Bốn chuyến đi của các Cha dòng Đa-Minh từ Phi Luật Tân sang Chân Lạp, Chiêm Thành, Việt Nam (1596 – 1626)

Chuyến đi lần 1

Quần đảo Lũ Tống (Luzon) bị Tây Ban Nha đánh chiếm từ năm 1527. Toàn thể quần đảo được chinh phục dưới triều Felipe II (1556-1598) năm 1565, và quần đảo mang tên của Felipe, tức Phi Luật Tân (Philippin ngày nay).

Đức tin Công giáo lan rộng mau lẹ trên quần đảo, năm 1579 cha Domingo Salazar dòng Đa-Minh thuộc tỉnh dòng Thánh Giacobê Nehicô được Tòa thánh đặt làm Giám mục tiên khởi thủ đô Manila, theo sự đề nghị của vua Felipe II. Trước khi đi nhận chức, đứa cha Salazar về Tây Ban Nha tuyển mộ chiến sĩ đức tin cho địa phận mới.

Cuối năm 1579, đức cha cùng với 20 thừa sai Đa-Minh xuống tàu đi Phi Luật Tân: 18 vị chết trên đại dương, một vị phải ở lại Nehicô, chỉ một mình cah Cristobal de Salvatierra cùng với đức cha tới Manila năm 1581.

Theo sự yêu cầu của đức cha Salazar, cha Juan de Crisostomo cũng thuộc tỉnh dòng Thánh Giacobê, cùng với 24 tu sĩ Đa-Minh (21 linh mục, 1 sinh viên, 2 trợ sĩ) từ Tây Ban Nha sang Phi Luật Tân với ý định thành lập một tỉnh dòng mới. Cha de Crisostomo xin từ chức, trao hết quyền hành cho cha Juan de Castro.

Đoàn thừa sai xuống tàu tại Cadiz ngày 17-7-1596, qua Nehicô, tới cửa Cavite ngày 21-7-1587. Đoàn truyền giáo 25 người, chỉ còn 15 người.

Một toán binh sĩ Tây Ban Nha 150 người và một số lính thợ Phi Luật Tân, dưới quyền chỉ huy của đại úy Juan Suarez Gallinato, xuống một chiến thuyền và hai thuyền buồm một lớn một nhỏ, lướt sóng đại dương đi Chân Lạp.

Ngày 18-1-1596, một chiến thuyền khác cũng nhổ neo từ Manila sang Chân Lạp. Thuyền buồm lớn chạy trước và tới nơi vô sự, còn chiến thuyền và thuyền buồm nhỏ chở các thừa sai cùng đi với nhau tới bờ biển Chân Lạp. Bỗng một trận bão nổi lên rất nguy hiểm.

Chiến thuyền của đại úy Gallinato phải đổi hướng đi Malacca, trong khi thuyền nhỏ bị sóng đánh dạt vào bờ ngày 9-2-1596.

Sau nhiều ngày phải đương đầu với sóng gió, thuyền của các cha vào được sông Cửu Long, tức con sông mà thuyền đã ngược dòng lên tới Churdamué (Châu Đốc ngày nay), nơi chỉ cách kinh đô Sprey – Santoe khoảng 35km.

Vừa tới nơi, các cha được tin vua Chey-Chetta đã bỏ trốn sang Ai Lao, vì đã không chống được cuộc xâm lăng của người Xiêm. Trong khi đó, hoàng thân Preah-Roam chiếm ngôi vua. Tân vương mời các thừa sai trên thuyền nhỏ cứ tiến vào Churdamué, là nơi chiếc thuyền lớn đang chờ đợi. Đó là âm mưu của kẻ tiếm vị muốn thanh toán đoàn người Tây Ban Nha, như trước đó không lâu đã đánh chìm mấy chiếc thuyền của người Trung Hoa đậu trên sông Cửu Long.

