Đất Gia Định 10 Thế kỷ đầu Công Nguyên – 13

Bài viết được Sưu tầm từ tài liệu Điện tử của Thư viện Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh. Do sơ suất, tôi không tìm ra được tên Tác giả bài viết, cuối bài chỉ ghi “Tháng 11.1985 – Tháng 8.1997”. Tôi đoán là thời gian tác giả biên soạn và sưu tầm tài liệu.

Nội dung Bài viết rất chi tiết và dựa trên nguồn tài liệu phong phú, đáng tin cậy. Đây là nguồn thông tin quí giá nên tôi xin phép được chia sẽ trên website này, mặc dù chưa thể đề tên tác giả. Chân thành cảm ơn tác giả đã dày công tra cứu và biên soạn.


Phần III: Văn hóa Khảo cổ và tiến trình lịch sử ở đất Gia Định

Đời sống Văn hóa

Trò giải trí bình dân và phổ biến ở Phù Nam là đá gà, chọi heo và nuôi chim, thú. Người dân thích chạm trổ, tự trang hoàng lấy nhà cửa của mình. Săn bắn là một sinh hoạt kinh tế quan trọng, đồng thời là một thú tiêu khiền, đối với cả lớp người quyền quí. “Nhà vua rất thích đi săn. Khi nhà vua đi săn, mọi người đều cưỡi voi và cuộc săn bắn kéo dài hàng tháng.”

Với sự lập quốc của Phù nam, lần đầu tiên chữ viết xuất hiện ở châu thổ Sông Cửu Long. Đây là một yếu tố mới khá quan trọng có thể giúp tìm hiểu phần nào tư tưởng và đời sống tinh thần của các cư dân trong vùng từ khoảng đầu Công nguyên trở về sau. Người Phù Nam “có sách và văn khố … Chữ viết của họ giống chữ của người Hồ (ở Trung Á). Văn tự tìm thấy trên những minh văn và trên những di vật bằng vàng, bùa đeo của Phù nam là loại chữ Phạn cổ. Đây là loại văn tự uyên bác chỉ phổ biến trong giới tăng lữ và quý tộc cung đình. Tuy nhiên, qua một thời gian truyền bá, một số từ đã trở thành quen thuộc đối với cả người bình dân, tìm thấy trên những vật dụng hàng ngày như nhẫn, bùa đeo, con dấu riêng v.v … Trên một số bùa đeo và con dấu từ những di chỉ Óc Eo, Georges Coedès đã đọc được những từ dhanikam (vật quí báu), dhanapati (sở hữu chủ), apramadam (hãy coi chừng). Trên những di vật bằng vàng ở Đá Nối có khắc những từ paduma (hoa sen), hansa (phượng hoàng) … Bia ký tìm thấy ở Gò Bường (Đồng Nai, 1989) có những từ bhuvi (địa cầu thế gian), bhavana (tồn tại loại người), bhavina (sự sinh sản), mlatti (tan biến, tàn úa) v.v…

Sự xuất hiện chữ viết lần đầu tiên trong một xứ thường trùng hợp với thời kỳ hình thành nền văn minh đô thị hay sự ra đời của Nhà nước cổ đại, và đó cũng là trường hợp của Phù Nam. Chữ Phạn đã xuất hiện ở Phù nam vào thời kỳ lập quốc và đã trở thành văn từ chính thức của triều đình và của các đền thờ. Vào thời đại Óc Eo, ở miền châu thổ Sông Cửu Long đã hình thành và phát triển nhiều khu đô thị rộng lớn. Số lượng và mật độ của những di chỉ kiến trúc, cư trú và mộ táng của Phù Nam rất lớn, phản ánh một nền văn minh đô thị với những biểu hiện xã hội, tư tưởng và tinh thần của nó.

