Đất Gia Định 10 Thế kỷ đầu Công Nguyên – 11

Bài viết được Sưu tầm từ tài liệu Điện tử của Thư viện Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh. Do sơ suất, tôi không tìm ra được tên Tác giả bài viết, cuối bài chỉ ghi “Tháng 11.1985 – Tháng 8.1997”. Tôi đoán là thời gian tác giả biên soạn và sưu tầm tài liệu.

Nội dung Bài viết rất chi tiết và dựa trên nguồn tài liệu phong phú, đáng tin cậy. Đây là nguồn thông tin quí giá nên tôi xin phép được chia sẽ trên website này, mặc dù chưa thể đề tên tác giả. Chân thành cảm ơn tác giả đã dày công tra cứu và biên soạn.


Phần III: Văn hóa Khảo cổ và tiến trình lịch sử ở đất Gia Định

Con người và Xã hội Óc Eo

Người Phù Nam, theo mô tả trong các bộ sử Trung Hoa, có nhiều mẫu khác nhau. “Người Phù Nam đen và xấu, tóc quăn, trần truồng và đi đất. Bản tính mộc mạc, và họ không phải là những kẻ trộm cắp”, “Dân xứ Phù Nam rất to lớn. Họ ở trong những ngôi nhà tự họ trang trí chạm trổ lấy. Họ khá hào phóng và nuôi nhiều cầm thú”.

Về tính tình họ: “mộc mạc, hào phóng”; “khả ái và không ưa đánh cãi nhau” và “tinh ma quỷ quyệt”; trên cùng một văn bản trong Nam Tề Thư, và “người dân bản tính tham lam, chẳng có lễ nghĩa phép tắc gì: con trai con gái sống buông thả theo bản năng của họ”. “Tập quán của người Phù Nam nguyên là sống trần truồng và xâm mình, tóc buông ra đằng sau lưng và không biết đến y phục, cả phía trên lẫn phía dưới”.

Những nhận xét khác nhau trên đây cho thấy Phù Nam bao gồm một xã hội đa dạng, khá phức tạp, cũng như bức tranh đan xen của các dân tộc vùng Đông Nam Á đất liền và hải đảo ngày nay.

Về phong tục, tập quán và đời sống xã hội của người Phù Nam, Nam Tề Thư đã gi lại một hình ảnh khá sinh động: “Về hàng hóa, họ có vàng, bạc, lụa là. Con cái các đại gia cắt gấm làm khố, đàn bà thì chui đầu qua một tấm vải làm y phục. Người nghèo che thân bằng một tấm vải thường. Dân Phù Nam làm nhẫn và vòng tay bằng vàng và chén đĩa ăn bằng bạc. Họ đốn cây để làm nhà. Vua ở trong một đình tạ có tầng lầu. Họ làm tường thành bằng rào gỗ. Ven bờ biển có một loại tre lớn, lá dài từ 8 đến 9 bộ; người ta kết những lá ấy để lợp nhà. Dân chúng cũng ở trong những nhà cao (nhà sàn). Họ đóng những thuyền dài 8-9 trượng, rộng từ 6 đến 7 bộ, mũi và lái giống như đầu và đuôi cá. Khi nhà vua ra ngoài thì ông cưỡi voi. Phụ nữ cũng cưỡi voi. Dân chúng giải trí bằng trò đá gà và chọi heo … Thổ sản có các loại mía, thừu lựu, nhiều nhất là cau. Còn các loài cầm thú thì cũng như ở Trung Hoa”

Lương Thư còn cho biết thêm một số chi tiết khác: “Trong nước có vàng, bạc, đồng, thiếc, trầm hương, ngà voi, chim công, chim bói cá và két ngũ sắc … Dân cư ở xứ này không đào giếng. Nhiều chục gia đình dùng nước trong một bàu nước chung. Dân chúng có tục thờ thần linh. Họ làm tượng những thần linh đó bằng đồng, tượng thần 2 mặt có 4 tay, thần 4 mặt có 8 tay, mỗi tay thần cầm một vật nào đó, như một đứa bé, một con chim hay một con thú, hoặc mặt trời hay mặt trăng. Vua đi lại bằng voi, các cung phi và quan lại triều đình cũng vậy. Khi vua thiết triều, ông ngồi nghiêng, chân phải chống gói, chân trái xếp bằng. Trước mặt vua trải một tấm vải, trên đó đặt những hình bằng vàng và những lư trầm. Khi để tang, có tục cạo nhẵn râu tóc. Có 4 cách táng người chết: thủy táng là thả thi hài xuống sông, hỏa táng là thiêu xác, địa táng là chôn xuống đất, điểu táng là để thi hài ra đồng (cho chim rỉa xác).”

