Đây nói qua Hoàn Ngọc Ẩn xuống đến Vĩnh Long, xe hơi chạy trước nhà Đỗ Hiếu Liêm thì chàng thấy họ hàng đến đi điếu đông đặc. Chàng lật đật xuống xe một tay thì xách hoa-ly, một tay xách tràng hoa đi vào.
Đỗ Hiếu Liêm và mẹ vừa thấy mặt Hoàn Ngọc Ẩn thì khóc kể nghe thật là bi thảm. Đỗ Hiếu Liêm thấy Hoàn Ngọc Ẩn xách trên tay một cái tràng hoa thì ngạc nhiên hỏi rằng: “Ủa lạ nầy, Hoàn huynh! Cớ sao anh hay tin cha tôi ly trần mà mua tràng hoa nầy đem xuống vậy?”
Hoàn Ngọc Ẩn tỏ ra sắc bất bình nói rằng: “Bạn thật là tệ quá, bác vô phước mãn phần sao bạn không cho tôi hay. Tôi xin hỏi bạn phiền tôi về lối nào mà yểm tin buồn như thế?”
Đỗ Hiếu Liêm châu mày thở ra đáp rằng: “Hoàn huynh ôi! Nghĩ vì lúc nầy anh có việc tư nên không muốn cho anh hay sợ anh phế việc tư mà xuống đây thì tôi ngại lắm, anh đi thì e nhọc lòng nên tôi tính để mai táng cha tôi rồi sẽ cho anh hay.”
Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Bạn nghĩ như vậy lầm lắm. Nầy bạn phải xét lại, tôi vô phước không cha không mẹ, tôi đối với bạn dường như cốt nhục tình thâm, tôi trọng và mến hai bác dưới nầy như cha như mẹ, nên chi hay tin nầy dường như cắt ruột phân gan. Bạn ôi! Nếu tôi không thấy tờ báo Lục Tỉnh Tân Văn đăng tin bạn cứu nàng Đặng Nguyệt Ánh, bắt đặng hai đứa ăn cướp và đang khi giao chiến, bác vong mạng thì làm sao tôi xuống kịp phân ưu tin nầy với bạn và hữu quyến.”
Nói đến đây Hoàn Ngọc Ẩn ủ mặt ê mày và ứa lụy. Đỗ Hiếu Liêm thấy vậy gạt lệ nói rằng: “Hoàn huynh ôi! Em cam chịu lỗi.”
Hoàn Ngọc Ẩn bèn đem tràng hoa để tại linh sàng, đoạn quì xuống lạy dài. Trống kèn khi đó trổi giọng bi ai. Đỗ Hiếu Liêm lật đật lạy trả lại cho Hoàn Ngọc Ẩn theo lễ. Xong rồi Hoàn Ngọc Ẩn nhớ lại chưa trả tiền thuê xe hơi bèn ra ngoài lấy tiền đem đi trả.
Khi chàng trở vô thì hỏi Đỗ Hiếu Liêm rằng: “Bạn tính bữa nào đưa linh cửu lên phần mộ.”
“Dạ sáng mai, anh tính ở lại dưới nầy hay sao mà trả tiền thuê ô tô vậy?”
“Phải, lúc nầy vụ xin lảnh gia tài của tôi xong rồi nên tôi được rảnh.”
Đêm đó Hoàn Ngọc Ẩn ngủ tại nhà Đỗ Hiếu Liêm, sáng ra đúng 5 giờ rưỡi động quan. Đỗ Hiếu Liêm giữ theo tục Việt Nam đầu đội mũ bạc, lưng buộc dây rơm, tay cầm gậy tang đi tách một mình theo kề một bên giá triệu, còn Hoàn Ngọc Ẩn đi theo họ hàng sau linh cửu. Khi đưa linh cửu lên đàng Hoàn Ngọc Ẩn thấy một nàng sắc phục tuy tầm thường, trên đầu có bịt khăn tang, trông vào sắc mặt ưu sầu mà hẳn thật một tay sắc nước hương trời thì thầm khen lắm. Mỗi khi chàng đi đặng một đỗi đàng thì chàng trộm ngó nàng cho thỏa dạ mới đành đi tới.
