Nói tiếp qua khi Hoàng Ngọc Ẩn hỏi không được nhà của nàng Lệ Thủy thì lên xe kéo trở về, đến nhà chàng nhớ đến nàng Lệ Thủy chừng nào thì ưu sầu chừng nấy và vẫn ngồi một mình mà suy nghĩ lấy làm kì dị, Hoàng Ngọc Ẩn nói một mình: “Chuyện nầy không nghĩa gì nhưng sao làm ta lo lắng quá, có lẽ là vì dung nghi của nàng hằng lẩn quẩn trước mặt ta luôn hay là ta chẳng rõ tôn tích của nàng thể nào nên làm cho ta uất tức trong lòng: vậy ta phải tìm cho biết nhà nàng ở nơi nào thì mới an lòng đặng.”
Chiều lại đúng năm giờ Hoàng Ngọc Ẩn mướn một cái xe song mã ngồi một mình tréo ngoảy đi khắp nơi trong châu thành Saigon đến 7 giờ rưỡi tối mới trở về ăn cơm. Ăn cơm rồi Hoàng Ngọc Ẩn lại nằm trên một cái ghế xích đu mà xem sách. Chàng xem dứt một đoạn tiểu thuyết tây mà trí vẫn lo ra, đến khi giựt mình nhớ lại thì mới hay rằng: chàng đọc mà không hiểu chi hết. Hoàng Ngọc Ẩn tức giận bèn liệng sách trên bàn rồi đứng dậy chấp tay sau đít đi tới đi lui trong nhà.
Hoàng Ngọc Ẩn đi như vậy trót một giờ đồng hồ đặng suy nghiệm, chàng nghĩ chẳng ra chi cả, bỗng đâu có một người hơ hãi cah5y vào thở gồng hộc vừa hỏi Hoàng Ngọc Ẩn rằng: “Thưa thầy, có phải nhà của ông thầy thuốc Anh-be ở đây không?”
“Phải, mà có chuyện gì chú đến đây, tôi xem bộ sợ hãi và hối hả như thế …”
“Dạ tôi đi rước ông đi cứu cấp cho chủ tôi bị bịnh nặng.”
“Bịnh chi đó vậy?”
“Dạ không biết vì sao người cầm súng sáu bắn vào ngực người. Tôi nghe tiếng súng lật đật chạy vào phòng người thì thấy người nằm dài dưới gạch. Tôi đỡ chủ tôi dậy để nằm trên giường và lập tức chạy đi đây. Thưa thầy ông thầy thuốc ở đâu xin thầy nói giùm đặng rước ông đi theo tôi hầu đi cứu cấp chủ tôi kẻo trễ thì e người phải chết.”
Hoàng Ngọc Ẩn nói: “Ông Anh-be đã qua đời rồi, tôi đây là con nuôi của ông, tôi có học y khoa để tôi thay đồ cứu chủ của chú coi thể nào.”
“Dạ vậy thì may lắm, xin thầy sửa soạn cho mau mà đi với tôi.”
Hoàng Ngọc Ẩn bèn mặc âu phục rất mau, chàng lấy một hoa ly (valise) bỏ nào là dao kéo thuốc ba9ng gòn vân vân rồi lấy nón mà đi theo người nầy ra đường rồi lên xe song mã mà dung ruổi.
Xe chạy riết không bao lâu tới Chợ Đũi và ngừng trước một cái nhà trệt cất theo kiểu tây xem huê lệ lắm.
Người đi rước Hoàng Ngọc Ẩn bước xuống sau rồi đó cả hai đồng vào nhà và đi tuốt vô một cái phòng. Hoàng Ngọc Ẩn lại giường sắt thì thấy một gã tuổi chừng hai mươi lăm đang nằm thiêm thiếp, gã nầy bận một bộ đồ hàng trắng mà bị máu đã nhuộm điều nhiều nơi. Hoàng Ngọc Ẩn bèn mở nút áo của gã nầy ra khán nơi vít vì mũi súng, đạon chàng mở hoa ly lấy dao kéo và băng gòn thuốc vân vân, đặng ra tay cứu cấp.
Hay đâu gã nầy tỉnh lại mở mắt ngó Hoàng Ngọc Ẩn và hỏi rằng: “Có phải ông đến cứu tôi chăng?”
Hoàng Ngọc Ẩn đáp rằng: “Phải đó.”
