Cho rõ khí hùng – Phần 13

Gái anh thư chọn tài võ sĩ,

Trai anh hùng trọng nghĩa kim bằng.

Hoàn Ngọc Ẩn nghe nàng nói như vậy thì lấy làm lạ và tức mình vì không rõ tâm sự của nàng thể nào, thế mà chàng biết nàng nhứt quyết chẳng nói ra nên ngồi làm thinh không hỏi nữa.

Nàng Lệ Thủy thấy chàng có ý bất bình bèn nói sang chuyện khác. Nàng nói: “Nầy Hoàn huynh, em nhớ khi xưa nhà nầy là nhà của quan lương y Anh-be-lơ-bông (Albert Lebon) là một ông lương y có danh tiếng nhứt tại Saiggon, không rõ ông chết rồi, mà anh là chi của ông nên chiếm ở nhà nầy vậy?”

Hoàn Ngọc Ẩn bèn thuật chuyện lại về tôn tích của chàng cho nàng nghe. Chàng thuật đầu đuôi từ khi ông Anh-be gặp chàng và đem về nuôi thì cho là một việc ly kỳ. Nàng lệ Thủy nói chuyện với Hoàn Ngọc Ẩn trọn hai giờ đồng hồ rồi mới xin kiếu đi về.

Nói qua cách hai bữa sau khi ông Đặng Nghiêm Huấn được điển tìn về sự tự tử của con là Đặng Thất Tình thì ông được một xấp giấy niêm phong tử tế bên nhà thơ đem lại. Ông ký tên lảnh rồi liền mở ra xem thì thấy những lời tự thuật của Đặng Thất Tình thì động lòng phụ tử mà khóc òa. Nàng Đặng Nguyệt Ánh thấy vậy nhưng không rõ duyên cớ chi bèn lại trước mặt ông chấp tay thưa rằng: “Thưa cha, cha mới lảnh xấp giấy chi mà khi cha xem rồi lại dầm dề lụy nhỏ như thế?”

Ông Đặng Nghiêm Huấn ngó nàng một hồi rồi lấy xấp giấy đưa cho nàng coi. Nàng cầm lấy chăm chỉ mà coi khi dứt rồi thì nàng cũng khóc ỏa theo cha, một chặp sau nàng gạt lệ và hỏi cha rằng: “Thưa cha, nàng Lệ Thủy nầy là người thể nào mà anh ba của con chủ ý đi báo oán cho anh hai lại phải si lụy vì nàng như vậy?”

Ông Đặng Nghiêm Huấn nói: “Con ôi! Muốn nói về cái sắc của một nàng cực kỳ hoa lệ thì nói sao cho cùng, luận sao cho xiết, nầy con, trên bầu thế giới món chi quí, vật gì đẹp thì người ta cũng đem mà sánh với cái nhan sắc đẹp của một nàng con gái cả. Có chi mà xinh tốt bằng một đóa hoa, sáng trong như hoàn nguyệt nhưng người muốn tả về cái dung nhan của một người tuyệt sắc thì dám nói rằng: ‘Sắc một ả kia hoa nhường nguyệt thẹn’. Có chi quí báu như ngọc như vàng thế mà người ta lại nói một nàng kia: ‘Vóc ngọc mình vàng’. Đó, con có hiểu không? Người ta cho cái sắc của một nàng con gái là trổi hơn hết mọi giống xinh tốt mọi vật quí báu trên thế gian nầy vậy.”

Nàng Đặng Nguyệt Ánh suy nghĩ hồi rồi nói: “Thưa cha, thật con xét không ra, con tưởng là người ta nói quá đó thôi, con tưởng lại có đâu người ta mà dám sánh với ngọc đẹp hoa xinh cha á.”

Ông Đặng Nghiêm Huấn nói: “Ấy con là gái, con không có mắt tinh đời. Như ngọc kia thấy cho rằng đẹp, cầm lấy trên tay một hồi phải bắt nhàm chớ chẳng có động tình chi cả. Còn như trai thấy sắc gái tất nhiên có lòng trộm nhớ thầm yêu: vì yêu vì ái mới sinh trong lòng một khối tình độc địa. Bởi vậy cho nên trong Cung Oán có câu

‘Má hồng không thuốc mà say,

Núi kia muốn đổ thành nầy muốn long.’

Trong truyện kiều lại có câu rằng:

‘Lạ chi cái sắc khuynh thành,

Làm cho ngã quán xiêu đình như chơi.’

Còn muốn nói cho quá thì người ta lại nói nhan sắc của một nàng con gái làm cho ngư trầm lạc nhạn.

