Bộ sách “Gia Định Thành Thông Chí” này nội dung gồm những mục Tinh dã, Sơn xuyên, Thành trì, Cương vực, Phong tục, Nhân vật, Cầu, Đường, Nông vụ, Thổ sản v.v .. thuộc 6 tỉnh miền Nam Việt Nam trong thời Nguyễn triều, đại khái cũng đồng một sáng kiến như bộ Đại Nam Nhất Thống Chí thuộc 6 tỉnh Nam Việt đã xuất bản năm 1956 (tập thượng và tập hạ).
Nhưng nay tham khảo bộ Đại Nam Nhất Thống Chí nói trên với bộ Gia Định Thành Thông Chí này thì bộ Thống Chí trên có nhiều danh từ biên chép sai lầm, không đúng địa dnh hoặc nhân danh, và dẫn dụng thổ âm Cao Miên ra bằng chữ Nôm mà không chú thích cho rõ ràng phân minh. Xét ra sở dĩ có khuyết điểm là vì bộ sách ấy do nhân viên Quốc sử Quán (Huế) ở cách xa Nam Việt biên chép trong thời Tự Đức chưa kịp khảo đính, sau này qui trí lại Bảo tàng viện Saigon. Năm 1959, cần sưu tầm tài liệu sử địa nước nhà, mượn về phiên dịch, dịch giả, cũng người Trung Việt, không được am tường phong thổ miền Nam, cứ theo nguyên văn dịch thuật không có sách vở nào tham cứu cho khỏi sai lạc chữ nghĩa.
May sao dịch giả tìm mượn được bộ “Gia Định Thành Thông Chí” của Société des Etudes Indochinoise, mà tác giả là Trịnh Hoài Đức tiên sinh là người Nam Việt (quán ở Phiên Trấn) từng làm phủ huyện ở miền Nam, lại có 2 lần làm Hiệp Tổng trấn Gia Định, đã lịch duyệt phong thổ bản xứ và kê cứu lịch sử cổ kim, nên viết ra có nhiều chỗ bộ Thống Chí Nam Việt chưa từng viết đến. Nhận thấy Bộ Gia Định Thành Thông Chí chính xác và đầy đủ hơn, vả lại gặp danh từ thuộc thổ âm Cao Miên lưu truyền tác giả đều gia công chú giải rành mạch làm cho ta rõ được căn bản của những chữ ấy, dịch giả mong rằng bộ sách này sẽ là một tài liệu quý giá cho học giả hiện thời và tương lai.