Đất Gia Định 10 Thế kỷ đầu Công Nguyên – 08

Bài viết được Sưu tầm từ tài liệu Điện tử của Thư viện Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh. Do sơ suất, tôi không tìm ra được tên Tác giả bài viết, cuối bài chỉ ghi “Tháng 11.1985 – Tháng 8.1997”. Tôi đoán là thời gian tác giả biên soạn và sưu tầm tài liệu.

Nội dung Bài viết rất chi tiết và dựa trên nguồn tài liệu phong phú, đáng tin cậy. Đây là nguồn thông tin quí giá nên tôi xin phép được chia sẽ trên website này, mặc dù chưa thể đề tên tác giả. Chân thành cảm ơn tác giả đã dày công tra cứu và biên soạn.


Phần II: Khảo cổ học đất Gia Định và vùng ven trong 10 thế kỷ đầu Công Nguyên

Khu vực Giữa Sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông

31. Tân lập

Ở phía Đông Nam di chỉ Rạch Núi (tọa độ 11,718 B – 115,923 Đ), tại xã Tân Lập, tổng Phước Dinh Hạ, tỉnh Chợ Lớn cũ (Long An), đã phát hiện một linga bằng đá đen (cao 0m38) thuộc loại hiện thực, gồm một khối hình trứng trên một bệ khối vuông (MBB N0 2938). Cũng ở xã này, tại ấp cầu Ban Kiệt, một bệ đá vuông có lỗ mộng tròn (0m815 x 0m815 x 0m40) tìm thấy trong một hồ nước cổ đã cạn, đã được đưa về nhà một người dân trong vùng.


32. Cần Giuộc

Ở điểm giao lưu giữa Rạch Cần Giuộc và Rạch Cây Tràm (tọa độ 11,78 B – 115,91 Đ), khoảng 1,5km Tây Nam Cần Giuộc, trong phạm vi được xác định ở phía Nam bởi con đường từ chợ Cần Giuộc đi Gò Đen, phía Bắc bởi Rạch Cây Tràm, phía Tây bởi Rạch Đập, phía Đông bởi Rạch Cầu, đã tìm thấy một đầu tượng bằng đá thuộc một mẫu nhân chủng khá lạ.

Đây là một mẫu người Indonesien với dạng nhìn nghiêng mang những nét đặc thù của mẫu thổ dân châu Mỹ. Tóc được tạc thành những mớ dài buông ngược ra đằng sau. Dái tai xuyên thủng thành vòng lớn cho loại hoa tai như loại bằng xương mà các dân tộc người Thượng ở Trung Bộ vẫn thường mang. Mắt mở, được tạo bằng những nét đều đặn, mũi hơi khoằm, mặt lớn, môi dày, miệng chìa ra hai răng nanh nhọn như trong những hình tượng yaksa (dạ xoa), trán thấp, sọ dài (dài 0m195, cao 0m15). Vì phần sọ phía sau chỉ được tạc một cách sơ sài, nên có thể đầu tượng này được chế tác để gắn vào một phần kiến trúc, chỉ có phần mặt nhô ra ngoài.

Hiện vật này do B. Révertégat thu thập được ở một ngôi chùa cạnh một hồ nước cổ, có lẽ là nơi đầu tượng đã được tìm thấy, Bảo tàng Sài Gòn đã đúc một phiên bản bằng sa thạch (MBB N0 4438). Có thể so sánh tượng này, ít nhất là đầu tóc, với hai tượng bằng đất nung xuất phát từ thung lũng Sông Đa Răng ở Trung Bộ. Hoa tai và những cuộn tóc có thể liên hệ với những đầu tượng tìm thấy ở thung lũng Tam Kỳ.


33. An Sơn

(Tọa độ 12,214 B – 115,50 Đ), ấp Ninh Sơn, xã An Ninh, huyện Đức Hòa (Long An) là một di chỉ khảo cổ học quan trọng. Ngoài những hiện vật đá, xương, sừng, đất nung và gốm tiền sử đã thu thập được qua các cuộc khai quật của Paul Levy năm 1938 và của Viện Khoa học Xã hội tại Tp. HCM năm 1978, di chỉ này còn mang những vết tích văn hóa của thời kỳ muộn.

