Lễ duyệt binh tại Sài Gòn năm 1865

Sáng 14 – 8 – 1865, một cuộc duyệt binh lớn kèm theo nhiều trò chơi dành cho dân bản xứ đã diễn ra tại Sài Gòn, được tờ nhật báo Courrier de Saigon số phát hành ngày 20 – 08 – 1865 tường thuật lại:

“Buổi sáng sớm, từ pháo hạm Duperré, 21 phát đại bác nổ vang, đánh thức những người còn lười biếng dậy. Người ta vội vã mặc quần áo để không bỏ lỡ buồi duyệt binh.

6 giờ rưỡi sáng, tất cả binh lính tập trung trên quảng trường Đồng Hồ (1) để được quan Đề đốc, Thống đốc duyệt qua. Theo sau họ là những đám rước cùng các quan chức An Nam (2) và các bang trưởng người Hoa trong những bộ quần áo lộng lẫy.

Buổi duyệt binh bắt đầu.

Đội hiến binh mở đường rồi đến các lính thủy trẻ người An Nam thay cho các thiếu sinh quân, các thủy quân Pháp mang súng, thao diễn với sự chính xác của những người lính cận vệ già, lính thủy quân lục chiến, …

Lúc 7 giờ, các công chức có mặt ở nhà thờ (3). Các vị quan tòa đến, theo sau là đội lính danh dự hộ tống, …

Đề đốc (4) được Giám mục De Dansara đón tiếp ở cửa nhà thờ. Lúc ấy bên trong đã đông, các giáo dân An Nam, đàn ông Pháp, một số rất ít phụ nữ Pháp gặp nhau ở đây.

Đến giữa trưa, 21 phát đại bác nổ vang. Hai giờ sau, mọi thứ trò chơi như con quay, tụt dốc, leo cột mỡ, … lôi cuốn người An Nam đến bến tàu.

Ba giờ chiều, 3 phát đại bác lại nổ vang trên tàu Duperré, báo hiệu bắt đầu cuộc đua thuyền có sự tham gia của ghe thuyền An Nam, thuyền chiến và tàu buôn. Từ rạch Bến Nghé (5) đến cầu Lính Thủy (6) được trang hoàng một cách khéo léo, đó là chỗ đứng của ông Thống đốc cùng các thành viên của Ủy ban tổ chức cuộc đua thuyền. Đó cũng là mức đến sau một đoạn đường đua dài khoảng 1 dặm.

Phần hấp dẫn thực sự trong các cuộc đua thuyền, chính là cuộc đua thuyền An Nam. Dưới sức nặng của 40 ay 50 tay chèo, xuồng chìm chỉ còn cách mặt nước chừng vài lóng tay. Từ vị trí mà chúng tôi đứng, chỉ nhìn thấy một khối hỗn độn, những thân người chen lấn nhau với màu nâu óng ánh như đồng cỏ. Khi tất cả đoàn thuyền cùng chuyển động, người ta có thể nói đó là một trong những đoàn tàu chiến ở những hòn đảo của vùng biển Nam mà các nhà hàng hải của thế kỷ trước từng nói đến.

Khi mặt trời lặn, lải 21 phát súng đại bác nổ vang, báo hiệu việc hạ cờ. Buổi tối một bữa ăn với 35 phần ăn, quy tụ bên bàn ăn của Thống đốc có mặt các nhân vật như Giám mục De Dansara, lãnh sự của Nữ hoàng Y Pha Nho, các giới chức ngành tư pháp và thương mại, trưởng các cơ quan, v. v … Sức khỏe của Hoàng đế Pháp được chúc tụng qua tiếng ly cốc chạm nhau và người ta uống cho sự thịnh vượng của Nam kỳ.

Lúc 8 giờ rưỡi tối, Đề đốc cùng một đoàn hộ tống gồm hàng trăm người cầm đuốc đi ra quảng trường Đồng Hồ, nơi đã chuẩn bị sẵn pháo bông. Sài Gòn đang ở vào mùa mưa, trời đổ mưa nhưng chưa đủ để ngăn cản cuộc đốt pháo bông đạt đến thành công. Cứ mỗi chùm pháo bông đẹp được bắn lên là có những tiếng trầm trồ thán phục. Cuối cùng là chùm pháo bông có hình chiếc huân chương Bắc đẩu bội tinh mỗi cạnh có dấu tên của Hoàng đế Pháp và Nữ hoàng Y ha Nho, làm nổi bật màu lam ngọc trên những chùm tia sáng.

Công chúng trẩy hội theo sau cuộc rước đèn trên các con đường của thành phố.


(1): Place de l’Horloge: ở góc đường Đồng Khởi và Nguyễn Du ngày nay.

(2): Từ Annamite thời ấy chỉ người Việt Nam nói chung. Trong khi đó, từ An Nam dành để chỉ phần lãnh thổ Trung Kỳ, phân biệt với Bắc Kỳ (Tonkin) và Nam Kỳ (Cochinchine).

(3): Đây là một nhà thờ nhỏ có trước nhà thờ Đứa Bà tại Sài Gòn.

(4): Vào thời điểm này, Thống đốc là Đề đốc Roze, tạm thay De la Grandière về Pháp.

(5): Arroyo Chinois.

(6): Pont de la Manne.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!