‘Chim đáy nước cá lừ đừ lặn,

Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa.

Nầy con, vì sắc mà hiếm chi gái thấy mình được kẻ yêu người chuộng nên đắc ý rồi chẳng đề phòng sau phải sẩy chơn trầm luân nơi bể ái, vui một thuở sầu ngàn năm. Mấy ả đó không xét đến cái sắc mau tàn mau cổi, chẳng khác vì hoa kia sớm nở tối tàn. Nầy con, mấy lời cha kết luận đây con hãy tạc ghi vào lòng, cha biết con khôn ngoan chẳng lựa gì phải nói giông dài, nhưng con phải suy cho đáo để, chớ thấy mình có chút nhan sắc trổi hơn các chị em bạn mà sanh tánh kiêu căng ắt là hại về sau lắm.”

Nàng Đặng Nguyệt Ánh suy nghĩ một chặp đoạn hỏi cha rằng: “Thưa cha, còn hoàng ngọc điệp nầy cha tính làm sao lấy lại chớ lẽ nào mà bỏ cho đành.”

Ông nói: “Thôi đi con, hoàng ngọc nầy tuy là vô giá, nhưng đã về tay nàng Lệ Thủy rồi, tốt hơn là phải bỏ, chớ quyết một lấy lại cho được thì là một cái hại lớn. Để cha thuật lại vì duyên cớ nào mà họ Đặng của mình có hoàng ngọc nầy cho con nghe.”

Nguyên thuở xưa bên xứ Ấn Độ có một ông vua kia ngự giá đi viếng chùa linh thính tại thành Bémarès nơi bờ sông Gange. Chùa nầy có tích trữ nhiều vật châu báu trên đời, phần nhiều là của thiện nam tín nữ dưng cúng. Đức vua thấy một cái tượng Phật bằng vàng đúc, tượng Phật nầy lớn gần bằng tượng Phật của đức vua Sisowath ở trên thành Kiêm-biên để trong chùa bạc, tượng Phật nầy ngồi chớ không phải hình đứng như tượng Phật nầy có ba con mắt, hai con nhận bằng hột thủy xoàn còn con ở chính giữa nơi trán thì nhận bằng hột ngọc. Đức vua thấy hoàng ngọc lớn cực kỳ và rất đẹp thì có lòng muốn, nên khi hồi trào mới lấy một hột thủy xoan kêu thợ đem đến đổi mà lấy hoàng ngọc.

Thuở đó có một ông Huề thượng can gián vua mà rằng sợ e có việc biến chẳng lành nhưng mà vua chẳng nghe theo. Chẳng bao lâu đứa vua phát bịnh đau hai con mắt nhức nhối, các tay danh y đều chạy, sau có một ông quan lão khuyên đức vua đem trả hoàng ngọc nầy lại cho chùa, chừng đó đức vua mới tỉnh ngộ có lòng lo sợ mới dạy mở kho lấy hoàng ngọc nầy mà đem đi trả, chẳng dè tìm hết sức mà hoàng ngọc nầy đã mất. Đến khi rõ lại thì là nàng Công chúa đã trộm lấy hoàng ngọc nầy mà cho một ông Hoàng con nhà bác là tình nhân của nàng. Khi chuyện bại luân đổ bể ra thì nàng Công chúa trốn theo ông Hoàng đó và dời hoàng ngọc nầy đi mất.

Cách ít ngày, sau đức vua bị đau mắt mà băng. Hoàng thái tử đông cung tức giận mới đem binh rượt theo, và khi đến một thành kia thì hay tin nàng công chúa và tình nhân trú ngụ trong một cái đền của một người bà con của một ông hoàng đó. Hoàng thái tử bèn truyền binh cho các quan theo đuổi phân nhau mà vây phủ đền ấy. Khi ra lịnh đâu đó ngăn giữ hẳn hòi thì Hoàng thái tử bèn rút độc kiếm một mình phá cửa đền mà vào quyết giết cho được tình nhân của công chúa. Đang khi ngộ biến ông hoàng là tình nhân của công chúa biết không phương đào tị bèn rút gươm sẵn chờ đối địch. Nàng công chúa thì trong phòng núp xem thế sự. Hoàng thái tử vừa bước vào đền thấy tình nhân của em mình thì lôi đình chi nộ buông lời xỉ vả mạ lắm điều rồi đó mới xăn tay áo quyết giết đứa thù cho kíp. Hoàng thái tử võ nghệ cao cường nên khi hai độc kiếm giao đầu qua lại lui tới không mấy hiệp thì thấy tình nhân của nàng công chúa kém tài sút sức, chỉ còn lo đỡ mà thôi. Nàng công chúa ở trong phòng hồi hộp lo sợ không cùng.

