Tác giả: Võ Sĩ Khải
Nguồn: Thư viện Tổng Hợp Tp. HCM, Việt Nam.
Khảo cổ học nghiên cứu tư tưởng và đời sống tinh thần của con người và cộng đồng trong quá khứ căn cứ trên những dấu vết văn hóa vật chất còn tồn tại dưới dạng những di chỉ và di vật, phản ánh những cấu trúc văn hóa mà truyền thống có khuynh hướng làm cho ổn định và được biểu hiện qua ngôn ngữ, hoạt động sản xuất, nghệ thuật, tín ngưỡng và những định chế được hình thành trong quá trình phát triển của xã hội.
Phần 01: Những đợt thiên cư của các dân tộc tiền sử và sơ sử qua châu thổ Sông Cửu Long: Ngôn ngữ và Cộng đồng Văn hóa
Từ một thuở xa xưa mất hút vào thời tiền sử, khi đồng bằng châu thổ Sông Cửu Long đang ở trong thời kỳ thành tạo, thì ở những thế đất cao tiếp giáp với vùng núi Nam Trường Sơn đã có bóng dáng con người sinh sống. Họ là những người phương Nam nguyên thủy thuộc lớp cư dân bản địa của thời đại đá cũ ở Đông Nam Á, đồng đại với người cổ Java vào hậu kỳ Pléistocene (Canh Tân), khoảng từ 90.000 đến 60.000 năm cách ngày nay. Họ đã để lại trên những sườn đồi basalte đất đỏ ven đồng bằng những công cụ cuội ghè (pebble – tools) và những rìu tay (bifacés) ở An Lộc – Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước), ở Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), Định Quán (tỉnh Đồng Nai), và trên những bậc thềm phù sa cổ ở Đông Campuchia.
Sự chuyển tiếp giữa thời đại đá cũ và đá mới được biểu hiện trong văn hóa Hòa Bình, với loại công cụ đá ghè thô sơ chỉ được mài ở phần lưỡi sử dụng. Vùng phát triển của nó trải rộng trên phạm vi Đông Nam Á từ Hòa Bình, Bắc Sơn, Thanh Hóa, Quảng Bình, Lào, Thái Lan, Campuchia cho đến Malaysia, Philippin và xa hơn nữa, đến mãi tận Châu Úc. Ở châu thổ Sông Cửu Long, những công cụ đá thuộc nền văn hóa này được tìm thấy ở Suối Chồn (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai).
Văn hóa Hòa Bình bao gồm một khoảng thời gian dài, từ hơn 30.000 năm cho đến khoảng 10.000 năm trước, và truyền thống này còn tồn tại trong thời kỳ đá mới. Chủ nhân của văn hóa này vào giai đoạn cuối là một tập hợp các loại hình nhân chủng Australoide, Proto-Melanésien và Indonésien.
Từ cuối kỳ Pléistocene và trong suốc 10 thiên kỷ trước công nguyên, tương ứng với thời đại đá mới và sơ sử, những dòng người từ nội địa đã không ngưng tỏa ra vùng hải đảo Thái Bình Dương. Những cuộc thiên cư này đã tạo ra trong các dân tộc những biến thái nhân thể từ một gốc chủng tộc chung và phân định hai ngữ hệ chính ở Đông Nam Á còn tồn tại đến ngày nay là các ngôn ngữ Nam Á (mà tiêu biểu là tiếng Môn – Khmer) và Nam Đảo (tiếng Malayo – Polyné sien).
Ngôn ngữ là biểu hiện cụ thể của tư tưởng và, trước khi có chữ viết, là phương tiện chủ ya61u để truyền đạt, bảo tồn truyền thống xã hội và văn hóa dân gian từ thế hệ này qua thế hệ khác. Do đó, ngôn ngữ đã đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành, phát triển và chuyển biến của văn hóa.
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà ngữ học và nhân chủng học, vùng Đông Nam Á đất liền và hải đảo là địa bàn sinh sống và giao lưu của những dân tộc nói các thứ tiếng thuộc hai ngữ hệ lớn Nam Á và Nam Đảo từ nhiều thế kỷ trước công nguyên và những truyền thống ngôn ngữ đó, với nhiều biến thái, vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay ở các dân tộc trong vùng.
Từ các cao nguyên Tây tạng, Vân Nam và vùng đất phía Nam sông Dương Tử, trong thời kỳ phát triển dân số và kỹ thuật chế tác công cụ, dưới áp lực của người Mongoloide phương Bắc, và sau đó, của các tộc người Nguyệt Chi (gốc ở vùng Biển Đen – Pont Euxin), Cận Đông và Trung Á, các cư dân bản địa ở miền núi và đồng bằng phía Nam Trung Hoa lần lượt đổ dồn về phía Nam, theo những địa hình nan quạt về hướng Nam và Đông Nam của những sóng núi và những thung lũng của các con sông lớn phát nguyên từ Tây Tạng: Hồng Hà, Cửu Long, Mênam, Salouen, Iraouadi. Họ dồn nén vào vùng núi rừng Đông Dương như nước nghẽn vào cổ chai, để đổ ra các châu thổ và xa hơn nữa, đến các hải đảo trên Thái Bình Dương (1).
