Sáng Mùng Ba, nhà nội có thêm người đến phụ, là hôn phu của lục cô. Tin làng chài Gò Lộc Trĩ trúng mẻ cá lớn đã lan ra. Làng chỗ dượng Tau chắc cũng nghe thấy. Cha Mai nói người Chân Lạp đặt tên con ít khi theo họ cha hay họ mẹ. Giống như kiểu họ muốn đặt tên là gì thì đặt vậy thôi. Hoặc có lẽ người Việt không hiểu rõ ngôn ngữ và văn hóa nên không rành chuyện tên tuổi này.
Qua tháng hai này, dượng Tau sẽ đến nhà nội làm rể một tháng, hy vọng là hai nhà sẽ quen dần sinh hoạt của nhau. Hai hôm nay lục cô vẫn may vá áo cưới trong phòng. Mấy cô gái Chân Lạp nổi tiếng khéo léo, dệt vải thêu thùa đều giỏi, nên bà nội đang rèn dũa cho lục cô. Về bên đó mà thua sút người ta nhiều quá cũng không được.
Dượng Tau cũng có nét mặt và nước da đặc trưng của người Chân Lạp, dượng thấp hơn Bình ca một chút, dáng người cũng không to bè như Thon bá ở Bàu Sen. Có thể dượng làm thợ lặn mò trai nên hình thể phải phù hợp; thật ra nghề của mỗi người sẽ ảnh hưởng đến dáng dấp; ngược lại dáng người nào sẽ phù hợp nghề nào.
Có điều chắc chắn là dượng Tau rất rành nghề biển. Nhìn dượng đưa đẩy chiếc ghe vượt qua mấy ngọn song rất thành thục. Dượng đã từng cùng nhóm thợ mò trai qua đến mấy hòn đảo ngoài xa kia. Hòn đảo lớn nhất với cây cối xanh rì ngoài xa chính là đảo Koh Tral, nơi có phong cảnh đặc sắc và là địa danh lịch sử trong mấy trăm năm mở đất. Mai ước gì mình được ra đó, “vài năm nữa có thể được”, cô tự nhủ rồi quay lại với rổ tôm trước mặt.
Trời đang nắng tốt, người lớn đã dậy từ sớm luộc tôm để phơi làm tôm khô. Nhiệm vụ của Mai bây giờ là rải tôm lên mẹt tre để phơi.
Qua giờ ngọ một lát thì cha, An ca và a Phúc đều ra, để một mình a Vĩnh coi nhà. Cá về bãi từ chiều hôm qua đã chết, ai cũng gấp rút lo làm, không kịp uống nước hay trò chuyện.
Cá làm mước mắm, mắm tươi, mắm khô; nhìn đâu cũng thấy là cá!
Ông nội nói đây chưa phải là mẻ cá lớn nhứt. Mười mấy năm trước Ông Nam Hải đã lùa về đây một luồng cá lớn gấp mấy lần. Lúc đó làng chài ít người hơn bây giờ, cũng không có nhiều lu hũ làm mắm, nên mấy nhà chỉ lưới đầy ghe mình rồi quay về bờ. Cá lớn sẽ sanh cá bé, cũng nên để bọn chúng gầy lại bầy, không cần diệt tận giết tuyệt.
Loay hoay đến xế chiều ngày Mùng bốn mới làm xong hết mớ cá. Cha và Bình ca chở cá vụn, chết sình về làm phân bón luôn. Ông bà nội để dành gần một ghe cá, tôm, mực cho nhà Mai mang về Đông Hồ.
– Con nhớ biếu mấy nhà thường qua lại, chỗ Dương ông và Đỗ lang y không để thiếu.
– Dạ, con biết cha. Qua năm con đóng thêm một hai thùng nước mắm lớn cho cha ướp cá.
Dưới nhà sau, bà nội nhìn mấy đứa nói:
– Tính a Cúc ra đây ta còn dặn dò mấy chuyện. Xem ra là không có rảnh. Để xong mớ cá này bà vô trỏng một lượt với a Tấn.