Gã nầy sửng sốt nói rằng: “Ý đừng, không nên. Tôi đã toan dứt nợ trần, ông chớ cứu làm gì. Tôi nhắm thế tôi chẳng còn sống mấy phút đồng hồ nữa đâu, xin để tôi chết bằng an.” Gã nầy nói dứt lời thì lệ rơi tầm tã.
Hoàng Ngọc Ẩn nói: “Xin thầy đừng tính như vậy không nên, xin để tôi cứu cấp, thầy hãy nằm an tôi cho thầy hít thuốc mê rồi mỗ lấy đạn ra thì chắc là tôi cứu được, vì tôi thiện nghệ về nghiệp nầy lắm.”
“Tôi cảm ơn ông lắm nhưng chớ cứu tôi làm gì. May mà tôi gặp ông đây tôi xin ông giúp giùm tôi một việc thì nơi chín suối tôi hằng nhớ đến ơn ấy luôn.”
Hoàng Ngọc Ẩn nghe nói cảm động không cùng, chàng châu mày và nói: “Thầy muốn tôi giúp giùm việc chi, xin khá nói tôi tường thì tôi sẽ tận tâm lo cho thành sự.”
Gã nầy bèn lấy trong túi ra hai phong thơ đưa cho Hoàng Ngọc Ẩn và nói: “Đây là hai cái thơ ông coi gởi cho ai thì khá đem giùm đến; tận tay người thâu khán, tôi có đề tên rõ ràng ngoài bao.”
Hoàng Ngọc Ẩn lấy một cái thơ lên coi thì thấy đề vầy: “Madamoiselle Lệ Thủy à Saigon”. Hoàng Ngọc Ẩn ngạc nhiên lật đật hỏi rằng: “Ủa nàng Lệ Thủy d8ây mà, vậy chớ còn nhà cửa ở đâu?”
Gã ấy thấy Hoàng Ngọc Ẩn biến sắc và hỏi như thế thì nói: “Ông biết nàng Lệ Thủy hay sao?”
“Tôi biết tên và biết mặt song chẳng biết chỗ ở.”
“Thôi thôi ông chớ lãnh lấy thơ nầy làm gì.”
“Sao lạ vậy?”
“Nếu ông thương tôi muốn gánh vác việc nầy tôi e một ngày kia ông cũng lâm trong cảnh ngộ nầy như tôi mà chớ!”
Hoàng Ngọc Ẩn nghe qua lấy làm lạ quá, chàng suy nghĩ một chập, đoạn nói dối rằng: “Thầy chớ tưởng vậy mà lầm, tôi đây vốn là bà con với nàng, bấy lâu nay tôi gằng tìm kiếm nhà nàng mà không gặp nếu như thầy chỉ giùm chỗ ở của nàng thì có chi may cho tôi bằng. Còn như thầy sợ cho tôi lâm vào cảnh ngộ như thầy thì là vì ý chi vậy?”
“Nếu thật ông là bà con với nàng thì tôi tin cậy ông đem thơ nầy giùm, như thế thì tôi mới vững lòng cho phần ông. Cái thơ thứ nhì đây là cái thơ của tôi gởi cho thân sinh của tôi, trong thơ đó tôi có dẫn giải cho rõ tại vì sao mà tôi hủy mình như vậy. Khi ông về nhà thò hãy giở ra xem thì rõ và sau khi xem rồi xin ông phong lại tử tế mà đưa lại giùm cho người.
Như ông có gặp nàng lệ Thủy thì ông đưa thơ cho nàng và tôi khuyên ông chớ gần gũi với nàng không nên.”
“Được, còn nhà nàng ở đâu? Nãy giờ thầy chưa cho tôi rõ.”
“Đường Mayer song tôi quên số nhà. À nhà của nàng ở gần trường đua ngực, ấy là một cái nhà lầu hai từng rộng lớn, ông gặp nhà nào trên mỗi cây trụ cửa ngõ có dựng một trái tim bằng đồng và một cây gươm đâm thấu bên nầy qua bên kia là đó. Châu ôi! Tôi chẳng … sống … nữa … đặng. Tôi cám ơn … ông.”
Nói đến đây gã nầy nắm tay của Hoàng Ngọc Ẩn siết lại sườn như tỏ dấu cảm ơn, đoạn vật mình một cái rồi thờ dài mà trút linh hồn.