Thổ mộ chẳng xa nhà nên đi chừng nửa giờ thì đến nơi, khi hạ rộng mẹ Đỗ Hiếu Liêm khóc kể tưng bừng. Thương thay một đôi bạn đến tuần tuổi da mồi tóc bạc tình thâm đạo trọng mà phải chích đôi ly biệt nhau một giấc ngàn thu, đau đớn nầy văn nào tả ra cho cùng. Mẹ của D(ỗ Hiếu Liêm nhào lăn khóc kể và quyết gieo mình xuống huyệt mà chết theo ông cho chung tình sống đồng tịch đồng sàng, chết đồng quan đồng mộ. Bà con thấy hết sức ngăn cản mới được.
Khi mai táng xong rồi và khi về nhà vừa rảnh việc sắp đặt trong ngoài, Hoàn Ngọc Ẩn thấy Đỗ Hiếu Liêm ưu trí sầu não nên mới ra huê viên đàm đạo cho tiêu sầu giải muộn. Nói chuyện nầy sang chuyện nọ, bỗng chút Hoàn Ngọc Ẩn nhớ đến nàng tuyệt ắc bèn hỏi Đỗ Hiếu Liêm rằng: “Nầy bạn, hồi sớm mai khi đi đưa linh cửu bác, tôi có thấy nàng nào mà nhan sắc đẹp cực kỳ và có để tang vậy bạn?”
Đỗ Hiếu Liêm đáp: “Hoàn huynh vẫn còn cái tánh cũ hoài, nàng lịch sự mặc nàng, anh hỏi đến là có ý gì vậy?”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe Đỗ Hiếu Liêm đáp lời có ý trách chàng, thì có hơi thẹn. Chàng gắng gượng chữa lỗi mà rằng: “Bạn khéo chận lời làm cho tôi dửng dưng, số là tôi thấy nàng để tang mà đưa linh cửu của bác nhưng không rõ nàng có bà con với bạn chăng, nên hỏi chớ có ý gì lạ đâu.”
Đỗ Hiếu Liêm cười chúm chím và nói: “Nàng đó tên là Đặng Nguyệt Ánh, lịnh ái của quan Đốc phủ sứ Đặng Nghiêm Huấn mới thất lộc gần được một tháng nay. Ấy là nàng tôi cứu khỏi bị bọn Thanh Long bắt hôm nọ đó.”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe nói đến tên của ông Đặng Nghiêm Huấn liền sức nhớ đến hoàng ngọc điệp chàng tính lấy lại mà trả cho ông. Bây giờ hay tin ông khoãn rồi thì chàng tính hoàng ngọc nầy phải giao lại cho nàng Đặng Nguyệt Ánh, chàng chắc có lẽ nàng lớn hơn hết vì trong thơ của Đặng Thất Tình gởi về cho thân sinh có nói rõ rằng chàng còn hai đứa em trai còn niên ấu. Ta muốn rõ chắc thế cũng nên hỏi Đỗ Hiếu Liêm, có lẽ chàng rõ đặng chút ít.
Hoàn Ngọc Ẩn hỏi Đỗ Hiếu Liêm rằng: “Nầy bạn, không biết quan phủ có một mình nàng Đặng Nguyệt Ánh là lớn hay là còn ai nữa.”
Đỗ Hiếu Liêm đáp: “Bây giờ hỏi phăng tới đa!”
Hoàn Ngọc Ẩn túng cùng phải nói dối rằng: “Phải, nhưng tôi muốn hỏi cho biết, vì tôi nhớ dường như khi xưa tôi có quen biết một người con của ông.”
