Cho rõ khí hùng – Phần 15

Đây nhắc lại từ ngày ông Đặng Nghiêm Huấn hay tin và gặp thơ của con ông là Đặng Thất Tình đã tự sát thì tuy là ngoài mặt ông tỏ ý chê ghét con bất hiếu chớ trong lòng rát rao đau đớn như dần như xắt. Bởi vậy khi được bốn năm ngày ông vì sầu mà dằn không nguôi, lắp không cạn nên xán bịnh xem thế ngặt nghèo. Nàng Đặng Nguyệt Ánh thấy cha đau thì lo sợ muôn phần, nàng hằng ngồi gần bên cha đọc sách hoặc kiếm chuyện nói cho ông khuây lảng. Nhiều khi nàng lén cha mà gạt lệ vì nàng thấy cảnh gia đình một ngày một thêm hiu hắt, mẹ thất lộc sớm, duy còn một cha già ân cần gia giáo. Nàng lo cho một mai cha bị Hoàng Thiên cất lộc như mẹ rồi thì không rõ gia đình còn biến cải những sự khổ não đoạn trường bao nhiêu nữa. Nàng cạn nghĩ cùng suy thì thấy hai đứa em dại ăn chưa no lo chưa tới thì làm cho nàng lo lắng muôn phần.

Nàng ngồi cận bên giường cha phụng sự đêm ngày thuốc thang ân cần và nhiều khi nàng châu mày ứa lụy nói với cha rằng: “Cha ôi! Xin cha khá dẹp sầu nguôi thảm cho bịnh thuyên giảm hầu gánh vác nợ đời, lo cho chúng con vẹn vẻ. Hai anh con thác thì đã đành rồi, phụ tử tình thâm hay tin đó tất nhiên như phân tay cắt ruột, thế mà lòng trời xui khiến mới gieo cái thảm trạng vào nhà mình. Cha ôi! Nếu cha mà lên xa hạc ruổi dung, tìm cảnh tiêu diêu mà bỏ chúng nhỏ dại ở phàm trần nầy thì có khác nào gà con mất mẹ, khóc sớm kêu chiều, bề đói lạnh tránh sao cho khỏi. Hiện thời nhà rộng ruộng mênh mông, bạc dư muôn dư vạn mà biết chúng con nắm chặt sự nghiệp kinh dinh nầy chăng? Nỗi lo ruộng dâu hóa bể, bỗng nhiên gây việc ly kỳ mà chúng con phải gian nan phải lâm vòng khổ não đó cha à.”

Ông Đặng Nghiêm Huấn nghe nàng Đặng Nguyệt Ánh nói mấy lời đau đớn thì châu mày ứa lụy và nghẹn ngào. Ông muốn thốt lời mà nói không ra tiếng, lần lần mạch thảm lại tuôn tràn gối. Một chặp sau ông bớt nghẹn mới nói được với nàng Đặng Nguyệt Ánh mấy lời như vầy: “Con ôi! Lời con phân thật là ngoan mọi lẽ, cha càng nghĩ đến lại càng lo liệu âu sầu. Thế mà phải làm sao? Cha cũng biết lo sợ, nếu cha nhắm mắt ly trần rồi thì chúng con trở nên côi cút, phần thì còn nhỏ dại, quyền biến không đủ mà lo việc cả cho thành, ở đời kẻ thương thì ít còn người ích kỷ hại nhơn thì nhiều. Nếu cha khuất mặt rồi thì sự nghiệp của cha sau nầy trở nên một miếng mồi của kẻ bất lương núp lén chờ ngày nhảy ra chiếm đoạt. Chúng con có ba người chú, song có một mình chú út của chúng con tuy nghèo chớ tánh nết hòa uẩn củi lục làm ăn. Rủi mà cha vô phước mãn phần thì cha sẽ phú thác sự nghiệp cho người cai quản, đến khi chúng con lớn lên sẽ phân phát chia phần cho đồng bực, xét ra ví dầu trai hay là gái cũng là con. Cha có chết thì con cứ lo đèn sách ở nữ học đường, con hãy ráng lo học cho thành danh chớ có ở nhà chơi không mà e hại về nết gái. Con cũng biết câu ‘Sự ở không nhưng là cội rễ mọi tội lỗi khác’ (L’oisiveté est la mère de tous les viees). Nhờ sự học hành mà ngày sau con sẽ trở nên khôn ngoan biết lo liệu và dìu dắt cho em dại vào đàng ngay chánh. Còn hai đứa em của con tựu trường tới đây cũng phải vào trường Taberd mà lo sôi kinh nấu sử. Chúng nó còn khờ dại, nhờ con là chị phải lo lắng khuyên răn, kềm chúng nó học hành cho mau tấn phát. Người hằng nói ‘quyền huynh thế phụ’ chúng nó có anh mà anh chẳng còn duy còn một mình con là gái vọ nam tất phải dụng nữ là vậy.”