May mắn, lúc ấy toán binh sĩ Tây Ban Nha 40 người trên chiến thuyền đi sau cũng vừa tới, đã tiến thẳng tới Sprey-Santor, giải vây cho cả hai thuyền lớn nhỏ.

Sau đó mấy hôm, đại úy Gallinato từ Malacca tới, ra lệnh cho đoàn tàu theo bờ biển lên Quảng Nam và Thuận Hóa. Đến Cửa Hàn, từ đằng xa trông lên ngọn đồi gần đấy có một Thánh giá rất lớn dựng trên.

Theo lưu truyền, 13 năm về trước một bọn người định tâm phá Thánh giá ấy ‘đã bị Trời phạt’, nên từ đó m5i người, kể cả lương dân, đều kính sợ và không ai dám đụng đến.

Lên đất Cửa Hàn, đoàn người Tây Ban Nha gặp hai cha dòng Âu-Tinh, làm tuyên úy cho các thủy thủ và thương gia Bồ Đào Nha quen qua lại đó. Cha Aduarte lên tận cửa Thuận Hóa thăm quan Tổng trấn (1), cùng đi với cha có ông Blas Ruiz và ông Diego Velhoso, cố vấn của vua Chey-Chetta I, hai ông đang tìm đường để sang Ai Lao gặp nhà vua đã trốn sang đó.

Quan Tổng trấn họ Nguyễn đối xử vị thừa sai và hai ông rất tử tế, mời cha Aduarte ở lại và hứa sẽ xây cho một ngôi thánh đường cùng sắm đủ đồ cần thiết. Cha Aduarte xin trả lời sau, vì phải hỏi ý kiến cha bề trên Jiménez bấy giờ đang ở Cửa Hàn.

Cha trở lại Cửa Hàn cùng với một viên quan của Tổng trấn để gặp cha Jiménez, cha bề trên hứa sẽ tổ chức mừng Lễ thánh Tổ phụ, có mới các cha Đa-Minh tham dự.

Sau Thánh Lễ, cha Jiménez ở lại trên bộ, còn cha Aduarte cùng với thầy trợ sĩ Deza xuống thuyền. Một biến cố bất ngờ xảy đến trong ngày 3-9, hải quân của họ Nguyễn tấn công đoàn thuyền Tây Ban Nha. Các thuyền nhẹ chạy thoát được, nhưng hai chiến thuyền lớn phải đối phó cam go mới rút lui được toàn vẹn.

Tại sao lại có chuyện như vậy?

Cách đây 3 năm, toàn quyền Gómez Pérez Dasmarinas xứ Phi Luật Tân, trong một chuyến đi sang Trung Hoa, bị hải tặc giết và cướp tàu. Đại úy Gallinato khi tới Cửa hàn nhận ngay được chiếc tàu đó trên bãi biển, liền cử Gregorio de Vargas lên Thăng Long đòi lại. Vua Lê và chúa Trịnh nghe nói giận, đòi giết Vargas và hạ lệnh tấn công đoàn thuyền Tây Ban Nha đang đậu ở Cửa Hàn.

Khi cuộc xung đột xảy ra, cha Jiménez mắc kẹt trên bờ, nên bị giam giữ trong nhà các cha dòng Âu-Tinh. Trong thời gian ở lại trên đất Việt, cha Jiménez đã khuyên được hai tù nhân bị án tử hình theo đạo và chịu phép rửa. Sau đó cha làm lễ an táng theo lễ nghi công giáo.

Ít lâu sau, tiện có chuyến tàu Bồ Đào Nha đến thương cảng, cha Jiménez được phép xuống tàu đi Macao trước khi trở về Manila. Còn cha Aduarte và thầy Deza theo đại úy Gallinato đi Malacca, và cũng đã về tới Phi Luật Tân từ mấy tháng trước.


(1): Ông Tổng trấn này là một trong các con của Nguyễn Hoàng, vì năm 1592 Nguye64ng Hoàng phải đích thân đưa quân ra bắc giúp vua Lê đánh nhà Mạc. Sau đó phải ở lại suốt 8 năm.