“Vậy sao? Để tôi nói cho anh nghe. Tôi không biết gia quyến của ông cho lắm, nhưng có nghe người ta nói rằng nàng nầy có hai người anh lớn hoang tâm mê một nàng nào ở Sài Gòn, sau bị ông từ và cả hai tức mình chi mà tự ải cả, duy còn một nàng nầy là gái và hai đứa con trai còn nhỏ dại mà thôi. Đó anh có thấy hay không? Vì nhan sắc mà hai người con trai lớn của ông phải hủy mình thể ấy?”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe Đỗ Hiếu Liêm nói thì ngụ ý rõ ràng chàng có ý nói khuyên mình thì nghĩ thầm rằng: “Ta gẫm ra trên đời nầy có một mình Đỗ Hiếu Liêm nầy là lạ hơn mọi người, vậy cũng nên sửa tên chàng là Đỗ Hiếu Sắc. Nàng Đặng Nguyệt Ánh nầy sánh với nàng Lệ Thủy thì
‘Mai cốt cách tuyết tinh thần,
Một người một vẻ mười phân vẹn mười.’
Thôi để ta thử ý chàng coi thể nào?”
Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Nầy bạn; tôi tưởng bạn cũng lớn rồi, bạn đã làm việc nghĩa cho nàng Đặng Nguyệt Ánh, vậy bạn cũng nên cưới nàng làm vợ, vì nàng vốn là con nhà trâm anh thế phiệt. Nếu bạn tính việc đó thì có lẽ dễ lắm.”
Đỗ Hiếu Liêm nói: “Anh khéo bày chuyện trớ trêu. Anh xét lại mà coi, dầu nàng Đặng Nguyệt Ánh vốn bực lim môn cùng sân ngọc bội đi nữa, tôi đây công danh còn đang gắng chí lo toan, hà tất lấy việc tóc tơ làm trọng hay sao?”
Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Ai biểu bạn bỏ dẹp công danh đang buổi nầy mà lo việc đó hay sao mà bạn khéo gạt lời của tôi phân trần hơn thiệt.”
“Vậy chớ anh tính lẽ nào?”
“Bạn phải nghĩ công danh phú quí là lo cho mình ngày sau chiếm cái địa vị cao sang, còn lương duyên là việc quan trọng của mình về phần đời, trăm năm vĩnh viễn. Vả chăng nàng Đặng Nguyệt Ánh thật là một nàng đúng bực thuyền quyên. Tục ngữ rằng ‘Mua heo chọn nái, cưới gái chọn dòng’. Bây giờ bước đàng công danh bạn đi chưa tới chốn, đây chẳng còn bao lâu nữa phải ly hương chuyên lo đèn sách một năm trường, nếu bạn cưới nàng rồi đang khi tình âu yếm mặn nồng dứt bẩn nhau ra ngàn dâu không gặp mặt thế có phải là đạon trường chăng? Nỗi e vì thơ thẩn bờ sông (1), dạ thê lương mà tơ vương trí rối, học tập không thành. Vậy thời khẩn đất phải cắm ranh, muốn ngày sau bạn cùng nàng khỏi lỡ duyên lỡ nợ thì phải làm một cái hàng rào thưa thì hoa tịnh đế không người bẻ đặng.”
Đỗ Hiếu Liêm cười gằn và hỏi rằng: “Hoàn huynh nói làm một cái hàng rào thưa ngăn người hái hoa thế là muốn nói chi vậy?”
Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Té ra bạn không hiểu sao? Thế là vầy, bạn cũng nên đi hỏi nàng và đi một cái lễ sơ vấn như nàng nhậm thì bạn cứ việc đi học chừng nào công thành danh toại rồi thì về cưới nàng.”
Đỗ Hiếu Liêm nói: “Lời của anh phân nãy giờ xét ra rất hữu lý, thế mà như nàng nào kia, chớ như nàng nầy thì không tiện cho tôi đi nói anh à,”
“Sao lạ vậy, hay là bạn sợ cái sắc của nàng phải không?”
