Xưa nay lời tục hay nói “hễ giấu đầu thì ra đuôi”, là cố ý nói hễ chuyện có quả, thì giấu không nhẹm đặng.
Tổng An Phú hạ, làng Long lập, gọi là chợ Đá Bàn, có một người quê quán ở đâu không rõ, đến ở ngụ tại chợ Đá Bàn, mà buôn bán rất nên đắc thời, chẳng bao lâu thì trở nên một vị nhà giàu. Trong làng thấy anh ta có tiền thì của làm chức hương trợ.
Tên hương trợ nầy có năm đứa con, ba gái lớn, hai trai nhỏ. Mà ba chị gái nầy đều có bóng sắc mà ngặt có tật nói ngọng hết cả ba. Ngày ngày ba chị em thường lo chải gỡ mà không dám đi đâu, sợ e ra đàng nói lộ ra người ta biết mình nói ngọng người ta chê cười. Nội xóm đó ít ai biết.
Theo tục lệ của làng, tháng mười thì “cầu an”, hát một chầu cho thiên hạ xem chơi. Ba chị em rủ nhau đi coi hát. Con chị cả bèn dặn hai em rằng: “Đi vô coi hát thì cứ coi hát, thấy sự gì cũng đừng nói, nếu nói ra họ biết mình có tật nói ngọng, họ đồn bậy thiên hạ chê cười. Dặn rồi ba chị em ra đi vào đình coi hát.
Trong đình đang hát tuồng “trá hôn”, lớp Trần Tử Minh đi học gặp cọp đem dưng hòm ấn. Cọp thì là đội cái đầu cọp, mình mặc áo vằn, lom xom nhảy ra đón đàng làm bộ hự hẹ; thằng hề theo cậu, ngó thấy cọp thì sợ leo cây.
Con em út ngó thấy lấy làm lạ, không biết con gì, làm cái gì mà không hiểu gì hết, tức mình quá, liền hỏi chị thứ hai rằng:
– Ị a ó àm ái ì ậy? (Chị ba, nó làm cái gì vậy?)
Con chị ba nó nghe em hỏi thì giận lắm bèn nói:
– Ị ai dã ặn ừng ói à ọ ết ìn ói ọng ao ầy ói? (Chị hai đã dặn đừng nói mà họ biết mình n1i ngọng, sao mầy nói?
Con chị lớn nó nghe nói lộn xộn thì nổi giận la con em thứ ba rằng:
– Ó ói ì ặc ó ai iểu ầy ói! (Nó nói gì mặc nó ai biểu mầy nói!)
Té ra ba chị em đều nói lòi mối chị nào cũng nói ngọng. Mấy người ngồi gần đều cười rộ lên, có người lại nhạo rằng:
– Ai ói ặc ai àm ì ười. (Ai nói mặc ai làm gì cười.)
Ba chị em mắc cỡ bỏ ra về, ấy đó xưa nay hễ người nào có chuyện mà giấu thì sao họ cũng hay.
Luận như ba chị nầy giấu tật ngọng thì ắt phải mang tật câm.