Ngọc Ẩn ra tài – Phần 1

Con xem tấm hình rồi ngó lại chẳng thấy người đày tớ khi nãy nên cầm lấy tấm hình lên đem lại gần mắt mà xem cho kỹ. Ban đầu con còn hầm hầm giận nàng nên con lấy ngón tay xỉ vào ảnh hình và nói: “Cũng vì mi mà anh ta phải làm cho cha mẹ rầu buồn, cũng vì mi mà hại anh ta phải tức mình tự ái. Mi thật là một con dụng sắc mà cướp của sát nhơn đó. Thật cũng vì mi mà “hoàng ngọc” của gia quyến ta phải mất. Ôi! Mi sẽ coi ta báo oán cho anh ta thể náo nghé.” Con nói một hơi cho đã nư giận của con đến chừng con xem tấm hình lại thì chỉ thấy cái miệng rất hữu duyên như sen nở, chúm chím cười hoài nên chi con tự nghĩ như vậy: Mắng chi nàng, trách chi nàng mà nàng vẫn cười, thế chẳng thẹn hay sao? COn nghĩ như vậy thì ngó lại tấm hình, mà thêm mắc cỡ. Con để tấm hình lại trên bàn mà ngồi ngó nơi khác cho khuây lãng. Chớ như vậy trút một giờ đồng hồ mà chẳng thấy nàng về nên con đứng dậy tính đi về, để bữa khác sẽ trở lại.

Khi con vừa đứng dậy thì người đày tớ ở nhà sau bước lên hỏi con rằng: “Thầy tính về hay sao?”

Con đáp rằng “Phải.” Con lại hứa rằng chiều mai mát trời con sẽ trở lại. Người đày tớ bèn xin con để lại một cái danh thiếp, con chẳng từ chối nên lấy ra mà đưa cho người.

Bữa sau đúng năm giờ chiều thì con đi đến nhà nàng, người ở cũng tiếp rước tử tế và mời con vào phòng khách. Khi vào ngồi an chỗ thì người đó nói với con rằng: “Thưa thầy, rủi quá, cô tôi có việc cần mới ra đi đây, người có lòng trông đợi thầy, nhưng thầy đến trễ có một chút làm ra chuyện lở dở. Cô tôi có dặn cầm thầy ngồi uống trà mà chờ cô tôi trong chừng nửa giờ chắc sẽ về đến.”

Con nghe nói thì buồn trí không cùng nhưng cũng ngồi lại mà chờ. Người đày tớ đem ra một chén trà rồi cũng bỏ con ngồi một mình mà đi ra nhà sau. Con ngồi chơi bỗng nhớ lại tấm hình thì cầm lên mà coi lại nhưng ảnh hình hôm nọ đã đổi rồi. Ảnh hình nầy nàng Lệ Thủy nằm trên một cái giường bằng thau chạm trổ khéo léo cực kỳ, cái cách nàng nằm, nét mặt nàng day lại hai phần, rồi lại cặp mắt của nàng liếc qua; con càng xem đến chừng nào thì sự giận của con nó tiêu lần đâu mất. Con nghĩ lại dầu thành thần tiên phật chi xem đặng tấm hình nầy cũng thở ra mà nói rằng: “Đó là một tòa thiên nhiên, ở chốn cung trăng thềm quế.”

Con xem tấm hình rất lâu mà không mỏi mắt rồi đó con lại nói thầm rằng: “Nhìn xem cái gương mặt nầy tươi tốt tợ hoa, tinh thần tợ tuyết, có lý nào một nàng như vầy mà độc ác hay sao, độc địa ấy chẳng qua là tại mình đó thôi.”

 Con ngồi chờ đợi gần một giờ đồng hồ mà chẳng thấy nàng về thì tức tối trong lòng không cùng nên đứng dậy tính ra về, qua ngày sau sẽ trở lại. Người đày tớ vừa nghe động tiếng giày liền xô cửa phòng, khép ra vào bằng bản lề có ruột gà, cửa phòng nầy chia phòng khách và phòng ăn cơm.