“Không! Anh cũng biết nàng Đặng Nguyệt Ánh là bực khuê hương tú các nhưng là phường trên bộc trong dâu, đó anh à.”
“Ý gì mà bạn nói thế.”
“Để tôi thuật lại việc tôi đánh Thăng Long cho anh nghe và gặp nàng thể nào.”
Đỗ Hiếu Liêm bèn thuật lại từ khi đi du hồ trở về gặp ghe Đặng Háo Thắng cho đến khi cứu nàng Đặng Nguyệt Ánh, chàng lại nói rằng: “Anh nghĩ coi, đến nước đó mà nàng không nhào xuống sông mà chết cho rồi lại tham sanh húy tử, như vậy mà sống làm chi, có phải nhơ danh xấu tiếng chăng. Một nàng như vậy có ra gì, dầu bực công chúa đi nữa tôi cũng không màng đến mà.”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe Đỗ Hiếu Liêm nói thì ngạc nhiên, ngồi cúi đầu tự nghĩ mà rằng: “Lạ nầy! Không lẽ Đặng Nguyệt Ánh sợ chết mà theo bọn ăn cướp nầy làm cho Đỗ Hiếu Liêm trách nàng, chê nàng, như vầy thì phải lắm. Ờ hay là …”
Hoàn Ngọc Ẩn ngước mặt lên nói với Đỗ Hiếu Liêm rằng: “Lời bạn trách Đặng Nguyệt Ánh nghe qua cũng phải, nhưng tôi nghĩ ra không lẽ con dòng cháu giống mà tâm tánh đáng khinh bỉ như thế, bạn phải cạn xét cho nàng nhờ, chớ có vội nghi ngờ e lầm lạc thì tội nghiệp nàng lắm.”
Đỗ Hiếu Liêm suy nghĩ một hồi rồi nói: “Thôi thôi anh chớ nói qua chuyện đó nữa, thiếu chi phụ nữ phi thiểu giả, chĩ khủng kỳ thân danh bất dự hà sầu thê thiếp chi vô hồ.”
Hoàn Ngọc Ẩn thấy Đỗ Hiếu Liêm chặt dạ và dùng lời khẳng khái thì thở ra lấy làm bất bình nên chàng phải nói sang chuyện khác.
Hoàn Ngọc Ẩn hỏi Đỗ Hiếu Liêm rằng: “bạn học nghề võ với ai mà siêu quần bạt tụy, bấy lâu tôi không dè,”
Đỗ Hiếu Liêm cười và nói: “Có chi đến thế, anh khéo khen dồi lên, tôi đây ngại lắm.”
“Thôi đi bạn, bấy lâu nay tôi hằng nghe tiếng thằng ăn cướp độc dữ xưng danh Thanh Long, là tay võ nghệ cao cường nó có hai đứa đồng lõa cũng là tay hung thủ, thế mà bạn đánh ngã cả ba, chẳng phải là võ nghệ tinh thông lắ, sao? Bạn trừ được bọn nó thì miệt dưới nầy mới là yên ổn, an cư lạc nghiệp.”
“Ấy là người ta sợ nó mà đồn rùm rằng nó võ nghệ cao cường, chớ nó với Hắc Hổ Bạch Xà võ học có bao nhiêu. Tôi đây học lóm của thân sinh được chút ít mà đánh chúng nó dễ như không có chi mà anh phải khem.”
Hoàn Ngọc Ẩn tự nghĩ mà rằng: “Đỗ Hiếu Liêm khiêm nhượng nên ẩn tài, lý nào Thanh Long bất tài mà tiếng đồn khắp Lục Châu.”
Hoàn Ngọc Ẩn ở chơi tại nhà Đỗ Hiếu Liêm trọn ba ngày mới nhứt định trở về Sài Gòn lo việc lấy hoàn ngọc trả lại cho họ Đặng.
————–
(1) Ngân hà ngăn đàng giao thiệp của Chức Nữ Ngưu Lang.