Có tên kia con nhà giàu, tánh hay chơi bời, khi thì theo ghe chài ghe lưới, lúc lại theo bạn săn bắn. Bữa nọ đi săn với bọn săn trong rừng gần nhà ông Ó. Tên nầy thấy dấu heo rừng ủi thì hỏi ông Ó rằng:
– Ai làm gì đào hang đào lỗ vậy ông?
Ó rằng:
– Đó là heo rừng ủi chớ gì.
Tên kia hỏi rằng:
– Heo rừng cũng như heo mình, sao đất cứng như vầy mà nó ủi được? (là vì nó ủi lúc đất chưa khô.)
Ó rằng:
– Trời sanh nó có một cái nầm (1) trên mỏ nó cứng như sắt, để cho nó cạy đất kiếm ăn.
Anh ta thuở nay tuy nghe nói heo rừng, nhưng mà chưa hề thấy, nên tưởng thiệt. Kế một lát bọn săn giết được một con heo rừng. Tên nhà giàu mừng lấy dao nhỏ trong lưng xẻ cái mỏ con heo mà kiếm cái nầm, không thấy gì hết, mới hỏi ông Ó rằng:
– Ông nói heo rừng có cái nầm trước mỏ, sao tôi kiếm không có?
Ó trả lời rằng:
– Lời tục nói “người chết, của hết”. Cái nầm ấy là của trời cho riêng nó mà nay nó chết rồi thì của hết, còn đâu mà cậu hỏi?
(1) Nầm: đồ làm bằng sắt, hoặc bằng cây giống chiếc đũa mà giẹp một đầu, có thể mà cạy mà xoi (như nầm cạy vú cau). Vót nầm, rèn nầm.