Tiểu sử
Võ Trường Toản là bậc cự Nho, người thầy tiêu biểu của đất Gia Định. Có thể nói ông là người Thầy đầu tiên đã đào tạo nên một loạt các nho sĩ danh tiếng của đất Gia Định xưa. Tuy nhiên các tư liệu nghiên cứu về ông rất hiếm mà lại không thống nhất nhau về nhiều điểm. Cho tới nay hầu như chứng cứ duy nhất đầy đủ, chính xác về tiểu sử Võ Trường Toản thì không đâu bằng tấm bi chí do quan Kinh lược sứ Phan Thanh Giản viết về cuộc đời Võ xử sĩ, hiện được đặt trước mộ phần của vụ ở Ba Tri, Bến Tre.
Tấm bi chí này bằng đá cẩm thạch trắng, kích thước, chữ Nho đục lõm (âm khắc), nét còn rất sắc và thật hết sức may mắn, không hư mẻ một chữ nào.
Phan Thanh Giản soạn bài minh này vào ngày 28 tháng 3 năm Đinh Mão (1867), trước khi ông tuẫn tiết mấy tháng.
Bản dịch dưới là của Huỳnh Minh, Gia Định xưa (Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin in lại năm 2006, tr. 151). Có tham khảo thêm bản dịch của Ca Văn Thỉnh in trong sách Võ Trường Toản của Nam Xuân Thọ (Tân Việt, Sài Gòn, 1957, tr. 10).
Văn bia không ghi ngày tháng năm sinh của cụ Võ.
“Tiên sinh họ Võ, húy Trường Toản. Đời trước hoặc nói là người Thanh Kệ (Quảng Đức), hoặc nói người Bình Dương (Gia Định), trước thọ nghiệp cùng ai chưa biết rõ. Chỉ biết sở học của tiên sinh đã tới bậc dày dặn, đầy đủ, chất thật có thuật nghiệp thâm uyên thông đạt.
Xảy hồi loạn Tây Sơn, tiên sinh ở ẩn mở trường dạy học, thường học trò đến mấy trăm. Ông Ngô Tùng Châu là môn sinh cao đệ nhất. Thứ đến là các ông Trịnh Hoài Đức, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Quang Định, Lê Bá Phẩm, Ngô Nhơn Tịnh. Bậc danh sĩ là ông Chiêu, ông Trúc đều ẩn dật. Ngoài ra không kể hết được…Các ông ấy đều gặp hồi phong vận, thời trung hưng triều Gia Long đức bậc tôi hiền, có người hoặc sát thân để làm nên điều nhân, hoặc quên mình để trọng tiết nghĩa, thảy đều nên công nghiệp lớn…
Lúc ngự vào Gia Định, đức Thế Tổ Cao Hoàng đế hằng triệu tiên sinh tới đối ứng…Tiên sinh không hứng ra làm quan, nên đại khái không thấy được sự nghiệp. Từ thuở tiên sinh lấy lối học nghĩa lý để giáo hóa, chẳng những đương thời đào tạo được nhiều bậc nhân tài, mà còn truyền thuật, giảng luận, trau dồi về sau”.
Hay tin ông mất, chúa Nguyễn cảm mến, tiếc thương, ban từ hiệu là “Gia Ðịnh xử sĩ Sùng Đức Võ tiên sinh” (nghĩa là bậc xử sĩ Võ tiên sinh, người Gia Định, sùng về đạo đức) để ghi vào mộ.
Để tưởng nhớ công đức của thầy (như cha), Vua Gia Long cũng có đôi liễn tưởng niệm:
Sinh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử
Một hậu thịnh danh tại thế, tuy vong giả bất vong”
Dịch nghĩa:
Lúc sống, dạy dỗ được người, không con mà như có
Khi mất, tiếng tăm còn để, thân tan danh vẫn còn.
Tác phẩm
Cụ Võ Trường Toản là một bực cự Nho thì hẳn ông có nhiều trước tác và sách vở để lại như các vị khác. Nhưng không biết vì lý do gì mà ngày nay chỉ lưu lại duy nhất một bài phú viết bằng chữ Nôm với tựa đề là Hoài Cổ Phú.
Bài Hoài Cổ Phú gồm 24 câu, đối từng đôi.
1.
