1760 – 1813: Ngô Nhơn Tĩnh

Tiểu sử

Ngô Nhơn Tĩnh sinh năm nào không rõ (*), tự Nhữ Sơn. Nguyên tổ phụ là người Quảng Đông sang đất Gia Định. Đến đời Ngô Ngơn Tĩnh, cầu học với Võ Trường Toản. Ông cùng ra giúp nước một lượt với hai bạn đồng học là Lê Quang Định và Trịnh Hoài Đức. Ban đầu Ngô lãnh chức Hàn lâm viện Thị Độc.

Năm Mậu Ngọ (1798), Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường bàn nghị phải sai người sang Nhà Thanh để dò la tin tức vua Lê Chiêu Thống.

Hai người dâng biểu nói:

Ngô phẩm hạnh ngay thẳng, học vấn giỏi giang, đáng được chức tuyển ấy”.

Ngô được thăng chức Binh bộ Hữu tham tri, đi sứ, lãnh quốc thư, ngồi thuyền buôn qua tới Quảng Đông. Đoàn sứ nghe tin vua Lê đã băng thì trở về liền. Qua lần đi sứ này, ông tỏ rõ là người biết việc, xử thế đúng mực, hiểu rõ đối phương. Do đó, mặc dù thời gian ông đi sứ ngắn nhưng ông đã hoàn tất mỹ mãn mọi công việc.

Năm Canh Thân (1800), Ngô theo Nguyễn vương ra cứu thành Qui Nhơn. Ngô cùng với Nguyễn Kỳ Kế coi về việc binh lương. sau đó ông được lãnh coi việc chính trị Phú Yên, thâu tiền và lúa để cung cấp quân nhu.

Năm Gia Long thứ nhứt, Nhâm Tuất (1802), Ngô được cử làm giáp phó sứ, cùng với Chánh sứ là Trịnh Hoài Đức và phó sứ là Hoàng Ngọc Uẩn đi sứ Nhà Thanh. Sứ bộ ngồi hai chiếc thuyền “Bạch Yến” và “Huyền Hạc” từ cửa Thuận An (Huế) ra đi. Đến giữa biển thì bị bão nên tới tháng 7 sứ đoàn mới tới Hổ Môn quan.

Tổng đốc Lưỡng Quảng dâng sớ tấu, vua Thanh liền truyền bảo sứ đoàn theo đường Quảng Tây mà lên kinh.

Vừa tới Quảng Tây thì gặp sứ bộ của Lê Quang Định phụng chỉ sang cầu phong. Hai phái đoàn cùng ở lại tỉnh Quảng Tây chờ mạng lệnh vua Thanh.

Đến tháng 4 năm Quý Hợi (1803), thuyền sứ mới rời Quảng Tây mà lần lên kinh, vào chầu vua Gia Khánh.

Xuân năm Giáp Tý (1804), hai đoàn sứ bộ mới làm xong nhiệm vụ mà trở về. Trong khi tiếp xúc với sứ thần nhà Thanh, Ngô Nhơn Tĩnh đã thể hiện sự thông minh và tài trí khôn khéo của mình. Ngoài tài ứng đối, bình tĩnh đấu kế để giữ gìn quốc thể, ông còn dùng thơ văn thuyết phục vua quan nhà Thanh, bắt họ phải thực hiện những điều cam kết với ta. Bấy giờ, Ngô Nhơn Tĩnh vẫn giữ chức Binh bộ Hữu tham tri như cũ.

Năm Gia Long thứ 6, Đinh Mão (1807), Ngô Nhơn Tĩnh lại sung chức Chánh sứ cùng với Phó sứ Trần Công Đàn đem ấn sắc vào Nam, tới thành La Bích mà phong cho Nặc Ong Chân làm vua Chân Lạp.

Năm Gia Long thứ 10, Tân Tị (1811), Ngô Nhơn Tĩnh lãnh chức Hiệp trấn Nghệ An. Thấy dân tình thảm khổ, Ngô Nhơn Tĩnh dâng sớ xin về kinh bệ kiến mà tấu vua rõ. Vua phê chuẩn lời Ngô xin. Ngô cùng Đốc học Nghệ An là Bùi Dương Lịch soạn quyển Nghệ An phong phổ ký.

Năm Gia Long thứ 11, Nhâm Thân (1812), Ngô thăng chức Thượng thư bộ Công, lãnh chức Hiệp trấn thành Gia Định, cùng Tham tri bộ Hộ Lê Viết Nghĩa phụng mạng đi kiểm soát tiền lương và văn án các dinh.


Năm Gia Long thứ 12, Quý Dậu (1813), Ngô cùng tổng trấn Lê Văn Duyệt đem quân đưa vua Chân Lạp là Nặc Ong Chanh về nước. Họ họp cùng Xiêm La (Thái Lan ngày nay) để bàn việc Chân Lạp. Đến khi Ngô về, có người gièm pha rằng Ngô ăn của lót. Tuy không có bằng cớ gì song quan Tổng trấn cũng cứ tâu về triều. Vua Gia Long hình như không bằng lòng, nhưng bỏ qua.

Ngô vô cùng đau khổ và uất hận về sự vu oan này. Những kẻ lâu nay ghen ghét tài năng, đức độ và công lao đã tìm cách hại ông.  Ngô biết vậy nhưng không có cách nào để minh oan. Đêm ngày lo nghĩ, buồn bực mà không biết giải bày với ai. Ngô chỉ biết ngậm ngùi than thở “trách người đi thêu dệt, khiến mình phải oan”. Từ đó, Ngô buồn bã đến thành bệnh.

Mùa xuân năm Quý Dậu (1813) thì Ngô bệnh nặng mà mất, táng tại xã Chí Hòa (Gia Định).

Ngô Nhơn Tĩnh có một con trai là Ngô Quốc Thoại.


Năm Bính Tý (1936), vì nhà cầm quyền cần nơi xây cất nhà ga, nên Hội Đình Minh Hương Gia Thạnh đã di dời mộ phần của ông về làng Tân Hóa, tổng Tân Phong Trung, huyện Tân Long, tỉnh Gia Định. Nay là đường Lũy Bán Bích, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm Giáp Thân (2004), để tôn vinh một nhà thơ lớn của đất Gia Định năm xưa, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã di dời và an trí mộ phần của ông trong khuôn viên chùa Giác Lâm, trên đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình. Lăng mộ ông được liệt vào hàng Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Quốc gia…

(*): Có tài liệu chép Ngô Nhơn Tĩnh sinh năm 1760 hoặc 1761 và mất năm 1816.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!