Như mọi năm, qua Mùng Mười thì cha mới cúng để khai trương xưởng gỗ. Vậy là lúc đó có bà nội và lục cô đi theo.
Mai còn một chuyện chưa làm xong đó là làm hương phấn và hương hoa cho Cúc tỷ và lục cô, đây là món quà cưới mà cô chuẩn bị cho hai người. Hai cô nương này chắc sẽ thích lắm, có chút phấn hương trên quần áo, lúc tắm rửa với tinh dầu sẽ khiến thiếu nữ thêm quyến rũ, đúng không? Đặc biệt là trong đêm tân hôn nữa!
Nấu tinh dầu không khó, chỉ hơi mất thời gian thôi. Mai đã trồng được mấy luống bạc hà, giờ là lúc dùng đến. Mà cũng may là người ta đã biết cách nấu rượu gạo, rượu nếp bằng ống hơi đi qua nồi nước lạnh. Mai gom góp các dụng cụ xung quanh làm cái nồi hơi “dã chiến”. Chỉ cần cô làm thành công, nương sẽ cho cô tiền để sắm đồ đàng hoàng hơn.
Qua Mùng bốn là hết những ngày cúng kiếng ông bà, tổ tiên. Nhà người nông dân không kiêng cử chuyện quét nhà cửa, tắm gội hay nói năng nữa. Mai rủ tứ Mi và a Hậu đi đến chùa nhặt bông lài, bông sứ rụng. Tiếc là ở đây chưa có trồng cây bưởi, hương bưởi rất thơm, lâu phai mùi. Một cây bưởi là có thể làm được một chén tinh dầu rồi.
Ba cô gái nhỏ chăm chỉ góp nhặt hai ngày thì được hai rổ hoa, thêm một nồi lớn lá bạc hà. Mai nấu trước lá bạc hà, cái này là trước đây cô đã thử nấu rồi, nên chắc là thành công. Nhưng mà cô chưa làm tinh dầu từ hoa lài với hoa sứ nên để sau, (hí hí, nếu không được thì coi như tứ Mi và a Hậu đang bỏ công giúp cô làm thí nghiệm vậy).
Những ngày đầu năm vẫn còn thanh nhàn, a Cúc vẫn chăm chỉ may vá bên cửa sổ. Ba cô gái nhỏ thì ngồi bên chái nhà, vừa canh bếp vừa làm việc riêng.
Tứ Mi ôm lát qua đương giỏ đệm. A Hậu thì đang thêu hình vân trên mấy cái khúc vải. Thời này khổ vải rất nhỏ, lớn nhất chỉ cỡ bốn tấc. Mấy loại lụa tơ tằm thì khổ lụa chỉ hơn gang tay. Người ta may quần áo phải ghép lại thành từng thân một, rất tốn công. Bởi vậy thiếu nữ khéo hay không là ở chỗ may vá này.
Khúc vải mà a Hậu thêu thường dùng làm viền của tay áo rộng. Loại hoa văn hình mây này rất được ưa thích, làm cho người mặc có cảm giác như đang bay bổng, nhẹ nhàng thanh thoát.
Mai thì đang học viết chữ. Đúng là chữ Nho thật khó nhớ, mỗi ngày phải ôn luyện mới được. Hơn nữa, Mai thấy người ta không có khái niệm “ngữ pháp” khi viết thì phải. Hay là do mình chỉ mới học tới dạng “cụm từ” thôi. Thí dụ như cụm từ “Thượng Đại Nhân” trong quyển sách thầy đang dạy, thì danh từ chính nằm phía sau cùng của cụm. Nhưng mà cụm “Nhân Chi Sơ” thì sao? Chữ “Sơ” không phải là danh từ chính rồi. Mà nói nó là một câu như “ngữ pháp” hiện đại cũng không đúng, phải không?
