Cho rõ khí hùng – Phần 4

Nhắc lại năm Mạnh nghe lời Hoàng Ngọc Ẩn nên sáng bữa sau đúng tám giờ liền đem vợ đến nhà cho chàng khán bịnh đặng cho toa đi mua thuốc. Hoàng Ngọc Ẩn thấy vợ của năm Mạnh mặt hoa da phấn, dung nhan có bề huê lệ, cốt cách liền lạc xuân niên chưa ngoài hai mươi, mà nhứt là nói năng khôn ngoan thì có ý thầm khen.

Hoàng Ngọc Ẩn khán bịnh rồi liền viết toa và lấy một cái giấy bạc năm đồng trao cho nàng trao cho nàng dạy nàng xuống nhà thuốc mà mua về uống. Khi vợ năm Mạnh lấy tiền và toa thuốc ra đường kêu xe kéo đi thì Hoàng Ngọc Ẩn hỏi năm Mạnh rằng: “Không biết anh cưới chị năm là người ở đâu mà tôi xem phải thế quá vậy?”

Năm Mạnh ngẫm nghĩ một hồi rồi đáp rằng: “Thầy hỏi thì không lẽ tôi nói dối ấy là có lỗi với thầy là một người đại ân của tôi. Vợ của tôi đây là Hồng Hoa, nàng vốn là một tay lội lạc giang hồ một thuở. Nàng là con của ông tám Hoành quê quán ở Tân Khánh (Thudaumot). Ông võ nghệ cao cường và lại là thầy võ của tôi. Sau khi tôi xuống Saigon ở bồi cho một ông tây và theo chủ của tôi mà đi qua Pháp quốc thì chẳng đặng mấy năm sau ông từ trần, để lại có một chút gái là nàn nầy võ nghệ thật tinh thông lắm. Khi thầy tôi qua đời được một năm thì có một thằng Minh Hương lanh lợi xảo quyệt đến Tân Khánh cưới nàng nầy năm chục đồng bạc rồi dẫn về Chợ Lớn làm vợ. Sau rõ lại thì thằng Minh Hương nói đây là một thằng ăn cướp lợi hại vô cùng. Nó dụng nàng nầy mà làm nhiều việc bất lương không sức nào kể cho hết.”

Hoàng Ngọc Ẩn nói: “Ủa, chị năm cũng nghe theo nói sao?”

“Dạ thưa vợ thương chồng thì việc gì lại chẳng nghe theo nhưng mà không đặng mấy năm, trong một vụ ăn cướp nọ thằng Minh Hương bị lính m6ạt thám bắn chết tại trện. Kể từ đó nàng linh đinh một lúc và sau nàng lấy một người Ăng-lê làm chồng. Nàng theo người Ăng-lê nầy đi tỉnh nầy sang tỉnh nọ và có lên ở Nam-Vian gần một năm trường. Thế mà kiếp hồng nhan còn phải chịu lắm điều cay nghiệt nên hai năm sau người Ăng-lê về tây nàng mới trở về Saigon và lấy một thần thông. Người Ăng-lê có để cho nàng được năm sáu trăm đồng bạc nhưng bị thầy thông nầy đánh bạc thua ráo và sau bạc đãi mà nàng phải nổi trôi khổ sở. Cũng là cái phước đến cho nàng nên đang hồi lận đận lao đao vì đâu xui khiến cho tôi gặp, thấy vậy thương tình ra tay tế độ đem về sánh duyên đến nay.”

Hoàng Ngọc Ẩn cười gằn và nói: “Như thế là anh trả ơn cho thầy anh đó sao?”

Năm Mạnh nói: “Dạ thưa gẫm ra thì không tốt gì, nhưng mà biết làm sao? Nàng thương tôi lắm nên tôi nhắm lại sánh duyên với nàng là một dịp tế độ nàng cho khỏi phải linh đinh tội nghiệp.”

Hoàng Ngọc Ẩn nói: “Anh nói chỉ thương anh mà sao anh không khuyên chỉ đừng bài bạc, nếu chỉ lâm vào nghề đó không khá đa.”

“Dạ thưa vợ tôi chơi chút đỉnh vậy chớ có đâu nhiều. Khi nào trong nhà dư giả, thì tôi cho phép chơi giải buồn chớ tôi mà không cho chơi thì đời nào nàng dám chơi đâu.”

“Vậy cũng khá khen anh biết dạy vợ.”

Hoàng Ngọc Ẩn nói đến đây rồi suy nghĩ một chập và nói với năm Mạnh rằng: “Anh ở nhà chờ tôi một chút, tôi đi hỏi thăm coi ba cậu công tử nầy là con của ai, và nhà cửa ở đâu phòng khi mình lo việc nghĩa của mình cho thành.” Nói dứt lời Hoàng Ngọc Ẩn lấy nón đội lên đầu ra đàng kêu xe kéo chỉ đàng dong ruổi.

error: Content is protected !!