Khi ra Bắc, Nguyễn Hoàng có trao quyền cho một con (Trần Trọng Kim, sđd. Tr.286), nhưng ông Tổng trấn này không phải là người đã được linh mục Da Costa rửa tội, mà giáo sĩ gọi là Lon Antonio.


Chuyến đi lần 2 (1598-1599)

Vua Chân Lạp – bấy giờ là Ponthea-Tan, có hai ông Blas Ruiz và Diego Velhoso làm cố vấn. Hai ông bàn với nhà vua cần phải có linh mục và binh sĩ người Âu, mới giữ vững được ngôi báu và nền độc lập. Ponthea-Tan nghe theo, ông gởi thư xin toàn quyền Phi Luật Tân bấy giờ là Don Francisco Tello de Guzinan, phái một toán lính Tây Ban Nha cùng với hai cha Jiménez và Aduarte sang giúp.

Vị toàn quyền là người sãn có tinh thần tông đồ, đã không ngần ngại xuất ra một phần hạm đội gồm hai táu lớn và một thuyền buồm, với một đại đội hải quân gồm 150 người.

Chuyến đi này được cựu toàn quyền Don Luis Dasmmarinas chỉ huy và bao hết phí tổn. Đoàn thuyền nhổ neo ngày 17-9-1598, trực chỉ Chân Lạp. Nhưng sau 6 ngày đường, đoàn thuyền bị một trận bão đánh bạt – chiếc thuyền buồm dạt vào một hải đảo thuộc Phi Luật Tân. Chiếc thuyền lớn nhất, trong đó có Don Dasmmarinas, cha Jiménez và hai thầy dòng Phanxicô, cũng bị đánh dạt vào một hoang đảo gần bờ biển Trung Hoa. Chiếc tàu thứ ba chở cha Aduarte bị trôi lên đảo Babuyanes (Phi Luật Tân).

Khi trời đã yên, biển đã lặng, Don Dasmmarinas cho tàu đi Lampare, một hòn đảo cách Macao 8 hải lý về phía đông nam. Cha Aduarte được lệnh trở về Manila, còn những người đi với cha sang một thuyền khác để ghé vào Lampare.

Ngày 6-9-1699, cha Aduarte một lần nữa xuống tàu đem nhiều lương thực, dời bến Manila đi cứu viên Don Dasmmarinas và đồng bọn còn đang ở Lampare. Ở đây chúng tôi bỏ qua những gian nguy, bắt bớ, giam cầm, mà cha Aduarte phải chịu trong những ngày đi tìm bị vị khâm sai Hoàng đế Trung Quốc bấy giờ đang kinh lý thanh tra tỉnh Quảng Đông, để xin cho đoàn người lâm nạn được rời khỏi Lampare, cha phải mất nhiều lễ vật và tiền bạc mới được như ý.

Khi đã được phép, cha phải lập mưu mới thoát khỏi Quảng Châu. Khi tới Macao cha Aduarte ở lại nghỉ ngơi sau nhiều ngày gian truân, vất vả, trong khi Don Dasmmarinas cùng với các bạn đồng hành đi thẳng về Phi Luật Tân.

Trước khi đoàn thuyền nói tên lâm nạn, đã có một chiếc tàu cũng từ Manila đi Chân Lạp với tư cách ngoại giao. Trên tàu có hai linh mục Đa-Minh là cha Juan Maldonado đóng vai đại sứ và cha Pedro de la Bastida. Khi hai người đến nơi thì vương quốc đang có nội chiến. Vua Ponthea-Tan băng hà, thái tử Ponthea – An còn ít tuổi lên kế vị, dưới sự giám hộ của một người đàn bà chịu nhiều ảnh hưởng của Hồi giáo, nên những người Tây Ban Nha chỉ được nhìn bằng con mắt nghi kỵ.