Hoàng Ngọc Ẩn ngùi ngùi thương xót, chàng đứng dậy bỏ hai cái thơ vào túi và nói với đứa đày tớ rằng: “Chú hãy lập tức đi báo tin cho cò bót hay đến đây làm ăn-kết.”
Người đày tớ lật đật chạy đi, còn Hoàng Ngọc Ẩn thì kéo ghế ngồi chờ đặng làm chứng. Hoàng Ngọc Ẩn vừa ngồi lại bỗng nhớ đến cái thơ thứ hai nên lấy ra coi thì thấy có chữ đề ngoài bao như vầy: “Monsieur Đặng Nghiêm Huấn nghiệp chủ ở Travinh”. Hoàng Ngọc Ẩn xé bao lấy ra một xấp giấy viết chữ nhỏ rít như vầy:
Trọng kính gởi ít lời cho cha rất yêu dấu rõ:
Ruột đứt tai nghe dạ nào không chết nổi.
Gan rời mắt thấy lòng đâu chẳng đớn đau.
Cha ôi! Con gởi thơ tỏ cạn âm hao, phận thất hiếu kể cùng thêm hổ. Kể từ thuở anh con vì ai mà vùi thân vào bể khổ, làm cho cha hao của muôn phần, sau liều mình tự tử vì nỗi ái ân, con nghe đến huyết tâm sôi sụt. Xin cha xét lại mà coi: niềm huynh đệ sánh như thủ túc, chơn nọ rời hà tấc tay đây lại chẳng đau. Bởi vậy cho nên, con dốc lòng tìm nàng Lệ Thủy mà xem nhan sắc thể nào, mà hiếm chi bực anh hào suy lụy. Một là con gặp nàng con sẽ làm cho nàng nhục bỉ, mới vừa lòng trả oán cho anh, hai là quyết ra tay thiết kế cho thành, đoạt hoàn ngọc (1) mà anh con cho nàng. Con tự phụ chẳng nghe lời cah can nên phải lâm vào cảnh thế nầy:
Số là từ ngày con lén trốn cha mà lên Saigon quyết tìm nàng Lệ Thủy cho gặp mặt, con bền chí dọ hỏi trót nửa tháng trường mới gặp nàng và biết nhà của nàng nữa. Thật là một nàng nhan sắc, hoa ghen nguyệt thẹn, đáng cho là khách nguồn đào. Chẳng phải gặp nàng mà con lụy về sắc tức thì đâu. Một hôm nọ con tìm đến nhà nàng, thật là một cái nhà vừa rộng lớn vừa tốt đẹp, cất trong một ruông đất trồng đủ kì huê dị thảo. Khi con đến nhà nàng thì có một người tớ tiếp rước vào phòng khách và nói rằng: “Xin thầy ngồi chơi một chút chờ cô tôi đi có việc một lát sẽ trở về.”
Con nóng nảy gặp nàng đặng mà sỉ nhục nàng đặng mà cho thỏa lòng chua xót vì tình huynh đệ nên ngồi lại mà chờ.
Người đày tớ rót trà đem ra mời con uống giải khát. Con vì mệt nên dầu mà giận oán nàng thế mấy cũng dẹp qua rồi tiếp lấy chén trà mà uống. Trà nầy thơm ngon lạ kỳ, uống được vào bụng thì tâm thần khoái lạc lạ thường, và lại có chi mà khoái mà tự toại bằng ngồi được trên một cái ghế huê lệ có lót nệm ruột gà, ở ngoài thì bao bằng gấm thêu huê rất khéo, còn trên plafond thì quạt máy cah5y vù vù. Con ngồi ngó chỗ nầy xem chỗ nọ, nhận được là một cái phòng của bực trâm anh đài cát, đến khi con ngó lại trên bàn giữa thì thấy một cái ảnh hình của nàng lộng trong một cái khuôn bằng vàng chạm. Ảnh nầy nàng chụp phân nửa thân mình, đang đứng ôm một nhánh bông vào lòng vừa nghiêng mình, sắc mặt tươi cười vừa hun bông vừa liếc xéo.”
(Hết cuốn thứ nhứt, mời coi cuốn thứ nhì.)
(1) Hoàng ngọc nói đây vốn là một cụm ngọc diệp vô giá rất lớn và tốt đẹp cực kỳ của gia quyến họ Đặng nầy gìn giữ mấy đời để cho con trai nào đầu lòng trong kiến họ dùng làm lệ sính đi cưới vợ.