Gò đất này có những dấu vết kiến trúc cổ, L. Malleret đã đào hai hố thăm dò năm 1938. Ở hố thứ hai, nhiều gạch cổ đã được tìm thấy, gồm một số gạch cỡ lớn (ởm x 0m195 x 0m095), một con lăn lớn bằng sa thạch (dài 0m355, đường kính 0m134 ở giữa và 0m102 ở hai đầu). Theo người dân địa phương kể lại, thì vào năm 1910, dấu gạch xây có thể tìm thấy đến độ sâu 3m dưới nền ngôi chùa ở đây.


34. Lộc Chánh

(Tọa độ 12,22 B – 115,50 Đ), ở ấp Lộc Chánh, xã Lộc Giang, tổng Cầu An Thượng, tỉnh Chợ Lớn cũ (nay thuộc tỉnh Long An) khoảng 1,5km về phía Tây bắc An Sơn, khoảng 100m phía Đông Nam ngã tư đường Lộc Giang đi Trảng Bàng, có xuất lộ một tấm đan vuông bằng sa thạch có một cái chốt dài có vai và một lỗ mộng hình chữ thập, trang trí bằng những đề tài hoa lá (1m30 x 0m90 x 0m19 + chốt 0m42). Hiện vật này có lẽ đã được phát hiện tại chỗ, cạnh bờ đất ven một hào rộng. hào này về phía Tây bắc chạy đến bờ trái Sông Vàm Cỏ và nối với Rạch Bà Thầy ở phía Nam. Khoảng 200m về phía Bắc, bên kia đường Lộc Giang – Trảng Bàng, có một địa điểm gọi là Đồn, thường được xem là một thành đất cổ.

Bàu Đung (tọa độ 12,217 B – 115,522 Đ) cũng ở ấp Lộc Chánh, khoảng 800m về phía Tây đường Đức Hòa – Gò Dầu hạ, trong ngôi chùa cạnh một hồ nước cổ có để một đầu tượng, có lẽ đã tìm thấy tại chỗ và hai mảnh tượng vỡ bằng sa thạch đã được đưa đến đấy từ xã Mỹ Thạnh Đông, tỉnh Tân An cũ.


35. Cái Tháp và Cái Gò

(Tọa độ 12,174 B – 115,578 Đ), tại ấp Bến Đò, xã Tân Mỹ, tỉnh Chợ Lớn cũ (nay thuộc tỉnh Long An), khoảng 6,5km về phía Đông Nam Bàu Đung, ở hai bên đường Hiệp Hòa – Thái Bình Hạ, nổi lên hai gò đất xuất lộ nhiều gạch và gốm cổ, có thể là vết tích của những kiến trúc cổ.


36. Ao Dơi

(Tọa độ 12,15 B – 115,566 Đ), tại ấp Mới, xã Hiệp Hòa, tỉnh Chợ Lớn cũ (nay thuộc tỉnh Long An) phía Nam đường Hiệp Hòa – Thái Bình Hạ, nổi lên hai gò đất xuất lộ nhiều gạch cổ lớn và phần còn lại của một hồ nước cổ.


37. Ao Thành

(Tọa độ 12,138 B – 115,595 Đ), xã Tân Phú Thượng, tỉnh Chợ Lớn cũ nay thuộc tỉnh Long An, khoảng 3km về phía Đông Nam Ao Dơi, có một hồ cổ mỗi cạnh khoảng 50m, bên một mô đất xuất lộ nhiều gạch cỡ lớn. Một yoni nhỏ bằng đá tìm thấy ở trên mô đất đã được đưa vào Bảo tàng Sài Gòn (MBB N0 2874).


38. Ao A Rắc

(Tọa độ 12,127 B – 115,598 Đ), cũng ở xã Tân Phú Thượng, khoảng 1km về phía Nam địa điểm nói trên, có một hồ nước cổ dài khoảng 50m, rộng khoảng 20m cạnh một mô đất có xuất lộ hai tấm đan hình chữ nhật. Nhiều mảnh tượng đá thuộc thời kỳ Angkor được Fraisse thu thập ở đây và đã đưa vào Bảo tàng Sài Gòn. Ngoài ra một đầu tượng Lokesvara nhỏ đã bị hư hỏng, trán mang một vương miện với mão hình chóp được trang trí bằng những hình kỷ hà, phía trên có một hình Amitabaha. Tượng có cung mày nhỏ, mắt mở có viền, môi dày. Hiện vật này thuộc sưu tập Fraisse.