Các nền văn hóa của các cộng đồng sinh sống ở Nam Đông Dương và cả ở châu thổ Sông Cửu Long trong thời kỳ hình thành tạo biểu hiện trên những di vật khảo cổ chủ yếu là những công cụ bằng đá và đồ gốm.
Loại hình rìu đá là một tiêu chí đoán định chủ nhân của một văn hóa tiền sử ở vùng châu thổ Sông Cửu Long. Những rìu đá có mặt cắt ngang thân hình thuẫn thỉnh thoảng gặp được, như ở Núi Sập (tỉnh An Giang) là sản phẩm của đợt người Nam Đảo đầu tiên rời lục địa Trung Hoa (cũng có thuyết cho là từ Nhật bản), đi qua Đài Loan, Philippin, đảo Célèbes, quần đảo Moluques …tiến về hướng tân Guinee và Mélanésie, và đã du nhập nền văn hóa đá mới vào Úc. Trong cuộc hành trình này họ đã không đi qua Đông Dương. Như vậy, những rìu loại này ở châu thổ Sông Cửu Long là do những nhóm người Nam Đảo sau này từ các hải đảo Thái Bình Dương di trú vào nội địa chế tác. Những cộng đồng này tương đối hiếm trong cùng.
Rìu có vai, với những kích thước và hình dạng khác nhau, một loại công cụ phổ biến ở châu thổ, được xem là sản phẩm của các cộng đồng nói tiếng Nam Á, có quan hệ với chủng Mongoloide phương Nam, là đợt thiên cư lớn đầu tiên của các tộc người này vào Đông Dương, vùng duyên hải Nam Trung Hoa, Đài Loan, Philippin, đảo Célèbes, Nhật B3n, vùng Đông Bắc Triều Tiên và cả đến miền Đông Ấn Độ. Loại rìu này được xem là công cụ đá đặc trưng của Đông Nam Á và trong một nghĩa giới hạn hơn, của các tộc người nội địa.
Rìu không vai, với những dạng từ chữ nhật, hình thang cho đến gần tam giác, biểu hiện những biến thái văn hóa của các cộng đồng người Nam Đảo.
Những biến thái văn hóa của các cộng đồng nói tiếng Nam Á và Nam Đảo, ngoài hình dạng và kích thước của rìu, còn có thể nhận thấy ở hình mặt cắt của phần giữa lưỡi rìu: mặt cắt hình dầu dục, hình chữ nhật, hình thang, hình thấu kính hai mặt lồi, một mặt lồi một mặt phẳng, hình bán cung (rìu răng trâu) ở các loại rìu có vai hoặc không vai.
Từ khoảng 2.500 đến 1.500 năm trước công nguyên, một đợt thiên cư lớn xuất phát từ Vân Nam, theo lưu vực các con sông lớn Hoàng Hà, Dương Tử, Cửu Long, Salouen, Iraouadi và Brahamapoutra phân tán ra nhiều hướng. Các tộc người sau này đến quần đảo Indonésie đã đi qua Đông Dương, và từ đó đi đến bán đảo Malaysia. Từ điểm tận cùng này của lục địa, họ đã dùng những chiếc thuyền sông thích ứng với biển cả và tiếp tục tiến về những vùng trời xa lại. Cuộng thiên cư này kéo dài suốt 10 thế kỷ. Họ đi thành những nhóm nhỏ, và trong cuộc hành trình, nhiều cộng đồng đã ở lại sinh sống và định cư trên đất liền. Đặc diểm của những dân tộc này là họ nói các ngôn ngữ Nam Đảo và chế tác những rìu đá có mặt cắt ngang thân lưỡi hình chữ nhật. Đến miền hải đảo họ tiếp tục phổ biến loại hình rìu đá đặc trưng của họ qua Bornéo, Philippin, Đài Loan và Nhật Bản. Về mặt nhân chủng, họ là biểu mẫu cho đặc điểm nhân thể của chủng tộc Indonésien ở lục địa và hải đảo Đông Nam Á.
Đợt thiên cư của người Indonésien đã để lại những dấu ấn sâu đậm trên các vùng đất Đông Dương qua nhiều thời kỳ và ở nhiều trình độ văn hóa khác nhau, như kỹ thuật gốm ốp bằng khung đan (céramique au panier), bằng dây đất dét cuộn (céramique à boudin, à colombins), công cụ bằng xương, vòng bằng đá và vỏ sò dùng làm đồ trang sức và sản phẩm trao đổi, vòng cổ làm bằng hạt chuỗi thủy tinh hay ống thủy tinh nhỏ, cư trú nhà sàn, nghề trồng lúa và trồng kê, việc thuần dưỡng heo và bò, kiến trúc cự thạch, tục săn đầu người, ghe đi biển thô sơ với cần thăng bằng bên ngoài và có thể cả cách chế tác vải mặc bằng sợi vỏ cây.