Những phát hiện mới về khảo cổ học ở đồng bằng Nam Bộ đã góp phần soi sáng nhiều mặt cho những sử liệu được ghi chép từ hơn 15 thế kỷ trước. Về nguồn gốc con người và xã hội Óc Eo, theo kết quả nghiên cứu của các nhà ngữ học và nhân chủng học, vùng Đông Nam Á đất liền và hải đảo là địa bàn sinh sống và giao lưu của những dân tộc nói các thứ tiếng thuộc hai ngữ hệ lớn Nam Á và Nam Đảo từ nhiều thế kỷ trước Công nguyên và những truyền thống ngôn ngữ đó, cụ thể là tiếng Môn – Khmer và Tiếng Malayopolynesien, với nhiều biến thái, vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay ở các dân tộc trong vùng.

Trong suốt một ngàn năm trước Công nguyên, trong một đợt thiên cư lớn của người Nam Đảo về phía Tây quần đảo Indonesia, vào vùng vịnh Thái Lan, và có thể vào đến vịnh Bengal và Ấn Độ Dương, các dân tộc này đã tiếp xúc với các cộng đồng nói tiếng Nam Á. Họ là những người đầu tiên tiếp xúc với người Ấn Độ và mang những yếu tố văn hóa Ấn Độ đầu tiên trở về phổ biến ở vùng ven biển Đông Nam Á.

Vào khoảng thế kỷ V trước Công nguyên trở về sau, qua việc trao đổi sản phẩm, có thể họ đã gặp những thương nhân hàng hải đến từ miền Địa Trung Hải. Sự đan xen giữa các dân tộc và các văn hóa đã tạo ra một cơ tầng bản đại vô cùng phức tạp ở Nam Đông Dương và đặc biệt ở châu thổ sông Cửu Long, vùng bản lề của các cuộc thiên cư từ đất liền ra hải đảo trong các thời đại đá mới và sơ sử. Xã hội Phù Nam đã được hình thành trong bối cảnh địa lý và lịch sử đó.

Những cốt sọ cổ ở Cạnh Đền (Thnal Mray, Kiên Giang) do Loouis Malleret thu tah65p năm 1944 trên một khu di chỉ thuộc Văn hóa Óc Eo cho thấy một mẫu người cổ tầm vóc  trung bình 1m62 (nam) và 1m60 (nữ), thuộc chủng Indonesien và gần gũi với loại hình người Thượng hiện nay. Những cư dân trước đó ở Đồng bằng Nam Bộ, mà di cốt đã được phát hiện ở di chỉ An Sơn (huyện Đức Hòa, Long An, 1987) có niên đại 2750 ± 45 BP = 800 trước Công Nguyên và ở di chỉ Rạch Rừng (huyện Mộc Hóa, Long An, 1990) có niên đại 2800 ± 45 BP = 850 năm trước Công nguyên đều có những đặc điểm chung tìm thấy trên sọ Óc Eo: “Các bộ xương ở Mộc Hóa thuộc loại hình nhân chủng người Thượng cổ (gần giống Mélanésien), kể cả sọ ở An Sơn có nhiều khả năng cùng loại hình nay.”

Hai sọ cổ tìm thấy ở Gò Tháp (Đồng Tháp) và Óc Eo (An Giang) năm 1984 trên các di chỉ thuộc văn hóa Óc Eo “mang những đặc điểm thường gặp phải ở số đông người Thượng hiện nay, thường được xếp vào tiểu chủng hay loại hình Indonesien (= protomalais/ protoindochinois tùy từng tác giả), di duệ của lớp người này hiện vẫn còn ở Đông Nam Á đất liền và hải đảo” và vào thời đại kim khí, loại hình nhân chủng phổ biến ở vùng ven và ven vùng châu thổ Sông Cửu Long “đã để lại những di cốt ở An Sơn và Samrong Sen (niên đại C14: trên dưới 3000 năm cách nay đôi chút) và tiếp tục tồn tại cho đến thời kỳ sơ sử với những di cốt đã để lại ở Gò Tháp, Óc Eo, Cạnh Đền.

