Tại xứ Gò Dầu Hạ, thuộc hạt Tây Ninh, có một người tên là Tư Cội, nhà ở gần Doi Cá Bông. Vợ chồng chuyên nghề cày cấy rẫy bái.
Tên Cội nầy có tánh hay nói phách lắm, hễ ai nói chuyện yêu ma thì va nói hùa theo, và chủi yêu ma, lại nói cổi quần đánh ma chạy như dông.
Năm bính thìn (1) nhằm thiết tháng ba tháng tư, trời mới sa mưa dông, ngoài đồng ếch nó kêu vang tai, có nhiều người trong xóm đi soi ếch. Có bà thị Liệu ở xóm trên, bà cháu đi soi ếch đi ngnag nhà Tư Vội kêu rủ đi.
Cội lấy đèn lấy giỏ đi theo, ra tới đồng thì phân chia nhau, một người một nơi mà soi, bà cháu thị Liệu nghe phía hố có nhiều ếch kêu thì đi lại đó mà soi. Thật chỗ hố đó ếch nhiều quá, bà cháu mừng lắm, soi một lát thì gần đầy giỏ.
Ngựa ở đâu không biết nó chạy tới hí om sòm, bà cháu thị Liệu sợ ngựa đạp, lật đật chạy, ngựa nó rượt riết theo, chạy một hồi đèn đuốc tắt hết, nghe vắng vẻ, bà cháu ngồi thở dốc. Còn giỏ thì văng nắp, ếch nhảy ra sạch trơn, bà cháu liền đi theo đèn khác mà mồi đèn của mình, đặng đi kiếm ít con về sáng nấu canh.
Khuya rồi ai nấy về tựu nhau nơi mé triền, hỏi thăm nhiều ít. Bà cháu thị Liệu nói lại việc đi soi dưới hố bị ngựa rượt.
Mấy người kia nói:
– Úy! Bà già gan thiệt, cái hố đó ếch nhiều mà ma cũng nhiều, năm ngoái nó nhát sắp tôi chạy ỉa trong quần!
Bà già nói:
– Mà tôi có biết ở đâu!
Mấy người nói:
– Năm nay nó làm ngựa rượt đó là nhẹ, chớ năm ngoái nó làm mẹ con ông thầy rượt (2), mấy đứa chạy tháo mồ hôi, đứa thì đái trong quần, đứa thì ỉa trong quần.
Tên Cội nghe nói thì nói:
– Mấy anh dở chớ như tôi, thì tôi cổi quần đánh nó biến mất.
Nó lập dập rồi ai về nhà nấy.
Cách hai ba ngày, có một bữa chiều trời mưa lớn lắm, rồi cứ mưa dầm hoài mà lại có hơi gió rao rao, gần tối thì thị Liệu chạy nói:
– Bà tôi biểu lại nói với bác Tư chờ bà tôi đi soi với.
Tư Cội ừ. Con Liệu đi về một lát lâu thì trời tối, mà sao gió vụt vụt, bà cháu thị Liệu sửa soạn đi, bà già liền phát nóng lạnh, bà già nói:
– Sao tao lạnh quá run, để tao trùm một lát cho bớt lạnh rồi đi.
Bà già thì trùm chiếu dặn con cháu một lát rồi kêu tao. Con nhỏ nằm xó ró lối ván rồi ngủ, bà già trùm chiếu ấm cũng nghủ.
Tư Cội chờ lâu quá không đặng, liền xách giỏ cầm đèn ra đi, vừa đi vừa nói:
– Mưa dầm ếch nó bắt cặp nhiều lắm, họ nói dưới hố nhiều ếch lắm, mà nhiều ma, vậy thôi mình không xuống hố, mình đi dựa mé cũng có.
Nói rồi anh ta đi đến gần mé hố, thấy ếch bắt cặp ngồi liên miên, anh ta ham quá cứ cúi đầu đi tới lượm hoài, đi lần tới giữa hố thì lượm ếch gần đầy giỏ, liền gặp bà con Liệu.
Cội liền hỏi:
– Bà làm gì mà lâu quá tôi chờ hết sức không đặng?
Bà già nói:
– Tôi đi ngang kêu om thì thím nói chú đi rồi, tôi lật đật đi theo; mà chỗ nầy ếch nhiều quá, tôi lượm cũng gần đầy giỏ, mà bây giờ sao tôi lạnh quá chừng, đi không đặng. Thôi xin chú đem giùm tôi về, chớ chịu dầm mưa lâu quần áo ướt hết, lạnh lắm; nếu ở lâu nữa lạnh chết đi.
Cội nói:
– Thôi, bà ngồi đó đợi tôi lượm thêm ít cặp nữa cho đầy giỏ rồi về luôn.
Bà giá nói:
– Thôi, xin chú đem tôi về rồi chú trút nửa giỏ êch của tôi đó.
Cội nghe nói thì ham liền chịu đem bà già về. Nắm tay bả mà dắt, thì bả té lên té xuống, chơn run lặp cặp, đi cả canh mà đâu còn đó.
Cội liền hỏi:
– Vậy chớ con Liệu sao không đi với bà?
Bà già run rẩy nói:
– Nó mắc nóng lạnh.
