Đồng hồ vừa gõ mười hai tiếng, một dãy nhà ở đường Colombert đều đóng của ngủ, ngoài đàng vắng dạng người lại qua, thế mà có một cái nhà kia cửa tuy đóng nhưng nơi phòng khách đèn điện còn thắp sáng lòa. Người nào có ý ngó nơi cửa cái và cửa sổ nơi nhà đó thì thấy thấp thoáng bóng người đi qua đi lại trong phòng khách. Bóng người nói đó là ai? Áy là Hoàng Ngọc Ẩn, chàng chấp tay sau đít đi cả một giờ đồng hồ rồi, dường như lo lắng tính toán việc lắm vậy. Bỗng chút có một người mặc một bộ đồ cụt hằng đen, nước da mặt ngâm ngâm màu bánh ếch, mội trên có để râu ngắn ngủn, hình thù liiền lạc không thấp không cao, bước vào nhà của Hoàng Ngọc Ẩn và gõ ba cái “cộp, cộp, cộp” nơi cửa cái.
Hoàng Ngọc Ẩn bước lại lật đật mở cửa ra rước người nầy vào nhà đoạn khóa cửa lại liền và nói: “Tôi chờ anh hết sức, anh đi thám dọ thể nào?”
Người nầy đáp: “May lắm, mọi việc đều xong, xin thầy ngồi lại cho tôi nói chuyện.”
Hoàng Ngọc Ẩn kéo ghế lại ngồi và nói: “Anh cứ việc ngồi và thuật chuyện cho tôi biết thể nào.
Người nầy ngồi lại và nói: “Vâng lời thầy dạy, tôi đi đến nhà nàng Lệ Thủy đúng bảy giờ tối. Tôi đi qua lại trước nhà nàng thì thấy dạng nàng thấp thoáng ở trong thì tôi biết đêm nay làm sao cũng có khách đến. Tôi chờ riết cho đến chín giờ tối thì có ba cái xe hơi đến đậu tại trước nhà nàng. Tôi có biên ba cái số xe hơi đây.” Người nầy liền đưa một miếng giấy có viết số xe bằng viết chì cho Hoàng Ngọc Ẩn, chàng cầm lên coi rồi nói: “Nấu vầy thì may lắm tôi sẽ biết ba chủ xe nầy là ai. Sao nữa hãy nói hết cho tôi nghe?”
Người lạ mặt nầy nói: “Trên xe có ba cậu công tử bước xuống chào hỏi sơ với nhau đoạn vào nhà. Tôi liền đi vòng theo vách tường tìm nơi vắng vẻ leo vào, đoạn đi ngay lại mé hông nhà nàng mà núp ngoài một cái cửa sổ, rồi lén dòm vào phòng mà nghe ba cậu công tử nầy nói chuyện với nàng Lệ Thủy cả.”
Người lạ mặt nầy liền đem hết các câu chuyện của ba cậu công tử và nàng Lệ Thủy cho Hoàng Ngọc Ẩn nghe và nói tiếp rằng: “Khó lắm, muốn lấy cục ngọc điệp của thầy nói đây thì không dể gì. Tôi tưởng phải dùng trí chớ dùng lực thì không thành.”
Hoàng Ngọc Ẩn ngồi suy nghĩ một chập rồi kề miệng vào tai người lạ mặt nầy và nói: “Tôi tính phải làm như vầy, như vầy … anh tưởng thể nào?”
“Ý không nên, khó lắm, mạo hiểm như thế không đặng.”
“Anh sợ có khi phải chết hay sao?”
“Dạ biết chừng ở đâu.”
“Tôi đả nhứt định thì sao sao cũng phải thi hành, vậy mới hay.”
“Dạ thưa tôi nguyện chìu theo ý thầy luôn không hề khi nào dám cãi.”
“Được, thôi bây giờ khuya rồi anh đi về hay là ở lại đây ngủ?”
“Dạ thưa để tôi đi về, ở nhà tôi nó đau khá quá để về thăm coi nó thể nào.”
“Ủa chị nào đó vậy? Tôi nghe nói anh không vợ mà.”
“Tôi mới lấy con nầy được chừng một tháng nay, cái con làm sao nó nhỏng nhẻo quá, thế mà sao tôi cưng nó quá.”
“Ối mới ăn ở với nhau làm sao không thương. À, mà chỉ đau sao đó vậy anh?”
