung Bài viết rất chi tiết và dựa trên nguồn tài liệu phong phú, đáng tin cậy. Đây là nguồn thông tin quí giá nên tôi xin phép được chia sẽ trên website này, mặc dù chưa thể đề tên tác giả. Chân thành cảm ơn tác giả đã dày công tra cứu và biên soạn.
Phần II: Khảo cổ học đất Gia Định và vùng ven trong 10 thế kỷ đầu Công Nguyên
Vùng Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Lâm Đồng thuộc đất Gia Định cũ
Nhiều di tích khảo cổ học khác cũng đã được khảo sát và khai quật
50. Núi Bà Đen Gò Bù Lời
Núi đá hoa cương có đỉnh cao 986m mang nhiều huyền thoại và truyền thuyết dân gian. Bà Đen được tôn thờ ở đây có lẽ là hình tượng của nữ thần Kali. Về núi này, vào giữa thế kỷ XIX, Trịnh Hoài Đức đã ghi: “Lại có đồ xưa bằng vàng ngọc, người ta thường thường đào được, tương truyền có khi trông thấy cả chuông vàng ở Lòng Hồ (…) nhưng đến gần thì biến mất”. Đây là một địa điểm đáng lưu ý, nhưng chưa được khảo sát về mặt khảo cổ học.
51. Prei Cek (Prei Cetr, Prasat Ankun)
(Tọa độ 12,243 B – 115,42 Đ) và các địa điểm Don Yup, Don Thơm (Don Thaem), Prast Tô, Prast An N0 1 và 2, Prasat La Et là một nhóm kiến trúc cổ ở cầu An Hạ, trên bờ Nam sông Vàm Cỏ Đông, ven Đồng Tháp Mười, khoảng 2km phía Tây Chợ Phước Hưng tỉnh Tây Ninh. Khu vực này đã được Henri Mauger khảo sát và khai quật trong những năm 1938 – 1939. Những kiến trúc này gồm những đền thờ xây bằng gạch và đá mang phong cách Hậu Óc Eo.
Nhiều hiện vật điêu khắc và kiến trúc phần lớn thuộc thời kỳ nói trên, thu thập được nhóm di tích này, hay đã phát hiện trong quá trình khai quật, được đưa vào Bảo tàng Sài Gòn, gồm:
- Hai naga bằng đồng cao 0m25 (MBB N0 2911)
- Một bộ linga – yoni từ Prasat Tô, dài 0m50, rộng 0m37 (MBB N0 2920)
- Một phiến đá góc bằng sa thạch từ Prasat Tô, dài 0m31 (MBB N0 2935)
- Bốn tượng Visnu nhỏ, trong đó có 3 tượng Hậu Óc Eo từ Prasat Don Thơm, cao 0m49; 0m40; 0m38 và 0m49 (MBB N0 2947, 2948, 2949 và 2950).
- Một tượng nhỏ bằng sa thạch đỏ từ Prasat Don Thơm, tạc một phụ nữ một chân quì gối, một chân hơi gập lại, hai tay nâng khỏi đầu một mâm tròn được trang trí ngoài vành bằng đề tài chuỗi hình bầu dục. Nhân vật này khoác một váy ngắn xếp nếp, mang hoa tai tương tự với một loại trang sức bằng thiếc của Óc Eo, cao 0m31 (MBB N0 2951).
52. Phước Hưng
(Tọa độ 12,24 B – 115,44 Đ), cách Prei Cek không xa về phía Đông Nam, tại ấp Phước Hưng, xã Phước Chỉ, tổng Hàm Ninh Hạ, tỉnh Tây Ninh, H. Parmentier đã ghi nhận một hồ nước dài khoảng 55m, rộng 45m và những vết tích của một kiến trúc gạch, đá với những hiện vật điêu khắc trong đó có một linga hình trứng (cao 0m22), và một tượng nhỏ bằng sa thạch (caom 0m53).
Parmentier đã trở lại địa điểm này vào năm 1938 và ghi nhận ở đây hai đền thờ trên một nền dài 50m, rộng 40m.
53. Rừng dầu (Trường Dầu)
(Tọa độ 12,12 B – 115,41 Đ). Dọc theo hai bờ sông Vàm Cỏ Đông, phần lớn là ở bờ Nam, trong vùng Trảng bàng và Gò Dầu Hạ, H. Parmentier đã khảo sát nhiều mô đất có ý nghĩa khảo cổ học. Năm 1938, H. Mauger đã đến địa điểm Rừng Dầu (hay Trường Dầu), xã Phước Chỉ, tổng Hàm Ninh hạ, thu thập được một bệ tượng bằng sa thạch, có chạm hình một đầu trâu và một bệ khác không trang trí (MBB N0 2908 và 1909).