Không được nhà vua tiếp kiến, cha Maldonado bỏ kinh đô rút ra cửa sông Cửu Long. Tại đây, cha chứng kiến một cuộc hải chiến giữa người Mã Lai và Tây Ban Nha: nhiều người thiệt mạng, trong đó cha De la Bastida. Sau trận chiến, cha Maldonado cùng đồng bạn sang chiến thuyền của đại úy Don juan de Mendoza để sang Xiêm La.

Khi tới nơi, cha Maldonado gặp một linh mục cùng dòng người Bồ Đào Nha, cha Jorge da Hota, đang bị vua Xiêm giam giữ. Hai cha lập mưu trốn xuống thuyền Tây Ban Nha. Khi nhà vua nghe biết cha Jorge đã bỏ trốn, liền sai ba chiếc thuyền đuổi bắt, hai bên bắn nhau ác liệt.

Thuyền Tây Ban Nha chạy thoát, nhưng bằng một giá quá đắt là nhiều người tử thương, trong số này có viên hoa tiêu, đại úy Don Juan và cha Maldonado.


Chuyến đi lần 3 (1603)

Những thất bại của hai chuyến đi trước chưa làm nản lòng các bề trên tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi. Các ngài vẫn chờ đợi có một cơ hội khác để mở rộng trường hoạt động tông đồ trên đại lục châu Á.

Năm 1603, cơ hội thuận lợi đã đến, và đây là chuyến đi của ba cha Inigo de Santa Maria, Jeronimo de Belen và Alonso Collar.

Ấu chúa Ponthea-An, chịu ảnh hưởng của bà kế mẫu ác cảm với người Tây Ban Nha, đã không tiếp nhận linh mục Maldonado, nay đã thiệt mạng trong một cuộc cách mạng. Quân cách mạng trao quyền cho Srey – Saurveper, cậu của ấu chúa đã bị giết.

Tân Vương còn nhớ tình hữu nghị của người Tây Ban Nha đối với tiền triếu, nên đã cử một phái đoàn sang Phi Luật Tân xin quan toàn quyền sai người sang giúp đỡ và giảng đạo.

Năm 1603, ba thừa sai dòng Đa-Minh nói trên cùng với một toán lính xuống tàu đi Chân Lạp. Khi tới kinh thành mới Lovea-En, các cha được nhà vua đón tiếp rất nồng hậu, để đáp lại bao hy sinh của chính quyền Tây Ban Nha và dòng Đ-Minh đối với Chân Lạo. Nhận thấy các cha sống nhiệm nhặt, thanh liêm, nhà vua vui lòng ban phép cho các cha xây cất một nguyện đường làm nơi phượng tự và giảng đạo.

Công cuộc truyền giáo chỉ được một thời gian ngắn, vì một cuộc chính biến lại xảy ra bắt buộc vua Srey – Saurveper phải thay đổi chính sách, báo hiệu một cuộc cấm đạo. Để ngăn ngừa cuộc bách hại, hai cha đồng ý cử cha Inigo de Santa Maria trở về Manila xin chính quyền Tây Ban Nha phái thêm binh sĩ và tỉnh dòng gởi thêm cán bộ truyền giáo. Nhưng không may vì cha Inigo qua đời trên đường về.

Ít lâu sau cha Alonso Collar cũng từ trần, còn một mình cha Jeronimo de Belen buồn rầu trở về Phi Luật Tân.


Chuyến đi lần 4 (1628)

Một thương gia người Trung Hoa từ Chân Lạp đến Manila cho tin rằng: Dân Miên lúc này rất mộ mến các cha Đa-Minh, và nhà vua đang mong được các ngài trở lại và giúp đỡ và giảng đạo.

Nghe tin nay, các bề trên dòng mặc dầu vẫn chờ có cơ hội gởi người đi truyền giáo, cũng phải dè dặt vì những thất bại của ba chuyến đi trước.