Trong quá trình lịch sử, lớp người này hẳn đã có những quan hệ huyết thống và văn hóa với các tộc người Mã Lai gốc Nam Đảo trong những đợt thiên cư của họ trong vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Một số chi tiết về xã hội Phù Nam chép trong Nam Tề Thư và Lương Thư đã được kiểm chứng trên hiện trường khảo cổ. Những đồ trang sức bằng vàng, bạc, đá quí là một trong những đặc trưng của văn hóa Óc Eo. Di tích tường thành bằng gỗ, nhà sàn được tìm thấy nhiều ở Cạnh Đền, Nền Chùa (Kiên Giang), Đức Hòa (Long An), Óc Eo (An Giang). Ở những di chỉ đó cũng như ở Gò Tháp (Đồng Tháp), vùng đất “chinh phục từ bùn lầy” do thái tử Gunavarman cai quản, đã khai quật được nhiều di tích kiến trúc, cư  trú, mộ táng thuộc thời kỳ Phù Nam, cùng những dụng cụ sinh hoạt hằng ngày (đồ gốm, gỗ, đồng, chì, thiếc, phế thải bếp núc v.v…) trên những khu di tích tương ứng với những quần cư rộng lớn. Người dân Phù Nam sống thành những cộng đồng có mật độ dân cư  cao trên những diện tích cư trú từ 2 đến 5km2 hay hơn nữa như ở Óc Eo, Cạnh Đền, Gò Tháp, Gò Hàng, Bình Tả, Bảy Núi v.v… Vết tích hằng trăm bàu nước cổ đã được ghi nhận ở huyện Đức Hòa (Long An) và vùng Đồng Tháp Mười (theo Lương Thư, mỗi bàu nước dùng cho nhiều chục gia đình).

Về tín ngưỡng, Ấn Độ giáo (đạo Hindu) rất phát triển ở Phù Nam. Nhiều ngôi đền và tượng thần Ấn Độ giáo (Brahma, Visnu, Siva và những vật thờ liên quan) đã được khai quật trên các di chỉ Óc Eo: Nền Chùa (1982-1983), Óc Eo (1944-1983, 1984, 1993), Gò Tháp (1984,1993), Đá Nổi (1985), Cây Gáo (1986-1987), Gò Rộc Chanh (1986), Đồng Bơ (1987), Lưu Cừ (1986-1987), Bình Tả (1987-1989), Gò Thành (1986). Cùng với Ấn Độ giáo, Phật giáo cũng rất phổ biến vào các thế kỷ Y và VI, mà dấu vết còn lưu lại nhiều nơi trên châu thổ. Nhiều tượng Phật bằng gỗ, đá và đồng đã được tìm thấy trong khu di tích thuộc Văn hóa Óc Eo ở Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vũng Tàu v.v… Năm 484, đặc sứ của Phù Nam tại triều đình nhà Nam Tề là Sa Kỳ Na Già Tiên (Sakya Nagasena) đã dâng lên hoàng đế Vĩnh Minh tờ biểu có một đoạn dài nói về Phật, Bồ Tát, và những khái niệm như ba la mật (paramita, lục hạnh), kiếp, nghiệp chướng, thập địa, luân hồi, tam bảo … Đầu thế kỷ thứ VI, có hai nhà sư xuất phát từ Phù Nam là Sanghapala (Tăng Già Bà La, cũng có tên là Chúng Khải hay Tăng Đường) và Mandra (Mạn Đà La hay Mạn Đà La Tiên) đã qua dịch kinh Phật cho triều đình nhà Lương. Mandra đến kinh đô Trung Hoa năm 503 và từ năm 506, cùng làm việc với Sanghapala ở nhiều nơi, trong đó có một trụ sở gọi là Phù Nam Quán. Cũng theo yêu cầu của triều đình nhà Lương, năm 546, vua Phù Nam đã phái nhà sư Paramartha qua giảng dạy Phật Pháp ở Trung Hoa.

