Đất Gia Định 10 Thế kỷ đầu Công Nguyên – 03

Bài viết được Sưu tầm từ tài liệu Điện tử của Thư viện Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh. Do sơ suất, tôi không tìm ra được tên Tác giả bài viết, cuối bài chỉ ghi “Tháng 11.1985 – Tháng 8.1997”. Tôi đoán là thời gian tác giả biên soạn và sưu tầm tài liệu.

Nội dung Bài viết rất chi tiết và dựa trên nguồn tài liệu phong phú, đáng tin cậy. Đây là nguồn thông tin quí giá nên tôi xin phép được chia sẽ trên website này, mặc dù chưa thể đề tên tác giả. Chân thành cảm ơn tác giả đã dày công tra cứu và biên soạn.


Phần I: Bối cảnh lịch sử

Chân Lạp – Angkor (Thế kỷ VI – XIII)

Từ đó về sau, Phù Nam không còn lưu lại vết nào trong biên niên sử của Trung Hoa. Việc Chân lạp thôn tính Phù Nam đánh dấu giai đoạn mở đầu của Chân lạp (550-630), chuẩn bị cho thời kỳ gọi là Chân lạp Tiền – Angkor (635-685).

Người Chân lạp thuộc tầng lớp thượng lưu quí tộc đã thừa hưởng và tiếp thu nền văn hóa Phù Nam, đặv biệt trong các lĩnh vực thủy lợi, tôn giáo và nghệ thuật; và chịu ảnh hưởng của nghệ thuật kiến trúc Champa. Với tính năng động của một sức mạnh đang lên, họ đã củng cố lực lượng, trở thành một thế lực chính trị mạnh mẽ ở Nam Đông Dương từ thế kỷ thứ VII.

Do những mâu  thuẫn của các tập đoàn phong kiến, vào đầu thế kỷ VIII, Chân lạp chia thành hai miền cát cứ: “Nửa phía Bắc, vùng núi đồi và thung lũng gọi là Lục Chân lạp. Nửa phía Nam, có biển bao quanh và đầm lầy, gọi là Thủy Chân lạp.”

Thủy Chân lạp đại thể tương ứng với phần đất thấp của Phù Nam cũ, cũng được chia làm nhiều thành bang: một tiểu quốc ở phía Nam gọi là Aninditapura, thường được xem là kinh đô chính của cả Thủy Chân lạp do Baladitya trị vì, và một người dòng dõi của ông là Nripaditya đã để lại môt minh văn chữ Phạn ở núi Ba Thê (An Giang), được định niên đại vào đầu thế kỷ VIII.

Minh Văn Tháp Mười tìm thấy ở Gò Tháp (Đồng Tháp), niên đại thế kỷ VIII, liệt kê 9 xứ (hay thị trấn, thành bang) trong đó, 4 xứ có tên bắt đầu bằng chữ chdin (sông), 2 xứ có tên bắt đầu bằng từ thkval (gò) và 3 xứ bắt đầu bằng chữ vrai (rừng). Baladitya và Nrpaditya đều thuộc dòng họ vua Phù Nam cũ.

Lợi dụng tình trạng phân tranh của Thủy và Lục Chân lạp, triều đại Sailendra (Vua Núi) ở Xumatra, thuộc vương quốc Srivijaya (hình thành từ cuối thế kỷ VII sau sự tan rã của Phù Nam; danh hiệu Vua Núi thuộc truyền thống Phù Nam) đã bành trướng ảnh hưởng chính trị và quân sự vào nội địa Đông Dương.

Năm 767 người Côn Lôn (các đảo phía Nam nói chung) và người Đồ Bà (Java) đã vào đánh phá tận Giao Châu, bị các đạo quân của Trương Bá Nghi và Cao CHính Bình đánh bại ơ gần Sơn Tây phải rút lui ra biển.

Năm 774, quân Java lại đến đánh phá Champa. Sự kiện này được ghi trên văn bia Tháp bà (Po Nagar) ở Nha Trang “.. tàn bạo như thần chết, đi thuyền đến đốt phá ngôi đền ..”

Năm 787 “.. quân đội Java cưỡi chiến thuyền sang”, đánh vào đền Bhadradhipatisvara ở phía Tây thành Virapura (gần Phan Rang).

Chân lạp hầu như đã trở thành một nước phụ thuộc của Virapura vào thế kỷ VIII. Nguồn gốc của sự chuyển biến đó đã được một tác giả A –Rập ghi chép lại vào đầu thế kỷ X.