Người đày tớ hỏi con rằng. “Thầy tính về hay sao? Cô tôi sao đi lâu quá không thấy về làm thầy trông đợi thất công, vậy chiều mai đúng bảy giờ tối thầy hãy trở lại, giờ đó có tôi ở nhà dùng cơm, người chẳng hề đi đâu vắng trong giờ đó cả.”

Con hứa lời sẽ trở lại, rồi đó con lấy nón đội trên đầu mà đi về.

Qua ngày kế đó đúng bảy giờ thì con đà đi đến nhà nàng, khi vào phòng khách người đày tớ đó nói với con rằng: “Bữa nay có cô tôi ở nhà, nhưng đang dùng cơm lỡ, xin thầy ngồi chơi mà chờ một lát.” Nói dứt lời người ở cũng đem trà ra rồi để con ngồi một mình mà đi ra nhà sau. Con ngồi vừa yên chỗ, bỗng nghe tiếng đờn tây đánh thanh thao thâm trầm rỉ rả và mùi thơm ngào ngạt trong phòng ăn bay ra.

Lâu lâu con nghe giọng cười tao nhã và tiếng nói điệu đàng rất hữu duyên rằng: “Món nầy cô ăn vừa miệng quá … bộ chén bằng vàng nầy chạm khéo coi thật là đẹp mắt, cô mua được bộ nầy cô ưng bụng vô cùng.”

Con ngồi chờ gần mười lăm phút đồng hồ mà chẳng thấy nàng ra nên con bực bội không cùng. Con thấy chẳng có ai ở tại phòng khách, nên tọc mạch làm gan nhón gót đứng dậy rồi nhẹ bước rón rén đi xéo lại cửa phòng ăn lên dòm kẹt cửa mà dòm vào cho biết nàng dùng cơm với ai ở trỏng.

Cha ôi! Con viết đến đây mà tỏ ra chẳng khác nào con đi gập ghềnh trên mé vực thẫm mà rồi con phải gieo mình xuống đấy.

Con dòm vào kẹt cửa thì thấy một cái bàn bằng cẩm lai chạm trổ theo kiểu tây mà lại có cẩn ốc rất đẹp, trên đó thì mỗi vật đều toàn bằng bạc và vàng chẳng khác nào mâm vàng chén ngọc của mấy vì vương đế. Nàng Lệ Thủy thì ngồi một mình day mặt ra một bên có một đứa tớ gái cầm một cây quạt lông có ngà mà quạt nhẹ nhẹ; gần bên bàn có một cái lư hương dốt thứ gì mà mùi thơm rất dịu chớ chẳng phải là hương của mình thường dùng đâu.

Ôi! Nói chi đến cái cách ăn mặc của nàng, con chẳng muốn viết ra làm chi, thế mà không viết ra cho trọn thi chẳng đủ lý cha tin vì nàng phải làm cho một người như con chủ ý đi trả thù cho anh mà phải lụy. Con xin tỏ thật: Nàng mặc một cái áo bằng hàng Bombay trắng như tuyết không có tay, còn cổ thì khoét trống dài xuống hình như trái tim đến xuống nữa cái ngực (1) xem đến cho kỳ tất thấy dạng cặp nhũ hoa vừa trắng vừa hồng …”

Hoàng Ngọc Ẩn xem đến đây bỗng đâu công cò với đứa ở của gã tự tử nầy đến. Hoàng Ngọc Ẩn bèn xếp xấp giấy nầy lại rồi bỏ vào túi. Chàng đứng dậy chào ông cò rồi thuật lại rằng chàng hay tin gã nầy dùng súng lục liên tự tử nên đến cứu cấp nhưng gã nầy chẳng cho, gã nầy sống không mấy giây phút rồi chết. Ông cò bèn lại giở áo của gã nầy lên coi thì thấy nơi ngực có một cái vít rất sâu, vì viên đạn bắn vào. Ông lục trong túi thì thấy một cái bốp-phơi (portefeuille) bằng da vàng sậm, trong đó có một cái giấy thuế thân, tên chàng là Đặt Thất Tình và một miếng giấy viết mấy hàng như vầy:

“Sanh nghề tử nghiệp.

