Sinh hoạt của người Sài Gòn xưa

Trong tác phẩm đồ sộ nhan đề: Histoire de la conquête deCochinchine en 1861 (Lịch sử cuộc chinh phục Nam Kỳ năm 1861), Léopold Pallu de Barrière đã mộ tả Sài Gòn năm 1859 như sau:

“Du khách đến Sài Gòn thoáng thấy trên hữu ngạn của con sông một loại đường sá mà hai bên bị đứt đoạn từng quãng một bởi những khoảng không gian trống trải. Nhà cửa phần lớn bằng gỗ lợp lá dừa, một số khác, ít hơn, xây bằng đá. Hàng ngàn chiếc thuyền chen chúc nhau bên sông, hình thành một ngôi làng nổi, …”

Đến năm 1865, Sài Gòn đã có 15. 350 km đường lộ, hai bên đường đều có trồng cây, thường là giống cây me, cây bàng hay cây gỗ tếch. Ban đêm, chính quyền thực dân cho thắp sáng các con đường bằng đèn dầu dừa, …

Trên bộ, phần lớn cư dân đi chân, những nhà giàu có sử dụng xe kiếng. Loại xe này không rõ bắt đầu xuất hiện từ năm nào nhưng đã thấy đề cập đến trong hồi ký Un an de séjour en Cochinchine (Một năm lưu trú ở Nam Kỳ) của một được sĩ Pháp tên M. Delteil, xuất bản tại Paris năm 1887. Xe có 4 bánh, do một ngựa kéo, thùng xe bằng gỗ có cửa kiếng để khách ngồi trong xe có thể nhìn thấy quang cảnh trên đường đi, điều khiển xe thường là người Mã Lai, gọi là xà ích. Đến cuối thập niên 1880, Sài Gòn, Chợ Lớn bắt đầu có xe kéo làm phát sinh thêm một thành phần mới trong xã hội thuộc địa là phu xe kéo.

Vào thập niên 1880, khách sạn nổi tiếng của Pháp ở Sài Gòn là hotel Favre do người Pháp tên Favre khai thác. Khách sạn nằm trên đại lộ chính Catinat giới hạn bởi hai con đường Bonard và d’Espagne, một trong những nơi náo nhiệt nhất Sài Gòn lúc bấy giờ. Khách sạn trang bị nhiều phương tiện hiện đại, ở tầng dưới, có một phòng chơi bi-da, một nhà ăn lớn dành cho những người thích ăn một mình hay những nhóm nhỏ; hai, ba phòng ăn khác dành cho những người ăn cơm tháng. Trong bữa ăn, thực khách được “giải nhiệt” bằng những chiếc panca lớn, một loại quạt treo phía trên đầu, có người kéo qua lại, tạo ra làn gió làm mát người ngồi dưới. Ở tầng lầu 1 và 2 là khoảng 50 – 60 phòng ở, mỗi phòng đều có trang bị riêng một vòi hoa sen, bồn tắm, vòi nước, … So với đời sống cách nay hơn 100 năm, những tiện nghi trên quả là không dễ kiếm. Giá thuê phòng từ 13 đến 15 đồng (tương đương 65-75 quan Pháp) mỗi tháng, nếu ăn cơm tại khách sạn phải trả thêm 30 đồng. Bữa ăn đầy đủ chất lượng: rượu vang, nước đá, cà phê, rượu mùi và 10 món ăn để thực khách chọn lựa, …

Sinh hoạt của những người Âu vào cuối thế kỷ XIX khá đơn điệu. Họ dậy lúc 6 giờ sáng, làm vệ sinh và đi làm cho đến 10 giờ. Bữa ăn trưa diễn ra lúc 10 giờ 30 phút. Giữa trưa, họ lên phòng và kéo dài giấc ngủ trưa đến 2-3 giờ chiều. Lúc này, Sài Gòn như một thành phố chết, cửa hàng đóng im ỉm, cửa nhà cũng không mở.

Từ 2 đến 3 giờ chiều, thành phố thức giấc, mỗi người quay lại công việc đang chờ cho đến 5 giờ chiều mới trở về nhà. Đó là lúc mà thành phố tỏ ra náo nhiệt nhất.

