Bữa nọ ông Ó đi chợ, có gặp một người đờn bà cùng ở một làng với nhau, gặp ông Ó thì hỏi rằng:
– Đi chợ sao ông? Nói láo nghe chơi! (vì ổng hay nói láo thường, nên ai gặp cũng nói không sợ mích lòng).
Ông Ó day lại thấy người đờn bà biết người ấy ở xóm trên trong làng mình, bèn nói tỉnh tuồng rằng:
– Ủa! Đi chợ sao em? Hèn gì ở nhà thằng chồng em nó tung hoành. (Nguey6n người đờn bà ấy, chồng có tánh hay say rượu. Có vợ ở nhà thì chồng nó không dám uống rượu; mỗi lần vắng mặt vợ thì đều say mà hễ say thì thay gây gỗ đánh lộn với bợm say khác, nên Ó biết ý mà nói láo cho con vợ thất kinh, mới nói làm vậy.)
Con mẹ nọ nghe nói, hỏi việc gì mà tung hoành?
Ó nói:
– Tao nghe mõ om sòm, tao hỏi thăm mấy người chạy mõ về nói thằng chồng mầy nó say rượu rồi đánh lộn với người nào đó, đánh bằng cái vi tiền (1) lỗ đầu người kia nên chủ quán sợ ra la làng và đánh mõ, dân tới đã bắt ba người đóng trăng trong nhà làng, vậy em không hay sao?
Con nọ nghe thất kinh chạy về thì không có gì hết.
Ngày khác gặp ông Ó, nó trách rằng:
– Sao ông ác dữ vậy? Làm cho tôi hết hồn chạy về bỏ quên đồ đạc ngoài chợ chúng lấy của tôi hết!
Ó nói:
– Tại em biểu qua nói láo. Nói láo là vậy đó!
(1): Cái vi tiền: Ngày xưa ông bà ta xài tiền điếu, rất bề bộn. 600 trăm đồng mới vô một quan. Muốn tiện khỏi đếm, nên chế ra cái vi, tức lấy một miếng ván dày, móc mương để lọt đồng tiền dựng bề dày, cứ đầy một hàng là kể một quan, muốn mấy quan thì móc mấy hàng mương v.v
Tôi từng thấy cái vi tiền, nhớ hình nó dài và dẹp như cái bàn toán Tàu.
Trong Đại Nam Quốc Âm tự vị Huỳnh Tịnh Của cắt nghĩa: Cái vi: cái vỉa tiền, đồ để mà lấy mức tiền quan. Vi tiền là để tiền vào vi mà lấy mức.