“Nó dau sao đó không biết, ban ngày thì nó xách cần, xách giỏ nó đi câu từ bảy giờ tới mười một giờ nó mới về ăn cơm, ăn rồi thì nói đi câu nữa không rõ làm sao mà ham lắm. Tối về nó nằm cứ ôm bụng là “éo éo” như heo bị thọc huyết, cái đó mới là lạ chớ.”
“Nếu chỉ biết lo làm ăn như vậy thì cũng nên khen mà, chắc bị ngồi mê câu mà đau ruột chớ gì.”
“Dạ thưa, phải nó đi câu mà té năm tiền một quan gì hay sao? Bữa nào cũng nghe nói nó thiếu cô thông nầy năm bảy cắc, cô ký nọ một đồng mới là khổ.”
“Anh nói thiệt lạ kỳ, đi câu gì mà thiếu tiền người ta hoặc là anh muốn nói đi đánh bài hay sao mà.”
“Dạ phải đó, trời ôi! Tôi nói mà thầy chậm hiểu quá!”
“Ai biết đâu, tôi nghe anh nói giống gì mà có xách cần và giỏ đó tôi tin rằng anh nói thiệt chớ.”
“Dạ cần đó là cây dù, còn giỏ đó là túi tiền đó thầy à.”
Hoàng Ngọc Ẩn cười hì hì rồi nói: “Thôi sáng mai anh đem chỉ lại tôi khán bịnh và cho toa đi mua thuốc uống, tôi sợ chỉ đau chi hiểm nghèo mà để dai dưa thì khổ đa.”
“Dạ, tôi cảm ơn thầy, để mai sáng lối tám giờ tôi biểu nó đi với tôi …” Người lạ mặt nầy nói đến đây bèn lấy một cái nón kết đội lên và chào Hoàng Ngọc Ẩn mà đi về.
Người lạ mặt đó là ai?
Nguyên người lạ mặt nầy tên là năm Mạnh, thuở nhỏ ở bồi cho một người Langsa từ hai mươi cho đến hai mươi lăm tuổi. Đến khi anh ta được hai mươi bốn tuổi thì có theo chủ về Pháp quốc. Anh ta ở bên Pháp quốc với chủ được một năm thì người chủ qua đời, anh ta bèn nhập vào một bọn ăn cướp ở tại thành Mạc-xây (Marseille) trọn hai năm. Sau hội nầy bị tập nỏa, mấy tay chánh đảng đều bị bắt nên anh ta trốn trở về Nam kỳ mà lập nghiệp và trở nên một tay ăn cướp rất đại tài.
Một đêm kia mưa dầm, cách vài tháng trước, nhằm lúc quan lương y Anh-be-lơ-bông chết và chôn được ít ngày và có Hoàng Ngọc Ẩn ở Hà Nội trở về, anh ta tới đánh nhà một thằng Chệc giàu có lớn ở đường Taberd nhưng thất thời phải bị bắn một mũi súng trúng chả vai và bị lính tuần thành rượt theo bắt.
Anh ta chạy đến đầu đường Colombert, phần thì mệt và bị bịnh trọng nên té quị và xỉu lại góc đường đó. May đâu Hoàng Ngọc Ẩn đi chơi về thấy vậy, đam lòng thương xót mới bồng vào nhà mổ lấy đạn ra và cho thuốc. Đến khi anh ta tỉnh lại thì khai thật đầu đuôi cho Hoàng Ngọc Ẩn biết, chàng bèn khuyên phải bỏ nghề đó. Năm Mạnh thấy Hoàng Ngọc Ẩn thương tình cứu cấp đứa bất lương như mình nên thề với chàng rằng trọn đời chẳng làm nghề đó nữa. Bởi vậy cho nên từ ngày đó đến sau Năm Mạnh nhớ ơn Hoàng Ngọc Ẩn luôn luôn.
Một hôm nọ Hoàng Ngọc Ẩn đang toan tính lấy “hoàng ngọc điệp” của họ Đặng lại, sực nhớ đến Năm Mạnh hứa rằng sẽ tận tâm giúp chàng mà làm việc nghĩa đó. Hoàng Ngọc Ẩn có tư cách hoàn toàn, chàng cư xử với mỗi hạng người rất phân biệt, bởi thế mọi người đều có lòng yêu mến chàng lắm mà nhứt là chàng có tánh vui vẻ và đại độ ít ai bằng.