Phụ lục về Thể lệ thi võ

Bộ Binh chúng tôi:

Cẩn tâu thể lệ thi võ cùng các duyên do thỉnh cầu, kính bày đầy đủ dâng lên, ngửa trông lượng Thánh xét soi.

Trộm nghĩ: điều cần để trị nước là ở việc văn và việc võ. Cho nên từ xưa việc kén người văn, võ hai ngành, chẳng bao giờ là chẳng lưu tâm đến việc chọn tài mà dùng vậy.

Quốc Triều ta, trước đã từng mở ra Nho khoa thi Hương, thi Hội để tuyển kẻ văn học.

Đến năm Minh Mạng thứ 7 đã có một kiến nghị về việc thi võ. Chúng tôi kính phụng Thánh Dụ chờ đợi cử hành. Rồi từ khoảng năm thứ 15 đến 18, Bộ chúng tôi tiết thứ đem các điều khoản diễn tập, khảo thí võ nghệ tâu. Kính phụng được phê chuẩn. Duy công việc mới khởi đầu, sự rèn luyện nhân tài hãy còn nông hẹp, trần trờ bấy lâu vẫn chưa cử hành, bởi vì còn phải đợi chờ vậy.

Nay kính vâng Sắc chỉ ban xuống cho Bộ chúng tôi: ”Tham chước nghị luận và thi hành … mọi lẽ – Khâm thử”. Chúng tôi kính cẩn tuân theo. Ngửa trông đức Kim thượng dốc lòng sửa trị, rộng mở tiền qui, khiến cho việc võ giáo sóng đôi cùng văn giáo, do đó mà thâu nạp được nhiều nhân tài để ứng dụng cho Quốc gia.

Chúng tôi trộm nghĩ: Võ cũng như văn, phải nên thời thường diễn tập và huấn luyện cho có phương pháp. Lại nên lập khóa học tập và khuyến khích cho có đường lối rồi sau mới mở khoa thi võ để khảo xét đại thể. Như thế người người dầu nghĩ đến gắng gỏi mà triệt để thi thố, mà việc thâu dụng nhân tài mới có hiệu quả tốt.

Nay Bộ chúng tôi cẩn phụng tra xét các định nghị trước sau trong khoảng năm Minh Mạng cùng đem ra châm chước nghị luật thi hành các khoản.

Kê Khai

PHƯƠNG PHÁP DIỄN TẬP NGÀY THƯỜNG

Phụng chiếu năm Minh Mạng thứ XV, Bộ chúng tôi lập nghị tấu trong đó có một khoản rằng: ”Những địa phương, từ Quảng Bình trở vào Nam, xin do các vị Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chính, Án sát sở tại thông sức trong hạt ai có tài nghệ trội giỏi muốn do lường võ xuất thân thì trước nhất tập cử tạ, rồi đến những bài múa đao, múa thương, đấu côn, dùng lá chắn, máu gậy v.v …, đều được sắm sửa vũ khí để thời thường luyện tập. Về những sách võ kinh cần được thấu đáo. Ai đã luyện tập những môn gươm, dao, lá chắn, côn quyền v.v … thật tinh thục rồi thì cho đến bản tỉnh tường trình để Thượng ty nơi đó xét nghiệm chứng minh, đăng ký họ tên vào sổ mà cấp cho súng, đạn dược để tới trường bắn diễn tập phép bắn.

Lại đến năm Minh Mạng thứ XVIII, Bộ chúng tôi lập nghị tấu lên có một khoản rằng: ”Từ kính trực trỏ vào Nam không cứ là thứ lính ngạch gì, từ hàng suất đội trở lên, đã có chức vụ riêng, còn Đội trường cho đến binh lính và thường dân hễ có sức mạnh và muốn do đường võ cử tiến thân đều cho phép luyện tập trong những lúc rảnh rang công vụ ”Các lẽ”.