Mà lúc đọc viết đều theo cột từ bên phải qua, từ trên xuống dưới. Mai cứ lộn hoài mà chưa sửa được. Thật ra trong tâm tưởng Mai không muốn sửa. Mai nghĩ chữ quốc ngữ mới là chữ của riêng người Việt, độc nhất vô nhị. Còn chữ Nho dù sao cũng vay mượn. Chữ Nôm thì bây giờ vẫn chưa thịnh hành, mà … học còn khó khăn hơn, khó phổ biến rộng rãi trong dân. Văn hóa của một dân tộc hay nhóm người được lưu truyền hay không là ở chữ viết. Có chữ viết mới giúp người ta tiến bộ nhanh, đời sống thịnh vượng.
Vừa nghĩ lung tung, xém chút Mai bị phỏng lửa. Nồi nấu đã được nửa canh giờ, nước bắt đầu sôi già, chắc là có một ít hương bạc hà bốc hơi qua bình gốm bên kia rồi? Đúng là dùng bình gốm nên không biết đã có tinh dầu chưa, không như bình thủy tinh, có thể dễ dàng nhìn xuyên qua. Mai bước qua chỗ miệng bình, đưa mũi ngửi, ừm, có một chút hương thoát ra rồi, cứ từ từ, không cần vội.
Thấy Mai gật gù có vẻ đắc ý, a Hậu và tứ Mi chạy đến ngửi thử.
– Đúng là có mùi, thơm quá. Giờ mình xem được không?
Tứ Mi hứng chí đề nghị.
– Mở ra là hư luôn nồi đó, chờ chút nữa.
Ừm, thì đành chờ vậy.
– Mà đúng là mùi bạc hà.
Ha ha, Mai mắc cười trêu tứ Mi.
– Hỏng lẽ ra mùi bùn, hay mùi hoa lài.
Tứ Mi cũng thấy mình nói hớ, nấu lá bạc hà thì đương nhiên ra mùi bạc hà rồi, thiệt là mừng quá nên nói quàng xiên.
Đến chiều muộn thì Mai nhắm đã thu được một chút tinh dầu bạc hà rồi nên cô tắt bếp. Rồi ba cô gái nhỏ cẩn thận tháo dỡ ống tre nối với bình gốm nhỏ ra. Mùi hương bạc hà thật nồng tràn vào mũi thật dễ chịu. Mai rót một phần chất lỏng bên trên ra bình nhỏ hơn, đậy kín nắp, trùm một màn vải lên nữa. Chỗ trong bình nhỏ này mới là nguyên chất. Phần nước còn lại, Mai chia ra thành ba bình đất nhỏ. Mỗi cô được một bình, rồi dặn:
– Cái này để dành, nhớ đậy nắp kỹ để nó bay mùi mau hết. Nhà muội không được để tiểu Tương hửi đó.
– Ừ, muội nhớ rồi. Vậy chừng nào mình làm hương lài với sứ?
– Ngày mai hai muội đến đi, mình làm tiếp. Nhớ mang theo bình nhỏ có nắp đó.
Hai cô gái có được bình hương bạc hà đầu tiên thơm mát đều vui vẻ, phụ Mai dọn dẹp rồi ra về. Mai mang bình phần mình ra cho a Cúc nói:
– Chiều nay tỷ dùng thử cái này coi có thích không?
– Là cái gì? Mùi bạc hà hả?
– Dạ phải, tối nay tỷ tắm trong lu đi, vậy mới thơm.
Lần trước Mai bệnh, cô xin nương cái lu đất đặt bên trong chái nhà. Bây giờ nó trở thành cái lu để tắm của cô luôn. Mỗi lần tắm vậy hơi cực, nhưng mà lâu lâu nấu nước ấm, chui vào đó tắm rất thoải mái. Cúc tỷ và ngũ cô chưa chịu dùng. Lần này thì cái lu có hiệu quả rồi.
Mai phải nói tới lui rất lâu a Cúc mới chịu dùng thử cách tắm này. Tỷ ấy tự mình nhỏ chén tinh dầu Mai đã pha loãng vào cái lu đất. Nương và ngũ cô thấy hai đứa nhỏ rù rì, đùng đẩy chỉ nhíu mày rồi cũng cho qua.
