Cho rõ khí hùng – Phần 12

Nhắc lại khi ba cậu công tử ra xe đi về thì nàng Lệ Thủy vào phòng thay đồ ngủ. Đêm đó nàng buồn bực không an, trí rối tợ tơ vò, tức mình vì ‘hoàng ngọc’ đã mất. Nàng nằm lăn qua lộn lại vắn thở dài than mà rằng: “Hoàng ngọc nầy mất thì khổ cho ta lắm, thế thì cái phần lận đận của ta còn dài, lại ta phải còn gieo nhiều việc ác nữa. Nỗi lo quang-âm chóng thoát mà ta lo không thành việc, thì cái khổ tâm sẽ đến cho ta. Bây giờ ta ra dáng con vua cháu chúa, một ngày kia phải e ngủ chợ nằm đình, hoặc là phải trải thân sớm Tống Ngọc chiều Trường Khanh, già hoa bướm chê ong chán. Phận hoa tường liễu ngỏ nghĩ đến chỉnh ghê, phải rùng mình phải nổi óc. Lại nữa nơi chốn tuyền đài mẹ ta còn trách ta là một con bất hiếu, thế thì làm sao?” Nói đến đây nàng Lệ Thủy khóc vùi, lụy ngọc chứa chan tràng gối.

Nàng lại nói nữa rằng: “Từ ngày mẹ ta chết đến nay, ta lặn lội trong bể tình nhưng chưa ai mà được cùng ta ân ái, chua ai là bướm mà hưởng được cái nhụy hoa xinh nầy. Như ta đây ‘sinh ư nê bất nhiễm ư nê’. Gẫm ra ai mà được vậy. Còn Nghĩa Hiệp nào đây mà tài tình đúng bực, người nào hại ta thế nầy thật là đáng trách, ấy là người chẳng biết ta chủ ý giữ ‘hoàng ngọc; đó làm chi, nên mới ra tay làm việc nghĩa. Nếu chẳng phải người là tay trộm đạo lợi hại, bây giờ lãnh việc mướn nầy thì đáng cho là một người anh hùng thứ nhứt trên đời nầy. Ôi! Cái tài, cái khí tượng, cái tánh mạo hiểm của người ta chuộng biết bao. Ước sao ta được người giúp ta thì là ta làm nên việc cả. Kỳ thật, Nghĩa Hiệp nầy là ai mà bấy lâu ta chưa từng gặp mặt.”

Nàng Lệ Thủy nghĩ chẳng ra thật lấy làm tức tối vô cùng. Vào khoảng ba giờ nàng mệt mỏi lắm mới ngủ an đến bảy giờ sáng.

Trong khi nàng Lệ Thủy than khóc chỉ nghe những lời thê thảm của nàng thì đủ rõ nàng có một cái tâm sự ly kỳ và nàng có một cái trách nhiệm lớn lao đến bực nào? Chớ nên vội chê nàng.

Sáng ra đang khi nàng Lệ Thủy điểm tâm tại phòng ăn, thì có một người đầy tớ thế việc ho Hai Dõng bị đau tay phải nghỉ bước vào phòng ăn cúi đầu khoanh tay rồi thưa với nàng Lệ Thủy rằng: “Thưa cô, có một người ăn mặc rất sang trọng đến xin ra mắt cô.”

Nàng Lệ Thủy nói: “Mầy hãy ra nói với người đưa một tấm danh thiếp của người mà đem vào cho cô. Mầy dặn người ngồi chờ một chút, đợi cô điểm tâm rồi sẽ ra.”

Đứa đày tớ vâng lịnh nàng đi, xây xưng đi ra phòng khách và một chập sau trở vô đưa một tấm danh thiệp. Nàng Lệ Thủy lấy lên coi thì thấy tên họ như vầy: Lê Tái Ngộ Cần Thơ.

Nàng Lệ Thủy vừa thấy tên họ thì nói thầm rằng: “Ủa, chàng nầy đã xuất dương du học Pháp quốc mà sao về đây đặng kìa.”

Nàng ngồi suy nghĩ một hồi rồi day qua nói với đứa đày tớ rằng: “Mầy đi ra hỏi thầy nầy đến nhà có việc chi?”

Đứa đầy tớ đi ra rồi một chập trở vô hai tay cầm một cái hộp nhỏ có bao da màu đen đi lại để ngay chính giữa bàn ăn và nói: “Thầy dạy tôi đem hộp nầy vào cho cô và phân rằng người xin đem vật nầy làm lễ ra mắt.”