Nay xin chiếu theo lập nghị đó thi hành. Phàm những quân dân từ Quảng Bình trở vào Nam đều do viên Thống quản Thượng ty địa phương thông sức cho dân biết ai muốn xin thi võ cần phải dự tập võ nghệ. Trước hết phải tập cử tạ, hoặc hai tay cất nổi 100 cân trở lên bắt đầu đi 5 trượng, dần dà đến 20 trượng, hoặc một tay cất nổi 100 cân trở lên bắt đầu đi từ 10 trượng, rồi đến 40 trượng, khiến cho mọi người nuôi lấy sức lựa. Thứ đến tập những phép đấu dao lá chắn (dùng một miếng gỗ chế ra) đấu côn, đấu quyền. Cho tự chế tạo lấy đồ dùng. Theo đúng phương pháp luyện tập sao cho được tinh thục. Còn về khoản tập bắn súng thì quân nhân phải theo đúng chương trình thao diễn, nhân dân thì cho đến bản tỉnh tường trình diễn tập theo phương pháp. Các địa phương đều nên mở trường đua võ và dự bị dụng cụ sẵn sàng đầy đủ, quân nhân thuộc hàng Quản vệ, Quản cơ hay suất đội đã am thuộc võ nghệ thì một người ra giữ việc khảo thi. Phàm dân có ai muốn tới trường đua võ diễn tập thì do viên quản đốc săn sóc, huấn luyện. Ba ngày 1 lần luân chuyển thao diễn, những môn: cử tạ, đấu côn quyền, dao lá chắn và bắn súng. (những ngày mồng 1, 12, 22 tập cử tạ; những ngày mồng 5, 15, 25 diễn côn quyền, dao, lá chắn; những ngày mồng 8, 18, 28 diễn tập bắn súng). (Những ngày tập ấy nếu trùng ngày giới nghiêm thì cho thao diễn vào hôm trước hay hôm sau). Có ai muốn học sách Vũ kinh thì hoặc tự học lấy, hoặc do các viên giáo huấn giảng cho. Văn lý cần được thông hiểu mà viên Thống quản Thượng ty phải thời thường đôn đốc khiến cho mau được thành tài để kịp thời ứng cử.

Từ Hà Tĩnh trở ra Bắc có khoản nói về việc nên cho nhân dân giảng tập võ nghệ thì xin đợi sau này có bản lập nhị riêng. Duy về quân nhân nào đã từng thao luyện và đã từng trải chiến trận lâu ngày. Nếu có tài, có sức mạnh, tình nguyện do võ cử xuất thân thì cũng đều nhất loạt cho họ được học tập để đợi ứng thí.

PHƯƠNG PHÁP KHẢO HẠCH HÀNG NĂM

Phụng chiếu năm Minh Mạng thứ VII, Bộ chúng tôi đã có tấu nghị về phương pháp mở khóa học để giáo dưỡng binh sĩ.

Hàng năm xin lấy 2 tháng trọng xuân và trọng thu làm kỳ hạn khảo khóa, mỗi kỳ 4 ngày:

  • Ngày thứ nhất: khảo về những nghề cung, dao, côn, quyền, kiếm, lá chắn và dáo mác;
  • Ngày thứ hai: khảo bắn súng;
  • Ngày thứ ba: cử tạ;
  • Ngày thứ tư: hỏi về yếu chỉ vũ kinh.

Thảy đều phân hạng làm 4 bậc: Ưu, Bình, Thứ, Liệt v.v …

Đề nghị này ban đầu tuy chưa thi hành, nhưng phương pháp khảo sát đã nêu lên được những điều đại khái.

Nay chúng tôi thiết nghĩ quân nhân trong lúc rảnh việc luyện tập võ nghệ đó là phận sự vậy. Vả lại đã có người cai quản họ đôn đốc họ rồi. Như thế bất tất phải hạn có khóa trình học tập. Còn như nhân dân tình nguyện diễn tập, tưởng nên lập ra thời khóa sát hạch, để cho có chỗ khác biệt mới đủ biểu thị việc cổ lệ mà mở rộng đường tác thành. Xin cứ hàng năm định làm hai khóa Hạ và Đông, mỗi khóa 3 ngày:

  • Ngày thứ nhất: khảo cử tạ;
  • Ngày thứ hai: khảo tập quyền, dao, lá chắn;
  • Ngày thứ ba: khảo tập bắn.

