Cho rõ khí hùng – Phần 11

Nói tiếp qua sáng bữa sau Năm Mạnh vâng lời Hoàng Ngọc Ẩn nên đúng bảy giờ rưỡi thì đến tại nhà chàng mà hầu chuyện. Hoàng Ngọc Ẩn vừa gặp mặt Năm Mạnh thì hỏi rằng: “Bữa nay chị năm mạnh lại chưa?”

“Dạ thưa nhờ toa thuốc của thầy vợ tôi uống vài ngày mà bịnh thuyên giảm khá nhiều, mười phần còn lại chừng bốn.”

“Anh biểu chỉ ân cần uống thuốc cho có chừng thì ắt phải mau mạnh lại được.”

“Dạ, còn ‘hoàng ngọc’ với cái hộp kiếng thầy tính chừng nào gởi trả cho ông Đặng Nghiêm Huấn.”

“Tôi tưởng chẳng cần gì phải trã gấp làm chi, vả chăng, nàng Lệ Thủy có ‘hoàng ngọc’ nầy là tại anh của Đặng Thất Tình mê nàng mà cho, xét ra thì chẳng phải là nàng sang đoạt chi, song ‘hoàng ngọc’ nầy là vật yêu dấu của họ Đặng nàng chẳng nên giữ lấy làm gì. Hôm trước tôi gởi thơ cho nàng xin nàng trả lại cho họ Đặng mà nàng không chịu nên mới tính lấy lại mà trả cho ông Đặng Nghiêm Huấn, nhưng sao đêm nay tôi càng suy nghĩ thì tôi tưởng rằng tôi vì nghĩa liều mình đi lấy đem về, thật là mạo hiểm lắm.”

“Dạ phải, tôi khen tài thầy hết bực. Khi xưa tôi là một tay trộm đạo lợi hại mà chẳng hề khi nào dám đến nhà ai mà cho hay trước, còn đi tay không đến đúng giờ kỳ hẹn như thầy vậy.”

“Anh nghĩ lại mà coi nếu tôi không đề phòng cải trang sửa dạng thì khi nàng bắn rớt cái mặt nạ xuống còn gì là tôi. Nàng bắn hay thật, nếu tôi mà không thấy kịp khi nàng vừa bóp cò làm cho cái lòng súng lục liên nhút nhích mà lách đầu qua một bên rất lẹ, thì ắt là phải chết vì mũi súng đó rồi.”

“Thật là thầy gan ruột thể nào, tôi độ không ra, sự chết trước mắt mà thầy coi như cuộc chơi mới là lạ chớ.”

“Ấy là tôi muốn cho nàng rõ rằng tôi là một người chẳng can thiệp vào sự mất ‘hoàng ngọc’ của ông Đặng Nghiêm Huấn, nhưng vì sự bất bình trái tai mà sốt ruột anh hùng, chủ ý buộc nàng phải trả ‘hoàng ngọc’ lại đó thôi. Bây giờ tôi xét lại có lẽ nàng cũng biết tài của tôi rồi, nàng thấy trước mắt tôi lấy ‘hoàng ngọc’ dễ như trở bàn tay, thì tức là nàng ăn năn rằng, thà đem trả cho ông Đặng Nghiêm Huấn còn đặng thơm danh hơn là để cho người đến lấy, lại để tiếng cười chê đó. Tôi nằm suy nghĩ một đêm tràng và lấy làm lạ, chẳng biết vì duyên cớ chi mà nàng nằn nằn quyết một giữ ‘hoàng ngọc’ nầy mà không chịu trả lại. Chỉ thấy gia viên của nàng cũng đủ biết rằng nàng giàu có dư muôn dư triệu, thế mà lòng nào đành chịu tiếng nhơ giữ ‘hoàng ngọc’ đó. Tôi tính như vầy, để đêm mai vào khoảng mười hai giờ khuya, khi nàng mê man giấc điệp thì anh hãy đem hộp kiếng và ‘hoàng ngọc’ mà trả lại cho nàng.”

Năm Mạnh nói: “Ý gì mà thầy tính lạ như vậy?”