Sau một thời gian dò lòng dân và tôn ý nhà vua. Trong khi đó, bức thư của một quan đại thần Chân Lạp gởi đến các cha Đa-Minh ở Luzon (Phi Luật Tân), đủ minh chứng tin đồn của người thương gia nói trên không sai sự thật.

Năm 1626, toàn quyền Phi Luật Tân là Don Juan Nino de Tabora xin cha bề trên tỉnh dòng vui lòng sai mấy linh mục sang Chân Lạp với tư cách tuyên úy cho một nhóm binh sĩ và thợ chuyền môn, được phái đi tìm vật liệu đóng một thương thuyền.

Các bề trên coi đây là một cơ may đi truyền giáo, nên một lần nữa cử năm cha đi, trong số này có cha Juan Bautista de Morales, một nhà truyền giáo của tỉnh dòng.

Sau nhiều ngày gian nan trên đại dương, tất cả mọi người đều tới sông Cửu Long nơi mà 32 năm về trước một toán lính Tây Ban Nha đã đến khai thông.

Chỉ mấy ngày sau, các cha đã được dâng Thánh Lễ trong một nguyện đường vừa được dựng lên kính dâng Thiên Chúa giữa một xứ đầy chùa vhie62n.

Dân Miên mặc dầu là môt dân tộc hiền lành dễ dãi, nhưng rất ít người muốn theo đạo. Họ đến dự các lễ nghi công giáo rất đông, nhưng họ đến vì hiếu kỳ.

Trong khi các cha cố gắng cho công cuộc truyền giáo, thì việc đóng tàu của chính quyền Tây Ban Nha vẫn tiến hành. Nhưng rồi bọn thợ chia rẽ nhau, từng nhóm muốn đánh nhau, khiến cha De Morales phải đích thân đưa bọn họ trở về manila.

Đến sau khi nghe biết, Chey – Chetta II, con của Srey – Saurveper, tức vị kế nghiệp cha, hạ lệnh cấm dân Miên theo đạo, cha giám tỉnh liền gọi các cha về hết Phi Luật Tân.

Suốt hai năm rưỡi truyền giáo trong chuyến đi lần thứ tư, các cha chỉ rửa tội được một em bé gái, con của một Nhật kiều công giáo.

Như vậy chuyến đi sau hết này cũng không đạt được ý nguyện.


Tổng kết

Trong thế kỷ XVI, công cuộc truyền giáo của các thừa sai Đa-Minh và Phanxico ở vùng Đông Nam Á phải chăng đã thất bại?

Không nhất thiết là vì sự ác cảm và đố kỵ của quần chúng trong những nước mà người dân thường dễ dàng đón tiếp người nước ngoài, đặc biêt là ở Việt Nam. Những nhà cầm quyền vì lợi ích thương mại, quân sự và chính trị thường ưu đãi các nhà truyền giáo, nhiều vị như cha Silvestre de Azev Vedo được trọng dụng và có nhiều ảnh hưởng. Nếu gọi là thất bại, thì một trong những lý do lả tại nhân sự không ở bền lâu, tất cả hình như không chuẩn bị để lưu lại lâu dài. Nếu không có những vụ tranh ngôi vị giữa các vua chúa anh em với nhau, thì lại gặp những cuộc đụng độ về ảnh hưởng giữa người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Các nhà truyền giáo đã khắc phụ được những khó khăn tâm lý trong việc rao giảng Tin Mừng cho những dân Phật giáo và Thần giáo, nhưng lại không có đủ thời giờ để học tiếng nói, phong tục và đi sát với quần chúng.

Có lẽ các ngài đã quá tin tưởng vào sự tiếp xúc với vua chúa, vào sự can thiệp về ngoại giao và quân sự.

Dầu sao đi nữa, các nhà truyền giáo thế kỷ XVI đã làm công việc mở đường và đó là mục đích mà các ngài đã đạt được.


Nguồn: Thư viên Tổng Hợp Tp. HCM

Viết một bình luận

error: Content is protected !!