Mỗi khi tới khóa dạy thì do các Thượng ty sở tại thông sức cho nhân dân. Phàm ai đã có diễn tập võ nghệ đều được ứng khóa. Rồi đốc đồng mời thuộc viên nào có am hiểu võ nghệ thì lấy điều công bình mà giữ việc khảo hạch phân biệt Ưu, Bình, Thứ, Liệt bốn hạng. Người nào được dự ở hạng nào thì ghi luôn vào sổ. Khi mãn khóa liền đem họn tính khấu chia thành đẳng hạng:

  • Người nào ba ngày đầu Ưu hoặc 2 Ưu 1 Bình hoặc 2 Ưu 1 Thứ, đều xếp vào Ưu hạng;
  • Ba ngày đều Bình; hoặc 1 Ưu 1 Bình, 1 Thứ; hoặc 1 Ưu, 2 Thứ, đều xếp vào Bình hạng;
  • 1 Bình, 2 Thứ; hoặc 2 Ưu, 1 Liệt; hoặc 3 Thứ đều xếp vào Thứ hạng.
  • Kém nữa là Liệt hạng.

Những người dự hạng Ưu, hạng Bình được Thượng ty nơi đó chuẩn phê cho miễn binh dịch một năm; hạng Thứ phê miễn nửa năm để được chuyên theo diễn tập. Danh sách khảo khóa đóng lại thành tập sẽ do Bộ giữ để lưu chiểu.

PHÉP KHẢO KHÓA

Ngày thứ nhất – Khảo cử tạ

  • Như hai tay cử nổi 2 quả chì đầu nặng 100 cân, đi được 12 trượng, hay một tay cử nổi 1 quả cũng nặng 100 cân đi được 24 trượng trở lên đều là Ưu hạng;
  • Cử 2 tay đi được 8 trượng, hoặc cử 1 tay đi được 16 trượng trở lên đầu là Bình hạng;
  • Còn cử 2 tay đi được 5 trượng hoặc 1 tay đi được 10 trượng trở lên đều là Thứ hạng.
  • Kém nữa là Liệt hạng.

Ngày thứ hai – Khảo môn côn quyền và đao bài

  • Như cả hai môn cùng diễn đúng phép là Ưu hạng;
  • Một môn đúng phép, một môn khá là Bình hạng;
  • Hai môn cùng trung bình là Thứ hạng;
  • Kém nữa là Liệt hạng.

Ngày thứ ba – Khảo tập bắn

Bắn 6 phát cách xa đóa (ụ đất đắp làm bia) 22 trượng 5 thước làm mực độ.

  • Trúng đích 1 phát, trúng vòng 1, vào đóa 4; hoặc trúng vào đích 1, vào đóa 5; hoặc trúng đích 3, vào đóa 3, thảy đều là Ưu hạng.
  • Trúng vòng 2, vào đóa 4; hoặc trúng vòng 1, vào đóa 5; hoặc trúng đích 1, trúng vòng 1, vào đóa 3, rớt ra ngoài 1, thảy đều Bình hạng.
  • Trúng đích 1, vào đóa 3, ra ngoài 2; hoặc trúng vòng 2, vào đóa 3, ra ngoài 1; hoặc trúng vòng 1, vào đóa 4, ra ngoài 1, hoặc trúng vòng 2, vào đóa 2, ra ngoài 2, hoặc trúng đích 1, trúng vòng 3, ra ngoài 2, hoặc trúng đích 1, trúng vòng 1, vào đóa 1, ra ngoài 3, hoặc trúng vòng 4, ra ngoài 2; hoặc cả thảy 6 phát cùng vào đóa sát vòng ở trong hạng 30 phân; đều là Thứ hạng;
  • Kém nữa là Liệt hạng.

THỂ LỆ MỞ KHOA KHẢO THI

Phụng chiếu năm Minh Mạng thứ XVIII Bộ chúng tôi dâng sớ tâu trong có khoản xin mở khoa thi Hương vào những năm Dần, Tỵ, Thân, Hợi và mở khoa thi Hội vào những năm: Tý, Mão, Ngọ Dậu.

Về khoa thi Hương

  • Kỳ đệ nhất: thi cử tạ;
  • Kỳ đệ nhị: thi côn, quyền và đao bài;
  • Kỳ đệ tam: thi bắn.

Bà kỳ đều trúng cách là Võ Cử nhân.

Trúng hai kỳ là Võ Tú Tài

Lúc xướng danh những Võ Cử Nhân vào phúc hạch sẽ hỏi về Võ kinh cùng vài bốn câu trong sách Tứ Tử. Ai quán thông nghĩa sách thì lúc yết bảng được xếp tên ở hàng đầu.

Về khoa thi hội

Những môn thi trong ba kỳ cũng giống như thể thức thi Hương.

Ba kỳ đều trúng cả là Hội thí trúng cách. Ai kiêm thông chữ nghĩa thì được vào Điện thí còn ai chỉ biết võ nghệ không thôi thì cho miễn Điện thí.