Tôi mạo hiểm lặn lội trong bể tình nên chi phải đắm duối rồi chết trong kiếp thanh niên. Ôi! Xuân chưa tàn mà phải từ đây cốt rụi xương tàn, tất là tôi dụng viên dạn của cây súng lục liên vô tình cho khuất mắt cái nhơn tình thế thái. Ai ôi! Chớ mạo hiểm như tôi mà phải xuống dạ đài mới là tỉnh ngộ được!

Dưới ký tên: Đặng Thất Tình.

Mấy câu nầy viết bằng chữ Pháp, nên ông cò đọc rồi, thì thở ra mà rằng: “Thương thay, một người phong tư tuấn nhã chết vì tình.” Ông bèn trao thơ nầy cho Hoàng Ngọc Ẩn xem. Hoàng Ngọc Ẩn xem rồi bỗng nhiên cảm giác khuấy rối trí chàng và rồi làm cho chàng hồi hộp vô cùng.

Ông cò lấy lời khai của Hoàng Ngọc Ẩn và người đày tớ rồi liền nói với Hoàng Ngọc Ẩn rằng: “Thôi mọi việc xong rồi thầy đi về được.”

Hoàng Ngọc Ẩn nghĩ việc nầy chẳng can dự chi chàng nên lấy nón đội lên đầu, tay xách hoa ly đi ra đường kêu xe kéo mà đi về nhà (2). Hoàng Ngọc Ẩn đi một đỗi đàng mới kêu được một cái xe kéo chàng vừa bước lên ngồi thi xa phu cập gọng xe vào lông chạy chậm rãi dường như đã có chạy nhiều mối rồi nên đã mệt đuối.

Trên xe Hoàng Ngọc Ẩn ngồi dựa ngửa lấy một điếu thuốc Ăng-lê ra hút còn hai chơn thì tréo nguẩy lên mà suy nghĩ. Chàng nói thầm rằng: “Theo như bức thơ của Đặng Thất Tình nầy thì nàng Lệ Thủy nầy vốn là tay nhà vàng cửa ngọc thế mà cớ gì nàng hại cho người ta tán bay gia sản và lại làm thế nào mà người ta phải liều mình tự tử? Ta xem chưa hết xấp giấy nầy nên chưa rõ căn nguyên, mà hẳn thật nàng lịch sự làm sao trên đời gẫm ra có một. Hôm nọ ta gặp nàng bỗng nhiên thầm thương trộm ái mà biết ta có duyên gì với nàng chăng mà nguyệt lão trớ trêu gây việc ly kỳ khiến cho ta xót ruột nghĩa hiệp bồng sát nàng lên tay mà đem về nhà, cũng nên gọi kỳ duyên xảo ngộ vậy!”

Ờ cũng tại ta không cạn nghĩ gẫm ra có chỗ bậy. Cha chả! Luân lý của con giồng Hồng Lạc nhặt nhiệm hẹp hòi quá. Ờ có lẽ đức Mạnh Tử thánh nhơn ngài viết câu “nam nữ thọ thọ bất thân” nầy mà để cho kẻ tiểu nhơn trí độ hẹp hòi, e phải gặp cảnh ngộ nầy làm điều tồi phong bại tục đó thôi. Còn như câu “chị dâu chết duối em trai chồng vớt lên đó là dụng quyền” sánh lại với câu “thấy chị dâu chết đuối mà không cứu là loài sài lang” như thế thì cũng nên tưởng nhơn tâm đã chính thì cần gì phải nề câu của đức Mạnh Tử viết trên đó. Ta biết nghĩ sâu xa thế nầy tấc cũng nên để ý! …

Ờ còn như hôm nọ nàng đê mê hồn điệp nằm thiêm thiếp trên tay ta, càng trông đến dung nghi của nàng thì chẳng khác một đóa phù dung, một nhành dương liễu ủ dột. Ta gần nàng, ta cận nàng, càng nhìn đến sắc mà ngơ ngẩn cái dung nghi nó lẩn quẩn trước mắt tôi hoài. Như tôi đây bấy lâu chẳng phải là bợm đa tình nhưng từ ngày gặp mặt nàng đến nay dường như tơ điều vướng cẳng. Tôi như vầy mà sánh lại với Đặng Thất Tình nầy, thì khác là bao thế. Người vì thù anh mà còn si lụy vì nàng. Tức tối thay ta coi chưa hết xấp giấy nên chưa nghĩ ngợi chi cho được.