Vào cuối thế kỷ VIII, thế lực của triều đại Sailendra đã suy thoái một cách trầm trọng. Lợi dụng thời cơ đó, đầu thế kỷ IX, Jayavarman II, hoàng tử Chân Lạp, dòng dõi vua Phù Nam lúc bấy giờ lưu vong ở Java, đã trở về giải phóng Chân lạp khỏi sự lệ thuộc đối với Srivijaya, thống hất Thủy và Lục Chân Lạp (năm 802), sáng lập vương triều Angkor.

Jayavarman II (trị vì 802-850), Udayadityavarman II (1050-1066) cũng như nhiều vua khác thuộc triều đại Angkor như Jayavarman III, Indravarman, Yasovarman, Suryavarman I, v.v… đều có quan hệ thân tộc với các vua Phù Nam cũ.

Một minh văn tìm thấy ở Tham Mo, xã Mỹ Quí, tỉnh Tân An cũ (Long An) khắc một đạo dụ của vua Udayadityavarman II về việc ấn định cho nhiều xứ trong vùng trách nhiệm cung cấp sáp và mật ong và được miễn mọi nghĩa vụ khác.

Thế kỷ X là giai đoạn củng cố của thế lực Chân Lạp và sự nảy nở của văn minh Angkor trong lúc vương quốc Srivijaya ở Xumatra kiểm soát được các eo biển trong vùng, đã trở thành một thế lực hàng hải đáng kể.

Thế kỷ XI là một thời kỳ quan trọng đối với Chân Lạp, Champa, Java và Miến Điện. Suryavarman I (1002-1050) bành trướng ảnh hưởng của Chân Lạp về phía Tây đến tận thunh lũng Mé Nam.

Năm 1000, Champa cuối cùng phải rời bỏ Indrapura (Quảng Nam) dời đô vào Vijaya (Bình Định).

Ở Java, vua Airlanga (1016-1049) phục hồi thế lực của đảo đã bị suy yếu do chính sách áp đảo của Srivijaya. Vào giữa thế kỷ, vương quốc Miến Điện (nay là Mianma, hình thành năm 1044), dưới triều đại Anoratha (Aniruddha, 1044-1077) đã trở thành một cường quốc, thôn tính cả vùng thung lũng Irrawaddy thuộc cư dân Môn.

Thế lực Angkor đã đạt đến đỉnh cao vào thế kỷ XII dưới triều đại vua chinh phục Suryavarman II (1113- sau 1145), đánh dấu bằng công trình xây dựng Angkor Vat. Song những tranh chấp nội bộ sau đó hầu như đã đưa đất nước này đến sự suy vong và năm 1177 quân Champa đã tiến vào chiếm đóng Angkor (trước đó, Chân Lạp đã chiếm đóng phần phía Bắc Champa và thành Vijaya từ 1149).

Lịch sử đất Gia Định trong 10 thế kỷ đầu Công Nguyên, trong khung cảnh địa lý của nó, không thể tách rời với những chuyển biến chung của các nước Đông Dương và Đông Nam Á. Vùng đất này đã ở vào vị trí trung tâm của địa bàn phát triển và của những biến cố lịch sử quan trọng.

Về mặt thiên nhiên, Gia Định nằm trên vùng chuyển tiếp giữa hai vùng địa lý – địa chất khác nhau, tạo thành hai khu vực địa hình – địa mạo khác nhau của miền Đông và miền Tây Nam Bộ với những đặc trưng văn hóa tiền sử đa dạng từ thời đại đá cũ cho đến thời đại kim khí. Đây cũng là vùng đất bản lề giữa hai loại hình di tích văn hóa Óc Eo vùng cao ở Lâm Đồng, miền Đông Nam Bộ và văn hóa Óc Eo vùng thấp ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

Ở trong vùng phát triển của văn hóa Óc Eo, Gia Định đã là chứng nhân của cuộc chinh phục thôn tính Phù Nam của Chân Lạp vào giữa thế kỷ VI và thời kỳ hình thành của nước Chân Lạp tiền – Angkor vào thế kỷ VII, sự tranh chấp giữa Thủy và Lục Chân Lạp, giữa Java và Chân Lạp, cũng như những cuộc tấn công của Java vào Giao Châu và Champa vào các thế kỷ VII và IX.

Trong bối cảnh lịch sử trên đây, chúng ta thử nhìn vào đất Gia Định dưới góc độ khảo cổ học và thử tìm hiểu những tương quan giữa văn hóa khảo cổ của vùng đất này với tiến trình lịch sử của nó.


Còn tiếp

Viết một bình luận

error: Content is protected !!