Cội nói:
– Báo hại khuya khoắc rồi.
Bà già nói:
– Thôi, xin chú chịu khó cõng tôi một đỗi lên tới mé đồng cho dễ đi, thì tôi ráng tôi đi, tôi cho chú hết giỏ ếch.
Tư Cội có lòng tham, liền kề lưng cho bà già đeo cổ mà cõng đi.
Ban đầu mới cõng thì nghe nhẹ nhẹ, lâu lâu sao nghe nặng nặng, đi gần mé đồng thì nặng lung.
Cội nói:
– Sao bây giờ là nặng lung lắm vậy?
Bà già nói:
– Tại quần áo ướt, đi xa nó thấm nó nặng.
Cội ráng đi một đỗi nữa, thì chắt lưỡi kêu trời mà nói rằng:
– Trời đất ôi, bà nầy bả là ma quỉ chi mà nặng dữ vậy?
Bà già nói:
– Tôi không phải quỉ, cũng không phải yêu, cũng không phải ma; tôi là cây vên vên ngâm nước lâu năm nên nặng.
Cội nghe nói vậy thì trong mình đều mọc ốc, giơ tay lên mà xô bà già xuống, thì bà già đeo cứng trên lưng. Cội sợ quýnh, bà già thò tay rờ mặt tên Cội thì tay lạnh như đồng. lại biểu:
– Chú có sợ mà thì cổi quần mà đánh.
Lúc đó Cội sợ quá, quăng hai giỏ ếch, quăng đèn, hai tay giơ lên xô bà già ai ngờ thò tay lên thì đụng nhằm một tấm cây. Cội sợ quá vừa la vừa chạy, mà tấm cây đó nó cũng dính trên lưng. Chạy về tới nhà, Cội xô tấm cây rớt xuống một cái đụi giữa sân. Anh ta tông cửa chun vô nhà té ngữa nơi ván nói không ra tiếng.
Vợ thắp đèn ra sân coi thì thấy một cái nắp hòm “vỏ măng”, mối ăn hết nửa (3). Vợ xách đèn trở vào nhà kêu chồng thì không ơi hử chi hết, mở con mắt trao tráo đó mà thôi. Vợ sợ chết, hú hồn hú vía cả canh mới ơi hử.
Sáng ngày thiên hạ lối xóm đến thăm, có bà cháu con Liệu đến, Cội thấy mặt bà già thì sợ vụt chạy, ba bốn người bắt lại mới đặng, mà xem bộ mặt lơ láo hết hồn, cứ khi không rồi làm bộ dớn dác vụt chạy, ngày ngày có người giữ.
Lối xóm biểu đi rước thầy pháp đến chữa đuổi ta ma ra và truy hồn truy vía mới an. Người vợ liền mớn người lên Bàu Đôi mà rước thầy Pháp tên là Tân, vốn lả thầy có danh. Thầy đến nơi bày bố đàn tràng mà chữa một ngày một đêm, rồi truy hồn truy vía, lại cho uống bùa uống ngải, lớp thì uống thuốc bắc, chín mười ngày mới khá mạnh.
Từ đó về sau, anh ta không dám đi đâu ban đêm, cũng không dám nói phách nữa.
Trong xóm làng có nhiều người nói:
– Thằng Cội nó nhát như cheo mà hay nói phách, nên nó mắc một chuyến như vậy, sau hết nói phách. Dầu nó chết thiệt, cũng không ai thương.
(1) Năm bính thìn là 1856, tức năm thứ 9 đời vua Tự Đức
(2) Ông thầy đây là cọp, vì dân chúng sợ quá nên kiêng, không dám gọi đến tên.
(3) Ngày nay dùng hòm đóng theo kiểu Tây phương; một ngày kia con cháu ta quên hết các danh từ cũ, nên tôi xin ghi lại đây để nhớ, các loại hòm xưa có:
- Hòm đất: hòm để mà liệm kẻ chết, cũng kêu là hàng đất (vì tránh tiếng hòm)
- Hòm vỏ măng: Hòm nắp đậy khum khum giống cái vỏ măng (có người gọi hòm lá sen)
- Hòm nắp trắp: hòm đậy nắm bằng mà có chấn bốn gốc cùng chạy chỉ
- Hòm mái: hòm trệt, bằng nắp mà mỏng, làm đơn sơ
- Hòm chưn ngang (nói hòm chưn nhang là trật): hòm không trạm trổ, của người nghèo thường dùng
- Hòm lèo: hòm có chạm trổ bốn phía mặt
- Hòm sức: hòm lớn mà nặng, thường đóng bằng cây quí và gọi là hàng sức
- Hòm Tàu: hòm đóng theo kiểu người Tàu, và thường sơn mài và mạ vàng
- Trại đóng hòm thì thường gọi trại hàng. Đi mua hòm thì gọi đi nhắc hàng
- Hòm rương là hòm đựng tiền bạc của cải
- Hòm xe (trong Nam gọi rương xe): rương có tra bánh, đẩy được; rương xe giường hòm
- Hòm gương: hộp đựng gương soi mặt cùng các món đồ trang sức
- Hòm ấn: hộp để ấn son.