Đến khi hoàng thái tử thấy người thù của mình giảm sức thì đâm nà vớt đùa, dí người vào một góc gần cửa phòng mà nàng công chúa đang ẩn dạng. Bỗng chút tình nhân của nàng công chúa bị hoàng thái tử đâm trúng nhằm hổ khẩu phải buông độc kiếm. Thừa dịp đó Hoàng thái tử bèn nhắm ngay ngực của người thù mà đâm tới. Công chúa vì thương tình nhân nên thấy việc biến bèn nhảy ra can, nhưng mà Hoàng thái tử đang cơn giận đà cùn trí bèn đâm nàng một gươm chết tốt. Ông hoàng là tình nhân của nàng thừa dịp đó bèn nhảy qua cửa sổ gieo mình xuống sông mà lội mất.

Từ đó về sau Hoàng thái tử lên nối ngôi cha và ra chiếu chỉ nếu ai tìm được ông hoàng là tình nhân của em mình thì thưởng hai ngàn đồng, còn tìm được hoàng ngọc thì thưởng hai muôn. Ông hoàng đó biết không phương nào ở nước Ấn Độ được, nên giả dạng khách thương mà trốn qua xứ Nam Kỳ trú ngụ. Khi trốn đi thì ông hoàng nầy đem bạc tiền không có bao nhiêu nên xài chẳng bao lâu tiêu hết. Dầu mà cơn túng cùng trôi nổi nhưng ông hoàng nầy vẫn gìn giữ hoàng ngọc nầy luôn, là vì một vật dấu tích của tình nhân yêu dấu cho.

Chẳng bao lạu ông hoàng nầy xán bịnh phải đui hai cặp mắt ra thân ăn mày và không rõ vì sao xiêu lạc đến tỉnh Tây Ninh lần mò lên đến Điện Bà tìm một cái hang đá chun vào đó chịu nhịn đói nhịn khát mà chết.

Đến sau chẳng biết là bao lâu khi ông cố của cha đi du ngoạn trên Điện Bà và thích cảnh ngoạn mục lúc tiết xuân, nhờ rảo ruồng khắp núi mới đi lạc vào hang đá nầy gặp một nấm xương tàn, thế mà trên bộ xương tay nắm lại có một cái gói nhỏ, trong đó có để một miếng giấy viết chữ lít rít và hoàng ngọc nói đây. Người ông cố của cha vui mừng chẳng xiết mới lấy hoàng ngọc nầy đem về giữ làm vật báu và lưu truyền đến đời nay.

Trước khi ông cố của cha qua đời thì người có trối lại rằng: Vật nầy chẳng nên bán và chẳng nên để cho ai khác hơn là họ Đặng trong giòng bà con mình và phải để cho con trai đầu lòng trong họ được quyền giữ mà thôi. Cha mẹ sanh được con trai đầu lòng thì phải để cái quyền cho con làm chủ nhưng phải thề nguyền để làm lễ sính cưới vợ nếu cho thì phải chết về sự thê thảm. Bây giờ cha nghị lại anh hai của con chẳng gìn hoàng ngọc lo việc nghi gia, si lụy vì nhan sắc của nàng Lệ Thủy dám bạo gan cho nàng nên phải chết đó con à.”

Nàng Đặng Nguyệt Ánh nghe cha nói đến đây thì hỏi cha rằng: “Thưa cha, nếu hoàng ngọc nầy quí bái và vô giá, sao cha chẳng đi kiện buộc nàng Lệ Thủy trả lại.”

“Không được đâu con, vì khi anh hai con đúng tuổi khôn thì cha có làm giấy giao hoàng ngọc cho nó trong đó cha có để lời chẳng can dự gì về hoàng ngọc đó nữa. Đang kiêm nàng Lệ Thủy giữ giấy đó và cô xin anh hai con làm giấy cho đứt nàng rồi.”

“Thưa cha, nếu vậy thật là đáng tiếc vô cùng, còn hoàng ngọc nầy sao gọi là ngọc điệp, con tưởng con điệp chẳng bao giờ có ngọc lớn như thế?”

“Phải đó con à. Tích kêu nó là ngọc điệp, vì khi xưa ông cố của cha gặp đặng trên tay của ông hoàng ấy thì ‘hoàng ngọc’ nầy xuống nước, nên tìm mua một con điệp rất lớn đem về nuôi và bỏ ‘hoàng ngọc’ nầy trong miệng nó trọn một năm, không dè làm như vậy mà hột ngọc nầy lên nước tốt đẹp lại như xưa.”


error: Content is protected !!