Về tập tục tang lễ trong Lương Thư, những kết quả mới nhất của khảo cổ học mới chỉ xác định được tục hỏa táng tại các di chỉ Nền Chùa (1982), Óc Eo (1983), Gò Tháp (1984, 1993), Đá Nối (1985), Gò Thành (1988), Kè Một (1990). Đặc biệt ở Đá Nối, trong một khu mộ địa gồm 7 mộ hỏa táng, đã tìm thấy hơn 300 hiện vật vàng, và ở Gò Tháp, 7 mộ hỏa táng với hơn 200 hiện vật vàng. Những vật tùy táng này là những lá vàng mỏng khắc họa những đề tài thần linh, biểu tượng Ấn Độ giáo và Phật giáo, hình động vật, thảo mộc và những bố cục hình kỷ hà, một số có khắc chữ; ngoài ra còn những viên đá quí.

Luật pháp ở Phù Nam được phán quyết theo phép thần đoán. “Trong nước không có nhà tù. Phạm nhân thoạt tiên phải nhịn ăn ba ngày, sau đó phải cầm trong tay một lưỡi rìu hay một xích sắt được nung đỏ và bước đi bảy bước. Hoặc người ta thả vào nồi nước sôi những chiếc vòng vàng hay những quả trứng gà và phạm nhân phải dùng tay nhúng vào để lấy ra. Nếu có tội thì tay sẽ bị bỏng, nếu vô tội thì bàn tay không sao cả. Hoặc người ta nuôi cá sấu trong những hào thành hay những thú dữ khác trong một khoảng được vây kín. Phạm nhân bị ném vào hàm thú dữ hay hào cá sấu. Nếu không bị mãnh thú ăn thịt thì đương sự được xem là vô tội và 3 ngày sau thì được phóng thích (…). Hoặc người ta dìm phạm nhân xuống nước, người vô tội không bị chìm, kẻ có tội thì bị dìm sâu.”

Một cách điều tra kẻ gian được ghi lại như sau: “Khi trong nhà một người Phù Nam bị mất cắp, người ta lấy một hũ cơm, mang đến đền thần khẩn xin thần linh chỉ tên ăn trộm. Hũ cơm được đặt dưới chân tượng thần. Sáng hôm sau, chủ nhà lấy hũ cơm đó về và gọi các gia nhân ra, chia cơm cho họ ăn. Nếu là kẻ gian thì trong miệng chảy máu, không nuốt được cơm, trái lại, người vô tội sẽ ăn được cơm ngay. Lối tra án này cũng áp dụng ở Nhật Nam và cả những nước ở vùng biên cảnh.” Những tư tưởng về công bằng và pháp luật trên đây còn rất thô sơ, chưa thành hệ thống pháp lý, so với cách phán xử ở Ấn Độ vào cùng thời đại đó.

Định chế chính trị của Phù Nam ban đầu còn mang nhiều tính chất thị tộc: sự ra đời của triều đại thứ nhất, theo truyền thuyết, là do sự kết hợp giữa thị tộc Mặt Trăng 9Soma) của Liễu Diệp với thế lực thần bí của Hỗn Điền. Vua Phù Nam mang tước hiệu Vua Núi, tiếng địa phương là bNam Kurung, được chuyển qua khái niệm tương đương tiếng Phạn là Sailaraja hay Parvathabhupala. Dưới triều đại Hỗn Bàn Huống, sau khi khuất phục được các thủ lãnh phong kiến ở các nơi, ông đã cử con cháu mình đến cai trị các địa phương với tước hiệu Tiểu vương.

Pham Sư Man (Sri mara) xưng tước hiệu Đại Vương phóng theo tước Maharaja của Ấn Độ. Năm 503, triều đình nhà lương phong cho Kiều Trần Na – Đồ Da Bạt Ma (Kaundynia – Jayavarman) tước An Nam Tướng quân Phù Nam vương. Dưới triều đại Phạm Tầm, “sáng và trưa, vua cho quần thần bệ kiến ba bốn lần. Những người ngoại quốc và dân chúng trong nước dâng lên vua những tặng phẩm như chuối, mía, chim muông.

Những chi tiết trên đây về con người, xã hội và triều đình, cho thấy người Phù Nam, kể cả nhà vua và triều đình, nếu đã tiếp thu văn hóa Ấn Độ, thì họ vẫn ứng xử như những người bản địa và còn bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa, những phong tục, tập quán địa phương qua nhiều thế kỷ giao lưu với các nền văn minh của cả phương Đông lẫn phương Tây.


Còn tiếp

Viết một bình luận

error: Content is protected !!