Dự kiến ngày 20/4/2015, đại lộ Nguyễn Huệ mới sẽ được đưa vào sử dụng sau một thời gian che chắn bít bùng để nâng cấp, khi đó, phần lớn mặt đường được dành cho đi bộ. Như vậy, một trong những con đường đẹp và sầm uất nhất Sài Gòn đã mang một diện mạo rất khác sau hơn 300 năm hình thành và phát triển của vùng đất này.
Như đã giới thiệu trong bài trước (về thành Bát Quái và thành Gia Định), mặt nam thành Bát Quái nằm ở trục đường tương ứng với đường Lê Thánh Tôn hiện nay, ở mặt này có hai cổng là cổng Càn Nguyên và cổng Ly Minh. Để thuyền bè dễ dàng cập bến vô thành, một con kênh mang tên là kênh Lớn được đào từ sông Sài Gòn đến gần hai cổng thành trên, vị trí của kênh này tương ứng với đường Nguyễn Huệ ngày nay. Do người Hoa mua bán trao đổi vải rất nhiều trên đoạn kênh này nên người ta còn gọi đây là kênh Chợ Vải.
Năm 1859, người Pháp chiếm Sài Gòn, đổi tên kênh Chợ Vải thành kênh Grand (cũng có nghĩa là kênh lớn). Năm 1861, kênh Grand lại được đổi tên thành kênh Charner, tên của đô đốc người Pháp có công với nước Pháp là … chiếm Nam Kỳ. Đường hai bên bờ kênh đặt hai tên khác nhau (giống như Trường Sa với Hoàng Sa hai bên kênh Nhiêu Lộc bây giờ) là đường Rigault de Genouilly (ông này cũng như ông kia, được đặt tên đường vì có công với nước Pháp) ở phía có Tax, Rex còn phía bên kia là đường Charner.
Con kênh này vẫn còn chảy cho tới năm 1887 thì người Pháp cho lấp kênh, từ đó hai con đường hai bên được nhập lại và được đặt tên chung là đại lộ Charner, nhưng dân mình không thích xài tên đó, con đường có do lấp kinh thì cứ gọi là đường Kinh Lấp. Về hình hài thì con đường này vẫn như vậy cho tới nay, còn về tên gọi thì được đổi một lần nữa thành đại lộ Nguyễn Huệ vào năm 1956.
Đã từng sống ở con đường này trong trong suốt thời niên thiếu, tận mắt chứng kiến rất nhiều đổi thay nhưng tôi vẫn có cảm giác đường Nguyễn Huệ vẫn chưa mang tầm vóc xứng đáng với vị trí của nó ở Sài Gòn, hy vọng rằng sau khi sửa chữa lớn lần này, đường Nguyễn Huệ sẽ lột xác trở thành con đường trung tâm theo đúng nghĩa của nó.