Nàng Lệ Thủy dở ra xem thì thấy một cây nỉa làm bằng vàng tây chạm trổ rất khéo, chính giữa trên đầu có  nhận một cái hột xoàn rất to giá đáng một ngàn rưỡi. Nàng Lệ Thủy xem rồi thì gương mặt lộ vẻ hân hoan, nàng tự nghĩ rằng: “Cây nỉa nầy quí giá thật tuy là sánh với ‘hoàng ngọc điệp’ sự quí báu mười phần không đặng một, nhưng cũng đáng cho ta nhập vào những châu báu ta tích trữ bấy lâu.”

Nàng Lệ Thủy điểm tâm rồi bèn vào phòng đào thay xiêm đổi áo cho sức sắc càng thêm diệm lệ, lại thêm dầu thơm tẩm ướp nực nồng. Nàng bèn bước lại trước tủ cẩm lai có gắn một mặt tấm kiếng lớn mà soi gương sửa dạng trên dưới vẻ vang, đoạn nhẹ nhàng gót sen đi ra phòng khách.

Lê Tái Ngộ đang ngồi bực lòng trông đợi mà khi thấy nàng trong phòng xô cửa bước ra thì phới phỏ trong lòng như cây héo gặp trận mưa dàu. Chàng vội vã đứng dậy nét mặt tươi cười còn miệng thì thốt lời mà chào nàng rằng: “Chào cô nương sức khỏe?”

Nàng lệ Thủy chúm chím cười hoa rồi đáp lại rằng: “Em chào tình lang, cũng nhờ ơn trên rưới phước nên cành liễu không hoằng, mình mai vẫn còn thơ thới. Từ ngày tình lang xuất dương du học em hằng thương nhớ đêm ngày. Không rõ bề công danh thể nào mà tình lang vội hồi hương như vậy?”

Lê Tái Ngộ châu mày thở ra và nói rằng: “Gia nghiêm muốn ngày sau con nên danh phận nên ép phải xuất dương du học, nhưng mà khối tình nặng trĩu bên mình, mỗi buồn lòng nên ở nơi khách địa không đặng sáu trăng, lén trở về cố quấc; bởi vậy, công danh chưa vẹn trở về không áo gấm. Cô nương nghĩ đến chết cũng thương tình.”

Nàng Lệ Thủy ủ sầu nét mặt và nói: “Em nghe qua càng động lòng nhưng cũng nên trách chàng vì em mà bỏ phế công danh, sợ e ngày sau ăn năn đã muộn. Chàng thương tưởng đến em làm chi, tâm sự của em ngổn ngang nói sao cho xiết. Xin chàng phải biết cho em là một con vô tình, ấy chẳng phải tự lòng em muốn. Em hằng lo lắng vì cái kết cuộc về bước đường đời của em còn nhiều nỗi khổ tâm, chưa tường điều hung kết.*

Lê Tái Ngộ nói: “Bấy lâu nay gần nàng tôi cũng thường nghe nàng phân những nỗi đoạn tràng thế mà sao nàng chẳng chịu nói cho tôi biết thể nào, ước trông tôi có giúp ích cho nàng đặng chăng?”

Nàng Lệ Thủy rưng rưng giọt lệ chắt lưỡi lắc đấu mà rằng: “Không phân thiệt cho chàng tường ấy là gieo cái sự uất ức trong lòng chàng, em đây cũng biết vậy song xin chàng dằn tâm, cùng chớ phiền lòng. Bây giờ chưa đúng ngày đáng tỏ ra. em phải giữ dạ sắt đinh, khẩn khẩn một điều thủ khẩu. Em xin nói thiệt với chàng em đây chẳng phải có lòng đen bạc lấy điều dối giả mà đãi kẻ hữu tình cùng em đâu. Hiện thời nhiều vị vốn dòng kim môn ngọc bội, gắn bó làm sao sánh duyên Châu Trần cùng em, dầu tốn bạc muôn bạc ngàn cũng không nản chí. Em đây cứ lấy một bực mà đãi, và hằng khuyên chớ háo thắng mà hại đến thân danh ấy là điều em chê vậy.”