“Chẳng lạ gì, tôi sẽ viết và giao cho anh một phong thơ, trong đó tôi cạn lời an ủi nàng định tĩnh điều bất chánh mà đem trả lại cho ông Đặng Nghiêm Huấn. Tôi tưởng nàng phải nghe theo lời tôi, vì nàng cũng biết rằng vật nầy đã mất rồi, nhưng mà Nghĩa Hiệp lại đem trả thì ý Nghĩa Hiệp nầy chẳng phải gian nhân, kẻo để nàng lầm lạc. Anh tưởng có nên làm như vậy chăng?”

Năm Mạnh suy nghĩ một chặp đoạn nói rằng: “Thầy tính thể ấy cũng phải, nhưng mà tôi sợ e nàng được ‘hoàng ngọc’ lại rồi thì chẳng chịu trả thì làm sao?”

Hoàng Ngọc Ẩn nói: “Tôi có nghĩ đến nươ1c đó rồi, như nàng không chịu trả thì phải ra công làm như vầy, như vầy …”

Năm Mạnh nói: “Khó lắm, phen nầy tôi e nàng cẩn thận thì khó cho mình đa.”

“Không sao. Tôi còn trí mà bày mưu nhiệm mầu, gẫm ra không khó.”

“Dạ, tự ý thầy định liệu. Tôi vâng lịnh thầy luôn, dầu có xẩy ra việc gì tai hại đến tôi, cũng nỏ sợ. Đêm hồi hôm qua nếu như tôi đến lấy ‘hoàng ngọc’ thì sao cũng phải chết tại trận rồi.”

“Tôi cũng có ý lo sợ phần anh nên mới liều mình, tự đi lấy, anh có cợ, chết thì để thương để nhớ còn như tôi không cha không mẹ, lạc loài hồi tuổi mới lên năm, chẳng biết cha là ai mẹ là ai, dầu có chết cũng an phần không ai thương tiếc. Nầy anh, tôi nghĩ đến phần vô phước của tôi chừng nào thì tôi lấy làm tủi hổ lắm. Kìa một bầy gà con kia mà còn có mẹ, quyến luyến mai chiều, còn phận tôi cô thân không biết quê quán ở tỉnh nào, cha mẹ bà con cô bác sống thác thể nào đó anh à.”

Năm Mạnh nói: “Thầy không muốn tìm chớ có lý nào tìm cha tìm mẹ mà không ra? Tôi tưởng thầy tìm ai họ Hoàng thầy gỏi dọ ắt có lẽ cũng biết được thung huyên.”

Hoàng Ngọc Ẩn châu mày và nói: “Anh nghe tên họ tôi là Hoàng Ngọc Ẩn thì lầm tưởng tôi vốn là dòng họ Hoàng chớ chẳng phải vậy đâu.”

“Ủa sao lạ vậy?”

“Số là khi xưa ông Anh-be … là dưỡng phụ của tôi gặp tôi đi lạc thơ thẩn tại Saigon thì thương xót mới đem tôi về nuôi và chẳng ai nhìn tôi là con cả. Sau ông thấy tôi là trẻ ngộ nghĩnh lịch sự lại khôn ngoan nên ông lấy nghĩa ‘La perle cachée’ mà đặt cho tôi, nên mới có cái tên họ tiếng Annam là Hoàng Ngọc Ẩn đó.”

Năm Mạnh nói: “Ông đặt cái tên thật là tốt quá, bấy lâu nay tôi tưởng thầy vốn là họ Hoàng chớ.”

“Thật phải lầm ngay, còn như tôi chẳng phải chánh họ là Hoàng nên tôi viết chữ Hoàn không có chữ ‘g’ là vậy; chớ chẳng phải tôi viết trật đâu.”

Hoàn Ngọc Ẩn nói đến đây bèn lấy trong túi ra một miếng giấy, trao cho Năm Mạnh và nói: “Nầy là miến giấy trong có viết rõ ràng những tên họ của ba cậu công tử, cả thảy đều là tình nhân của nàng Lệ Thủy tôi có viết chỗ ở phân minh, anh hãy coi lấy mà đi thám dọ hỏi giùm lai lịch của mấy gã thể nào vì tôi cần phải biết.”

Năm Mạnh nói: “Dạ thưa được, trong một ngày như lâu thì hai ngày tôi sẽ hỏi ra lai lịch ba cậu cho thầy. Bây giờ tôi phải ra đi lập tức.”

Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Được, thôi anh hãy đi đi.” Năm Mạnh liền lấy nón đội lên đầu, trở lưng ra đường kêu xe kéo hối xa phu nới chơn lẹ bước.


error: Content is protected !!