39. Cái Tháp

(Tọa độ 12,114B – 115,632 Đ), xã Đức Lập, tỉnh Chợ Lớn cũ (nay thuộc tỉnh Long An), phía Đông đường Đức Hòa – Trảng bàng và phía Tây Đức Lập, trên một con đường nhỏ song song với lộ nói trên, có một mô đất xuất lộ nhiều gạch cỡ lớn. Năm 1938, Paul Levy đã đào một hố thăm dò tại đây và tìm thấy một điểm gạch tập trung, hai khối latérite và một nửa con lăn pesani bằng sa thạch. Hiện vật này đã đưa vào Bảo tàng Sài Gòn (MBB N0 2878).


40. Tha La

(Tọa độ 12, 135 B – 115,648 Đ), cùng xã, khoảng 2km phía Bắc Đức Lập, có một gò đất mang dấu vết kiến trúc cổ và một hồ nước đã cạn.


41. Bàu Tháp và Bàu Dài

(Tọa độ 12,042 B – 115,632 Đ), ấp Thò Mò, xã Hòa Khánh, tỉnh Chợ Lớn cũ (nay thuộc tỉnh Long An), có hai gò đất xuất lộ nhiều gạch ở cạnh hai hồ nước cổ. Vùng Thò Mò đầy dẫy những mô đất và ao nước, tương ứng với một khu cư trú cổ quan trọng. Năm 1918, Henri Parmentier đã ghi nhận một mô đất cạnh một hồ nước cổ ở đây.


42. Miếu Tháp (Miếu Trung)

(Tọa độ 12,072 B – 115,711 Đ), ấp Trạm Lạc, xã Mỹ Hạnh, tổng Cầu An Hạ, tỉnh Chợ Lớn cữ (nay thuộc tỉnh Long An), có một thế đất cao mang những dấu vết kiến trúc cổ. Dân trong vùng thường vẫn khai thác gạch ở đây để dùng và xây sân miếu trên mô đất. Nhiều khối sa thạch cũng đã được đào thấy, gồm một chân tán hình khối vuông (0m63 x 0m60 x 0m60), hai chân tán mỏng ( 0m60 x 0m60 x 0m20 và 0m53 x 0m53 x 0m08), một yoni và một phần đường rãnh somasutra. Một linga nhỏ gắn liền với yoni bằng sa thạch bị vỡ (cao 0m24, cạnh 0m425) tìm thấy trong một miếu thờ Ông Tà ở phía Đông miếu chính đã được đưa vào Bảo tàng Sài Gòn (MBB N0 2810). Ở Bàu Tháp phía Đông địa điểm trên, có một hồ nước cổ dài khoảng 100m, rộng 80m nằm theo hướng Đông Tây, một phần đã bị lấp cạn.


43. Giồng Lớn

(Tọa độ 12,074 B – 115,697 Đ), phía Nam ấp Giồng Lớn, cũng ở xã Mỹ hạnh (nay thuộc tỉnh Long An), nổi lên một thế đất cao (khoảng 1,50m) ở đó dân trong vùng thường vẫn khai thác được nhiều gạch cỡ lớn. Một thềm hay mí cửa bằng đá, hai bên có lỗ mộng xuất lộ ở nơi đây (1m55 x 0m90 x 0m16). Một mí cửa khác đã được đưa vào Chùa Phật cách đó khoảng 1,5km. Trong một miếu thờ ở đó có một tấm phù điêu thô sơ bằng phiến thạch chạm hình một vị thần 4 tay theo phong cách Angkor, đã được đưa vào Bảo tàng Sài Gòn (MBB N0 2841). Một hồ trũng hình chữ nhật dài khoảng 180m, rộng 60m nằm theo hướng Đông Bắc – Tây Nam của mô đất.


