Cho rõ khí hùng – Phần 8

Hoàng Ngọc Ẩn thấy Dương Ái Sắc bị một mũi dao nơi bắp vế sâu chừng hai phân rưỡi, máu chảy rất nhiều thì đem lòng lo lắng hơn, chàng dùng rượu rửa sạch sẽ, đoạn lấy thuốc đặt cho cầm máu lại và lấy bông gòn vải băng mà bó lại kỹ lưỡng. Vừa rồi chàng lo cho thuốc nơi cườm tay của Huỳnh Bá Hộ cũng kỹ càng vẹn vẻ.

Lục Tặc thấy hai Dõng bị một viên đạn nơi cánh tay mặt nhức nhối khó chịu, ngồi cứ hít hà và nhăn mặt thì nháy mắt cười, cười có ý nhạo báng. Hai Dõng sẵn lòng hờn Lục Tặc từ hôm nọ thấy thì càng giận thêm nữa, nhưng anh ta phải dằn tâm vì thấy có Hoàng Ngọc Ẩn nên dám đấu “đánh chó chẳng kiêng chủ nhà!.

Lục Tặc thấy hai Dõng trong cảnh ngộ đó giả bộ thương tình nhưng nói những lời chọc giận mà rằng: “Tội nghiệp quá! Anh đi khoét vách nhà ai mà ra nông nỗi vầy anh? Cha chà, chắc là đau đớn khó chịu lắm phải chăng?”

Hai Dõng trợn mắt và đáp rằng: “Chú mầy biết cái gì mà nói nà?”

Lục Tặc cười hì hì và nói nữa rằng: “Nếu chẳng phải vậy thì hoặc là anh bửa tủ sắt của ai nên mới ra như thê?”

Hai Dõng căm giận hơn nữa nên hừ lên một tiếng, Hoàng Ngọc Ẩn thấy vậy bèn day lại nói với Lục Tặc rằng: “Mầy hãy nín, chớ có nói bậy bạ mà bị đòn bây giờ.”

Khi Hoàng Ngọc Ẩn lấy đồ nghề đặng mổ lấy đạn ra cho hai Dõng thì chàng biểu Lục Tặc kềm tay giùm cho hai Dõng. Mỗi khi đau quá hai Dõng chịu không thấu phải day động cánh tay thì Lục Tặc nói rằng: “Anh hùng gì vậy nà? Có ngứa ở đâu mà làm bộ như thế?”

Hai Dõng tức giận không cùng nói thầm rằng: “Thằng khốn nầy nó khi dể ta quá, ngày nào ta gặp nó ngoài đàng ta sẽ nện cho nó vài đá cho nó biết chừng. Thật là một thằng khốn nạn ít ai bằng.”

Hoàng Ngọc Ẩn mổ lấy đạn cho hai Dõng ra rồi thì lấy thuốc xức vào và cũng lấy vải gòn băng lại rất kỹ lưỡng.

Đến phiên Trần Vô Cương thì Hoàng Ngọc Ẩn biểu cổi áo ra và chàng lấy một miếng vải trắng để nơi ngực rồi kê lổ tai vào mà nghe. Đoạn chàng đặt bàn tay tả vào ngực và dùng ngón giữa tay mặt mà gõ. Khán xong rồi chàng bào chế một chai thuốc dặn đem về uống và viết cho một cái toa để mua thuốc xức hoặc uống.

Hoàng Ngọc Ẩn cứu cấp mấy cậu công tử và hai Dõng xong rồi thì lấy rượu rửa tay và nói với nàng Lệ Thủy rằng: “Hôm trước tôi có đến nhà nàng, nàng có ở nhà sao nàng không chịu ra tiếp rước tôi?”

Nàng Lệ Thủy giựt mình đáp rằng: “Ủa Hoàng huynh biết nhà em hay sao mà có đến kìa, hay là ngày đó em đi khỏi có khi phải.”

Hoàng Ngọc Ẩn nói: “Thôi thôi, nàng chớ nói dối với tôi làm chi, vậy chớ người ở của nàng là anh nầy không có trao lại cho nàng cái danh thiệp của tôi hay sao.”

Nàng Lệ Thủy nghe Hoàng Ngọc Ẩn hỏi thì chận đầu hai Dõng mà hỏi rằng: “Ủa nầy, hôm nào thầy hai đến nhà tôi sao anh không nói lại cho tôi biết còn tấm danh thiệp của thầy để lại ở đâu anh cũng không đưa cho tôi.”

Hai Dõng biết ý nàng Lệ Thủy muốn đổ lỗi cho anh ta nên nói: “Dạ thưa tôi xin chịu tội, hôm trước thầy có đến nhà cô và tôi có xin để lại một tấm danh thiệp, nhưng vì tôi làm lạc mất nên không dám nói lại cho cô hay.”