Sài Gòn thập niên 1880 có vẻ thích hợp với câu nói mà  người ta thường gán cho Paris: đó là “thiên đường của phụ nữa và địa ngục của loài ngựa”. Thực vậy, Sài Gòn lúc đó đã có đến 400 chiếc xe ngựa cho thuê!

Bữa cơm tối của người châu Âu tại Sài Gòn bắt đầu lúc 7 giờ 30 phút, khi màn đêm đã buông xuống hoàn toàn. Sau đó phần lớn thanh niên và người độc thân đến các câu lạc bộ hay vào quán cà phê, ngồi uống bia ướp lạnh và có khi vui chơi đến sáng.

Trong tập hồi ký Mes trois ans d’Annam (Ba năm ở An Nam của tôi) (1), Vassal đã bối rối không làm sao phân biệt được giới tính của những người chèo xuồng. Thời đó, người Sài Gòn, nam cũng như nữ, đều mặc quần dài và áo rộng, tốc cũng đều cuộn lại thành búi tó. Quan sát kỹ mới thấy ở phụ nữ, búi tó nằm ở vị trí cao hơn, phía trên đấu, chiếc áo rộng cũng dài hơn. Về vóc dáng, người Sài Gòn đầu thế kỷ XX, đàn ông ít khi vượt quá 1,60m chiều cao, phụ nữ còn thấp bé hơn nữa.

Để làm sạch đường phố trong mùa khô, chính quyền thành phố Sài Gòn cho xe đi tưới nước trên đường mỗi ngày hai, ba, thậm chí bốn lần. Dến thập niên 1880, đường phố Sài Gòn đã có 5 đại lộ, 39 đường và 3 bến tàu, dài tổng cộng 36,635 km; so với năm 1865 đã tăng thêm hơn 20km.

Trước năm 1878, nước uống của cư dân thường lấy từ các giếng đào cạm hay sông, rạch nên không đảm bảo vệ sinh. Sau này thực dân Pháp cho lấy nước từ một con suối, đưa vào bể lọc và cung cấp cho dân thành phố mỗi ngày 16.000  mét khối nước. Năm 1878, một tháp nước khổng lồ được xây dựng ở đầu đường Catina, tại vị trí nay là Hồ Con Rùa. Tháp nước này tồn tại được 48 năm, đến năm 1921 thì bị phá hủy.

Dân bản xứ (sau phong trào cúp tóc năm 1907) mặc quần dài trắng, mang giày tất ngắn; đầu đội khăn nhiều nếp. Các nông dân (2) mặc quần dài trăng, áo rộng màu xanh sẫm, đôi khi vá chằng vá đụp. Họ đi một bên đường, người này bước sau người kia, chân không mang giàu dép gì cả. Một vài người cầm trên tay một đôi giày păng-túp kiểu Tàu mà họ cố để dành cho những dịp trọng đại, tay kia cầm một chiếc dù che trên đầu. Đối với người nông dân ỏ Sài Gòn thời đó, có một chiếc dù loại dành cho các quan lại khi xưa là điều hãnh diện lớn. Còn công nhân làm ở các hãng xưởng thì thay cho chiếc khăn quấn quanh đầu như các thầy thông ngôn là một chiếc khăn mùi-xoa hoặc một mảnh vải nhỏ quấn vụng về trên búi tó.

Những phụ nữ bản xứ có mức sống cao thì ngồi xe kéo, đầu đội một chiếc khăn bằng lụa màu nhạt hoặc dùng một chiếc trâm bằng vàng cài lên chiếc búi tó đen nhánh.

Khi mặt trời đã ngả về tây, các gia đình người bản xứ ở Sài Gòn tụ họp trước túp lều, bên cạnh mâm cơm. Lúc trời đã tối mịt, người ta đốt đèn dầu trên bàn thờ và thắp hương. Tất cả vào nhà đóng cửa lại. Sự im lặng của khu xóm thỉnh thoảng bị phá vỡ bởi tiếng khóc của trẻ con và lời ru nhè nhẹ của người mẹ.

(1): NXB Hachette, Paris, 1912.

(2): Nguyên văn trong hồi ký của Vassal.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!