Đợi khi Đình đối xong, trong những quyển văn thi, ai được đủ phân số sẽ được khâm ban Võ Tiến Sĩ còn ai không đủ phân số, sẽ cùng sắp với những người đã trúng Hội thí mà cho miễn Đình thí thảy đều được kể là Võ Phó Bảng để phân rõ thứ bậc v.v …

Lại đã phụng tra qui chế thi Võ của nhà Thanh (bên Trung Hoa) thì kỳ thi Hương định vào tháng 10 những năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu, mà thi Hội thì vào tháng 9 những năm Sửu, Thìn, Vị, Tuất, còn Điện thí mở vào tháng 10 năm sau. Như thế là vào lúc việc thi bên Văn khoa đã hoàn tất và việc thi võ thứ tự trước sau phải khoảng vậy.

Lại tra cứu ở tập Thí lục nhà Thanh cũng có cả Võ sanh thuộc Dân tịch và người quyên Võ chức Võ giám sinh thuộc Kỳ tịch cùng những người Mãn châu Hán tịch trước đã có lĩnh ngạch thôi giáp mã. Như thế thì quân với dân đều đồng thời cùng ứng thí.

Nay xin tham chiếu đề nghị cho mở khóa thi Hương Võ khoa vào những năm: Tý, Ngọ, Mão, Dậu vì mở khóa thi Hội võ khoa vào những năm Sửu, Thìn, Vị, Tuất, sau khi việc thi Văn khoa đã xong xuôi thì cử hành thi võ. Còn về Điện thí cũng xin mở sau một tháng khóa thi Hội về khoa võ đã hoàn tất.

Hết thảy quân nhân các hạt ở ngoài Kinh đô cùng là nhân dân từ Quảng Bình trở vào Nam đều cho được dự kỳ thi Hương. Các cấp quân nhân, tới năm có thi Hương, ai tình nguyện ứng thí sẽ do viên Thống quản Thượng ty s1t hạch qua xem nếu quả thực đã đầy đủ các môn trong ba trường (Tam trường) võ nghệ thì cho nghỉ giả hạn 3 tháng trước kỳ thi để ôn tập. Còn như thể lệ thì xin y theo các điều khoản mà Bộ chúng tôi đã đề nghị vào năm Minh Mạng thứ XVIII (1837).

HƯƠNG THÍ

Kỳ đệ nhất: Thi cử tạ

  • Hai tay cửa 2 quả chì mỗi quả nặng 110 cân (vào khoảng 66 kí lô) đi được ngoài 16 trượng hoặc 1 tay cử 1 quả cũng nặng 110 cân đi được 32 trượng trở lên đều là Ưu hạng;
  • Hai tay cử 2 quả đi được ngoài 12 trượng hoặc cử 1 quả đi được ngoài 24 trượng đều là Bình hạng;
  • Hai tay cử 2 quả đi được ngoài 8 trượng hoặc cử 1 quả đi được ngoài 19 trượng đều là Thứ hạng;
  • Kém nữa là Liệt hạng.

Kỳ đệ nhị: Thi côn, quyền và đao bài

  • Trong 2 môn được một xuất sắc, còn một đúng phép là Ưu hạng;
  • Hai môn cùng đúng phép là Bình hạng;
  • Một môn hợp thức, mộ môn tạm được là Thứ hạng;
  • Hai môn cùng không đúng phép hoặc 1 môn đúng phép mà một rất kém là Liệt hạng.

Kỳ đệ tam: Thi bắn 6 phat đứng cách đóa 22 trượng 5 thước.

  • Trứng đích 2, trúng vòng 1, vào đóa 3; hoặc trúng đích 1, trúng vòng 2, vào đóa 3; hoặc trúng đích 2 vào đóa 4, hoặc trúng vòng 4, vào đóa 2, thảy đều Ưu hạng;
  • Trúng đích 1, trúng vòng 1, vào đóa 4, hoặc trúng đích 1, vào đóa 5, hoặc trúng vòng 3, vào đóa 3, thảy đều là Bình hạng;
  • Tru1ng vòng 2, vào đóa 4; hoặc trúng vòng 1, vào đóa 5; hoặc trúng đích 2, vào đóa 3, rớt ra ngoài 1, hoặc trúng đích 1, trúng vòng 2 vào đóa 2, ra ngoài 1; hoặc trúng vòng 3, vào đóa 2, ra ngoài 1; hoặc trúng đích 1, trúng vòng 1, vào đóa 3, ra ngoài 1, thảy đều là Thứ hạng.
  • 6 phát đều không phát nào trúng hoặc đích, hoặc vòng, mà trệch ra ngoài đóa đến 2,3 phát trở ra; hoặc trúng vào đóa và trệch ra ngoài ngang số, thảy đều là Liệt hạng.

