Trịnh Hoài Đức mô tả: Sông An Thông (tục danh là sông Sài Gòn) ở về phía tây nam trấn lỵ, sông cũ từ cầu Thị Thông qua Sài Gòn đến sông Lao, quanh co nhỏ hẹp. Mùa xuân năm Kỷ Mão (1819), Phó Tổng trấn Huỳnh Công Lý đốc suất dân phu trấn Phiên An hơn 11.460 người, chia làm ba phiên, nhà nước cấp cho tiền gạo, đổi đường cũ mở kinh mới, bắt đầu từ cầu Thị Thông đến sông Mã Trường (Ruột Ngựa) dài 2.129 tầm 1 thước (tức 4.514 mét), ngang 15 tầm (31,8 mét), sâu 9 thước (3,82 mét).
Quy đổi theo hệ mét:
1 thước dài 0,424 mét;
1 tấc dài 0,0424 mét;
1 tầm dài 5 thước, tức 2,12 mét;
1 trượng dài 4,24 mét;
1 dặm dài 360 tầm tức 763,2 mét.
Bắt đầu làm từ ngày 23 tháng Giêng đến 23 tháng 4 thì xong. Minh Mạng ban tên là sông An Thông, sâu rộng thuận tiện ghe thuyền kéo dài 10 dặm, tùy nước triều lên xuống mà đi lại, chèo chống hát xướng, ngày đêm nối nhau, thực là nơi đô hội trên bến dưới thuyền, người ta đều khen là thuận lợi!
Trước kia từ cửa Rạch Cát về bắc đến Lò Ngói là một lối vũng trâu, thuyền bè khó đi lại. Năm Nhâm Thìn (1173), Đốc chiến Nguyễn Cửu Đàm đào làm kinh thẳng như ruột ngựa nên nhân đó mà đặt tên. Nhưng lúc đó kinh còn nông nhỏ, nay khơi cho sâu rộng thêm.