Lệ Thủy giả bộ giận dữ và nói với hai Dõng rằng: “Anh thiệt là tệ quá, ăn ở sao chẳng có thứ tự lớp lang gì cả, dầu có làm mất thì cũng thưa thật cho tôi biết. Tôi chém giết chưởi bới gì hay sao mà phải làm thinh như vậy? Từ đây về sau anh còn làm như vậy thì đừng có trông gì tôi dùng anh nữa đa.”

Hoàng Ngọc Ẩn nói với nàng Lệ Thủy rằng: “Xin nàng chớ rầy người làm gì, việc đó chẳng quan trọng chi lắm thế cũng nên bỏ qua cho rồi.”

Nàng Lệ Thủy nói: “Dạ đã biết như vậy, nhưng nếu chẳng nói cho người rõ mà sửa mình thì làm sao được. Dạ thưa Hoàng huynh, theo như lời Hoàng huynh nói khi nãy, em không rõ nói chơi hay là tưởng thật như vậy. Em nói thật ngày đó em chẳng có ở nhà, hà lý em vô tình quá lẽ. Hoàng huynh có lòng tưởng đến em nên tới thăm mà em đành ẩn mặt không ra tiếp rước.”

Hoàng Ngọc Ẩn cười chúm chiếm và đáp rằng: “Tôi nói chơi chớ không gặp mặt nàng, lý gì mà dám tưởng có nàng ở nhà cho đặng.”

“Xin Hoàng huynh chớ nghi lầm mà trách em thì tội nghiệp em lắm. Dạ thưa bây giờ đêm đã khuya rồi, xin Hoàng huynh coi tính tiền thuốc và công bao nhiêu đặng em trả và xin kiếu đi về cho Hoàng huynh nghỉ.”

Hoàng Ngọc Ẩn nói: “Ối, có bao nhiêu ở đâu mà khéo tính. Tôi đây có phải làm nghề lương y đâu mà nàng phải tính tiền bạc cho rộn. Ấy chẳng qua là vì việc nghĩa, tôi sẵn lòng ra tay một chút có đáng gì.”

Ba cậu công tử đồng nói: “Xin thầy hãy tính tiền giùm, bấy lâu chúng tôi vẫn không quen với thầy đâu có dám thọ ân quá trọng, thật là ngại cho anh em tôi lắm đó.”

Hoàng Ngọc Ẩn nói: “Không hề gì, xin quí vị an tâm; ấy là cái duyên gặp gỡ của mình. Nếu quí vị có lòng tưởng đến tôi thì khi nào mạnh lại rồi xin đến nhà chơi và chuyện vãn với tôi, ấy đều tôi sở mộ và tôi cầm là quí. Bây giờ quí vị hãy trở về nghỉ, còn như quí vị muốn tôi săn sóc điều trị mấy chỗ vết tích thì cứ việc mỗi ngày đến nhà tôi, xin đừng ngại.”

Nàng Lệ Thủy nói: “Dạ thưa, Hoàng huynh có lòng tốt quá, ai đâu dám đến làm nhọc lòng. Dạ thưa em xin mời Hoàng huynh bữa nào rảnh dời gót đến nhà em chơi.”

“Được, để ít bữa nữa tôi sẽ đến.”

Hoàng Ngọc Ẩn nói dứt lời thì ba cậu công tử, nàng Lệ Thủy và hai Dõng đồng đứng dậy từ giã Hoàng Ngọc Ẩn đi ra xe hơi mà trở về.

Khi lên xe dong ruổi, ba cậu công tử nói với nàng Lệ Thủy rằng: “Thiệt Hoàng Ngọc Ẩn là một người tử tế, về y khoa thì người sành sỏi quá. Người làm coi thật là bặt thiệp và nhặm lẹ cực kỳ. Không rõ người quen với nàng là bởi duyên chi và người có tình gì với nàng không.”

Nàng Lệ Thủy nói: “Người đối với em chẳng thấy có mối tình già cả. Thật là một người đáng yêu mến.”

Hai Dõng ngồi trên xe nhớ đến Lục Tặc thì khí nộ không ngưng. Anh ta nói: “Thằng Lục tặc khốn nạn quá, tôi thật là nhức xương với nó. Nếu tôi mà không kiêng ông Hoàng Ngọc Ẩn thì tôi nắm đầu nó tôi rung như lũ trẻ rung dế cho nó biết chừng.” Hai Dõng bèn đem chuyện Lục Tặc đem thơ ngày nọ và dụng thế làm cho anh ta té trồng chúi cho ba cậu công tử nghe. Cả ba đều cười xòa.