HỘI THÍ

Kỳ đệ nhất: Thi cử tạ

  • Hai tay mỗi tay cử 1 quả chì nặng 120 cân đi được ngoài 20 trượng, một tay cử 1 quả cũng nặng 120 cân đi ngoài 40 trượng đều xếp hạng Ưu;
  • Song cử như trên đi được ngoài 15 trượng, đơn cử đi được ngoài 30 trượng, đều xếp hạng Bình;
  • Song cử đi được ngoài 10 trượng, đơn cử đi được ngoài 20 trượng được xếp hạng Thứ;
  • Kém nữa là hạng Liệt.

Kỳ đệ nhị: thi côn quyền và đao bài

  • Hai môn đều xuất sắc là hạng Ưu;
  • Một môn xuất sắc, một môn đúng phép là hạng Bình;
  • Hai môn đều đúng phép là hạng Thứ;
  • Hai môn đều không đúng phép và chỉ một môn đúng phép là hạng Liệt.

Kỳ đệ tam: Thi bắn 6 phát

  • Trúng đích 2, trúng vòng 2, vào đóa 2; hoặc trúng đích 1, trúng vòng 3, vào đóa 2, hoặc trúng đích 2, trúng vòng 1, vào đóa 3, như thế là Ưu hạng;
  • Trúng đích 1, trúng vòng 2, vào đóa 3; hoặc trúng đích 2, vào đóa 4; hoặc trúng vòng 4, vào đóa 2; hoặc trúng đích 1, trúng vòng 1, vào đóa 4, thảy đều là hạng Bình;
  • Trúng vòng 3, vào đóa 3; hoặc trúng vòng 2, vào đóa 4; hoặc trúng đích 1, vào đóa 5, thảy đều là hạng Thứ;
  • Trúng vòng 1, vào đóa 5, cũng như 6 phát không phát nào trúng đích vào vòng hoặc có trúng vòng, trúng đích mà ra ngoài đóa từ 1 phát trở ra đều là hạng Liệt.

ĐIỆN THÍ

Đề tài thi: hỏi về Võ kinh và ba bốn điều về nghĩa chỉnh ở sách Tứ – Tử cùng những yếu điểm dùng binh của danh tướng các triều đại, ba bốn điều, và về thời vụ, hai ba điều, đại khái là bảy tám điều trở lên. Những thể thức đó cũng tương tự như đề tài thi Tiến sĩ hàng Văn suy ra mà làm. Chỉ cần trả lời mạch lạc, thông hiểu là được, bất tất phải câu nệ về cú pháp ra sao. Quyển văn làm được thông hoạt thế là đúng văn lý được 10 phân điểm; còn thì tùy chước lượng cho từ 9 phân đến 1 phân. Nếu các bài cùng không hoạt cả thì không đủ 1 phân điểm.

Các điều khoản trên đây mà được phê chuẩn thì Bộ chúng tôi xin sao lục tống đạt đến tận Nha môn các hạt trong ngoài để sức rõ cho quân, dân sở thuộc nhất luật tuân theo.

Vả lại sang năm vừa đúng khoa kỳ, xin đến đầu Xuân cho các viên Thượng ty phải xem xét quân nhân dưới quyền cũng như dân chúng các hạt từ Quảng Bình trở vào Nam, kiểm soát lại kỹ càng hễ ai thực đã diễn tập đủ 3 trường võ nghệ thì có thể ứng thí được. Hiện sổ xét là bao nhiêu tên, lập thành danh sách hạn trong ba tháng phải đệ tới Bộ.

Bộ chúng tôi sẽ tùy số người ứng thí xin mở ngay trường thi Hương vũ ở Thừa Thiên, lập Phủ thi cùng trù liệu mọi việc cần thiết. Chúng tôi án khoản tâu bầy rõ rệt, kính chờ Thánh chỉ chuẩn cho thi hành.