Hoàng Ngọc Ẩn ngồi trên xe mà nóng nảy trong lòng muốn sao về đến nhà cho mau đặng coi thơ cho tất mới an tâm. Chàng bèn hối xa phu chạy mau mà rằng: “Ê chú, nới chơn cho dài thêm một chút mà, chạy sao như rùa bò biết chừng nào tới chốn.”

Tên xa phu nói thầm rằng: “Mệt đuối mà chạy sao nổi, đây đêm về chắc ngủ ngay giò.” Tên xa phu lại đáp với Hoàng Ngọc Ẩn rằng: “Dạ mệt quá chay mau không đặng, xin thầy nhẫn tâm một chút rồi cũng sẽ tới nơi.”

Hoàng Ngọc Ẩn nghe nói nghĩ lại thương xót người mưa nắng dãi dầu nên ngồi làm thinh mà suy nghĩ.

Một chập sau xe chạy về đến nhà, Hoàng Ngọc Ẩn lấy ra hai cắc trả tiền xe rồi bươn bả vào nhà đặng coi tiếp cái chuyện huê tình của Đặng Thất Tình thuật lại trong xấp giấy. Vào nhà chàng kéo ghế lấy xấp giấy đó ra coi thì thấy tiếp theo như vầy:

“Ôi” Cái sắc cực kỳ hoa lệ, cái sắc độc địa là ngần nào!! Hai cánh tay của nàng non nớt như măng, no tròn đều đặn như cặp ngà voi, ngó đến cái ngực của nàng thì trí của con dường như nửa say nửa tỉnh.

Nàng ngồi vừa ăn vừa nói chuyện, lắm lúc lại cười duyên, càng trộm xem chừng nào tất nhiên con tưởng là con lạc lối Bồng lai, bởi rứa mà quên mọi sự trên thế gian nầy cả. Con đứng xem chưa mỏi mắt mà nàng đã ăn cơm rồi, nàng đứng dậy nhẹ thảo gót sen mà đi vào một cái phòng chi con không rõ. Cái cốt cách của nàng yểu điệu như nhành mai xao động vì cơn gió. Nàng vào phòng trong chừng ít phút đồng hồ lại trở ra, con xem lại thì thấy nàng bận một bộ đồ hàng màu hường may theo kiểu đâu nước Nhựt làm cho nâng cái sắc nàng lên nữa. Khi con thấy nàng đi ngay lại cửa mà ra khách thì con nhơn gót thối lui trở lại ghế mà ngồi trong lòng hồi hộp, trái tim nhảy “thụi thụi”. Con đến nhà nàng là chủ ý gặp mặt thốt ra lời xỉ mạ, thế mà khi nàng xô cửa bước ra thì vì sao mà con rụng rời kinh khủng.

Nàng cúi đầu dịu dàng miệng lại cười chúm chiếm thốt lời chào con mà rằng: “Chào thầy, có phải thầy có đến nhà em hai lần trước mà chẳng gặp em chăng?”

Cha ôi! Những sự định tính của con vào trong cảnh ngộ nầy nó tiêu tán đâu mất, con chỉ sụt sè e lệ trước mặt nàng mà thôi. Khi đó trí con rối tợ tơ vò con chỉ biết một điều là đứng dậy nghiêng mình thủ lễ rồi đáp lời lại rằng: “Phải đó cô.”

Nàng lại tiếp hỏi con rằng: “Thầy quê quán ở đâu và thầy làm việc chi?”

Thấy nàng vốn là bực tú các hương khuê nên con tỏ thật rằng con là con nhà quyền cao lộc cả, từ khi thi đặng bằng cấp tốt nghiệp rồi thấy cha già xong chức đến bực Đốc phủ sứ hồi hưu quí nhàn dưỡng lão, phần thì điền viên rộng lớn không ai xem sóc nên phế bề danh mà lo bề nông nghiệp giúp đỡ cha già, con cũng tỏ thiệt quê quán ở tỉnh nào và vốn là em ruột của người tình của nàng buổi trước. Nàng nghe qua thì tỏ ý vui mừng hậu đãi con rồi giả bộ thương tiếc anh của con lỡ lầm điều chi mà tự tử.