Nàng Đặng Nguyệt Ánh vừa khóc và nói với cha rằng: “Cha ôi! Cha nói như thế, tất là cha chẳng muốn sống lại với chúng con hay sao?”

“Chẳng phải vậy đâu con, ấy là cha lo xa mà nói với con như vậy đó thôi.”

“Thưa cha, xin cha an lòng, phận con là gái, bao quản tấm thân. Con nguyện như cha vô phước cách biệt chúng con rồi, thì con tận tình lo lắng cho đoàn em lần bước, vì sách có câu rằng ‘Nhứt nam viết hữu, thập nữ viết vô’. Con xin hiến thân nầy mà lo cho hai em con thành danh rồi mới lo cho phận mình.”

“Nầy con! Nếu được như vậy thì có cho mà làm cho cha vui lòng hơn nữa.”

Ông Đặng Nghiêm Huấn vừa nói dứt lời thì đứa con trai mười hai tuổi của ông chạy vào phòng đưa cho ông một cái thơ và nói rằng: “Thưa cha, có một người ở đằng nhà thơ đem lại một cái thơ nầy và biểu trao lại cho cha.”

Ông Đặng Nghiêm Huấn giơ tay lấy thơ rồi đưa lại cho nàng Đặng Nguyệt Ánh và nói: “Con hãy xé bao thơ nầy ra và đọc cho cha nghe.”

Nàng Đặng Nguyệt Ánh miệng thì dạ tay thì lấy thơ xé ra và đọc như vầy:

‘Kính cùng ông rõ,

Ông thật là vô phước có hai trai lớn vì tình mà hủy mình để sầu cho ông và lại đemhoàng ngọc’ mà cho nàng Lệ Thủy, lưu lạc vật yêu dấu trong kiến họ. Tôi đây vẫn biết nàng Lệ Thủy là một tay độc địa vì nhan sắc, Nàng Lệ Thủy cũng là một tay phú hộ ít ai bằng, nhưng sá gì một cục ngọc nầy mà làm cho gia quyến của ông buồn rầu thật đáng chê. Xin ông an lòng, không sớm thì muộn đây tôi sẽ phân trần lời châu tiếng ngọc xin nàng gởi trả cho ông, như nàng không chịu trả thì tôi sẽ dụng quyền lấy lại mà trả cho ông. Tôi đây chẳng can dự gì đến vật nầy, nhưng vì muốn làm vật nghĩa đó mà thôi.

NGHĨA HIỆP

kỉnh đốn.’

Nàng Đặng Nguyệt Ánh đọc thơ vừa rồi thì sắc mặt hân hoan day qua nói với cha rằng: “Thưa cha, Nghĩa Hiệp nầy là ai mà hứa sẽ lấy giùm hoàng ngọc đem về cho mình vậy cha?”

Ông Đặng Nghiêm Huấn suy nghĩ một chặp đoạn đáp lời lại rằng: “Gẫm ra thật lạ kỳ, thuở nay cha chưa từng nghe nói đến tên nầy, có đâu đến biết mặt. Vả chăng anh ba của con vì ngọc nầy vì thù anh mà còn si lụy với nàng thay, huống chi Nghĩa Hiệp nầy là người gì mà bảo tâm, hứa sẽ lấy hoàng ngọc lại cho mình như vậy. Ối cha chẳng trông mong đến hoàng ngọc đó nữa. Anh hai của con chết rồi và chẳng có con trai đầu lòng mà ngọc nầy có lấy lại được thì phải về tay con trai đầu lòng của chú ba của con chớ mình không có quyền gìn giữ. Ủa, mà chú ba của con không có con trai đầu lòng, nếu như Nghĩa Hiệp có lấy trả lại thì phải giao cho chú tư con đặng ngày sau người giao lại cho con trai đầu lòng của người.”

“Thưa cha vậy thì uổng lắm?”

“Đã biết như vậy, nhưng luật di truyền chẳng nên tham gìn giữ mà có lắm điều bại biến ra con à.”

“Dạ thưa cha, con xem bề gia đạo của chú con thì bẩn chật lắm, con sợ ngày sau người con của chú tư không khứng giữ hoàng ngọc nầy được chi cho khỏi đam bán cho người ta lấy tiền xài thì còn chi? Con tưởng như Nghĩa Hiệp có lấy giùm hoàng ngọc mà trả lại cho mình thì nên cho chú tư tiền mà giữ hoàng ngọc nầy cho em lớn của con.”

“Vậy thì cũng đặng, nhưng khi nào có chịu để thì mới được, vì mình cũng là trong dòng bà con. Chuyện đó còn đó, dễ gì mà trông ai nhiệt tâm dày công đi lấy mà đem trả lại cho mình sao con?”


error: Content is protected !!