Đến kỳ thi, phàm những người được dự thí đều xin cho hợp thi cả ở trường Thừa Thiên.

Sau này nhân tài thành tựu ngày sẽ thêm nhiều, số ứng thí tăng lên, những tỉnh nào đáng để cho mở khóa thi riêng thì chúng tôi lại xin phụng nghị việc đó sau.

Chúng tôi châm chước nghị bà, đồng thời giải rõ các duyên do mà thâu góp lại kính tâu. Cúi đợi Thánh chỉ.

CẨN TẤU.

NIÊN HIỆU THIỆU TRỊ THỨ V,

ngày mồng 8 tháng 8 phụng đề.

Nguyên tháng trên, ngày 10, Nội Các chúng tôi là: NGUYỄN ĐỨC CHÍNH, NGUYỄN CỬU TRƯỜNG, NGUYỄN TƯỜNG VĨNH, TRƯƠNG ĐĂNG QUẾ, NGUYỄN TIẾN HỘI,

Phụng chỉ:

”Thể lệ thi võ vào buổi đầu, trong tập này có xin: Từ tỉnh Quảng Nam trở vào Nam từ Đội trưởng cho đến binh sĩ đều được ứng thí cùng mọi cách thức thi cử đều tùy thuộc LÂM DUY NGHĨA đã tham chước, tạm gọi là thỏa hợp. Duy còn khoản: từ Hà Tĩnh trở ra Bắc, nhân dân cùng được ứng thí nhưng phải chờ nghị riêng sau sẽ liệu là chưa được rộng rãi.

Vả lại triều đình mở khóa thi là để thâu dụng được nhiều nhân tài khiến khỏi bỏ sót. Vậy nay cho từ Hà Tĩnh trở ra Bắc, do các viên Thượng ty địa phương thông sức cho dân thuộc hạt để xét tìm những dân tầm vóc tráng kiện đã tập luyện, am hiểu võ nghệ mà muốn tình nguyện ứng thí thì cho các địa phương quan sát hạch tâu rồi cấp giấy lai kinh để Bộ phúc hạch lại và cho vào tỷ thí với quân nhân để thâu tập quân tài.

Ngoài ra, chuẩn y nguyên nghị, thi hành”.

Khâm thử.

DỤ

Nay cử Đình thần và tòa Nội Các cùng quan địa phương đã được chọn phúc tâu phân minh với sự nhận đủ duyên do gây nên nhầm lỗi tâu trong ba đạo Sớ ấy, Trẫm đã tỏ tường cả.

Trẫm nghĩ rằng: Dù là một chính sách hay là một hiệu lệnh ban ra, ắt phải tự Triều Đình làm trước. Triều Đình ngay thẳng thì trăm quan chẳng dám chẳng thẳng ngay. Tăm quan ngay thẳng thời mọi công nghiệp rõ ràng mà sẽ đem lại nền thịnh trị. Xét nguyên nhân tất phải có lý do.

Trẫm đương độ tuổi trẻ, nối nghiệp lớn. Phàm sự hay tuân hiến chế cũ, thường theo chương điển xưa. May được Cao xanh ban phúc; năm năm vui vẻ được mùa. Hạ dân một lòng quy phục: nhà nhà vẳng tiếng đọc sách, tiếng hòa đàn. Được thế, trước là nhờ trên cao có uy linh đức Hoàng Khảo bên cạnh Thượng Đế, âm phủ bảo hộ, sau là nhờ hàng công khanh giúp đỡ: bên trong thời tỏ lòng rọi sáng, kính cẩn khuyên can, bên ngoài thời thuật thừa phép nước, khuyên hóa lòng dân, do đó mà có được cái cảnh hòa dịu, yên vui như vậy, chứ Trẫm nào có tài năng gì! Cứ nghiệm xem vết tích đã rồi, thì dân cư yên ổn, trộm cướp không còn, tựa hồ chẳng có sự gì đáng nói, nhưng bàn đến cái sự cơ chưa lộ ra thì thấy quan lại nhũng trệ, dân tâm nham hiểm, lòng Trẫm càng canh cánh lo âu, cho nên ăn ngủ không yên, chắc là các khanh cũng đã biết rõ, nên cũng chia phần lo nghĩ với Trẫm.