44. Bàu Sen

Vùng đất phía Bắc, phía Đông và phía Nam xã Đức Hòa (nay thuộc tỉnh Long An), mang những dấu vết của nhiều hồ nước cổ, trong đó quan trọng nhất là Bàu Sen, ở khoảng 2km phía Bắc Đức Hòa. Hồ này dài khoảng 120m, rộng 100m nằm theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, bao quanh bởi một thềm cao bằng latérite, bên một đường giao thông cổ đi qua vùng Đức lập theo hướng Tây Bắc về phía Trảng Bàng, sau khi qua khỏi Đức Hòa, con đường kéo dài về phía Nam.


45. Linh Nguyên Tự

(Tọa độ 12,027 B – 115,687 Đ), xã Đức Hòa, tổng Cầu An Hạ, tỉnh Chợ Lớn cũ (nay thuộc tỉnh Long An), cách chợ Sơn Trà khoảng 700m và cách đường Đức Hòa – Hóc Môn khoảng 100m. Từ chùa này, năm 1927 Jean Bouchot đã đưa về Bảo tàng Sài Gòn một mukhailinga và một yoni bằng đá đã được H. Parmentier khảo tả.


46. Bình Tả (Cái Tháp)

(Tọa độ 12,026 B – 115,678 Đ), ấp Bình Tả, cũng thuộc xã Đức Hòa. Địa điểm này mang vết tích của một kiến trúc cổ do J.Y. Clacys phát quật năm 1931. Đây là một điện thờ hình vuông mỗi cạnh 6m, phần vách con tồn tại cao 2m vào năm 1938. Cửa điện mở về phía Đông, ba mặt kia có những cửa giả; phía trong, giữa kiến trúc có một phòng ngầm sâu 4m. Hai trụ cửa nhỏ bằng sa thạch đỏ, tiết diện tròn, trang trí đơn giản, đã được đưa vào Bảo tàng Sài Gòn.

Cái Tháp là tên gọi một trong những di chỉ thuộc khu di tích Bình Tả ngày nay gồm Gò Đồn, Gò Xoài, Gò Năm Tước, Gò Sáu Huấn (ấp Bình Tả, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, cách thị trấn Đức Hòa 1km về phía Đông Bắc). Từ năm 1987, bảo tàng tỉnh Long An phối hợp với Viện Khoa học Xã hội Tp. HCM đã triển khai nhiều đợt khảo sát và khai quật ở khu di tích này.

Gò Đồn được khai quật từ tháng 2-1987 đến đầu năm 1988. Tại đây, một kiến trúc cổ có bố cục còn tương đối nguyên vẹn trên bình diện rộng lớn đã được phát hiện. Phần trung tâm của kiến trúc (đền chính) là một cấu trúc bằng đá ong 11,60m x 11,20m từ đó có một con đường thẳng lát gạch dẫn ra cổng phía Đông dài hơn 80m, rộng 1m50, trên đó cách đền chính 21m, có một cấu trúc phụ băng gạch 4,80m x 5,70m. Từ cấu trúc phụ này có hai bờ tường gạch còn cao 2m, dày 0m50 chạy thẳng về hai phía Bắc, nam; mỗi bên dài 30m rồi bẻ góc về hướng Tây kéo dài 60m tạo thành khuôn viên hình vuông bao lấy toàn bộ ngôi đền. Tập hợp di vật thuộc ngôi đền gồm gốm Óc Eo và các loại gốm khác, đầu tượng Siva, tượng Dvarapala, đầu voi bằng đá, pesani, linga, trụ đá, các loại đá màu v.v … Niên đại di chỉ Gò Đồn có giai đoạn sớm và muộn. Giai đoạn sớm thuộc thời kỳ Óc Eo, khoảng thế kỷ VI sau Công nguyên; giai đoạn muộn, theo giám định của Giáo sư Jean Boisselier tại hiện trường vào năm 1992, có thể là vào khoảng cuối thế kỷ X – đầu thế kỷ XI sau Công nguyên.