54. Rùn (Rùm)
(Tọa độ 13,02 B – 115,35 Đ), H. Parmentier đã ghi nhận tại địa điểm này vết tích của ba kiến trúc gạch, trong đó, kiến trúc còn tương đối nhận dạng được bình đồ hình vuông, có mang một đầu máng nước somasutra chạm trên gạch.
Ở Bùng Binh, gần trạm kiểm lâm tại xã Đôn Thuận, tổng Hàm Ninh Thượng (Tây Ninh), trên bờ sông Sài Gòn, cũng có một kiến trúc nhỏ bằng gạch và đá. Địa điểm này đã đem lại tiêu bản linga hiện thực nhất trong số các linga tìm thấy ở Nam Đông Dương (hiện lưu trữ tại Bảo tàng Sài Gòn), một mukhalinga và một chóp đỉnh tháp.
55. Phước Thạnh
(Tọa độ 12,34 B – 115,53 Đ), ở bờ Bắc sông Vàm Cỏ Đông, một kiến trúc đền nhỏ cũng được ghi nhận tại địa điểm này.
Ở xã An Thành, hai pho tượng nhỏ đã được tìm thấy: một tượng nữ thần Uma chiến thắng Quỉ Trâu, bốn tay cầm những vật tùy thân của Visnu và một tượng Ganesa.
56. Tiên Thuận
(Tọa độ 12,39 B – 115,36 Đ), cạnh bờ Nam Đông Vàm Cỏ Đông, đã tìm thấy hai kiến trúc cổ và nhiều hiện vật điêu khắc. Một pho tượng thần Surya được phát hiện năm 1934 trên một gò đất ven sông, tạc trong tư thế đứng, đội mão, mặc áo dài, hai tay đã bị gãy, đeo loại hoa tai kiểu Óc Eo. Một Yoni bằng đá cũng đã được thu thập ở điểm này và được đưa vào Bảo tàng Sài Gòn.
57. Chùa Hiệp Long
(Tọa độ 12,561 B – 115,292 Đ), xã Thái Hiệp Thành, tổng Hòa Ninh cũ, thị xã Tây Ninh, có để thờ một tượng mập lùn đầu đội mũ miện thường gọi là Ông Phật Tây, có nét mặt người Âu, đã được đưa vào Bảo tàng Sài Gòn cùng một tượng Visnu bốn tay Tiền – Angkor đã gãy nát và một tượng Surya rất đẹp, được tạc với những nét đều đặn, chân và hai cánh tay trước đã bị gãy. Tượng đội mão, mặc áo dài, thắt lưng quấn hai vòng, vòng đeo cổ lớn trang trí những đường tỏa ra như ánh mặt trời. Mũi thẳng, mắt mở mày cao, môi đậm nét, có râu mép. Mão hình trụ phía trên hơi loe ra, phía dưới là một vương miện hẹp trang trí đề tài hoa và chấm tròn, từng mớ tóc ngắn lộ ra hai bên. Tượng cao 0m515 (MBB N0 3162).
58. Thanh Điền
(Tọa độ 12,54 B – 115,28 Đ), phía Nam thị xã Tây Ninh, H. Parmentier đã ghi nhận ở địa điểm này những vết tích của một kiến trúc cổ, 4 pho tượng trong đó có một tượng Visnu và một yoni có đường rãnh dài, phần lớn tìm thấy ở chùa Cổ Lâm. Những phế tích kiến trúc cho thấy ở đây có thể có hai ngôi đền kích thước khác nhau.
Trong một miếu Ông Tà cạnh chùa, đã thu thập được một đầu tượng tóc quăn (cao 0m15) bị vỡ nát, một thần Visnu, một linga thấp (0m27) một con lăn pesami và nhiều mảnh tượng khác. Nhiều hiện vật tìm thấy ở đây đã được đưa vào Bảo tàng Louis Finot ở Hà Nội.
59. Đài Xoài
Vết tích của một kiến trúc nhỏ bằng gạch mỏng (0m05 – 0m06) được tìm thấy ở địa điểm tọa độ 12,61 B – 115,06 Đ thuộc xã Đài Xoài, tổng Khan Xuyên cũ. Kiến trúc này chỉ còn lại những mảnh tường Đông, Bắc và Nam và một số chân tán bằng sa thạch.