Trẫm lại nghe rằng: Quan sung sướng lắm thì dân khốn khổ, trên được lợi ích thì dưới phải thiệt thòi. Thực ra cũng bởi những kẻ múa văn, lộng phép, tạ sự làm càn; hoặc nhân xử án thẩm hình, dụng tâm thay đổi cung keo để sách nhiễu hối lộ; hoặc nhân trách lính thúc lương, giả ý đốc sức mà dúng tay vào việc bớt xén; hoặc biếu đãi nịnh nọt để mượn đường tiến thân; hoặc bắt đóng góp nặng nề, hết đường bóc lột để làm nhu dụng riêng cho mình. Xưa nay những mối tệ đoan kể không sao xiết!

Thử nghĩ mà xem: tự thuở khai thiên lập địa, kể từ hạt gạo, sợi tơ,nếu không ở quân mà có, thì cũng ở dân mà ra vậy. Bao nhiêu tài hóa đều là máu, mỡ con dân của Trẫm cả.

Những kẻ nghèo khổ, lều tranh cách nát, đến ngay sự nhật dụng trong nhà, cũng hằng thiếu thốn rõ ràng, thì còn lấy đâu mà cung đốn quan nha, để khỏi phiền trách, dĩ chí tài cùng lực kiệt, trôi dạt bơ vơ. Địa phương quan thường tấu báo về, án từ bề bộn. Tuy Triều đình đã tìm nhiều phương pháp nghiêm cấm điều chỉnh, mà mười phần tệ nhũng cũng không thể bổ cứu được một, hai.

Ôi! Tâm địa con người sao mà tham lam, hèn mạt đến thế nhỉ? Trẫm rất lấy làm quái gở mà cũng rất thương xót nữa. Cổ nhân có câu: ”Gay được một mối lợi, không bằng trừ được một mối hại; Thêm ra một việc không bằng giảm bớt đi một việc”. Công vụ khẩn yếu nhất ngày nay chẳng gì bằng khoan hình, giãn chính, quan thanh, lại thêm; ngõ hầu có thể ngồi khoanh tay mà thiên hạ cũng yên ổn, thịnh trị.

Trẫm vẫn quan niệm sâu xa rằng: giữ sự nghiệp đã thành không dễ, mà lo kế thuật càng thấy khó khăn; phải tu sửa điều ĐỨC, thi hành điều NHÂN; yêu thương muôn dân, săn sóc chính trị. Về phần các khanh phải nên; chêm lo bản phận, theo đúng quan châm. Quan lớn giữ phép, quan nhỏ thanh liêm, bỏ cái trệ, chất chồng tập quán; Buổi sớm thức dậy, trời khuya mới nghĩ, hãy gắng lòng chăm chỉ thận cần. Chính hoa góp phần, trên có thể giúp Trẫm vạch những điều còn sơ sót; mưu lo tiến hóa; dưới có thể khiến dân vui đời sống an vui. Đó là điều rất mong mỏi của Trẫm vậy.

Song le, mênh mang bốn bể, ức triệu con dân, khó lòng nhất nhất hiểu cho thấu suốt, nên Trẫm hạ chỉ giao cho quan Ngự sử và Án sát, bất luận quan dân trong Triều, ngoài Nội, không tuân giữ phép công, mưu toan lợi lộc, xoay sở riêng tư, mà thám xét ra được thực tình, thì lập tức phải tham bặc đích danh đem ra nghiêm thẩm, mà chờ lệnh chỉ trừng phạt cho nghiêm phép nước.

Đến như việc hiến lễ ở Điện Long An, các quan phải đến bồi bái, thế mà lại không đến kịp! Trẫm xét lời lẽ bày tỏ tình tiết đáng lượng thương. Vả đã biết tự vấn tâm, hối lỗi, nên Trẫm cũng gia ân khoan miễn cho cả.

Tuy các công khanh tận tâm với chức nghiệp, phục vụ siêng năng cặm cụi, Trẫm đây đều biết cả. Song le, muốn rằng: đã yên rồi, cần được yên hơ, đã gắng rồi còn mong gắng nữa. Cho nên lời huấn dụ đinh ninh như thế, chứ không phải là Trẫm có ý bới lông tìm vết, bàn suông nói phiếm đâu. Vậy các khanh đều nên trịnh trọng tuân theo, không được xao lãng, nghe!

KHÂM THỬ

NIÊN HIỆU TỰ ĐỨC, NĂM DẬU

Ngày 2 tháng 6.

NGỰ BÚT

Viết một bình luận

error: Content is protected !!