47. Gò Xoài (Chòm Mả)

Thuộc khu di tích Bình Tả, Chòm Mả nay gọi là Gò Xoài là tên gọi của một mô đất thấp, cách địa điểm trên khoảng 100m về phía Đông Bắc. Ở đây đã xuất lộ phần nền và móng của một kiến trúc hình vuông (6m70 x 6m70). Mặt phía Đông có một khung cửa gồm hai trụ cửa bằng sa thạch (1m80 x 0m90 x 0m38). Bên cạnh là một mí cửa bị sụp xuống (1m66 x 0m90 x 0m25). Gò này được Bảo tàng tỉnh Long An phối hợp với Viện Khoa học Xã hội Tp. HCM khai quật vào tháng 3 năm 9187. Một nền kiến trúc dạng vuông 15m20 x 15m15 đã được phát hiện. Ở giữa là một hố thờ hình vuông 2m20 x 2m20 bên trong là một trụ gạch gốm 16 lớp gạch xếp theo hình chữ “vạn”. Dưới trụ gạch là một hộc cát trắng trong đó tìm thấy 26 hiện vật bằng vàng, 6 bằng đá quí, một mảnh gốm Óc Eo, một ít than tro và một số mẫu kin loại khác. Trong số di vật, có một lá vàng dài 210mm, rộng 40mm có khắc chữ Phạn. Theo thẩm định của Giáo sư K.V. Ramesh (Giám đốc trung tâm Cở tự học Ấn Độ) tại Bảo tàng tỉnh Long An năm 1991 thì đây là một văn bản Phật giáo có niên đại khoảng thế kỷ thứ VI sau Công nguyên. Giáo sư Hà Văn Tân (Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam) đoán định niên đại của minh văn này vào khoảng thế kỷ VIII – IX.

Cái Gò (nay gọi là Gò Năm Tước hay Lò Gạch, ở cạnh Gò Xoài, là một mô đất cao rải nhiều gạch cỡ lớn. Một kiến trúc bằng gạch (17m40 x 11m20) đã được Bảo tàng tỉnh Long An khai quật năm 1987 tại gò này.


48. Gò Tháp (Tháp Lớn)

Tại ấp Bình Tả, xã Đức Hòa. Địa điểm này gồm hai mô đất và một hồ nước cổ gọi là Bàu Sao. Mô đất phía Tây, cao khoảng 2m xuất lộ một mí cửa bằng đá (1m50 x 0m78 x 0m30), một yoni và nhiều gạch cỡ lớn. J.Y. Chacys đã khai quật địa điểm này vào năm 1931. Bàu Đinh, ở gần đây, là một hồ nước cổ dài khoảng 1m. Gò Tháp (Đức Hòa), cũng ở trong vùng này, là một mô đất chữ nhật cao khoảng 1m50 có những vết tích kiến trúc cổ. Một hồ nước thăm dò đào ở đỉnh gò thấy nhiều gạch cỡ lớn bên dưới. Một tượng nữ thần 4 tay thu thập được ở địa điểm này đã được chuyển đến Sở Tham biện Chợ Lớn, sau đó dựa vào Bảo tàng Phnom Pênh.


49. Gò Bù Lời

Ngay tại thị tấn Đức Hòa, tỉnh CHợ Lớn cữ, (nay thuộc tỉnh Long An), phía sau Nhà giữ trẻ lúc trước, có một mô đất kéo dài từ Đông sang Tây, cạnh một hồ nước cổ dài khoảng 200m, rộng 100m nằm cùng chiều. Khi xử lý nền đất để xây Nhà giữ trẻ, nhiw62u gạch cỡ lớn đã xuất lộ. Trên mặt mô đất, có ba tấm đan bằng đá và một khối sa thạch dạng vuông. Một tượng Nam bằng đá hình như cũng được tìm thấy ở đây, đã đưa vào giữ ở chùa Linh Nguyên, và đến năm 1918 đã được Henri Parmentier chuyển đến Bảo tàng Phnom Pênh. Một tấm đan vuông bằng đá (0m55 x 0m55 x 0m12) cũng được ghi nhận, nằm cách đó khoảng 100m, ở mé Nam đường Chợ Lớn – Đức Hòa, tại chùa Hội.


Còn tiếp

Viết một bình luận

error: Content is protected !!