Cha chả, cái nàng làm sao miệng lưỡi quá, nàng dùng lời ngoan lẽ khéo mà chửa tội mình, rồi lại tiếp đãi con rất trọng. Còn như phận con chẳng biết vì ai xui khiến gặp mặt nàng mà chẳng có chút chi hờn giận.

Cha ôi! Trước khi con bỏ nhà mà đi thì con câm câm trong lòng nổi oán mối thù vì chính mình nàng, mà làm cho anh con phải bị cha từ, rồi làm vòng khổ não cho đến khi tự tử.

Con ngồi nói chuyện với nàng trót một giờ đồng hồ mà chẳng thốt đặng lời gì nặng với nàng, lại vẫn nghe nàng phân rằng: ” Anh của con thương nàng chớ nàng chẳng có tình gì cả”; ấy là vô duyên đối diện bất tương phùng. Đêm lần lần một khuya, con không lẽ ở lại lâu nên xin kiếu nàng mà về.

Khi nàng đưa con ra khỏi cửa rồi mời con chiều mai đúng năm giờ trở lại nói chuyện. Con không nỡ chối từ nên hứa với nàng sẽ đến.

Hôm sau, đúng năm giờ chiều thì con đã đến tại nhà nàng. Vừa đi vào phòng khách con thấy nàng đang ngồi tập đánh đờn tây (piano), nàng vừa thấy con thì day lại chào và nói rằng: “Chào thầy mới đến, tôi mới mua cây đờn nầy đặng học đánh chơi, cách vài năm trước tôi có học rồi bỏ, nên bây giờ quên bộn.”

Nàng biết đánh đờn khá lắm, nhưng nói dối với con như vậy rồi nàng lại nói với con rằng: “Tôi nghe nói thầy đờn thứ nầy giỏi lắm, xin thầy đờn ít bản nghe chơi.”

Con nghe nói thật lấy làm lạ vì chẳng rõ làm sao nàng biết được. Sau lại con biết r8àng mấy bữa trước con tới nhà nàng, song nghe nói rằng nàng đi khỏi, mà hẳn thật nàng có ở nhà nàng ở trong buồn lén dòm một cái lổ nên thấy con ở ngoài làm chi cả. Con chờ đợi nàng rất lâu, nên chỉ trong lúc đó con lo ra có nhịp cẳng và hai bàn tay đánh bộ như đánh trên mặt đờn, nên chỉ nàng thấy mà độ trong trí biết con có học thứ đờn nầy.

Thật nàng thông minh tính trời. Nhắc lại nàng nói rất trúng nên con không lẽ yểm tài liền bước lên ngồi đánh ít bản. Con đờn dứt ít bản rồi thì nàng dùng lời khen ngợi lại mượn con dạy giùm.

Từ ngày đó về sau con lân la đến nhà nàng thường lắm, khối tình càng ngày càng hoẳn hoại trong lòng con vì mê nàng mà vật chi nàng muốn, giá đáng bạc ngàn con cũng kiếm tiền mua cho đặng. Vì vậy mà con ăn cắp tiền của cha trên hai muôn đồng mà sắm đồ cho nàng, Thế mà con có đặng trọn điều ân ái với nàng không?

Cha ôi! Nói ra càng thêm hổ. Con xin tỏ thật con có chung gối với nàng ba lần trong một tháng nhưng mà chẳng hề khi nào được:

Thỏa lòng thấu đáo vườn xuân,

Mặc tình thưởng nhụy cho từng giá hoa.

Số là ba lần như một, sau khi con tốn bạc muôn với nàng rồi, một đêm kia con đến nhà nàng vầy tiệc mâm cao cổ đầy, nào là món ngon vật lạ, yến ẩm vui vầy đếm mười một giờ khuya mới cùng nàng vào phòng chung gối. Có chi mà hoan lạc khác thường bằng lên nằm được trên giường của nàng mà con đã tỏ ra về tấm hình chụp.

Vừa nằm an có chi là khoái bằng mùi thơm ngào ngạt còn vóc ngọc kề cận bên mình. Thật là:

Ngọc tốt, ngọc gần xem rất đẹp,

Người xinh, người cận thấy càng say.