60. Chót mạt
(Tọa độ 12,78 B – 115,21 Đ), xã Hòa Dước, tổng Hòa Ninh cũ, khoảng 18km phía Tây Bắc thị xã Tây Ninh và 1,8km phía Tây đường Sài Gòn – Kompong Cham. Đây là một ngôi tháp cổ thuộc thời đại Hậu Óc Eo còn khá nguyên vẹn vào năm 1909, nối liền với một kie61nt rúc đã hoàn toàn bị sụp đổ. H. Mauger đã tiến hành tu chỉnh và gia cố di tích này vào năm 1938. Đền Chót Mạt có những trụ vuông trang trí đề tài hoa lá chạm trên gạch, còn cả cung cửa hình móng ngựa và một mí cửa trên lối vào với một vòng cung đẹp trang trí theo phong cách nghệ tuật thế kỷ VIII. Ngoài cửa chính còn có nhiều tượng Kudu và trên vách tường, giữa những hàng trụ vuông có chạm trên gạch 8 nhân vật có lẽ là những hộ pháp (dvarapata) trong đó có 3 hình còn nguyên vẹn. Trong đống phế tích của kiến trúc phụ, đã tìm thấy một tượng Visnu đội mão bằng sa thạch với dáng đưa mông (hanchement) đặc biệt mà Pierre Dupont nhận định là gần gũi với nghệ thuật tạc tượng vào hậu bán thế kỷ VIII (MBB N0 2934).
61. Những thành đất tròn
Tiến về vùng đất đỏ Tây Bắc ở tỉnh Bình Phước, ta gặp một loại hình di tích khác: những thành đất tròn. Theo L. Malleret, những thành đất tròn này thường gặp rải rác trên khắp miền đất đỏ Nam Trường Sơn (Đông Bắc Campuchia và các cao nguyên Nam Việt Nam). Những thành đất tương tự cũng được ghi nhận ở Cánh đồng Chum (Bắc lào), Đông Bắc Thái Lan và đến tận cả Madagascar. Ở tỉnh Sông Bé, trên 20 thành đã được xác định. Mỗi thành gồm hai vòng đồng tâm, vòng ngoài thường có đường kính khoảng 120m (thành Mimit ở Kompong Cham do B. Groslier khai quật năm 1957 có đường kính 200m, được xem là một di chỉ đá mới lớn ở Đông Nam Á). Những hiện vật tìm thấy trong vùng và qua các hố thám sát ở Lộc Ninh, gồm rìu đá mài mũi nhọn, bàn mài, mảnh tước, gốm xám tro hoặc nâu đỏ, có hoa văn vạch song song và đường chấm giải. Chủ nhân của loại hình di tích này chưa được xác định, tuy nhiên L. Malleret đặt giả thuyết là họ có những quan hệ với các tộc người bản địa hay với người Chăm.
62. Đạ Huoai
Trong những đợt khảo sát vào tháng 10 và thán 11 năm 1985 tại huyện Đạ Huoai, tỉnh lâm Đồng, khoảng 120 km về phía Đông Bắc Sài Gòn theo đường chim bay và khoảng 30km Tây Bắc thị trấn Đạ The, trên tả ngạn sông Đồng Nai, vùng giáp ranh giữa ba tỉnh Lâm Đồng, Sông Bé, Đồng Nai, chúng tôi đã ghi nhận được một khu di tích lớn, gồm nhiều gò mang những vết tích kiến trúc lớn bằng gạch với nhie2u phiến đá có chạm đường viền và chốt ghép, cột đá tròn, chân tán vuông có hoa văn, bệ tượng linga, những bậc thềm xây bằng gạch ở bờ sông (xã Quảng Ngãi), bệ thờ linga và yoni ghép bằng đá hoặc bằng gạch (xã Đồng Nai). Những biểu tượng tôn giáo ở khu di tích này gồm Siva dập nổi trên một tấm bạt mỏng (21cm x 07cm) linga, tượng nữ thần Uma chiến thắng Quỉ Trâu (Bảo tàng Lâm Đồng) cho thấy biểu hiện tín ngưỡng thờ Siva tại khu di tích. Ngoài ra, một số rìu đá mài, vòng đồng và gốm cổ cũng đã được tìm thấy và thu thập được trong vùng. Khu di tích này có những quan hệ văn hóa với Champa và thời kỳ Hậu Óc Eo ở đồng bằng Nam Bộ.
Từ năm 1986, Viện Khoa học Xã hội tại Tp. HCM đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng khảo sát nhiều địa điểm trên khu di tích này: Đồng Nai (xã Đồng Nai, huyện Đạ Tê, trước năm 1987 thuộc huyện Đạ Huoai) với nhiều dấu vết kiến trúc và những vỉa gạch dài, Quảng Ngãi (xã Quảng Ngãi, huyện Đạ Tê, trước năm 1987 thuộc huyện Đạ Huoai) với 12 gò lớn nhỏ mang nhiều dấu vết kiến trúc và những vỉa gạch dài cho thấy khu di tích Đạ Huoai – Đạ Tê là một phức hợp kiến trúc rất lớn có những mối quan hệ rõ nét với loại hình kiến trúc gạch đá thời Óc Eo đã biết đến ở vùng châu thổ Sông Cửu Long.