Tân Bình phủ quyền tri phủ, kiêm lý Bình Dương huyện, ti chức Nguyễn Hữu Đạo,
Bẩm
Vì việc kiện ruộng đất, đem lời tiêu khai kiết nghĩ bẩm tường: nguyên ngày 28 tháng 11 năm nay, có tên Lý Văn Tài là dân làng Hòa Hưng đầu đơn kiện Trần Văn Trực, là dân làng Phú Thọ, giành một sở ruộng của cô nó là Lý Thị Thành, ti chức có đòi làng tổng cùng nội vụ tới nha.
Cứ đơn Lý Văn tài, là dân làng Hòa Hưng, thuộc tổng Dương Hòa Thượng, trình rằng: khi cô ruột nó làm bạn với Trần Văn Điền, là cha Trần Văn Trực, thì bà nội nó có trích ra một phần ruộng 10 mẫu 5 sào ở tại làng Hòa Hưng mà cho cô nó, để lấy lúa mà ăn.
Cô nó ở với Văn Điền hơn 10 năm, mà không con, qua năm thứ 11, Văn Điền chết, cô nó lo việc cấp táng một mình; còn tên Trực thì bỏ nhà mà đi vong phế, cha chết cũng không về.
Cách hai năm sau, cô nó chết, tuy có danh Trực ở nhà, mà việc tống táng đều nhờ nó cùng một tay bà nội nó. Bấy lâu danh Trực ỷ có văn khế cô nó để lại, chiếm cứ sở ruộng cô nó, không chịu trả. Nay cô nó mất đã hơn 4 năm, nó mới đi thưa tới làng tới tổng, có đòi trong thân, mà xử việc lúng túng không xuôi lẽ nào. Bức lắm nó phải thưa quan, nhờ lượng quan thẩm xét, các lời.
Hỏi ra tiên cáo là Lý Văn tài, khai rằng: niên canh ất vì 25 tuổi, quán ở làng Hòa Hưng, có một mình nó là cháu ruột Lý Thị Thành; Trần Văn Trực, chẳng có dính dấp nghĩa gì mà choán lấy ruộng cô nó, các chuyện khác y như trong đơn, các lời.
Hỏi ra danh Trực là bị cáo khai rằng niên canh quí tị, 27 tuổi, là dân làng Phú Thọ, thuộc về một tổng: cha nó là Trần Văn Điền, nguyên ở làng Phú Thọ, đã chết rồi, buổi trước cưới mẹ nó là Phạm Thị Quế, nguyên ở làng Tân Sơn, đẻ ra nó, nuôi được 12 tuổi rồi thì mẹ nó chết. Cha nó chắp nối vợ sau, là Lý Thị Thành, thì là mẹ ghẻ nó, nguyên ở làng Hòa Hưng, cưới hỏi đủ lễ. Khi mẹ ghẻ nó về với cha nóm thì bà ngoại ghẻ nó có cho nó một miếng ruộng hơn mười mẫu, tọa lạc tại làng Hòa Hưng, có đem văn khế làm tên mẹ ghẻ nó mà giao cho cha nó phụng thủ.
Khi nó lớn lên, thường thấy cha nó gia công bồi bổ sở ruộng, cho mướn cùng đóng thuế. Vả cha nó làm bạn với mẹ ghẻ nó cũng đã lâu năm, bà ngoại ghẻ nó có ý cho đứt miếng ruộng, mới giao biệt văn khế, cải bộ cho mẹ ghẻ nó đứng. Nay cha nó chết, mẹ ghẻ nó cũng chết theo, đều để gia tài lại cho nó ăn mà phụng tự. Nó cũng phải bồi bổ miếng ruộng, cùng phải đóng thuế như khi cha nó còn sống vậy. Còn khi cha nó chết, nó mắc lỡ việc buôn bán, về không kịp, có làng xã biết, vốn chẳng phải là đi vong phế, các lời.
Hỏi ra thôn trưởng cùng hương thân làng Phú Thọ đều xưng rằng danh Điền, Thị Thành, nguyên trước làm bạn với nhau, chừng được 10 năm, có cưới hỏi giữa làng. Lại khai ruộng ấy nguyên là ruộng riêng của Lý Thị Thành. Mẹ Thị Thành là Thị Cẩm đã hơn 70 tuổi, ở làng Hòa Hưng, có giao một xấp văn khế, cải bộ cho Lý Thị Thành, thường có đóng thuế cho làng chúng tôi. Còn danh Trực, là con ghẻ Thị Thành, thì có ghe cá thường hay đi cá miền trên, một đôi tháng mới về nhà, các lời.