Hôm nay lứa gà con, vịt con mới nở. A Phúc đang phụ một tay hơ gà con để ủ ấm. Mấy ngày này có gió chướng hơi lạnh lúc chiều tối.
Lúc ngũ cô xong việc về gian phòng của mình thì rất ngạc nhiên. Trong phòng thoang thoảng hương bạc hà, làm tinh thần sảng khoái hơn, mệt mỏi cũng bớt đi. Là kết quả cả buổi chiều a Mai làm sao? Mùi hương thật dễ chịu!
Ngũ cô đi qua phòng đối diện. A Cúc vừa tắm xong, trên người cũng thoảng mùi hương, da dẻ mịn màng, ửng hồng.
– Mai, hương này dùng thật thoải mái.
A Cúc vui vẻ cười nói, thật không nghĩ là chỉ một ít hương lại khiến cả người có cảm giác sạch sẽ, tinh thần nhẹ nhàng lâng lâng như vậy.
– Cô, cô dùng thử một chút đi, sẽ giúp cả người cô khỏe lên.
– Phải đó cô, để con nấu cho cô nồi nước.
Dưới sự dụ dỗ, hối thúc của hai cháu gái, ngũ cô cũng xuôi lòng thử dùng “tinh dầu” như cách a Mai gọi. Làn nước âm ấm, mùi hương như ngấm vào thân thể, rồi từ đó tỏa ra. Cảm giác này thật chưa bao giờ có, giống như tiểu thơ, phu nhân nhà quyền quý. Bước chân đi rồi vẫn lưu lại hương thơm say lòng người.
– Muội nói cái này là quà tặng tỷ.
– Ừ, đương nhiên rồi. Tỷ một bình, lục cô một bình. Hôm lễ thành thân mà dùng cả người sẽ thoải mái, dễ chịu.
– Nói cái gì! Muội còn không ngượng miệng.
Ha ha, Mai cười nhìn a Cúc thẹn thùng, không phải mỗi ngày mai áo cưới tỷ đều nghĩ đến ngày đó sao! Còn rầy muội!
Ngày hôm sau, lúc tứ Mi và a Hậu đến thì nương, ngũ cô và Cúc tỷ cũng cùng nhau đến xem. Hôm nay làm tinh dầu hoa lài và hoa sứ đơn giản hơn, nhưng tốn thời gian lâu hơn. Mai lấy hai rổ hoa đã hong khô, hơi héo một chút, rồi chỉ dẫn tứ Mi và a hậu cắt nhỏ ra. Cô đem hai bình đất miệng nhỏ, đổ vào dầu dừa đã gạn cơm dừa cháy.
– Mình ướp khoảng hai ba ngày thì dùng vải lọc xác hoa ra. Sau đó, mình đem phơi lúc sương lạnh, tinh dầu sẽ đông lại, mỗi lần mình lấy một ít xoa ở tay, gáy hay dưới cổ. Nó sẽ thoảng hương thơm.
Thật ra Mai lo lắng mùi dầu dừa sẽ át mất mùi thơm của hoa lài và và sứ. Cô đã lọc, lắng cặn dầu dừa mấy lần rồi, bây giờ dầu rất trong, cũng đã bớt mùi. Nhưng mà cô cũng không còn loại khác để dùng, đành thử trước vậy.
Chuyện tiếp theo là cô phải gầy lại mấy luống bạc hà vừa “hy sinh”. Hai luống bạc hà mà chỉ chiết được một bình nhỏ tinh dầu, đúng là phụ nữ muốn làm đẹp thì tốn công sức và tiền bạc không ít chút nào!
Nhưng mà hương bạc hà, hoa lài, hoa sứ, sau này cô sẽ làm thêm hương tràm và hương bưởi nữa. Tất cả đều là từ đất từ trời nơi đây mang đến, là hương vị của vùng quê thân thương này.