Trong đời sống văn hóa, ngoài những trò giải trí thông thường, ở một trình độ cao hơn, thi ca và âm nhạc cũng là những nghệ thuật được ưa chuộng ở Phù nam. Trên một mảnh thân gốm Óc Eo tìm thấy ở Kiên Giang có đắp nổi hình một thiếu nữ ngồi đàn một loại thụ cầm nhiều dây, bên cạnh là một người đánh xập xõa. Tam Quốc Chí ghi lại: “Năm thứ sáu niên hiệu Xích Ô (243), tháng mười một, vua Phù Nam là Phạm Chiên cử một sứ bộ qua biếu những nhạc công và sản vật trong xứ.” Chắc hẳn Phù nam có nhiều nhạc công mới có thể đem biếu một số cho triều đình Trung Hoa vào giữa thế kỷ thứ III.

Những minh văn Phù nam phần lớn viết theo thể luật thi của dòng văn chương uyên bác Phạn ngữ, diễn tả nhưng tư tưởng nhân văn, triết học với mỹ từ pháp cao sang và chứa đựng đầy tình cảm thiết tha: Minh văn Gò Tháp, lãnh địa của thái tử Gunavarman, có đạon viết: “Mong rằng người có tâm hồn cao thượng sẽ làm khởi sắc những điều tốt đẹp của thần Bhagavat … Được đến nơi yên nghỉ tối cao của thần Visnu và đạt được một thanh danh to tát, vui hưởng niềm hạnh phúc vô biên.” Minh văn Neak Ta Dambang Dek do hoàng hậu Kulaprabhavati lập, được viết bằng giọng văn đầy cảm hứng bi thương: “Cho người nặng lòng suy tưởng yên giấc ngàn thu nơi lăng tẩm này là vùng Biển Sữa, nằm trên giường đầy những rắn Sesa uốn cong mình, chúc người yên nghỉ nơi đây gồm ba thế giới trong lòng mình, người nằm đây có một đóa hoa sen mọc từ cuống rún, bảo vệ hoàng hậu, chánh cung của quốc vương Sri Jayavarman … với tâm tư trĩu nặng vì những kết quả không tốt của việc làm … dù có điều vui vẻ nhưng thiếu niềm hạnh phúc … đã ý thức được rằng việc thụ hưởng điều lạc thú chóng tàn như bọt nước …”

Trên đây là những đạon văn viết theo nguồn cảm hứng Ấn Độ giáo. Tư tưởng Phật giáo cũng được diễn tả một cách sâu sắc trên minh văn Ta Prohm: “Vinh diệu thay cho kẻ chiến thắng được kẻ thù là tất cả sự đam mê với những dấu vết của chúng. Vinh diệu thay cho kẻ đạt được trạng thái hoàn toàn trong mọi việc …: hiểu được kinh Jina với lòng từ bi và hướng vào hạnh phúc của người khác, mà điểm vinh quang vĩ đại và không có tì vết truyền bá trong khắp kinh vực của không gian … Sau khi cứu vớt được thế giới đắm chìm trong lòng đại dương của ba điều kiện tạo dựng và đạt tới Niết Bàn là vùng đất cao nhất không thể thấy được, không thể so sánh được … đấng Tôn sư ấy mà những thành tích nhằm vào sự tạo hạnh phúc cho muôn loài, hiện nay vẫn còn ban bố hạnh phúc cho kẻ khác.”

Dòng văn chương Phạn ngữ của Phù Nam nói lên những quan niệm, tư tưởng của thời đại về con người, cuộc sống, sự chết và những ước mơ về một thế giới vĩnh hằng nào đó.

Từ đơn giản đến phức tạp, từ những thú vui bình dị, nuôi chim, đá gà, tự làm đẹp mình bằng trang sức, hương liệu, làm đẹp nhà cửa bằng điêu khắc, chạm trổ, làm đẹp xã hội bằng nghệ thuật, âm nhạc, thi ca, cho đến những yêu cầu cao nhất về tri thức và tư tưởng, cùng với kỹ năng xã hội và tính kỹ luật, đời sống văn hóa của người Phù nam phản ánh một trình độ văn minh khá cao của thời đại Óc Eo.


Còn tiếp

Viết một bình luận

error: Content is protected !!