Hồi đó, to6i hai mươi ba tuổi, Thục Nga hai mươi mốt, Quỳnh Nga thì mới lên sáu tuổi đầu. Cha mẹ hai chị em Thục và Quỳnh đều mất sớm, hai chị em phải trông cậy ở lòng thương mến của người chú ruột, cấp vốn cho ả Thục mở một ngôi hàng tạp hóa ở Hàng Đường. Chị buôn bán và làm lụng nuôi em; đôi gái thơ bồ côi rất đỗi thương nhau, chị thương em chả khác gì mẹ thương con vậy. Quỳnh Nga đi học tại trường hàng Cót. Lúc tôi bắt đầu quen biết Thục Nga, Quỳnh Nga còn bé quá; vả lại hai chúng tôi cùng giấu giếm không cho đứa trẻ em được biết, nên trong ba năm trời, Quỳnh Nga vẫn không ngờ chị nó có tình lang. Mãi đến khi lên sáu, khi nó bắt đầu cắp sách đi học, một hôm, ở trường về, nó mới bắt được chị nó, đương cợt cười, đú đởn, đú đởn trong lòng tôi.
Không hiểu vì sao, từ hôm đó, trông tôi, nó lấy làm ghét lắm. Ác cảm của nó đối với tôi là ác cảm tự nhiên, vô lý, ác cảm của một đứa trẻ còn ấu trĩ; song ác cảm ấy ghi rất sâu trong óc nó, khiến cho, trong mấy năm trời, không bao giờ nó nể cị mà dung thứ cho tôi. Nhất là khi nó bị mấy đứa trẻ con bạn nó chế giẫu rằng chị nó mất tiết giá vì tôi từ khi mới vừa đôi chín, thì Quỳnh Nga trông mặt tôi lại càng ghét cay, ghét đắng, chỉ muốn làm cho tôi phải khổ sở điêu đứng để báo thù tôi cho bõ tức mới nghe.
Mà nào tôi có làm hại chị nó đâu! Thế mà nó vẫn yên trí rằng tôi là một kẻ làm nhục nó và chị nó, phá tan hạnh phúc nhà nó, lấy mất tình Thục Nga yêu nó, rồi đêm ngày nghĩ cách làm cho tôi phải xa lìa chị nó, không cho tôi được cùng nàng tình tự, chuyện trò. Trời ôi! Nó có biết đâu! Biết đâu đã yêu nhau như tôi và chị nó yêu nhau, thì dù đến Trời xanh kia, cũng khó lòng làm cho chúng tôi chia rẽ! Nhưng mà trong óc đứa trẻ con, đã yên trí sự gì thì tất hết sức làm cho đạt mục đích. Quỳnh Nga đã ghét tôi, nó cố làm cho tôi phải, vì nó, đau đớn, buồn rầu cho hả giận.
Sự rủi may khiến cho nó thắng thế. Nó thắng thế là nhờ chú nó. Sau khi chịu một cách nặng nè để cho tôi cùng Thục Nga, trong hai năm trời, đi lại cùng nhau thân mật, một hôm, Quỳnh Nga nghĩ ra một kế, một kế làm cho tôi, về sau, phải ôm hận suốt đời. Lúc đó, nó đã lên tám tuổi.
Không hiểu ai xui nó, nó làm ra bộ tươi cười vui vẻ, để đánh bẫy tôi. Tôi đã bị sắc đẹp Thục Nga làm cho mê mẩn tâm thần, thì còn có sợ gì mà không dám cùng nàng tình tự? Nhưng từ trước đến giờ, Thục Nga vẫn trốn nhà sang nhà tôi, không bao giờ tôi sanh nhà nàng, là cốt để tránh mặt con bé em ranh mãnh. Như thế, chúng tôi vẫn được yên ổn, không bị ai lôi thôi kiếm chuyện bao giờ. Đến khi Quỳnh Nga làm ra bộ vui vẻ cùng tôi, nó trách móc tôi làm sao không lại chơi nhà nó. Nó lại vờ cắt nghĩa tôi nghe: đêm chị nó bỏ nó một mình trơ trọi, nó sợ quá, hóa nên không ngủ được phút nào. Nó van tôi giữ hộ chị nó ở nhà, cho nó được yên lòng ngủ kỹ.