Hỏi ra thôn trưởng, hương thân làng Hòa Hưng khai rằng sở ruộng 10 mẫu ấy nguyên là ruộng Võ Thị Cẩm, là đờn bà góa ở làng chúng tôi, mua của danh Thông, cũng là người trong làng, có lưu văn khế; sau thị Cẩm mới cho con, là Lý Thị Thành, cùng cải bộ cho Lý Thị Thành, có làng chúng tôi thị thiền, các lời.
Hỏi ra cai tổng Dương Hòa Thượng, là Nguyễn Văn Trị trình rằng tra bộ làng Hòa Hưng cùng tra văn khế ruộng ấy quả là ruộng riêng Lý Thị Thành. Lý Văn Tài thấy cô ruột nó làm bạn với danh Điền, mà không con; nay cô nó chết mãn tang, ngày tháng 10 năm ngoái, nó có thưa mà đòi ruộng cô nó lại, các lời.
Hỏi ra thân tộc bên danh tài là Lý Văn Đắc, Võ Văn Soạn đều xưng rằng ruộng ấy vốn là ruộng của bà nội danh tài, có văn khế làm chứng, danh Trực là con ghẻ giành lấy mà ăn đã lâu năm, bây giờ danh Tài tưởng rằng vật qui cố chủ, của chủ phải về cho chủ, các lời.
Hỏi ra thân tộc danh Trực, là Trần Văn Hay, Trần Văn Nay, đều khai rằng từ danh Điền làm bạn với Thị Thành, thì thường thấy danh Điền lo bồi bổ sở ruộng cùng chịu thuế cho làng, nghe thị Cẩm giao đứt sở ruộng cho vợ chồng danh Điền. Còn danh Trực thì thường phụng dưỡng mẹ ghẻ cũng như mẹ ruột, cho đến khi mẹ ghẻ nó chết rồi, nó cũng giữ nhang khói cúng cấp theo cha nó, các lời.
Các lẽ trước nầy đã có xét tra.
Tra xấp văn khế ruộng kiện, nguyên trước là của Lê Văn Thông, mua của Phạm Văn Đạc, lưu văn khế bán đoạn mãi cho Võ Thị Cẩm, sau cải chánh cho Lý Thị Thành, quả là ruộng riêng Lý Thị Thành, nguyên chẳng phải là ruộng tổ phụ lưu lại, cũng chẳng phải là ruộng hương hỏa, tuyệt tự.
Tra ra Trần Văn Điền đã chết rồi, buổi làm bạn với Lý Thị Thành, là con gái cũng đã chết rồi, tuy là chắp nối, mà cũng có cưới hỏi, không phải là cầu hạp.
Vâng chiếu theo cữu tộc đồ, chỗ phân về tam phụ bác mẫu, Lý Thị Thành quả là kế mẫu danh Trực, ấy Vi phụ chi thê, thì là Vi tử cho mẫu. Vả danh Điền chết cách ba năm, Thị Thành lại chết theo, thì cũng là tùng nhứt, trọn nghĩa vợ chồng, sống thì đồng tịch đồng sàng, thác thì đồng quan đồng quách.
Vâng tra mặt luật hộ, chỗ nói về việc lập đích tử, trong điều lệ có dạy phải cứ Chiêu mục tương đương, danh Lý Văn Tài tuy là cháu ruột thị Thành, kêu thị Thành bằng cô ruột, về bên họ nội chẻm chẻm, mà ngặt gái có chồng, phải tùng chồng. Lý Văn tài chẳng có lẽ thờ cô mà bỏ dượng.
Vâng nghĩ sở ruộng 10 mẫu ấy phải về Trần Văn Trực làm chủ, lấy hoa lợi mà cúng kế mẫu cùng là cúng cha, làm hương hỏa cho Lý Thị Thành.
Ti chức siển nghĩ các điều, chưa biết hiệp lẽ cùng không, kính đem các việc nguyên do, bẩm trình ngỏ nhờ thẩm đoán.
Vả thọ lý án nầy từ ngày 28 tháng 11 năm ngoái, đến ngày 12 tháng giêng năm nay thì hoàn kiết. Kể từ ngày thọ lý cho tới hoàn kiết là một tháng 14 ngày, trừ từ phong ấn cho tới khai ấn hết 17 ngày, còn lại có 27 ngày.
Tự Đức thập nhị niên, chánh ngoạt thập nhị nhựt.
Tân Bình phủ ấn.