Lê Tái Ngộ ngồi suy nghĩ một hồi đoạn bưng ly rượu la-ve uống một hơi và nói: “Tôi đã cạn xét rồi nên bền tâm cầm trí, xin nàng chớ lo giùm phận tôi làm chi, còn vật hằng nầy tôi đặt bên Tây, đem về cho nàng làm dấu tích, không rõ nàng có khứng nhậm cùng chăng?”

Nàng Lệ Thủy nói: “Thật là một cây nĩa vàng Tây chạm trổ rất khéo, lại có nhận hột xoàn và hột ngọc, quí báu trên đời, chàng thương em mà cho một vật thích ý em thì có chi vui lòng em hơn nữa.”

Lê Tái Ngộ nhìn mặt nàng Lệ Thủy rồi hỏi rằng: “Nàng nói như thế nhưng sao tôi xem đến gương mặt của nàng lại thấy có sắc âu sầu, nàng có việc chi khá nói cho tôi biết nào?”

Nàng Lệ Thủy ủ mặt châu mày đáp rằng: “Dạ mới đây em bị một người tên là Nghĩa Hiệp lấy hoàng ngọc điệp của Đặng Giao Hoan cho em, chàng có thấy hoàng ngọc đó rồi, thế thì chàng biết nó quí báu là ngần nào.”

Lê Tái Ngộ nói: “Phải, tôi có thấy hoàng ngọc ấy tốt đẹp và to lớn lạ thường tưởng trên đời nầy có một mà thôi. Ủa nàng bị người ăn cắp vậy chớ nàng có thưa cớ cò bót chi chăng?”

“Không, tôi chẳng cần phải đi thưa cớ chi nhiều chuyện mắc công, tôi nguyện tìm kiếm coi ngọc ấy bây giờ ở đâu trước đã. Theo ý tôi tưởng, chắc ông Đặng Nghiêm Huấn sai người đi ăn cắp lại, vậy chàng có thương em xin tận tâm đi xuống Trà Vinh mà dọ thử coi có phải chăng và về cho tôi biết. CHàng có đi thì hãy về lập tức đi liền chẳng nên để trễ.”

Lê Tái Ngộ gặc đầu rồi đứng dậy từ giã ra đi.

Khi Lê Tái Ngộ đi rồi, nàng Lệ Thủy sực hớ đến Hoàn Ngọc Ẩn thì tấm lòng buồn bực. Nàng nói thầm rằng: “Ta thương chàng làm chi! Nỗi e chàng vì ta mà hư hại thân danh.”  Nàng Lệ Thủy biết nói như vậy song tấm lòng khác khoải nên biểu sốp-phơ đem xe hơi ra cho nàng đi thăm Hoàn Ngọc Ẩn.

Ở nhà Hoàn Ngọc Ẩn cũng đang thương thương nhớ nhớ nàng Lệ Thủy mà gan ruột héo don, bỗng nghe tiếng xe hơi ngừng đậu trước nhà, phút chút nàng Lệ Thủy bước vào nên lòng mừng khấp khởi dường như cửu hạn phùng cam võ. Hoàn Ngọc Ẩn chào hỏi Lệ Thủy, vừa rồi thì tiếp nói rằng: “Tôi có được một chiếc cà rá quí giá của nàng, tôi rất cám ơn, song nghĩ vì ân của tôi không lấy gì xứng đáng nên gặp mặt nàng đến đây tôi xin trả lại.”

Nàng Lệ Thủy châu mày thở ra và nói: “Tâm sự của em thì em biết, xin anh tưởng cho em là một con trọn lành thì quí hóa thay; em chẳng hề dối giả với anh đâu. Xin anh nhậm giùm em vật nầy chớ anh từ chối thì là anh gieo một cái sự sầu lớn cho em đó.”

Hoàn Ngọc Ẩn ngùi ngùi tất dạ, vì thấy nàng Lệ Thủy âu sầu, chàng nói: “Bây giờ tôi chịu nhậm nhưng mà tôi xin nàng hãy phân tâm sự của nàng cho tôi biết, nếu có thể nào giúp ích cho nàng đặng thì tôi nguyện ra tay làm nghĩa.”

“Em cám ơn anh có lòng thương xót em, những chẳng có thể nào em dám phân trần mọi nỗi, em tưởng lại trên đời nầy chẳng có ai mà vô phước hơn em, nếu anh muốn rõ, thì trong một năm về sau tất nhiên anh rõ biết.”

(Hết cuốn thứ ba, mời coi tiếp cuốn thứ tư.)


error: Content is protected !!