Tiếp theo các đợt thiên cư lớn trên đây, một cộng đồng gồm những dân tộc nói các thứ tiếng Nam Á và Nam Đảo với một nền văn hóa hỗn hợp rìu không vai – rìu có vai đã đến định cư ở Đông Dương. Một đợt khác đang ở trình độ đá cũ (hay ở giai đoạn đầu của thời đại đá mới) đã đến sinh sống ở phần phía Nam bán đảo Malaysia. Một nhánh trong cộng đồng này đã học hỏi được nghề đi biển, tiếp tục ra khơi đến các hải đảo sống hòa nhập với các dân tộc thuộc nền văn hóa rìu đá mặt cắt ngang thân hình bầu dục của các dân tộc nói tiếng Nam Đảo trong đợt thiên cư đầu tiên. Một số trong nhóm này đã theo lộ trình của người Indonésien trước đây, tiến xa đến tận Nhật Bản. Đây là đợt thiên cư cuối cùng của người Nam Á từ đất liền ra các hải đảo Thái Bình Dương.
Say mê nghề đi biển, trong quá trình nhiều ngàn năm thiên cư ra hải đảo, nhiều đợt người Nam Đảo cũng đã trở lại sinh sống ở vùng ven đất liền do những ràng buộc thân tộc, cộng đồng và văn hóa.
Nửa sau của thiên kỷ II và suốt thiên kỷ I trước công nguyên là một thời kỳ di động lớn lao của các dân tộc nói tiếng Nam Đảo. Họ đã nắm biết nhiều thông tin hơn về những điều kiện vượt biển ở Thái Bình Dương, biển Nam Dương, vịnh Thái Lan, vịnh Bengal và có thể cả một phần Ấn Độ Dương.
Vào thiên kỷ I, một bộ phận trong nhóm này xuất phát từ Đông Nam Trung Hoa bắt đầu tỏa về phía Nam. Họ là tổ tiên của nhiều cộng đồng Malaysia ở vùng Đông Nam Á hải đảo. Dấu vết của họ có thể theo dõi trên một loại gốm văn dập với những đề tài hình kỷ hà. Từ đó cho đến khoảng 1.000 năm sau công nghuyên, có 4 đợt thiên cư của các tộc người Malaysia ở vùng Đông Nam Á hải đảo và ven biển đất liền, gồm cà miền châu thổ Sông Cửu Long.
Trong suốt thiên kỷ I trước công nguyên, trong một đợt thiên cư lớn của người Nam Đảo về phía Tây quần đảo Indonésie, vào vùng vịnh Thái Lan, và có thể vào đến vịnh Bengal và Ấn Độ Dương, các dân tộc này đã tiếp xúc với các cộng đồng nói tiếng Môn – khmer. Họ là những người đầu tiên tiếp xúc với người Ấn Độ và mang những yếu tố văn hóa Ấn Độ đầu tiên trở về phỏ biến ở vùng ven biển Đông Nam Á đất liền và hải đảo (2). Vào khoảng thế kỷ V trở về sau, trong việc trao đổi sản phẩm, có thể họ đã gặp những thương nhân hàng hải đến từ miền Địa Trung Hải.
Sự đan xen của các dân tộc và các nền văn hóa đã tạo ra một cơ tầng bản địa vô cùng phức tạp ở Nam Đông Dương và đặc biệt ở châu thổ Sông Cửu Long, vùng bản lề của các cuộc thiên cư từ đất liền ra hải đảo và từ hải đảo vào đất liền trong các thời đại đá mới và sơ sử (thời đại đồng và sắt).
Thời đại đá mới ở châu thổ Sông Cửu Long là một giai đoạn đá mới muộn. Những công cụ bằng đá mài vẫn còn được chế tác và sử dụng trong các thời đại đồng và sắt, thậm chí cho đến những thế kỷ đầu công nguyên. Đây là một tập hợp của các văn hóa Nam Đảo kéo dài trong thời gian nhiều thiên kỷ và trải rộng trong không gian đất liền, có sự tiếp xúc và cộng cư với những tộc người nói tiếng Nam Á.
(1) Georges Coedès, The Making of South East Aisa (Les Peuples de la Péninsule Indochinoise, l’ Paris, 1962). Bản dịch H.M. Wright, University of California Press, 1966.
(2) G. Solheim II Reflections on the new data of Southeast Asian prehistory: Austronesian origin and consequence, Austronesian Linguistic, Jan. 1974, Honolulu, Hawai.