Rỡ rỡ cúc ba thu, ba thu lụn cúc đà tàn héo;
Hây hây sen chín hạ, chín hạ qua sen cũng rã rời.
2.
Cho hay vực thẳm nên cồn;
Khá biết gò cao hoá bể.
3.
Quán âm dương rước khách xưa nay, đã mấy mươi năm;
Đò tạo hoá đưa người qua lại, biết bao nhiêu chuyến.
4.
Nhấp nháy ngọn đèn trong kiếng;
Lênh đênh bóng nguyệt dòng sông.
5.
Đường Ngu ấp tổn rượu ba chung, dường say dường tỉnh;
Thang Võ chinh tru cờ một cuộc, thoạt đặng thoạt thua.
6.
Của có không nào khác đóm mây;
Người tan hiệp dường như bọt nước.
7.
Lánh non Thú cam bề ngã tử hai con Cô Trúc đã về đâu ?
Luyện linh đan lo chước trường sinh, bốn lão Thương san đà bặt dấu!
8.
Mộng tàn nửa gối, bướm Trang Chu giấc hởi mơ màng;
Xuân lụn mấy canh, quyên Thục đế tiếng còn khắc khoải.
9.
Tha thiết bấy một gò hoàng nhưỡng, ngọc lấp hương chôn;
Ảo não thay! mấy cụm bạch vân, mưa sầu gió thảm.
10.
Ngựa trên ải một may một rủi;
Hươu dưới Tần bên có bên không.
11.
Hán Võ ngọc đường người ngọc nọ xưa đà theo gió;
Thạch Sùng kim ốc của tiền xưa nay đã lấp sương.
12.
Lao xao cõi trần ai, trường hoan lạc gẫm không mấy lúc;
Thắm thiết cơn mộng ảo, đoạn biệt ly há dễ bao lâu.
13.
Nghìn năm hồn phách Hán anh hùng, hồn phách mất người kia cũng mất;
Muôn dặm nước non Đường thế võ, nước non còn đời ấy đâu còn.
14.
Thương hỡi thương! huyền quản cung Tần, chim làm tổ tiếng kêu văng vẳng;
Tiếc ỷ tiếc! y quan đời Tấn, biển nên cồn cỏ mọc xanh xanh.
15.
Cung Tuỳ xưa chim nói líu lo, mấy độ xuân về hoa sái luỵ;
Đài Ngô trước hươu nằm ngả ngớn, đòi ngàn sương ngọn cỏ đeo sầu.
16.
Ô giang đêm thẳm hé trăng mành, quạnh quẽ vó chùng họ Hạng;
Cai Hạ ngày chiều hiu gió mát, phất phơ ngọn cỏ nàng Ngu.
17.
Đài vắng Nghiêm lăng, mấy khúc quanh co sông chảy tuyết;
Thuyền không Phạm Lãi, năm hồ lai láng nước ken mù.
18.
Cho hay dời đổi ấy lẽ thường;
Mới biết thảo ngay là nghĩa cả.
19.
Luỵ rơi non Lịch, Đại Thuấn từng dời tính hai thân;
Sương lọt áo bô, Tử Khiên lại trọn niềm một thảo…
20.
Tôn khóc măng, Tường nằm giá, nằn nằn lo giữ đạo con;
Tích dấu quít, Cự chôn con, nắm nắm đua đền nghĩa mẹ.
21.
Trước đền Trụ mổ gan một tấm, muôn kiếp còn danh để tạc bia;
Dưới thành Ngô treo mắt đôi tròng, nghìn năm hãy người đều nhởn gáy.
22.
Tám trăm dặm xông pha ải Bắc, thương họ Hàn chói lói lòng dân;
Mười chín năm giữ một niềm Tây, cảm ông Võ phơ phơ đầu bạc.
23.
Cật Võ Mục nhuộm thanh bốn chữ, tấm trung thành đã thấu trời xanh;
Áo Thiên Tường ghi đượm hai câu, phương tựu nghĩa chi phai lòng đỏ.
24.
Trời món đất già danh hỡi rạng, luỵ non Ngưu nghĩ cũng sụt sùi;
Biển khô đá rã tiết nào phai, sử họ Mã chép còn tỏ rõ.
(Nguồn: trích từ sách Thành ngữ Điển tích Danh nhân Từ điển, tác giả Trịnh Văn Thanh).