Cái miệng nàng cười, những lời nàng thốt, con gẫm lại chẳng có tiếng đờn gì mà làm cho mắt con mê muội đến thế. Đến khi con hôn nơi má đào của nàng một cái rất dan díu, vừa nghe nực nồng mùi hoa thì con chẳng còn biết sự gì cả.

Đến khi con nghe nàng thức con dậy, mở mắt ra thì thấy trời đông, con ác đã tách chơn trời ngoài đường tiếng xe ngựa chạy rầm rầm, con coi đồng hồ lại thì sáu giớ rưỡi. Cha chả là lạ, con nhớ lại vừa hôn nàng một cái mà sao đã sáng rồi.

Khi đó có một đứa đày tớ ở ngoài gõ cửa phòng và nói lớn lên rằng: “Thưa cô, cà phê đổ rồi, mời cô và thầy ra lót lòng.”

Con trổi dậy thở dài một cái tức tối trong lòng không cùng suy nghĩ chẳng ra cớ gì hôn cô một cái hà lý gì mê mang cho đến sáng. Vì vậy, dầu tốn hao bao nhiêu cũng chẳng kể, quyết chung cùng với nàng một đêm nữa, thử coi nàng thể nào, nhưng mà hai đêm sau, vừa nằm nói chuyện với nàng trong mười phút đồng hồ thì đã ngủ mất, đến sáng bét nàng đánh thức dậy mới dậy.

Con gần nàng chẵn mấy tháng mà chẳng kể đến những lời nghiêm huấn của cha, lại làm cho cha trả nợ xả-tri của con thiếu trên một muôn đồng bạc nữa. Con hư như vầy nên bị cha đến tòa vào đơn mà từ con.

Cha ôi! Từ ngày cha từ con và có đăng tin trong các nhựt báo quấc âm thì con hổ thẹn vô cùng. Nàng Lệ Thủy hằng ngày có coi nhựt báo nên hay tin ấy. Nàng biết con chẳng còn phương thế nào mà chạy ra tiền sắm món kia vật nọ cho nàng nữa nên tình của nàng đối với con một ngày một thêm lợt lạt. Nhiều khi con đến nhà nàng nhưng mà nàng ẩn mặt chẳng chịu ra khách.

Ôi! Có sự rầu buồn nào sánh lại bằng cái rầu buồn của con đây. Một là con nghĩ vì làm cho cha mẹ âu sầu nên phải ép lòng mà từ con đặng làm gương cho mấy đứa em dại của con đó, hai là con bị nàng Lệ Thủy bạc đãi thể nầy. Hai sự rầu nầy chồng chập làm cho con đau nặng, thập phần tử nhứt phần sanh, nên con phải vào nhà thương Chợ Rẫy dưỡng bịnh. Khi đó con gởi thơ cho cha hay, nhưng mà cha chẳng còn tưởng đến con nữa. Trong lúc con đau thì con có cho nàng Lệ Thủy hay thử coi nàng có thương tình chăng nhưng mà nàng chẳng ngó ngàng đến con.

Con tưởng con phải chết, nhưng mà cái số mạng con chẳng phải vì bịnh chết đâu. Dưỡng bịnh ngoài một tháng phước đâu con lần lần mạnh lại, gẫm ra là tại con chẳng còn thương nhớ nàng Lệ Thủy nữa nên chỉ bịnh tương ta mới thuyên giảm được. Khi con ra khỏi nhà thương rồi thì trong mình con còn có ba chục đồng bạc mà thôi.

Ôi! Còn gì nữa mà vui mà sướng như khi xưa lên ngựa xuống xe, kìa tình phai bạc sạch, còn nhớ đến nàng Lệ Thủy chừng nào thì con càng chất thù ôm oán chừng nấy, đó cũng vì nàng mà con xa cha, hại cha, và kết cuộc con phải trở nên khổ sở là dường nầy. Con giận cùng trí nên đi giết nàng cho được mới vừa lòng. Con tính như con giết được nàng rồi thì con trở lại giết con chớ chẳng sống lại làm chi cho nhục danh cha mẹ.

