Hoàn Ngọc Ẩn cũng tự hối vì chàng bị lượng sóng tình dồi dập trí não của chàng làm cho chàng quên lững lời hứa cùng bạn. Xe kéo về đến nhà, chàng trả tiền rồi chẫm rãi đi vào nhà. Đang khi chàng đi vắng, vợ chồng Năm Mạnh đến nhà và chờ chàng về. Năm Mạnh thấy Hoàn Ngọc Ẩn đi vào, gương mặt lộ vẻ ưu sầu thì hỏi rằng: “Thầy hai đi đâu về mà sắc mặt chẳng đặng vui.”
Hoàn Ngọc Ẩn thở ra và nói: “Tâm sự của tôi khó tiện giải phân, anh đừng mựa chấp. À anh chị qua chơi hay có chuyện chi?”
Vợ Năm Mạnh đưa thơ và nói: “Tôi được thơ của nàng Lệ Thủy đây, trong đó có định ngày giờ bữa thí vỏ.”
Hoàn Ngọc Ẩn giở ra coi thì thấy mấy hàng chữ như vầy:
‘Ít hàng hồi âm cho cô rõ,
Tôi có tiếp đặng thơ của cô xin biên tên vào sổ thí võ, thật đáng khen và tôi đây rất mừng. Tôi xin mời cô ngày 17 tây tới đây đúng chín giờ tối dời gót đến nhà tôi vì là ngày các võ sĩ ở lục châu hội lại tỉ thí. Cô luyện tập món binh khí nào tinh thông thì hãy đem theo cho có mà dùng. Cô có đi thì đi một mình chẳng nên cho ai đi cả. Cô hãy nhớ ngày giờ tôi viết trong thơ nầy đặng đến nhà tôi cho đúng, chẳng cần đi cho sớm nhưng chẳng nên đến trễ, lại nữa xin cô nhớ đem thơ nầy tho, phòng khi người gác cửa hỏi thì cô trình cho người biết mà rước vào nhà.
Mlle Lệ Thủy.’
Hoàn Ngọc Ẩn xem thơ rồi liền day lại ngó Năm Mạnh và nói rằng: “Nàng Lệ Thủy rất cẩn thận, anh tính ngày đó sẽ đi theo chị Năm dự cuộc thi võ chắc là không đặng.”
Năm Mạnh thở ra và nói: “Xin thầy liệu giùm, coi có phương thế nào tôi đi đặng chăng? Cuộc thi võ rất hiểm nghèo, tôi sợ ở nhà tôi sơ sẩy vong mạng thì tôi chết chớ sống không đặng thầy à.”
Hoàn Ngọc Ẩn cười xòa rồi nói: “Anh sao khéo lo thì thôi, hổm rày tôi chỉ thêm giùm chị Năm nhiều thế song kiếm rất độc, tôi dám chắc rằng chẳng có đàn bà nào thắng chị Năm được, vả lại còn ba ngày nữa mới đi thí võ, chị Năm đủ ngày giờ luyện tập cho nhuần nhã. Anh cũng phải dượt quyền với chỉ cho bộ tấn thối vững vàng, không biết chừng vợ Mười Long xin đấu quyền nữa đa. Không sao đâu, anh chớ sợ, anh cứ tin bụng tôi làm chắc.”
Năm Mạnh suy nghĩ một chập rồi nói: “Dạ thưa thầy, nếu thầy định chắc rằng vợ của tôi song kiếm tinh thông thì cần gì tôi phải đi theo làm chi. Tôi xin vâng lời thầy dạy, trong ba ngày nầy, tôi ráng sức dượt giùm quyền cho vợ tôi thêm nhuần nhã.”
Năm Mạnh nói vừa dứt lời bỗng đâu ngoài ngõ Lục Tặc xăng xái đi vào nhà, trên tay lại có cầm một cái thơ.
Hoàn Ngọc Ẩn hỏi Lục Tặc rằng: “Thơ gì mà mầy cầm trên tay đó Lục Tặc?”
Lục Tặc cười và thưa rằng: “Dạ có lẽ thơ của thầy hai ở Vĩnh Long gởi lên, một người phắc-tơ mới đem lại.”
“Sao mầy biết thơ của Đỗ Hiếu Liêm?”
“Dạ ngoài bao thơ có đóng con dấu nhà thơ Vĩnh Long.”
Hoàn Ngọc Ẩn tiếp lấy thơ và nói: “Ờ, có lẽ phải rồi.”
Hoàn Ngọc Ẩn xé bao lấy thơ ra coi hết rồi thì biến sắc, chàng nói với Năm Mạnh rằng: “Không xong, khổ lắm, khổ lắm!”
Năm Mạnh ngạc nhiên hỏi rằng: “Thưa thầy, sự gì mà không xong và khổ lắm, xin thầy cho tôi biết với?”
Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Đỗ Hiếu Liêm gởi thơ nầy cho tôi hay rằng ngày mười sáu tây hoặc có trễ thì mười bảy tây tới đây chàng sẽ lên Saigon và ở lại nhà tôi.”
“Lạ nầy. có khi thầy hai lên dự cuộc thi võ nữa sao?”
“Tôi không chắc đặng, trong thơ nầy chàng chẳng có nói về cuộc ấy. Chàng nói rằng việc nhà vừa yên, nên nhứt định lên chơi với tôi cho có bạn, đặng ôn nhuần bài học lại cho đến ngày xuống tàu ra Hà Nội.”
“Dạ, nếu vậy thì may lắm.”
“May gì, nếu có Đỗ Hiếu Liêm trên nầy thì chắc là tôi lo vụ lấy hoàng ngọc điệp không tiện rồi. Nếu chàng hay thì làm sao chàng cũng cản trở tôi.”
“Tôi tưởng tốt hơn xin thầy gởi thơ nói dối với người rằng thầy mắc đi đâu khỏi không có ở nhà trong lúc nầy và dặn người đừng lên.”
Hoàn Ngọc Ẩn ngẫm nghĩ rồi nói: “Tôi làm vậy không đặng, có lẽ nào tôi lấy sự dối giả mà gạt lường gạt một người bạn thân mật được. Tôi tính phải dùng phương nầy … như vầy, anh nghĩ thử có được không?”
Năm Mạnh tỏ sắc hân hoan và đáp: “Dạ thưa hay lắm, thầy tính như thế có chi hay hơn nữa. Bây giờ thầy cho tôi và ở nhà của tôi về đặng dượt võ lại vì ngày giờ gấp rút lắm.”
“Nếu anh có ý lo lắng như vậy tôi đây vui lắm. Kể từ ngày nay anh và chị Năm đừng có đến nhà tôi nữa. Có sự gì tôi biểu Lục Tặc đem tin cho.”