Khi về đến nhà, nàng Lệ Thủy nói: “Em không biết Nghĩa Hiệp nầy ở đâu mà tài tình quá bực. Nếu Nghĩa Hiệp nầy mà đi ăn cướp theo như ở bên Tây thì em tưởng sở mật thám khó bắt người được.”

Nàng Lệ Thủy nói vừa dứt lời bỗng nhớ đến cái áo nỉ choàng của Nghĩa Hiệp bỏ lại thì đi ngay lại cái giá móc áo đặng lấy xuống xét cho kỹ lưỡng, nhưng nàng thấy mất cái áo đó thì lấy làm lạ nói rằng: “Dị kỳ thật, khi nãy chính mình em đem móc cái áo tại đây mà sao bây giờ đâu mất.”

Đến khi nàng Lệ Thủy coi kỹ lại thì thấy có một tấm giấy dày bằng cỡ tấm danh thiệp có một cây kim gút găm dính vào chỗ móc áo. Nàng gở ra coi thì thấy trên tấm giấy đó có viết mấy hàng chữ nhỏ rít như vầy:

“Nghĩa Hiệp xin lỗi thừa khi vắng mặt tiểu thơ … lấy áo lại. Tiểu thơ có thấy mặt Nghĩa Hiệp nầy rồi, vậy xin hỏi tiểu thơ chớ Nghĩa Hiệp nầy là ai? Không kíp thì chầy tiểu thơ còn gặp dịp tái ngộ cùng Nghĩa Hiệp nầy nữa.”

Dưới ký tên: Nghĩa Hiệp.

Nàng Lệ Thủy xem tấm giấy rồi thì lấy làm lạ nên đem lại cho ba cậu công tử coi và nói rằng: “Ba chàng có ai gặp hoặc nghe danh Nghĩa Hiệp nầy khi nào chăng, và xin bàn thử vì ý gì trong tấm giấy nầy có chấm dài mấy chấm mực cách chữ “thơ” và chữ “lấy” như vầy?”

Ba cậu công tử xem tấm giấy vừa rồi thì ngạc nhiên ngó sững lấy nhau, chớ chẳng bàn ra nghĩa chi cả. Một chập sau Huỳnh Bá Hộ nói: “Tôi nhớ cách chừng một năm trước đây tại Saigon có mọc lên một thằng ăn cướp đa tài, sở mật thám truy tầm tập hỏa chưa thành. Cách bốn năm tháng trước đây tôi có thấy đăng tin trong nhựt trình rằng thằng ăn cướp nầy đến ăn trộm tại nhà của một thằng Chệt giàu có lớn ở đường Taberd, nhưng vì ỷ tài quá nên vô ý phải bị tài gia bắn trúng một phát súng lục liên. Khi đó có lính tuần thành rượt theo bắt, nhưng mà nó chạy thoát khỏi. Trong nhựt trình có nói nó bị bịnh nặng nên máu rơi dọc đường rất nhiều nhưng mà đánh dấu theo đến dinh Chái soái thì anh ta đâu mất dạng. Từ ngày đó đến nay tôi chẳng còn nghe nói thằng đó đánh nhà nào nữa cả và thiên hạ đồn nó đã chết rồi.”

Nàng Lệ Thủy nói: “Thế mà chàng có nghe nói hình dạng của nó ra làm sai không?”

“Biết không được, vì mỗi khi nó đi ăn cướp thì có mang mặt nạ và cầm súng lục liên theo tay luôn luôn. Trong trí tôi nghĩ thằng ăn cướp nầy chưa chết, và có lẽ ông Đặng Nghiêm Huấn mướn nó lấy hoàng ngọc điệp nầy lại chớ không phải ai đâu lạ.”

Nàng Lệ Thủy ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói: “Ờ, có lẽ phải đó đa. Thôi em xin mấy chàng về nhà an nghỉ để đêm nay em tính coi kế gì lấy hoàng ngọc nầy lại và làm cách nào tìm cho ra thằng Nghĩa Hiệp nầy ở đâu chăng?”

Ba cậu công tử nghe nàng nói dứt lời thì đều đứng dậy nói rằng: “Anh em tôi cũng ráng dọ hỏi cho biết Nghĩa Hiệp nầy ở đâu, không lẽ bỏ qua thì ức lòng lắm.” Ba cậu công tử nói dứt lời rồi gắng gượng ra xe mà đi về nhà.

Nghĩa Hiệp nầy là ai? Có lẽ chư độc giả bàn bàn luận luận và hồ nghi chớ chưa đoán chắc là ai? Xin coi nội chương thứ ba đều thì tất rõ.


error: Content is protected !!