Cách ít ngày sau con đến tiệm Cáp-pho (Caffort) mua một con dao rất lớn, lưỡi dài hai tấc, dao nầy của mấy người đi săn bắn dùng để giữ mình đi trong rừng khi cần cấp đối địch với thú dữ. Con mua dao được rồi thì đem về nhà mài lại bên tợ gươm rồi nhứt định tìm nàng mà giết.

Tối lại chừng lối tám giờ con giấu dao vào lưng kêu xe kéo đi đến nhà nàng, con vừa đến nhà thì gặp nàng đang ngồi nói chuyện với một gã công tử như con ở trong vườn phía trước nhà. Nàng ngồi ngang mặt với gã công tử nầy, chính giữa thì có một cái bàn nhỏ cô để một chai rượu la-ve sanh-ga-bo (la bìera singapore).

Trong cảnh ngộ đó máu ghen sôi sụt trong lòng con nên con lén vào vườn quyết giết nàng chết trên tay con mới vừa lòng cho. Hay đâu số mạng của nàng chưa tới, nàng nhờ tay công tử nầy võ nghệ cao cường mới cứu được nàng đó: ấu là khi con vừa nhẩy tới huơi dao đâm ngay vào ngực nàng, thì gã nầy dụng thế rất tài bắt tay con mà đạot dao rồi tiếp đà luôn cho con một đà rất mạnh, làm cho con phải ngã nằm dài không sức nào gượng đặng.

Khi đó con nghe nàng nói với gã ấy rằng: “Đừng, đừng có giết người không nên, hãy trả đao lại cho người.”

Kế đó nàng nhận một cái chuông để trên bàn, thì có một người tớ vạm vỡ chạy ra, nàng dạy người đầy tớ ấy không con mà bỏ nằm trên lề ngoài đường, và để con đao đó trong tay con. Con tức mình chịu không nổi phần thì bị một đá vào ngực nên một chập sau con sổ huyết ra lai láng. Con nằm mê mang ước đặng chừng mười lăm phút mới tỉnh lại, con liền kêu xe kéo mà trở về nhà. Cái khổ tâm của con từ đây nói sao cho xiết, con chỉ nằng nằng quyết một giết cho được nàng Lệ Thủy mới nghe.

Một tuần lễ sau con vừa mạnh lại, con liền giấu dao vào lưng mà đi đến nhà nàng một lần nữa. Đến nơi thằng ở giữ cửa nói với con rằng nàng chẳng cho rước con vào. Con tức mình quá trí nên lấy một tấm danh thiếp lấy viết chi mà đề mấy hàng chữ như vầy: “Có chuyện cần xin nàng tưởng một chút tình cho tôi vào phân giải.”

Người đày tớ đem danh thiếp của con vào cho nàng rồi một chập sau ra mời con đi vô.

Đến phòng khách con thấy nàng đang ngồi một mình mà viết thơ cho ai con không rõ. Con sẵn lòng thù nên chẳng đợi nói điều gì cả con rút dao trong lưng ra nhảy đến đâm nàng. Hay đâu nàng rất cẩn thận lẹ tay rút trong tủ ra một cây súng lục liên bắn trúng tay con làm cho con buông con dao xuống đất. May thay viên đạn trúng phớt lát da tay con mà thôi ấy là nàng chẳng muốn giết con chớ thật nàng bắn tài lắm.

Nàng đứng dậy tỉnh táo như thường đoạn liệng cây súng trên bàn, trước mặt con rồi xây lưng bước thẳng vào phòng. Đang cơn nóng giận con chẳng nghĩ chi cả bèn lượm súng lẹ bước theo nàng quyết giết nàng chớ chẳng dung. Con mở cửa phòng thì thấy nàng đang đứng trước một cái tủ kiếng mà xăm soi cái dung nghi của nàng. 

Trong khi đó con giơ súng lên nhắm ngay đầu nàng mà bắn, hay đâu nhờ đứng trước tấm kiếng lớn đó mà nàng thấy con, day lại nói rằng: “Thầy muốn giết tôi thiệt sao?”