Yên chí rằng con bé ngày nay đã dần dà biết mến yêu anh rể nó, tôi mua cho Quỳnh Nga rất nhiều kẹo bánh, và, từ khi ấy, chúng tôi đóng đô ở Hàng Đường, không đi đâu xa một bước nào nữa cả. Có ai ngờ Quỳnh Nga đã đi báo chú nó tự bao giờ không rõ, để chú nó xăm xăm chạy đến, bắt được tôi cùng Thục Nga đương hẹn bể thề non. Ông chú thấy tôi bèn nổi cơn thịnh nộ, đuổi tôi ra, rồi bắt Thục Nga xếp hàng hóa dọn ngay nhà đi chỗ khác.
Vì câu chuyện éo le vô lý ấy, tôi tự dưng, mất hẳn Thục Nga. Mà cũng không biết vết tích nàng ở đâu hết cả. Thôi, thế là xong. Bao nhiêu nguyền xưa ước cũ, bao nhiêu duyên thắm tình nồng, phút chốc, theo ngọn sóng của thời gian, biến ra thành thương tâm và thất vọng. Tôi chết dở, sống dở, ngẩn ngơ, điêu đứng, sống mấy tháng trời trong một trường đau đớn dị thường. Cách đấy tám tháng sau, tôi được tin Thục Nga tạ thế ở vùng Thanh Hóa.
Thế là từ lúc ấy, ôm mối hận bên lòng canh cánh, tôi nhẫn nhục đeo kie61p sống thừa lẻ loi cô trích, mãi đến ngày, đến ngày tôi tự nhiên gặp Quỳnh Nga, sau mười tám năm li biệt.
Quỳnh Nga trông vẻ mặt tôi buồn rầu, ảm đạm, cầm tay tôi, thỏ thẻ khuyên rằng:
– Anh Khánh Thần ôi! Sự đã lỡ rồi, em còn biết chữa làm sao cho được nữa! Em thủ ấy tuy còn bé dại, song lỗi lớn trong đời em, em nhớ mãi chẳng bao quên. Không hiểu vì sao, em lại nhẫn tâm tàn ác thế! Sau khi chú em biết chuyện, chú em bắt chị em phải lập tức bỏ cửa hàng và công việc, dọn nhà ngay vào quê, trong Thanh Hóa, ở cùng tất cả gia đình của chú thím em. Đằng đẵng mấy tháng trời, chị em buồn rầu ủ rũ, em thấy chị em đau đớn, nghĩ càng thương càng hối, nhưng đã trót rồi thì biết nói làm sao. Chị em quên ngủ, quên ăn; khi được tin chú thím em nhất định đem chị em cố ép gả chồng, thì chị em khóc sướt mướt đến năm đêm rồi thụ bệnh mà mất.
”Chị em mất chóng quá anh ạ, chỉ ốm có ba ngày đã lìa cõi trần. Chỉ tại chị em trước kia quá ưu sầu, tư lự. Khi chị em tắt nghỉ, hai mắt chị cẫn mở, em trông thần sắc chị tưởng chừng như chị chết mà trong lòng vẫn còn thèm muốn điều gì.Chị em chết tâm hồn chưa được thỏa. Chị em còn muốn sống, sốn để cùng anh kết cấu nốt thiên tiểu thuyết ái tình. Chị em vẫn hận, vẫn tiếc không được cùng anh trọn nhời thề cũ. Bên giường chị em, em khóc đã hầu ra huyết lệ; thật là vì em mà nên nỗi nước này. Chị em chết chỉ vì em, hai chúng em bồ côi thui thủi có nhau, chị em thác, em còn biết có ai thương yêu, chìu chuộng em như thủa nọ! Thực là lỗi ở em, em hối hận quá, những muốn chết theo chị em cho đỡ khổ. Thấy em vật mình than khóc, chị em cầm tay em, nhìn em, ức lệ, bảo rằng:
”Quỳnh Nga em ôi! Em chớ khóc làm chi nữa! Không phải vì em đâu, chả qua chỉ là oan nghiệt! Chị đây không may bạc phận, chị không oán trách gì, chỉ giận nỗi đã làm cho anh Khánh Thần vì chị phải từ đây ôm mối hận nghìn thu! … Bao giờ em lại gặp anh, em sẽ xin lỗi anh cho chị nhé! Em sẽ đưa cho anh quả tâm này, quả tâm của chị. Thôi, chị về đây! …
”Rồi chị em mất. Đây này, đây là quả tâm bằng vàng bình sinh chị em thường đeo trên ngực, chị em muốn tặng anh chút của này làm kỷ niệm, xin anh trân trọng giữ lấy, cho chị em dưới chín suối, được vui lòng.”