Tiết tháng sáu tháng bảy, mấy người làm ruộng đào khoai đặng lấy đất ấy mà cấy lúa. Có một bữa ông Ó đi thăm bà con về, trời thì gần tối mà đường về nhà còn xa, Ó tính ghé vô xóm ngủ nhờ một đêm sáng ra sẽ về.
Khi ghé vô một nhà kia thấy trong nhà lớn nhỏ đều xúm nhau mà lựa khoai, mấy củ thúi mấy củ sùng thì bỏ riêng ra; còn trên bộ ván ngựa gần đó có một mâm cơm để sẵn.
Ông Ó muốn kiếm một bữa lót lòng, mới bày chuyện ra mà làm như vầy: bèn ngồi xuống lượm mót mấy củ khoai thúi và khoai sùng, lấy khăn gói lại.
Chủ nhà thấy vậy hỏi:
– Ông lượm đồ ấy làm chi?
Ó rằng:
– Đem về đặt rượu.
Chủ nhá nghe nói mới hỏi làm sao mà đặt rượu gì với khoai sùng?
Ó nói:
– Tôi có học với một người chệc (tiếng gọi người Trung Hoa ngày xưa) làm rượu Sử quốc công.
(Nguyên thuở ấy người khách có đem qua bán một thứ rượu đựng trong cái ve đen thui kêu là ‘gia bì’. Rượu Sử quốc công mùi nó như khoai sùng). Bởi vậy nên Ó mới đặt chuyện mà nói láo.
Ó rằng:
– Lấy khoai sùng đâm cho nát, nhồi một cục để một đêm, rồi gia vô năm vị thuốc, lấy lá chuối gói như làm cơm rượu vậy, ba đêm ba ngày, mở lá ra bỏ vào khạp đậy nắp cho chặt, lấy hồ dán cho kín để đủ mười lăm ngày thì cái xác khoai lặn xuống hết. Đoạn múc nước ấy mà ra chai hoặc ra bì thì ngon hết sức; như muốn uống cho ngọt ngọt thì mỗi khạp phải bỏ vào bốn lượng đường phèn.
Người nhà ruộng nghe nói dễ như vậy thì ham, bèn mời ông Ó ăn cơm rồi phụ với Ó lựa khoai thúi khoai sùng, lấy cối đâm một cối, nhồi cục để đó.
Sáng ngày sau, Ó nói đi chợ bổ thuốc rồi đi luôn không trở về. Chủ nhà trông tới tối ngày không thấy trở lại, khi ấy mới hay bị gạt.