Con chẳng đáp lời chi cả con liền bóp cò thì súng nổ nghe một cái “bùm” nàng lách đầu qua, cái mặt kiếng bể nát, phát súng đó trật rồi. Con nhìn lại thì thấy nàng vẫn đứng tỉnh táo như thường, con vừa muốn bắt một phát nữa, hay đâu người đày tớ của nàng nghe tiếng súng khi nãy nhảy vào nắm tay con lại. Con đã có nói người đày tớ nầy vạm vỡ nên chi sức mạnh của người nói không cùng, người nắm tay con dường như một kiềm rất lớn mà kẹp tay vậy.

Trong khi đó nàng Lệ Thủy lại nói với người đày tớ rằng: “hãy dẫn thầy nầy ra đường và giao cây súng lục đó cho người, mặc tình muốn dùng cây súng đó làm chi thì làm.”

Cha ôi! Lâm vào cảnh tình nầy con tủi hổ trăm chiều, con tự nghĩ rằng: “Nàng giao cho con cây súng nầy tấc là biểu con dùng lấy nó mà tự xử lấy mình.” Con về nhà buồn rầu không xiết, con xét lại con đây thất hiếu và lại thất tình: cha từ, tình phụ, sống nữa làm gì. Thù anh chẳng trả mà lụy vì tình, tệ cha chả là tệ, đê tiện cha chả là đê tiện, sống nhục hổ sống chẳng ích chi.

Cha ôi! Con tự tử lấy mình mới phải cho. Khi cha được thơ nầy thì con đã dùng súng lục liên của nàng Lệ Thủy mà giết lấy con rồi.

Cha ôi! Đã biết rằng con đây là huyết nhục của cha phân ra mà tạo thành, dầu mà chẳng đáng gọi rằng con của một người phú qiới như cha, song cha hay tin con hủy mình một cách thê thảm như vầy, thì thế nào không động đến niềm phụ tử tình thâm hay sao, thế mà xin cha chớ buồn rầu làm chi mà e cha thất lộc sớm. Con còn hai đứa em trai nhỏ dại, cái hi vọng trong gia đình của ta chỉ còn trông cậy về hai em con đó mà thôi. Con đây cam tội thất hiếu, vì ai vì lẽ nào mà làm cho tre già khóc măng rụi.

Ôi! Cái tình vô hình chất mà độc địa là dường nào, cái sắc tất là cây gươm ai dễ ngươi với nó tất phải nó đâm thấu trái tim (3) bền nầy qua bên kia.

Còn “hoàng ngọc” yêu dấu lưu đã ba đời, nàng Lệ Thủy còn giữ, nàng chưng trong một cái hộp kiếng khuôn vàng để tại phòng đào, thôi phải đành bỏ cho rồi, quyết đoạt lại thì thêm hại, xin cha đừng tiếc đến làm chi.

Cha ôi! Cái thảm trạng của con đây xét ra chẳng khác nào cái nghĩa câu: “Khi nào người ta tuột xuống một cái dốc, thì chỉ dừng lại được là nơi cuối của dốc mà thôi” của một nữ sĩ Mme de Stael viết (Quand on commence à glisser on ne s’arrête qu’au bas de la pente.) Cái cuối cùng của dốc con nói đây là cái chết đó cha à!

Cha ôi! Cầu chúc cho cha ở lại bình an, hầu lo cái trách nhiệm nghiêm huấn đối với hai em của con còn niên thiếu ấu xanh. Con đây ngàn thu bạc mạng oan bởi chữ tình, ấy là cái số phận của con, con trọng kinh, xin cha khoan dung cái tội bất hiếu của con cho đặng an phần nơi chín suối.

Nay trọng kính.

Ký tên: Đặng Thất Tình.”


(1) Áo nầy kêu là áo “sơ mi” phần nhiều mấy cô văn minh ở Saigon hiện thời thích mặc lắm, chẳng rõ có phải nàng Lệ Thủy là người Annam mặc trước hết chăng???

(2) Ông cò ở lại sau dặn dò đứa ở những sự chi tác giả chẳng muốn thuật lại làm gì cho choáng giấy.

(3) Trên hai trụ cửa ngõ nhà Lệ Thủy có dựng hai hình đồng có gươm đâm qua, ấy là cái điềm để cho người để ý, mà có mấy ai ngờ.

error: Content is protected !!